Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 12/11/2015, 10:43 (GMT+7)
Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh ở Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội
Trao Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình
bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh

Những năm gần đây, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đảm nhiệm giáo dục - đào tạo cho nhiều đối tượng khác nhau (năm 2015, Nhà trường đào tạo 26 đối tượng với 51 lớp); bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2, đối tượng 3 và tương đương của thành phố Hà Nội. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh những thuận lợi là thường xuyên được sự quan tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Nhà trường gặp không ít khó khăn, như: nơi ăn ở, sinh hoạt chật hẹp; hệ thống giảng đường, thao trường chưa đồng bộ; đội ngũ giáo viên còn thiếu, có mặt chưa đáp ứng so với yêu cầu nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, v.v. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, cán bộ, giáo viên, công nhân viên, chiến sĩ toàn Trường đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng. Trong thời gian từ 2010 - 2015, Nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 307 lượt cán bộ đối tượng 2; 1.170 lượt cán bộ đối tượng 3 thuộc các sở, ban, ngành của Thành phố, kết quả có 100% đạt khá, giỏi (trong đó có trên 60% giỏi). Nhà trường còn phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức bồi dưỡng, cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho trên 13.000 lượt cán bộ đối tượng 3; liên kết với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đào tạo được 02 khóa giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông trên địa bàn. Ghi nhận những thành tích đó, từ năm 2011 đến năm 2014, Nhà trường được Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tặng nhiều Bằng khen và cờ Thi đua.

Để có được kết quả đó, trước hết, Nhà trường tổ chức quán triệt sâu các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ; hướng dẫn của cấp trên về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, trọng tâm là Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong tình hình mới”; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Quy định 07-QĐ/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương “Về tiêu chuẩn kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ, đảng viên”; các kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương, trực tiếp là Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh thành phố Hà Nội. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Trường  trong thực hiện nhiệm vụ này. Trên cơ sở bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Thành phố, Nhà trường chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho từng đối tượng. Theo đó, Nhà trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh Thủ đô xây dựng kế hoạch bồi dưỡng từng khóa, trình Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện. Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, Nhà trường đã tham mưu với Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Thành phố rà soát, phân loại đối tượng triệu tập, lựa chọn địa điểm mở lớp tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn, nhằm tạo điều kiện cho học viên vừa học tập đạt kết quả tốt, vừa có thể kết hợp giải quyết công việc ở cơ quan, đơn vị. Căn cứ vào Thông tư 38/2014/TT-BQP, ngày 30-5-2014 của Bộ Quốc phòng về Ban hành Chương trình, nội dung; Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh thành phố Hà Nội, Nhà trường xây dựng nội dung, chương trình cụ thể cho từng đối tượng; đồng thời, tổ chức tiếp nhận, ổn định nơi ăn, ở khi học viên về nhập học; cử cán bộ khung trực tiếp làm chủ nhiệm lớp, thành lập ban cán sự lớp để điều hành, quản lý trong suốt thời gian học tập.

Trước thực tế số lượng giáo viên đạt chuẩn, có trình độ cao còn ít, Nhà trường lựa chọn, bồi dưỡng, phân công cán bộ, giáo viên có trình độ, năng lực, phương pháp sư phạm tốt để thực hiện nhiệm vụ này. Thời gian qua, việc lên lớp cho đối tượng 3 chủ yếu do đội ngũ giáo viên của Trường đảm nhiệm. Với đối tượng 2, Nhà trường phân công các đồng chí trong Ban Giám hiệu, trưởng (phó) các phòng, khoa và những giáo viên có trình độ, kinh nghiệm lên lớp một số chuyên đề. Các chuyên đề còn lại, Nhà trường phối hợp, hiệp đồng với Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị, Học viện An ninh nhân dân để mời cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm tham gia giảng dạy. Đối với các nội dung bổ trợ về biển, đảo, tình hình an ninh trật tự, Nhà trường mời báo cáo viên của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, cán bộ các phòng chức năng của Công an thành phố Hà Nội giới thiệu. Để nâng cao chất lượng bài giảng, Nhà trường căn cứ vào khả năng, sở trường của giáo viên để phân công chuyên đề cho phù hợp, cung cấp đầy đủ tài liệu, hình ảnh, băng đĩa, phim tư liệu và các thông tin liên quan đến nội dung chuyên đề cho giáo viên nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng; đồng thời, tổ chức chặt chẽ việc phê duyệt, thông qua bài giảng. Với những chuyên đề khó, tính lý luận cao, Nhà trường xin ý kiến bổ sung của các chuyên gia đầu ngành để kịp thời cập nhật những kiến thức, thông tin mới về sự phát triển nhiệm vụ quốc phòng - an ninh gắn với thực tế địa bàn Thủ đô.

Để công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng đạt hiệu quả vững chắc, Nhà trường coi trọng khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất cho đội ngũ giáo viên, đẩy nhanh việc “chuẩn hoá” cả về học vấn, kỹ năng sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Những năm qua, Nhà trường tích cực phát hiện nguồn là những cán bộ có trình độ, kinh nghiệm từ các cơ quan, đơn vị và báo cáo, đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô điều động, bổ nhiệm. Đồng thời, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng lựa chọn, cử cán bộ, giáo viên có khả năng, phẩm chất, đạo đức tốt đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội. Hằng năm, Nhà trường duy trì có nền nếp công tác tập huấn, bồi dưỡng ở các cấp kết hợp khuyến khích giáo viên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, Nhà trường chủ động liên hệ, cử giáo viên đi thực tế tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố, giúp đội ngũ giáo viên gắn kiến thức lý luận với thực tiễn, gắn nhà trường với đơn vị, địa phương, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Với những biện pháp tích cực đó, Nhà trường phấn đấu đến năm 2016, tự đảm nhiệm giảng dạy được trên 60% chuyên đề bồi dưỡng cho đối tượng 2 và 100% chuyên đề cho đối tượng 3.

Trong quá trình giảng dạy, Nhà trường còn chú trọng vận dụng phương pháp dạy - học tích cực; phát huy tinh thần trách nhiệm của người thầy, đánh giá đúng trình độ, năng lực, trân trọng ý kiến, những phát hiện mới của học viên, tạo không khí học tập nghiêm túc. Nhà trường khuyến khích đội ngũ giáo viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy, nhất là biên soạn giáo án điện tử và thực hành lên lớp. Quá trình lên lớp, giáo viên tăng cường trao đổi, thảo luận, nêu vấn đề, đối thoại, gợi mở, cung cấp luận cứ để học viên tìm hiểu, nghiên cứu, định hướng vào một số vấn đề trọng tâm, khuyến khích học viên phát hiện những vấn đề mới, cùng trao đổi đi đến thống nhất nhận thức, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Thông qua các buổi thảo luận không chỉ làm rõ phần lý luận mà còn là dịp để các học viên trao đổi, học tập lẫn nhau về kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Trong thời gian học tập, Nhà trường coi trọng việc tổ chức cho học viên xem băng hình, tư liệu bổ trợ của Trung tâm Thông tin Khoa học Quân sự (Bộ Quốc phòng); tham quan, nghiên cứu, học tập thực tế tại các đơn vị được đầu tư, trang bị những vũ khí, khí tài mới, hiện đại và Bảo tàng Bộ Công an. Qua đó, giúp học viên hiểu biết thêm về tổ chức biên chế, khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang; về quan điểm, đường lối xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Nhằm đánh giá khách quan, trung thực kết quả dạy - học, Nhà trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá chính xác kết quả học tập. Khi kết thúc mỗi cụm chuyên đề, Nhà trường tổ chức kiểm tra sơ bộ đánh giá kết quả học tập; qua đó rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung nội dung, điều chỉnh phương pháp truyền đạt của giáo viên. Kết thúc chương trình, Nhà trường chỉ đạo giáo viên chuẩn bị các bộ đề dưới dạng mở để học viên tự chọn vấn đề viết thu hoạch. Với đối tượng 2, Nhà trường phối hợp với Học viện Chính trị ra đề, tổ chức viết thu hoạch, đánh giá chung kết quả của khóa học. Chủ đề viết thu hoạch của các khóa thường xuyên thay đổi, theo hướng bám sát nội dung các chuyên đề, chú trọng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, đề ra giải pháp và liên hệ trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Mặt khác, Nhà trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ lớp học, duy trì theo các chế độ quy định của Quân đội. Nhờ vậy, chất lượng các khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh luôn đạt kết quả tốt. Sau khi học tập, bồi dưỡng, các học viên đều đảm nhiệm tốt cương vị, chức trách, được Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh thành phố Hà Nội đánh giá cao.

Do số lượng cán bộ thuộc đối tượng 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội lớn, trong khi đó, điều kiện của Nhà trường, nhất là về cơ sở vật chất, nơi ăn ở, học tập chưa đáp ứng nhu cầu nên để hoàn thành bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng này theo quy định, Nhà trường đã tham mưu với Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Thành phố chỉ đạo các quận, huyện mở lớp bồi dưỡng ngay tại địa phương. Cùng với đó, trong quá trình đào tạo cho các đối tượng khác, nhất là chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn, Nhà trường tiến hành lồng ghép bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho học viên, nhằm trang bị, phổ cập những kiến thức cơ bản về quốc phòng - an ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình công tác sau này.

Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả Quyết định 161/QĐ-TTg, ngày 30-01-2015 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo, Nhà trường đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo kinh phí, đầu tư xây dựng cơ bản, nhanh chóng đưa Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh trực thuộc Nhà trường vào hoạt động, nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2, đối tượng 3 và giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội, góp phần xây dựng Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trở thành trường chính quy, mẫu mực.

Đại tá PHẠM THANH HẢI, Hiệu trưởng Nhà trường

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...