Thứ Ba, 17/09/2024, 10:19 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên là một nội dung quan trọng trong công tác giáo dục và đào tạo. Nhận rõ điều đó, những năm qua, Đại học Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên.
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Thái Nguyên có nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên của 17 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn; tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên về công tác quốc phòng, quân sự và tham gia nghiên cứu khoa học sư phạm quân sự. Những năm gần đây, điều kiện cơ sở hạ tầng của Trung tâm được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ về doanh trại, thao trường, bãi tập, các trang thiết bị phục vụ dạy học. Vì vậy, Trung tâm có đủ khả năng tiếp nhận, tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho khoảng 1.700 sinh viên mỗi đợt. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; đối tượng sinh viên chủ yếu là người dân tộc thiểu số, v.v. Ý thức rõ những thuận lợi, khó khăn đó, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết, Trung tâm tập trung kiện toàn, xây dựng, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên. Thời gian qua, Trung tâm đã tích cực tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên phối hợp với Quân khu 1 và cơ quan chức năng trong thực hiện Nghị định 165/2003/NĐ-CP của Chính phủ “Về biệt phái sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam”, lựa chọn, cử sĩ quan từ các cơ quan, đơn vị của Quân khu sang làm cán bộ quản lý, giảng viên. Đồng thời, tích cực tạo nguồn, lựa chọn, tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp văn bằng 2 giáo dục quốc phòng và an ninh về giảng dạy tại Trung tâm. Hiện nay, Trung tâm cơ bản ổn định tổ chức, biên chế, từ Ban Giám đốc đến các khoa, phòng và đại đội, trung đội quản lý sinh viên. Cùng với việc kiện toàn tổ chức, biên chế, Trung tâm chú trọng tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ và từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên. Hằng năm, cùng với cử cán bộ, giảng viên tham gia các lớp tập huấn do Vụ Giáo dục Quốc phòng - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quân khu 1 tổ chức, Trung tâm duy trì nền nếp tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ. Thực hiện phương châm “thiết thực, hiệu quả”, “yếu đâu bồi dưỡng đó”, nội dung bồi dưỡng, tập huấn của Trung tâm tập trung vào Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; những vấn đề mới, những sửa đổi, bổ sung về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; trao đổi kinh nghiệm tổ chức, phương pháp huấn luyện quân sự cũng như công tác quản lý, rèn luyện sinh viên, v.v. Quá trình thực hiện, Trung tâm chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ sĩ quan biệt phái, tăng cường giúp đỡ đồng nghiệp, giảng viên quân sự bồi dưỡng cho giảng viên chính trị và ngược lại. Mặt khác, Trung tâm chú trọng quy hoạch, bố trí một số cán bộ, giảng viên đào tạo văn bằng 2 giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh và đào tạo sau đại học ở các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội để đẩy nhanh việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên. Đến nay, Trung tâm đã cử 21 cán bộ, giảng viên đi đào tạo sau đại học và đào tạo văn bằng 2 giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh; 100% giảng viên của Trung tâm có trình độ đại học và trên đại học, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài.
Bên cạnh bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức quân sự, quốc phòng, Trung tâm còn chú trọng nâng cao kỹ năng sư phạm, xây dựng bản lĩnh, tác phong mẫu mực của nhà giáo quân sự, phấn đấu mỗi cán bộ, giảng viên là tấm gương sáng về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho sinh viên học tập và noi theo. Thực hiện vấn đề này, Trung tâm luôn khuyến khích, động viên cán bộ, giảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu giỏi về chuyên môn, mẫu mực về nếp sống, kỷ luật và tư thế, tác phong quân sự. Đồng thời, chỉ đạo các khoa đẩy mạnh hoạt động phương pháp, duy trì nghiêm quy định về phê duyệt, thông qua giáo án; giao chuyên đề cho giảng viên chuẩn bị, tổ chức giảng thử, rút kinh nghiệm, sau đó bổ sung, hoàn thiện giáo án. Trung tâm còn tích cực cử giảng viên tham gia hội thi giảng viên dạy giỏi môn học giáo dục quốc phòng và an ninh do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, coi đây là một hướng quan trọng để nâng cao bản lĩnh, tâm lý, kỹ năng sư phạm và trình độ chuyên môn.
Với tính chất là cơ sở của đại học vùng, Trung tâm phải đảm nhiệm giáo dục quốc phòng và an ninh cho nhiều trường đại học, cao đẳng, nên lưu lượng sinh viên lớn (từ 10.000 đến 12.000 sinh viên/năm). Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Trung tâm chú trọng làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng với các trường liên kết. Hằng năm, Trung tâm tổ chức Hội nghị liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh, để cùng các trường liên kết rút kinh nghiệm công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của năm trước và thống nhất phối hợp, hiệp đồng thực hiện kế hoạch giáo dục quốc phòng và an ninh trong năm. Qua đó, xác định rõ lưu lượng, thời gian cho từng trường, không để chồng chéo. Do thời gian học ngắn, Trung tâm còn phối hợp nắm trình độ, nhận thức của sinh viên theo chuyên ngành đào tạo để lựa chọn phương pháp giảng dạy, quản lý phù hợp. Đồng thời, thường xuyên trao đổi kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên; tổ chức chặt chẽ việc giao, nhận sinh viên và giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong thời gian học. Những năm trước đây, Trung tâm thường tiếp nhận đối tượng sinh viên năm thứ nhất. Vì thế, sinh viên chưa chuẩn bị tốt về tâm lý, bỡ ngỡ với môi trường học tập mới, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập. Từ thực tế đó, Trung tâm đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên, hiệp đồng với các trường bố trí, sắp xếp sinh viên đến học tập bắt đầu từ năm thứ hai trở đi. Nhờ đó, chất lượng môn học này được nâng lên rõ rệt.
Cùng với đó, Trung tâm đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng tích cực, coi đây là khâu đột phá. Trên cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện Đề án “Phát triển chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy - học, xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao giai đoạn 2010 - 2015” của Đại học Thái Nguyên, Trung tâm đã chỉ đạo các khoa tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phương tiện hiện đại vào giảng dạy. Do đối tượng giảng dạy đa dạng, thuộc nhiều chuyên ngành, trình độ nhận thức khác nhau, Trung tâm yêu cầu đội ngũ giảng viên nghiên cứu kỹ đối tượng sinh viên trước khi lên lớp để chuẩn bị nội dung, phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Trong đó, chú trọng xây dựng bài giảng có nội dung “mở”, gắn nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh với thực tiễn ngành nghề đào tạo của sinh viên. Hiện nay, 100% giảng viên của Trung tâm biết sử dụng giáo án điện tử, minh họa bài giảng bằng âm thanh, hình ảnh về hoạt động quốc phòng, an ninh, tạo sức lôi cuốn sinh viên. Với các nội dung quân sự, Trung tâm phát huy lợi thế về thao trường, bãi tập, tổ chức huấn luyện thực hành để sinh viên trực tiếp quan sát, nắm được động tác cơ bản, sát thực tế hoạt động quân sự, làm cơ sở cho việc luyện tập, phối hợp, hiệp đồng trong tiểu đội, trung đội.
Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả môn học cũng được Trung tâm tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc theo Thông tư 40/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để nâng cao chất lượng môn học, nhất là thúc đẩy tự học của sinh viên, Trung tâm đã nghiên cứu, đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá, như: trắc nghiệm, vấn đáp, tự luận, thảo luận nhóm, v.v. Việc tổ chức thi, kiểm tra được Trung tâm thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Đặc biệt, với quan điểm “học đi đôi với hành”, Trung tâm đã đề xuất với Bộ Tư lệnh Quân khu 1 để tổ chức bắn đạn thật cho 10% tổng số sinh viên sau mỗi khóa học. Đây là bước đột phá trong giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên tại Trung tâm. Qua đó, đánh giá chính xác, khách quan trình độ giảng dạy của đội ngũ giảng viên, kết quả học tập của sinh viên. Từ năm 2010 đến 2015, Trung tâm đã tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho trên 66.300 lượt sinh viên, đạt kết quả tốt; trong đó, tổ chức bắn đạn thật súng tiểu liên AK bài 1B cho gần 2.300 sinh viên; kết quả có 98,9% đạt yêu cầu trở lên, có 21,2% đạt giỏi, xuất sắc và bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Đi liền với giảng dạy, Trung tâm coi trọng công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật, kết hợp học đi đôi với rèn. Hằng năm, theo kế hoạch đã thống nhất với các trường liên kết, Trung tâm phối hợp nắm đối tượng sinh viên của từng trường để làm tốt công tác chuẩn bị và có phương pháp quản lý phù hợp. Khi về học, sinh viên được biên chế thành các tiểu đội, trung đội; được phổ biến, quán triệt mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của khóa học, thông báo nội quy, quy định của Trung tâm. Các đại đội, trung đội quản lý sinh viên duy trì nghiêm chế độ trong ngày, trong tuần, từ tập thể dục buổi sáng đến điểm danh, điểm quân số,… gắn học tập với rèn luyện ngay từ những ngày đầu để sinh viên nhanh chóng hòa nhập, thích nghi với môi trường quân sự. Để đạt hiệu quả cao, Trung tâm chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ khung, cán bộ kiêm nhiệm trong quản lý, hướng dẫn, rèn luyện học viên. Mặt khác, Trung tâm duy trì việc chấm điểm, bình xét thi đua hằng ngày và phát tin trên truyền thanh nội bộ, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tạo không khí sôi nổi, tâm lý thoải mái cho sinh viên trong thời gian học tập. Vì vậy, khi kết thúc khóa học, sinh viên có sự trưởng thành rõ rệt, nhất là về tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật, nếp sống tập thể, được các trường liên kết đánh giá cao. Quá trình học tập tại Trung tâm, trên 95% sinh viên xếp loại rèn luyện khá, tốt.
Bên cạnh các giải pháp trên, Trung tâm chủ động thực hiện tốt công tác bảo đảm. Mặc dù thời gian học tập ngắn, song Trung tâm luôn bảo đảm chu đáo nơi ăn ở, sinh hoạt và chăm lo đời sống tinh thần cho sinh viên. Được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên và cơ quan chức năng cấp trên, Trung tâm đã trang bị nhiều phương tiện dạy học hiện đại; đồng thời, củng cố, tu sửa doanh cụ; đảm bảo đầy đủ điện, nước, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, học tập của sinh viên. Để bữa ăn của sinh viên đúng, đủ tiêu chuẩn và vệ sinh an toàn thực phẩm, cán bộ của Trung tâm tăng cường kiểm tra công tác phục vụ của bếp ăn xã hội hóa; bộ phận quân y thường xuyên quan tâm chăm sóc sức khỏe, không để xảy ra dịch bệnh.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Thái Nguyên đã phát huy truyền thống của quê hương cách mạng Việt Bắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trở thành một địa chỉ tin cậy trong giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên.
Đại tá ĐÀM VĂN DŨNG, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Thái Nguyên
giáo dục quốc phòng,Đại học Thái Nguyên
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Trường Quân sự Quân khu 4 đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 20/06/2024
Tỉnh Long An nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật cho dân quân tự vệ 10/06/2024
Thành phố Cần Thơ chú trọng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 20/05/2024
Sư đoàn Phòng không 361 đột phá trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 16/05/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật