Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Sáu, 13/01/2012, 06:44 (GMT+7)
Công tác bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng - an ninh ở Bộ Thông tin và Truyền thông

 

Quán triệt và thực hiện các chỉ thị, nghị định của Đảng và Chính phủ về công tác giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN), nhất là Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ, những năm qua, công tác bồi dưỡng, giáo dục QP-AN đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đi vào nền nếp, đạt hiệu quả ngày càng cao.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, trước hết Bộ TT&TT thực hiện tốt công tác quán triệt nhiệm vụ. Đảng uỷ Bộ xác định rõ, QP-AN là một mặt công tác quan trọng; trong đó, giáo dục QP-AN là nội dung cơ bản, thường xuyên. Việc quán triệt được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ ở các cấp, các đối tượng, trước hết là trong cấp uỷ, chỉ huy các cơ quan, nhà trường. Nội dung quán triệt tập trung vào nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên chức về quan điểm, chủ trương, đường lối QP-AN của Đảng; qua đó, làm cho các đối tượng thấy rõ trách nhiệm đối với việc tham gia công tác giáo dục QP-AN. Trên cơ sở đó, từng cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên theo cương vị, chức trách được giao vừa thực hiện tốt việc tổ chức giáo dục QP-AN cho các đối tượng thuộc quyền, vừa gương mẫu hoàn thành tốt chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo quy định. Với tiềm năng, lợi thế của Ngành (công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản, quản lý nhà nước các dịch vụ công...), các cơ quan, đơn vị của Bộ đã phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí và tận dụng cơ sở vật chất, phương tiện, tích cực, chủ động tham gia giáo dục QP-AN cho các tầng lớp nhân dân.

Trên cơ sở các quy định về tổ chức, Bộ TT&TT thường xuyên quan tâm xây dựng, kiện toàn ban chỉ huy quân sự (CHQS) các cấp. Đồng thời, phát huy vai trò của ban CHQS trong việc tham mưu, giúp Bộ lãnh đạo, chỉ đạo công tác bồi dưỡng, giáo dục QP-AN cho các đối tượng. Hiện nay, Ban CHQS cơ quan Bộ được thành lập do đồng chí Thứ trưởng - Bí thư Đảng ủy làm Chỉ huy trưởng. Đối với những đơn vị trực thuộc Bộ có đủ các yếu tố theo quy định, như: Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Viễn thông, đều thành lập ban CHQS. Hằng năm, các ban CHQS rà soát, kiện toàn bảo đảm đủ số lượng, đúng cơ cấu, thành phần, hoạt động theo quy chế; xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ quan, đơn vị. Các thành viên đề cao trách nhiệm, tích cực, chủ động tham gia góp ý xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát công tác bồi dưỡng, giáo dục QP-AN của các cơ quan, đơn vị thuộc quyền. Trong quá trình hoạt động, Ban CHQS cơ quan Bộ luôn bám sát sự chỉ đạo của cơ quan Thường trực Hội đồng giáo dục QP-AN Trung ương và các cơ quan chức năng; qua đó, tham mưu giúp Bộ ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, nhà trường tiến hành công tác bồi dưỡng, giáo dục QP-AN phù hợp với các đối tượng. Là cơ quan thường trực về công tác giáo dục QP-AN, Vụ Tổ chức cán bộ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng trong thực hiện công tác giáo dục QP-AN. Để bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho gần 700 đảng viên thuộc 34 tổ chức cơ sở đảng, hằng năm Vụ đã tiến hành khảo sát, nắm chắc số lượng cán bộ, đảng viên trong diện bồi dưỡng kiến thức QP-AN của các cục, vụ và nhà trường trên địa bàn Hà Nội để xây dựng kế hoạch, báo cáo cơ quan Thường trực Hội đồng giáo dục QP-AN Trung ương và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, đồng thời nắm và phân bổ chỉ tiêu bồi dưỡng cho các cơ quan, đơn vị. Theo đó, đối tượng 1 tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại Học viện Quốc phòng; đối tượng 2 và 3 tham gia các lớp do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức. Riêng đối tượng 5, Bộ giao cho các cơ quan, đơn vị xây dựng và tổ chức bồi dưỡng theo kế hoạch. Đến nay, 100% cán bộ thuộc đối tượng 1 của Bộ đã qua bồi dưỡng; đối tượng 2, 3 và 5 đều đạt 80% trở lên; kết quả kiểm tra cuối khoá có 100% đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ khá, giỏi trên 60%. 

Nhận rõ tính đặc thù của công tác giáo dục QP-AN và xuất phát từ điều kiện thực tế của Ngành, các cơ quan, nhà trường của Bộ đã vận dụng nhiều hình thức, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục cho các đối tượng. Đáng chú ý là, các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ, hiệu quả công tác này với phong trào thi đua và các cuộc vận động, nhất là phong trào Thi đua Quyết thắng và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với đó, Bộ còn phát huy vai trò của Công đoàn, Đoàn Thanh niên để tuyên truyền, giáo dục QP-AN cho trên 10.000 đoàn viên, thanh niên của Bộ với nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, phong phú. Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Quản lý chất lượng Công nghệ TT&TT là những cơ quan tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ này.

Là cơ quan của Chính phủ, Bộ TT&TT vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, vừa chỉ đạo định hướng tuyên truyền về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Căn cứ vào Kế hoạch công tác của Hội đồng giáo dục QP-AN Trung ương, Bộ đã phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và báo Ngành về bồi dưỡng, giáo dục QP-AN. Theo phân công, Bộ TT&TT đã chủ trì và phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng giáo dục QP-AN của 63 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Từ năm 2008 đến nay, Bộ đã phối hợp tổ chức được 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho trên 900 cán bộ, phóng viên, số còn lại Bộ sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức tập huấn trong thời gian tới. Các lớp tập huấn đều được chuẩn bị chu đáo, tổ chức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng; cán bộ, phóng viên các địa phương, bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị tham dự học tập nghiêm túc, đúng thành phần, đạt trên 80% quân số triệu tập. Chương trình, nội dung tập huấn thực sự thiết thực, sát với các đối tượng. Bên cạnh việc giới thiệu tổng thể về chương trình, nội dung bồi dưỡng, giáo dục QP-AN cho các đối tượng, các lớp tập huấn còn tổ chức cho học viên nghiên cứu, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng trong lĩnh vực QP-AN, cập nhập thông tin mới và định hướng nội dung tuyên truyền đối với báo chí trong thời gian tới. Qua đó, giúp cán bộ, phóng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về công tác bồi dưỡng và giáo dục QP-AN theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ; trên cơ sở đó, các cơ quan báo chí và từng cán bộ, phóng viên đề cao trách nhiệm, tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ này theo cương vị, chức trách được giao.

Bộ TT&TT là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản; trong đó, có nhiều nội dung liên quan tới công tác QP-AN. Vì vậy, hằng tuần, hằng tháng, Bộ luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, định hướng thông tin cho hệ thống báo chí toàn quốc về các lĩnh vực liên quan tới tình hình chính trị, kinh tế, đối ngoại và QP-AN. Cùng với duy trì nền nếp giao ban hằng tuần với lãnh đạo các cơ quan báo chí, Bộ còn thực hiện chế độ thông báo tình hình báo chí trong tuần gửi các cơ quan báo chí, các cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố và một số cơ quan chủ quản báo chí. Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Ban Đối ngoại Trung ương trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định con đường XHCN mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn là đúng đắn; khẳng định chính sách dân tộc, tôn giáo, bảo đảm dân chủ, nhân quyền của Việt Nam là phù hợp với luật pháp quốc tế và văn hoá Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ còn thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục QP-AN cho sinh viên hai trường Cao đẳng và Trường Đào tạo cán bộ, với lưu lượng trên 3.000 sinh viên/năm. Để bảo đảm chất lượng giáo dục QP-AN cho sinh viên, các trường đã từng bước đầu tư mua sắm trang, thiết bị dạy - học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy môn học. Trường Cao đẳng Công nghiệp in và Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn còn đầu tư sửa chữa, xây dựng phòng học, giảng đường, thao trường, sân bãi và nơi ăn, nghỉ cho sinh viên. Cùng với giáo dục chính khoá, các trường đã tổ chức có hiệu quả các hoạt động ngoại khoá cho các em, như: văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao, kết nghĩa với các đơn vị quân đội và nhân dân trên địa bàn, chiếu phim tài liệu, tham quan bảo tàng,… Qua đó, vừa tạo sân chơi bổ ích cho sinh viên, vừa góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, ý thức cảnh giác cách mạng, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật; giúp sinh viên vững vàng, tự tin, sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội.

Có thể khẳng định, công tác bồi dưỡng, giáo dục QP-AN những năm qua của Bộ TT&TT được tiến hành có nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, đã tạo được sự chuyển biến quan trọng về nhận thức và trách nhiệm cho toàn Ngành đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; góp phần quan trọng giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng trước các âm mưu, thủ đoạn thâm độc trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Cũng qua đó, rèn luyện cho cán bộ, công nhân viên chức của Bộ tư thế, tác phong và trang bị những kỹ năng quân sự cần thiết. Đồng thời, thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Ngành đã góp phần quan trọng giáo dục QP-AN cho các tầng lớp nhân dân trên mọi miền Tổ quốc.

Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng, giáo dục QP-AN của Bộ TT&TT cũng còn những hạn chế, bất cập, cần có biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Từ thực tế công tác này, Bộ rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

Một là, phải thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Ban Cán sự Đảng, Đoàn và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác này. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định tới chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục QP-AN.

Hai là, luôn bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chức năng cấp trên, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan Thường trực Hội đồng giáo dục QP-AN Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trong bồi dưỡng, giáo dục QP-AN cho các đối tượng theo phân cấp.

Ba là, thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban CHQS Bộ và các cơ quan; nhất là, phát huy trách nhiệm của từng thành viên trong tham mưu, đề xuất gắn với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của từng thành viên.

Bốn là, cấp uỷ, chỉ huy và ban CHQS các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát (thường xuyên và đột xuất) công tác giáo dục QP-AN của các cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm và động viên, khen thưởng, nhân rộng các điển hình trong công tác này.

Năm là, coi trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp bồi dưỡng, giáo dục QP-AN cho các đối tượng đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, trang, thiết bị dạy - học cho các nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục QP-AN cho thế hệ trẻ của Bộ. Đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, là lực lượng kế cận xứng đáng, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và nhân dân ta trong thời kỳ mới.

TS. TRẦN ĐỨC LAI

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

Ủy viên Hội đồng Giáo dục QP-AN Trung ương

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...