Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 24/06/2013, 23:22 (GMT+7)
Cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TT,PBPL) cho nhân dân ở khu vực biên giới (KVBG) là một nhiệm vụ quan trọng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP).

Những năm qua, công tác TT,PBPL cho nhân dân nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở KVBG nói riêng của BĐBP đã góp phần làm chuyển biến nhận thức về pháp luật, văn hoá, pháp lý cho đồng bào, tạo cơ sở bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Tuy nhiên, mặt công tác này vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Đó là việc vận dụng các hình thức TT,PBPL chưa thích hợp với điều kiện sống của đồng bào; các hình thức, biện pháp TT,PBPL chưa được đổi mới; phương pháp thiếu sáng tạo, chưa phù hợp với từng đối tượng và điều kiện kinh tế - xã hội… Nguyên nhân của những hạn chế trên, một mặt, là do đội ngũ làm công tác TT,PBPL chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác TT,PBPL; mặt khác, chưa có nhiều hình thức TT,PBPL. Trong khi đó, ngôn ngữ, văn phong, nội dung của các văn bản pháp luật mang tính chuyên ngành rất cao, nên đồng bào DTTS thường rất khó tiếp cận hoặc hạn chế trong việc tự tìm hiểu, tra cứu và áp dụng. Hơn nữa, do sự vận động nhanh chóng của các quan hệ kinh tế - xã hội, mà các văn bản quy phạm pháp luật phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung, khiến những người không nghiên cứu và áp dụng pháp luật thường xuyên gặp rất nhiều khó khăn trong nắm bắt những vấn đề pháp lý, nhất là đồng bào DTTS ở KVBG. Mặt khác, KVBG có địa bàn rộng, phức tạp; đồng bào ở phân tán, trình độ nhận thức còn hạn chế; cơ sở vật chất, kỹ năng TT,PBPL của cán bộ, chiến sĩ BĐBP có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nên hiệu quả TT,PBPL chưa cao.

Để khắc phục tình trạng đó, các đơn vị BĐBP cần tích cực đa dạng hóa các hình thức TT,PBPL cho phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào. Theo đó, các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải căn cứ vào tình hình, đặc điểm cụ thể của từng đối tượng, địa bàn để sử dụng nhiều hình thức TT,PBPL, như: tuyên truyền miệng thông qua mở các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề hoặc lồng ghép trong buổi họp của thôn (bản); tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng lưới truyền thanh cơ sở, mạng Internet, các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, xử lý các vi phạm pháp luật; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ với việc thực hiện các phong tục, tập quán, nhất là các luật tục của đồng bào; lồng ghép trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án ở từng địa phương... Căn cứ vào tình hình cụ thể, có thể lựa chọn một hoặc nhiều hình thức TT,PBPL khác nhau, song cần chú ý đáp ứng những yêu cầu sau:

Thứ nhất, bám sát đặc điểm của đối tượng để TT,PBPL. Đối tượng TT,PBPL của BĐBP chủ yếu là đồng bào DTTS ở KVBG, có đời sống văn hoá, phong tục, tập quán khác nhau; đời sống kinh tế gặp rất nhiều khó khăn; cư trú không tập trung, trình độ dân trí thấp; một bộ phận đồng bào không biết tiếng phổ thông; có biểu hiện tự ti và thụ động trong giao tiếp, ứng xử xã hội. Điều đó hạn chế đến khả năng tiếp cận thông tin về pháp luật của đồng bào. Thực tế cho thấy, khi hình thức TT,PBPL không phù hợp với đối tượng tiếp nhận thì kết quả đạt được thường rất thấp; đồng bào chẳng những không hiểu hoặc hiểu không đúng và không vận dụng được các kiến thức pháp lý đã truyền đạt vào cuộc sống, mà có khi còn tỏ thái độ không tốt với pháp luật và cơ quan thực thi pháp luật. Nắm vững đặc điểm đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP cần lựa chọn các hình thức TT,PBPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; gắn công tác TT,PBPL với truyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách về dân tộc, tôn giáo và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta để đồng bào biết và không mắc phải luận điệu tuyên truyền của chúng. Chẳng hạn, với lực lượng dân quân, cán bộ xã (phường) ở KVBG, công tác TT,PBPL có thể kết hợp tuyên truyền miệng (vốn là hình thức truyền thống) với tổ chức đọc sách, báo, tạp chí; mở các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền lồng ghép khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội tại địa phương. Đối với các tầng lớp dân cư KVBG, lấy tuyên truyền miệng là chính, kết hợp với sử dụng mạng truyền thanh cơ sở, thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức chiếu phim tài liệu. Đặc biệt, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, gia đình là hình thức cần được áp dụng rộng rãi.

Thứ hai, hình thức và nội dung TT,PBPL phải phù hợp với nhau. Hình thức phù hợp với nội dung là một trong những yêu cầu cơ bản cần được cán bộ, chiến sĩ BĐBP nghiên cứu, quán triệt trước khi tiến hành TT,PBPL cho đồng bào DTTS. Điều quan trọng là phải làm cho nội dung pháp luật được truyền đạt một cách ngắn, gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Đối với đồng bào DTTS, việc TT,PBPL không nhất thiết phải truyền đạt đầy đủ các nội dung của mỗi văn bản pháp luật, mà cần tuyên truyền những nội dung trọng tâm, cơ bản, thiết thực nhất liên quan trực tiếp đến việc thực hiện pháp luật của đồng bào ở một lĩnh vực cụ thể và cách thức thực hiện các nội dung đó. Chẳng hạn, tập trung làm rõ để đồng bào nắm được các quyền và nghĩa vụ trong cư trú, đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới; sản xuất, khai thác tài nguyên, chăn, thả gia súc; quản lý, bảo vệ đường biên, hệ thống dấu hiệu mốc quốc giới; cách thức thực hiện quyền và nghĩa vụ (cách thiết lập, giải quyết mối quan hệ với BĐBP, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng khác trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó). Đồng thời, làm rõ các hành vi nào bị ngăn cấm, hạn chế; các hành vi nào là vi phạm pháp luật (hành vi của công dân, của cơ quan, đơn vị, lực lượng quản lý); cách thức giải quyết của BĐBP; quyền khiếu nại, tố cáo của công dân về các vấn đề đó... Quá trình TT,PBPL cần lựa chọn một số tình huống có thật trên thực tế, kết hợp với xây dựng các tình huống mang tính chất giả định, nhưng phải gắn bó chặt chẽ với nội dung cần tuyên truyền, phổ biến để tăng tính hấp dẫn, thu hút sự chú ý, hiểu nhanh, nhớ lâu và xây dựng kỹ năng thực hiện pháp luật cho đồng bào theo lối “chỉ việc, đặt tay”. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu các phong tục, tập quán, luật tục trong đời sống của đồng bào để so sánh với các quy định của pháp luật; từ đó, xây dựng các phương án xử lý tình huống, rút ra ưu điểm, nhược điểm của các phương án đó và kết luận phương án đúng, nhằm giúp đồng bào dễ dàng tiếp nhận các thông tin pháp lý… Trên cơ sở đó, đồng bào sẽ so sánh với phong tục, tập quán để rút ra những cái tốt đẹp, phù hợp với các quy định của pháp luật mà phát huy; khắc phục những tập quán lạc hậu, hủ tục, những suy nghĩ và hành động đi ngược lại lợi ích chung, ngăn cản sự tiến bộ… Để công tác TT,PBPL đạt yêu cầu đề ra, các đơn vị BĐBP có thể phối hợp với các cơ quan báo chí, đặc biệt là truyền hình trong và ngoài Quân đội, với Học viện Biên phòng để xây dựng các phim tài liệu có nội dung TT,PBPL cho đồng bào DTTS ở KVBG; phối hợp với đài truyền thanh cấp cơ sở, các nhà văn hoá, câu lạc bộ văn hoá ở địa phương để xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền; soạn thảo hệ thống câu hỏi thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức trắc nghiệm khách quan; thông qua các hoạt động hòa giải ở cơ sở và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của công dân phát sinh tại địa bàn.

Thứ ba, phát huy tối đa các điều kiện, phương tiện của đơn vị. TT,PBPL rất cần có các phương tiện, nguồn lực về con người, về tài chính và thời gian. Trong điều kiện khó khăn về công tác đảm bảo vật chất, kinh phí cho hoạt động, các đơn vị BĐBP cần linh hoạt sử dụng các hình thức TT,PBPL, gắn công tác này với việc thực hiện các hoạt động khác, như: vận động quần chúng tham gia phong trào tự quản đường biên, mốc giới; tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới; thực hiện nhân rộng các phong trào: “Tiếng kẻng vùng biên”, “Mõ tre chống cướp”, “Biên giới bình yên, nội biên vững mạnh”. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ công tác TT,PBPL với việc vận động các hộ có ruộng, nương, rừng sát biên giới ký cam kết bảo vệ đường biên, mốc giới; vận động các hộ gia đình ra sinh sống, sản xuất sát biên giới, trồng rừng phòng hộ; thực hiện cuộc vận động “Mái ấm cho đồng bào nơi biên giới, hải đảo”... Các hình thức TT,PBPL cần được kết hợp chặt chẽ với việc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất ma túy. Ngoài ra, thực hiện “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương” với đồng bào DTTS cũng là một điều kiện tốt để TT,PBPL có hiệu quả.

Thứ tư, nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng các hình thức TT,PBPL cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Những hạn chế trong thực hiện các hình thức TT,PBPL của BĐBP trước hết là do một bộ phận cán bộ, chiến sĩ BĐBP nhận thức không đúng vấn đề đa dạng hóa hình thức TT,PBPL và chưa có các kỹ năng cần thiết để kết hợp sử dụng nhiều hình thức TT,PBPL. Để nâng cao hiệu quả hoạt động này, các đơn vị BĐBP cần tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ những kiến thức cơ bản về các hình thức TT,PBPL; nắm vững đặc điểm, phong tục, tập quán của đồng bào; rèn luyện các kỹ năng cần thiết, như: kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm, tổ chức cuộc họp, các sinh hoạt tập thể, tư vấn, hòa giải, xử lý các tình huống vi phạm pháp luật… Đồng thời, nếu có điều kiện, các đơn vị BĐBP có thể phối hợp với các cơ sở đào tạo (trong và ngoài lực lượng BĐBP), mời các chuyên gia có uy tín trên các lĩnh vực khoa học, các tuyên truyền viên pháp luật có kinh nghiệm để tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo hoặc nói chuyện chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm, nhằm xây dựng kỹ năng tiến hành các hình thức TT,PBPL cho cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả TT,PBPL cho đồng bào DTTS trong tình hình mới.

Nắm chắc các yêu cầu trên, lực lượng BĐBP sẽ có cơ sở để thực hiện đa dạng hình thức TT,PBPL cho đồng bào DTTS ở KVBG, góp phần hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, xây dựng KVBG vững mạnh, tạo “phên giậu” vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Thiếu tá NGUYỄN XUÂN BÁCH

Học viện Biên phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...