Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 12/09/2011, 03:08 (GMT+7)
Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, chức việc các tôn giáo ở Thái Bình

alt
Cán bộ Cục Dân quân tự vệ trao đổi kiến thức QP-AN với lãnh đạo Học viện Phật giáo Hà Nội và các tăng, ni sinh. (Nguồn: qdnd.vn)
Nhận thức rõ vai trò, vị trí của công tác giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Thái Bình đã triển khai tích cực công tác này đối với các đối tượng và đạt được kết quả cao. Trong quá trình thực hiện, Tỉnh đặc biệt coi trọng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (QP-AN) cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, được Quân khu 3 và Hội đồng GDQP-AN Trung ương đánh giá cao, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (giai đoạn 2001 - 2010). Kết quả đó thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong Tỉnh đối với đồng bào có đạo; đồng thời, là việc làm thiết thực góp phần củng cố, tăng cường khối đoàn kết lương - giáo, làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch.

Là tỉnh ven biển đồng bằng Bắc Bộ, Thái Bình có trên 23 vạn tín đồ của ba tôn giáo hoạt động theo pháp luật (Phật giáo, Công giáo, Tin lành), chiếm 13% dân số; trong đó, có 1.060 cơ sở thờ tự với gần 700 chức sắc, chức việc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng bào có đạo đã cùng với nhân dân trong Tỉnh tích cực tham gia kháng chiến; nhiều cơ sở thờ tự của tôn giáo trở thành địa điểm hội họp, liên lạc của các tổ chức cách mạng và là nơi sửa chữa vũ khí, cấp cứu thương binh; nhiều tín đồ, phật tử, giáo dân tình nguyện vào bộ đội, thanh niên xung phong trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Thời kỳ này, có trên 400 người con của đồng bào Công giáo đã anh dũng hy sinh và 5 mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện nay, trong đồng bào Công giáo có gần 600 đảng viên, trong đó nhiều người là cán bộ cấp tỉnh, huyện. 25 năm qua, thực hiện sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các tôn giáo trong Tỉnh luôn đoàn kết, tích cực lao động, sản xuất thực hiện chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương; các hoạt động lễ hội, xây cất, tu sửa nơi thờ tự cơ bản diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Tuy vậy, đến nay đời sống của một bộ phận nhân dân, trong đó có đồng bào tôn giáo vẫn còn khó khăn; bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, kích động của một số phần tử thoái hóa, biến chất, mượn danh tôn giáo còn diễn ra, làm ảnh hưởng tới tình hình trật tự, an ninh xã hội, gây bức xúc trong đồng bào có đạo và nhân dân ở một số cơ sở trong Tỉnh. 

Quán triệt quan điểm của Đảng và bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Thái Bình đã phát huy vai trò của Hội đồng GDQP-AN, cơ quan quân sự các cấp và các ban, ngành, nhất là Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận Tỉnh, tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp để tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc trong địa bàn.

Trước hết, Tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ sở tiến hành khảo sát nắm chắc tình hình đội ngũ chức sắc, chức việc các tôn giáo; trên cơ sở đó, xác định nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, Ban Tôn giáo Tỉnh chỉ đạo 7 huyện và thành phố tổ chức khảo sát toàn diện; trong đó, tập trung nắm chắc số lượng, hoàn cảnh gia đình, sức khỏe, trình độ và sự tín nhiệm của chức sắc, chức việc... Qua khảo sát, toàn Tỉnh có 697 vị chức sắc, chức việc đủ điều kiện (chức danh, sức khỏe...) tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Trong đó: Phật tử có 297 vị (Hòa thượng 2 vị, Thượng tọa, Đại đức 11 vị, các chức khác 284 vị); Công giáo có 398 vị (Linh mục 35 vị, Trùm trưởng 300 vị, các chức khác 63 vị); Tin lành có 2 Mục sư. Để tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ này, Tỉnh ủy, BCHQS Tỉnh đã tổ chức gặp mặt với Giám mục địa phận Thái Bình, Trưởng ban Trị sự Hội Phật giáo Tỉnh, vị Mục sư Tin lành và các linh mục quản hạt, Ban đại diện Hội Phật giáo huyện, thành phố để trao đổi về quan điểm, chủ trương của Đảng, ý định tổ chức của Tỉnh và các địa phương. Đồng thời, đề nghị các vị đứng đầu các tôn giáo có thư, thông bạch yêu cầu các chức sắc, chức việc sắp xếp công việc, thời gian tham gia học tập theo đúng kế hoạch. 

Căn cứ vào kết quả khảo sát và điều kiện thực tế của địa phương, Thái Bình quyết định tổ chức bồi dưỡng theo nguyên tắc: cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức lớp và bảo đảm ngân sách, BCHQS Tỉnh phối hợp với các ban, ngành của Tỉnh bảo đảm tài liệu học tập và giáo viên. Địa điểm bồi dưỡng tại trung tâm bồi dưỡng chính trị của các huyện và thành phố; thời gian học tập mỗi lớp từ 2,5 đến 3 ngày. Với số lượng xấp xỉ 100 người/lớp, các lớp học có điều kiện tổ chức chu đáo việc ăn, ở của học viên và đảm bảo chất lượng học tập. Để tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ này, Hội đồng GDQP-AN Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy ra công văn chỉ đạo và giao cho các huyện, thành phố phối hợp với cơ quan quân sự tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc ở các huyện.

Hai là, xây dựng nội dung, chương trình, bố trí giáo viên phù hợp. Trên cơ sở tham khảo nội dung, chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 3, 4 của Bộ Quốc phòng và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Quân khu 3, Hội đồng GDQP-AN Tỉnh đã nghiên cứu lựa chọn, bổ sung một số nội dung phù hợp vào chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc, như: quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta trong tình hình mới; Luật Đất đai; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh Thái Bình; nhiệm vụ phát triển KT-XH và tăng cường QP-AN ở Thái Bình và những chủ trương, giải pháp thực hiện trong thời gian tới,... Các lớp học còn tổ chức cho học viên đi tham quan các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiêu biểu ở một số địa phương.

Cùng với xây dựng nội dung, chương trình, Tỉnh đặc biệt coi trọng lựa chọn những đồng chí có trình độ, có kiến thức chuyên ngành phù hợp, có hiểu biết về tôn giáo, có kinh nghiệm và khả năng sư phạm để giảng dạy các chuyên đề cho các lớp học. Đội ngũ này chủ yếu được lựa chọn ở BCHQS Tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường và Ban Tôn giáo Tỉnh. Riêng chuyên đề về KT-XH và QP-AN của các địa phương đều do cán bộ chủ chốt của cấp huyện trực tiếp đảm nhiệm. Việc phân công và chuẩn bị bài giảng được tiến hành chặt chẽ, chu đáo và thực hiện nghiêm nền nếp thông qua bài giảng với Ban chỉ đạo và Thường trực Hội đồng GDQP-AN. Trong quá trình giới thiệu các chuyên đề, giáo viên tránh lấy dẫn chứng, ví dụ về những vấn đề gây mặc cảm, ức chế cho học viên.

Ba là, tổ chức làm điểm rút kinh nghiệm để chỉ đạo trong toàn Tỉnh. Huyện Kiến Xương có cả 3 tôn giáo hoạt động, với 97 vị chức sắc, chức việc nên Tỉnh quyết định giao cho Huyện tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN trước để rút kinh nghiệm chỉ đạo trong toàn Tỉnh. Sau khi thống nhất với Huyện ủy Kiến Xương những vấn đề cơ bản về tổ chức lớp, các ban, ngành chức năng của Huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân, Hội đồng GDQP-AN Huyện ra các văn bản pháp quy về tổ chức lớp bồi dưỡng và thành lập Ban tổ chức lớp học, ra công văn triệu tập học viên. Hội đồng GDQP-AN Tỉnh đã mời các cơ quan chức năng của Tỉnh, Tòa giám mục địa phận Thái Bình, Trưởng ban Trị sự Hội Phật giáo Tỉnh đến dự và phát biểu động viên, giao nhiệm vụ cho học viên trong ngày khai mạc. Trong quá trình tổ chức lớp, cán bộ cơ quan quân sự, Mặt trận Tổ quốc Huyện duy trì thời gian, quy định của lớp học; việc đảm bảo ăn trưa cho học viên theo Công giáo, Tin lành do Trung tâm bồi dưỡng chính trị Huyện đảm nhiệm; cho học viên theo Phật giáo: nhờ nhà chùa gần địa bàn phục vụ. Trong quá trình học tập, học viên đều chấp hành nghiêm túc nội quy của lớp; Chủ tịch và Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Huyện duy trì tọa đàm, trao đổi, động viên học viên phát huy dân chủ, tạo được không khí hòa đồng giữa các tôn giáo. Lớp học được tiến hành trong 3 ngày theo đúng kế hoạch, đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Kết thúc lớp bồi dưỡng tại Kiến Xương, Hội đồng GDQP-AN Tỉnh đã tổ chức rút kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức lớp học và nội dung, chương trình, phương pháp giới thiệu, việc tổ chức trao đổi ở các tổ và lớp học. Trên cơ sở đó, Tỉnh thống nhất thành Chương trình “khung” và triển khai Kế hoạch bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc trong toàn Tỉnh.

Thực hiện kế hoạch trên, đến nay Thái Bình đã tổ chức bồi dưỡng cho 1.510 chức sắc, chức việc các tôn giáo, đạt 91,5%. Những vị chưa tham gia bồi dưỡng chủ yếu là do tuổi cao, hoặc đang theo học các trường tôn giáo. Việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN đã góp phần nâng cao nhận thức cho chức sắc, chức việc các tôn giáo về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giúp họ hiểu sâu hơn về âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhất là việc chúng lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Qua đó, góp phần xóa bỏ mặc cảm giữa các tôn giáo, giữa những người không theo đạo với người có đạo, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định và giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở từng địa phương, cơ sở. Thực tế cho thấy, chức sắc, chức việc là người đứng đầu, có uy tín trong đồng bào có đạo, nên cả việc “đạo”, việc “đời” của họ đều ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm và hành động đối với đồng bào có đạo. Do đó, sau khi được bồi dưỡng kiến thức QP-AN, chính hoạt động của chức sắc, chức việc đã góp phần làm cho đồng bào có đạo hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ công dân, nắm và vận dụng vào thực tế, nhất là thực hiện các quy định về lễ hội, xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự, tham gia bảo vệ các công trình quốc phòng, thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, các chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và hạn chế trẻ em bỏ học; đoàn kết giúp đỡ nhau “xóa đói giảm nghèo”, làm giàu chính đáng và đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội ở cơ sở.

Là địa phương đi đầu trong Quân khu và cả nước về bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, nên Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đã chỉ định Thái Bình tổ chức hội nghị điểm sơ kết công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc để chỉ đạo trong Quân khu. Kết quả trên còn được Hội đồng GDQP-AN Trung ương đánh giá cao và thông báo tới các địa phương khác để rút kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

Đại tá BÙI ĐÌNH THỊNH

Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...