Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 17/10/2019, 08:06 (GMT+7)
Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên ở Trường Đại học Sao Đỏ

Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Sao Đỏ (Bộ Công thương) đã đào tạo trên 100 nghìn thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân, thợ kỹ thuật, giáo viên dạy nghề, kỹ thuật viên các chuyên ngành: Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa;… góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong quá trình đào tạo, cùng với nâng cao chất lượng về chuyên ngành, Nhà trường chú trọng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, nhằm mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thực hiện vấn đề này, trước hết, Nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các đối tượng về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, xem đây là giải pháp quan trọng hàng đầu. Nhà trường thường xuyên làm tốt công tác quán triệt, giáo dục để cán bộ, giảng viên, sinh viên nhận thức đầy đủ chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên đã được luật hóa, cũng như nhiệm vụ của Nhà trường đối với công tác quan trọng này. Trong đó, tập trung quán triệt Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; các thông tư, chỉ thị của cấp trên liên quan trực tiếp đến tổ chức môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên1. Với phương châm: công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên phải gắn liền với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Nhà trường tăng cường lãnh đạo đối với môn học này; chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với Trường Quân sự Quân khu 3 để huấn luyện, rèn luyện kỹ năng quân sự. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, khoa chức năng bám sát nhiệm vụ, phối hợp tiến hành bảo đảm đầy đủ các mặt cho thực hiện nhiệm vụ này; chăm lo đời sống tinh thần cho sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; tổ chức nhiều hoạt động trong phạm vi Nhà trường, như: Đề án “Trường học an toàn về an ninh trật tự”, tham gia cùng địa phương các hoạt động về quân sự, quốc phòng, an ninh,... để nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho cán bộ, giảng viên, nhất là sinh viên của Trường.

Sinh viên của Trường tham gia khóa học giáo dục quốc phòng và an ninh tại Trường Quân sự Quân khu 3

Những năm gần đây, mặt trái của kinh tế thị trường và mạng xã hội hằng ngày, hằng giờ tác động đến sinh viên, ảnh hưởng đến quá trình giáo dục và đào tạo nói chung, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên nói riêng. Nhận rõ điều đó, Nhà trường đã chú trọng giáo dục, xây dựng cho sinh viên bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ học tập đúng đắn, đạo đức nghề nghiệp tốt, không bị tác động bởi những tiêu cực ngoài xã hội. Sau khi sinh viên tựu trường, Nhà trường tổ chức ngay “Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên đầu khóa”, với nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực. Trong đó, lồng ghép tuyên truyền các nội dung về chủ quyền biển, đảo; nói chuyện thời sự về tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới, v.v. Thông qua đó, giúp sinh viên có góc nhìn đúng, nhận thức rõ hơn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; vị trí, vai trò của công tác quốc phòng và an ninh, của môn học giáo dục quốc phòng và an ninh.

Trên cơ sở Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 08-9-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả môn học giáo dục quốc phòng và an ninh và đặc điểm, điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nhất là thao trường, bãi tập, trang bị của Nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu môn học, việc tổ chức môn học được Trường thực hiện bằng hình thức liên kết với Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh của Trường Quân sự Quân khu 3. Theo đó, môn học được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: lên lớp lý thuyết, được tiến hành tại Trường, nhằm phát huy đội ngũ giảng viên cơ hữu, tận dụng điều kiện cơ sở vật chất, nhất là hệ thống giảng đường chuyên dùng hiện đại. Giai đoạn 2: huấn luyện, rèn luyện kỹ năng quân sự, an ninh, tiến hành tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh của Trường Quân sự Quân khu 3, đảm bảo cho sinh viên được học tập, rèn luyện trong môi trường quân sự thực thụ. Xuất phát từ đặc thù tổ chức môn học, Nhà trường đặc biệt coi trọng phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Trường Quân sự Quân khu 3, từ thống nhất thời gian, số lượng sinh viên từng đợt học, đến xây dựng kế hoạch, phân công, phân cấp trách nhiệm làm công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện, phù hợp với kế hoạch đào tạo tổng thể của Trường, khả năng của Trường Quân sự Quân khu 3.

Để thực hiện tốt môn học theo nội dung đảm nhiệm, Nhà trường chú trọng kiện toàn Khoa Giáo dục Chính trị - Thể chất, làm nòng cốt trong tổ chức giảng dạy nội dung lý luận về giáo dục quốc phòng và an ninh. Những năm qua, Nhà trường đã có nhiều biện pháp xây dựng, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ giảng viên giảng dạy môn học, đảm bảo đủ về số lượng, từng bước chuẩn hóa về chất lượng. Theo đó, cùng với việc chủ động tạo nguồn cán bộ, giảng viên đi đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh văn bằng 2, Nhà trường tích cực cử giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức giáo dục quốc phòng và an ninh do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; đồng thời, đẩy mạnh bồi dưỡng tại chỗ, cũng như khuyến khích giảng viên tự học để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với đó, Nhà trường chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên. Đội ngũ giảng viên của Nhà trường đã chú trọng vận dụng phương pháp dạy học tích cực, tận dụng tối đa các phương tiện dạy học hiện đại, thiết kế bài giảng dưới dạng điện tử, tích hợp nhiều tài liệu, hình ảnh và phim tư liệu; tích cực nghiên cứu cập nhật vào bài giảng những phát triển mới về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; kiên quyết khắc phục hiện tượng “dạy chay, học chay”, truyền thụ kiến thức một chiều. Nhà trường yêu cầu giảng viên tích cực gắn lý luận với thực tiễn quốc phòng, an ninh của đất nước, nhất là căn cứ vào đối tượng sinh viên để liên hệ gắn nội dung quốc phòng, an ninh với chuyên ngành đào tạo, để sinh viên hiểu sâu vấn đề, nắm rõ nội dung quốc phòng, an ninh trong ngành nghề của mình, thu hút họ hăng say học tập. Điểm đáng chú ý là, Nhà trường phát huy lợi thế đứng chân trên địa bàn có nhiều di tích lịch sử để tổ chức hoạt động ngoại khóa, cho sinh viên tham quan, nghiên cứu, học tập tại: Di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc, Di tích chiến thắng Lục Đầu Giang, v.v. Qua đó, thiết thực xây dựng lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước, ý thức chính trị cho sinh viên. Do đó, sinh viên đã nắm được những nội dung cơ bản về đường lối quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang, quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội,... tạo cơ sở, điều kiện quan trọng để sinh viên rèn luyện, huấn luyện, tiếp thu những kỹ năng quân sự cần thiết.

Đối với giai đoạn 2, huấn luyện, rèn luyện kỹ năng quân sự tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh của Trường Quân sự Quân khu 3 là giai đoạn huấn luyện chủ yếu về thực hành, nhằm giúp sinh viên rèn luyện, hình thành kiến thức, kỹ năng quân sự cần thiết, như: điều lệnh đội ngũ, kỹ thuật, chiến thuật bộ binh cá nhân; đồng thời, trải nghiệm, rèn luyện tác phong, nếp sống sinh hoạt tập trung, tính tổ chức, tính kỷ luật. Do thời gian sinh viên học tập tại Trung tâm ngắn, nội dung học tập, rèn luyện cường độ cao, yêu cầu khắt khe nên để thực hiện tốt nội dung này, Nhà trường hiệp đồng chặt chẽ với Trung tâm, xây dựng kế hoạch, tổ chức bàn giao sinh viên cho Trung tâm một cách chu đáo, chặt chẽ, chú trọng làm tốt công tác tư tưởng cho sinh viên trước khi bước vào huấn luyện. Cùng với đó, Nhà trường phân công cán bộ chuyên trách của Ban Chỉ huy Quân sự Trường thường xuyên đồng hành, thực hiện “cùng ăn, cùng ở” với sinh viên; kết hợp chặt chẽ với cán bộ, giáo viên của Trung tâm để quản lý quân số, nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện, kịp thời động viên, đôn đốc, nhắc nhở và giải quyết kịp thời mọi khó khăn, vướng mắc của sinh viên. Nhờ đó, trong nhiều năm qua, chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên của Nhà trường tại Trung tâm luôn đạt kết quả tốt và ngày càng được nâng cao. Năm học 2018 - 2019, Nhà trường và Trung tâm Giáo dục quốc phòng Trường Quân sự Quân khu 3 đã tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho 634 sinh viên của Trường; kết quả: 100% đạt yêu cầu, trong đó trên 73% khá, giỏi.

Từ thực tiễn chỉ đạo, tổ chức thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, Nhà trường rút ra một số kinh nghiệm cơ bản sau:

1. Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên phải được coi là nhiệm vụ quan trọng trong tổng thể công tác đào tạo của một nhà trường; khắc phục tư tưởng coi nhẹ, làm chiếu lệ, hình thức, đánh giá kết quả không thực chất, làm cho sinh viên không thực sự chú trọng đến môn học.

2. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu các cấp trong nhà trường về giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên phải được tiến hành một cách tích cực, phát huy và gắn trách nhiệm trên từng cương vị cụ thể.

3. Thực hiện giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh cho sinh viên cần vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp; đặc biệt là kết hợp chặt chẽ giữa lên lớp chính khóa với bồi dưỡng ngoại khóa trong suốt quá trình đào tạo, tạo ra tư tưởng thỏa mái cho sinh viên, tiếp thu nội dung một cách chủ động, tích cực.

4. Kiên quyết thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giảng viên giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh theo đúng tiêu chí quy định bởi đây là lực lượng quyết định đến chất lượng giảng dạy; chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, xây dựng bản lĩnh, tác phong mẫu mực của nhà giáo gắn với đặc thù môn học.

Những kinh nghiệm và cũng là những giải pháp trên đã và đang được Trường Đại học Sao Đỏ đẩy mạnh thực hiện, thiết thực góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có đầy đủ phẩm chất, nhân cách, lý tưởng cách mạng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TS. NGUYỄN THỊ KIM NGUYÊN - TS. PHẠM VĂN DỰ, Trường Đại học Sao Đỏ
_________

1 - Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 08-9-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; Thông tư liên tịch 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 05-11-2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...