Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 08/03/2018, 10:19 (GMT+7)
Chi đội Kiểm ngư 2 đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân

Những năm qua, cùng với thực thi pháp luật về thủy sản, bảo vệ môi trường biển, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên vùng biển được giao; phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và hỗ trợ cho ngư dân, Chi đội Kiểm ngư 2 thuộc Chi cục Kiểm ngư Vùng 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật cho ngư dân trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực pháp luật, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực thủy sản, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển. Thời gian gần đây, việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật của Chi đội được tiến hành thường xuyên, theo chiều sâu, với nhiều cách làm sáng tạo và đạt được những kết quả tích cực. Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại về nhận thức, cũng như nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền. Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tuy đã có nhiều cố gắng nhưng còn hạn chế cả về trình độ nghiệp vụ và kỹ năng thực hành, v.v. Để nâng cao hiệu quả và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, Đảng ủy Chi đội Kiểm ngư 2 đã có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ; trong đó, chú trọng một số nội dung sau:

Một là, tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Đảng ủy Chi đội xác định: tuyên truyền, phổ biến pháp luật là khâu đầu tiên, quan trọng nhất của việc đưa pháp luật vào cuộc sống, là cầu nối để các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với ngư dân. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, các hành vi vi phạm pháp luật, như: đánh bắt hải sản bất hợp pháp, tranh chấp ngư trường, hủy hoại môi trường, nhất là ở vùng biển xa của các tổ chức, cá nhân cả ở trong nước và nước ngoài gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp thì công tác này càng có ý nghĩa quan trọng. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, công nhân viên của Chi đội phải thống nhất nhận thức và hành động đối với công tác quan trọng này. Theo đó, Chi đội quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của trên về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; trong đó, tập trung vào Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Nghị định 102/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư; Chỉ thị 32/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Các cấp ủy đảng tiến hành xây dựng nghị quyết, chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật của cấp mình, bám sát thực tiễn, đặc điểm nhiệm vụ, phù hợp với trình độ, nhận thức của đối tượng. Đồng thời, phát huy năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nhất là các chi bộ trên các tàu. Đẩy mạnh công tác quản lý chặt chẽ đảng viên cả về chính trị, tư tưởng, quan hệ xã hội, đạo đức, lối sống; kịp thời ngăn chặn những nhận thức lệch lạc, hành vi tiêu cực. Thực hiện đúng nguyên tắc những người tuyên truyền pháp luật là những người liêm chính, gương mẫu trong chấp hành pháp luật. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân.

Huấn luyện kiến thức pháp luật cho cán bộ, kiểm ngư viên

Hai là, đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm ngư viên tinh thông nghiệp vụ, có năng lực và kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đây là vấn đề quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác này, bởi trong mọi công việc, suy đến cùng, con người là nhân tố quyết định. Nhận thức rõ điều đó, Chi đội tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm ngư viên đủ biên chế, có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững, am hiểu pháp luật, tác phong công tác phù hợp và có kỹ năng tuyên truyền pháp luật. Là đơn vị mới thành lập, Chi đội đã tích cực bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện cho cán bộ, công nhân viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; trong đó, chú ý về kiến thức, nghiệp vụ pháp luật và kỹ năng làm công tác tuyên truyền. Hằng năm, Chi đội tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá đội ngũ cán bộ, kiểm ngư viên, trên cơ sở đó có kế hoạch đề nghị cử đi đào tạo chuyên môn pháp luật ở các nhà trường; phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao, cập nhật kiến thức pháp luật về lĩnh vực thủy sản của Việt Nam, quốc tế và những kỹ năng tuyên truyền cần thiết. Cùng với đó, Chi đội khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, kiểm ngư viên tự học tập, nghiên cứu nâng cao kiến thức về mọi mặt; nhất là kiến thức pháp luật mới, ngoại ngữ, sử dụng các phương tiện tuyên truyền hiện đại,... tích cực xây dựng tủ sách pháp luật trên mỗi đội, tàu, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, kiểm ngư viên nghiên cứu, tra cứu. Nhờ đó, năng lực, tác phong và kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật của đội ngũ cán bộ, kiểm ngư viên không ngừng được nâng lên, góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật nhà nước trên vùng biển được giao.

Ba là, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Thực tế cho thấy, các luật, quy chế, chính sách về pháp luật dưới dạng văn bản thường khô khan, có tính “hàn lâm”, khó hiểu đối với phần lớn ngư dân. Vì thế, việc đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp là vấn đề quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Nhận thức rõ điều đó, Chi đội đã rút gọn nội dung theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, thiết thực, như: nguyên tắc pháp lý khi xử lý các tình huống trên biển, quy định đánh bắt hải sản, bảo đảm thông tin liên lạc, phương tiện cứu sinh trên tàu cá; cách xác định các vùng biển không được khai thác. Cán bộ, kiểm ngư viên đã đến từng tàu, thuyền, ngay trên ngư trường tuyên truyền trực tiếp; phát tài liệu dưới dạng tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, đĩa hình pháp luật về kiểm ngư, v.v. Quá trình thực hiện, Chi đội tập trung vào đối tượng là chủ tàu, thuyền, thuyền trưởng, giúp họ yên tâm, tự tin ứng phó với mọi tình huống, bám biển, bám ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đối với các tàu, thuyền đánh cá nước ngoài xâm phạm ngư trường, vùng biển nước ta, Chi đội kiên quyết, kiên trì tuyên truyền đặc biệt, đấu tranh bằng 4 thứ tiếng: Anh, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, buộc họ phải chấp hành pháp luật Việt Nam. Cùng với đó, Chi đội phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, có kế hoạch tuyên truyền đồng bộ, toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả công tác quan trọng này. Năm 2017, Chi đội đã tuyên truyền trực tiếp cho gần 500 tàu, thuyền; phát gần 1.000 tài liệu về pháp luật. Qua đó, giúp cho các cá nhân, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực thủy sản nâng cao nhận thức, thực hiện tự giác, nghiêm minh pháp luật của Việt Nam, các nước có vùng biển tiếp giáp, chồng lấn và pháp luật quốc tế.

Hướng dẫn pháp luật cho ngư dân

Bốn là, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Do thiếu hiểu biết về pháp luật, tình trạng vi phạm ngư trường nước ngoài của một số tàu cá Việt Nam có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Thậm chí, ngày 23-10-2017, ngành Thủy sản Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu “rút thẻ vàng” do không tuân thủ Quy định về IUU1. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới ngư dân, doanh nghiệp thủy sản và hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam, khi phải đối diện với nguy cơ mất thị trường không chỉ châu Âu mà còn cả Mỹ. Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, như: Chỉ thị 45/CT-TTg về Việc triển khai các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; Quyết định 78/QĐ-TTg phê chuẩn Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Đồng thời, tập trung cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản và ngư dân thực hiện quyết liệt các giải pháp đáp ứng yêu cầu của IUU. Là địa bàn có nhiều tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, như các tỉnh: Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang,... Chi đội bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi cục Kiểm ngư Vùng và các cơ quan chuyên môn cấp trên, tập trung tuyên truyền và hướng dẫn cho ngư dân thực hiện nghiêm các văn bản trên. Trong đó, làm rõ ý nghĩa, mục đích, tính cấp thiết các biện pháp khắc phục để tuân thủ Quy định về IUU, tạo sự đồng thuận, tự giác chấp hành. Đồng thời, nhấn mạnh các biện pháp chế tài và hình thức xử phạt của pháp luật Việt Nam cũng như các nước trong khu vực về các hành vi đánh cá bất hợp pháp. Trên ngư trường, Chi đội thường xuyên tổ chức tàu tuần tra, canh, trực, nhất là tại các khu vực biển chồng lấn; phát sơ đồ vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, hướng dẫn ngư dân không khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và vùng biển quốc tế. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chấp pháp khác trên biển, tăng cường tuần tra, kiểm tra các hoạt động của tàu thuyền, giám sát hành trình, thực hiện chế độ ghi nhật ký và báo cáo truy xuất nguồn gốc khai thác hải sản; phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức hoặc môi giới đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài, v.v. Nhờ đó, thời gian gần đây, số lượng tàu, thuyền của ngư dân đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài đã giảm hẳn.

Với chủ trương đúng và cách làm hiệu quả, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Chi đội đã góp phần thúc đẩy nghề cá trên địa bàn phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam, nhanh chóng đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

ĐẶNG MẠNH HÙNG, Bí thư Đảng ủy Chi đội
___________________

1 - Quy định 1005/2008 của Ủy ban châu Âu về Thiết lập hệ thống cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Trong đó, có một số điểm đáng chú ý:

- Các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát là mối đe dọa lớn đối với khai thác bền vững các nguồn lợi biển.

- Làm giảm trữ lượng cá và đe dọa môi trường sống, có ảnh hưởng xuyên biên giới đối với các khu vực biển ở cấp quốc gia và trên biển nói chung.

- Thiếu quản lý ở cấp quốc gia trên biển, dưới sự kiểm soát của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMO).

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...