Thứ Hai, 16/09/2024, 00:01 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Nằm ở Bắc Trung bộ, Nghệ An có 419 km đường biên giới, giáp 03 tỉnh: Hủa-phăn, Xiêng-khoảng, Bô-ly-khăm-xay của nước bạn Lào. Khu vực biên giới của Tỉnh, gồm: 27 xã, thuộc 06 huyện, dân số trên 13 vạn người, với 07 dân tộc anh em cùng sinh sống; có 82 km bờ biển trải dài 34 xã, thuộc 05 huyện, thị xã, với dân số khoảng 32 nghìn người, trong đó có gần 28 nghìn tín đồ Công giáo. Những năm qua, được Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh quan tâm đầu tư, cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn, nên khu vực này đã từng bước “thay da, đổi thịt”; kinh tế - xã hội cơ bản có sự phát triển tốt, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường; chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững.
Tuy vậy, đời sống của một bộ phận nhân dân nơi đây còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế. Hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp; nhất là tội phạm ma túy, buôn bán người, khai thác lâm sản trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại; tình trạng di cư trái pháp luật; sử dụng thuốc nổ, xung điện đánh bắt thủy hải sản ảnh hưởng đến môi trường và hủy hoại nhiều sinh vật biển. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc thù còn nhiều bất cập; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở còn hạn chế. Các thế lực thù địch coi Nghệ An nói chung, khu vực biên giới, ven biển của Tỉnh nói riêng là một trọng điểm để chống phá, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, v.v. Nhận thức rõ điều đó, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã chủ trì tham mưu, phối hợp thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” giai đoạn 2014 - 2017 và giai đoạn 2017 - 2021 (sau đây gọi tắt là Đề án) trên địa bàn khu vực biên giới, vùng biển của Tỉnh, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho nhân dân trong bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, hải đảo của Tổ quốc.
Quán triệt sâu sắc chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của trên1, trực tiếp là của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án) đã chủ trì tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành văn bản phục vụ cho công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án. Trọng tâm là thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký và quy chế hoạt động; xây dựng kế hoạch thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết Đề án theo các giai đoạn và hằng năm, v.v. Trên cơ sở đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị quán triệt, đưa vào nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện một cách đồng bộ tới các tổ chức trong hệ thống chính trị để nâng cao hiệu quả đối với công tác này. Các cấp luôn quán triệt và xác định rõ: thực hiện tốt nội dung, yêu cầu của Đề án chính là nội dung, giải pháp quan trọng góp phần làm chuyển biến về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.
Để làm tốt công tác này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tổ chức quán triệt, tập huấn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành, địa phương của Tỉnh, nhất là địa bàn biên giới, ven biển, các đơn vị trên Đảo Mắt, Đảo Ngư, các đồn và Hải đội 2 Biên phòng Tỉnh2; phối hợp với các cấp, ngành, lực lượng triển khai Đề án xuống cơ sở, đảm bảo đúng nội dung, thời gian đã đề ra. Chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân Tỉnh sử dụng hiệu quả các nguồn lực do trên cấp và hỗ trợ biên soạn, in ấn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, đĩa DVD và trang bị cơ sở vật chất, phương tiện,… để cấp cho các đồn Biên phòng, xã, phường biên giới, ven biển. Các tài liệu được biên tập theo từng chủ đề, chuyên đề bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số (tùy theo yêu cầu địa bàn), bảo đảm ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, sát với nhận thức, đặc thù công việc của đối tượng, như: hướng dẫn ngư dân khu vực đánh bắt cá và phương pháp xử lý sự cố trên biển; phòng, chống di cư tự do, tệ nạn xã hội, vượt biên trái phép; tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam3, v.v. Đồng thời, chỉ đạo các đồn Biên phòng, các tổ, đội công tác vận động quần chúng phối hợp với địa phương nhân rộng tài liệu do Ban Chỉ đạo Đề án và Bộ đội Biên phòng cấp; xây dựng nội dung các bản tin pháp luật vùng biên bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số, hệ thống pa-nô, khẩu hiệu,… để tuyên truyền đến từng thôn, xóm và hộ gia đình.
Là Cơ quan Thường trực, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh luôn phát huy tốt vai trò thành viên Ban Chỉ đạo và xây dựng lực lượng nòng cốt ở cấp xã, phường, thị trấn, thôn bản khu vực biên giới, ven biển trong thực hiện Đề án. Các thành viên Ban Chỉ đạo được phân công, phân nhiệm cụ thể theo chức trách, nhiệm vụ được giao; hoạt động theo Quy chế, luôn bám sát cơ sở, chủ động xây dựng, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt, phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, tích cực kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết, phát hiện, nhân rộng điển hình, mô hình tiên tiến, kịp thời có biện pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót,… đảm bảo việc thực hiện Đề án có hiệu quả4. Việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được Bộ đội Biên phòng Tỉnh hết sức quan tâm. Về nội dung, các cấp đã đẩy mạnh phổ biến, giáo dục những vấn đề cơ bản của các văn bản pháp luật, như: Hiến pháp (năm 2013), Luật Đất đai (sửa đổi năm 2013), Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trưng cầu ý dân. Đồng thời, phân tích làm rõ hơn Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hiệp định Hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc; Nghị định 34/2014/NĐ-CP của chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền; Nghị định 71/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, v.v. Về hình thức, các cấp phát huy tốt vai trò của thiết chế văn hóa, thông tin ở cơ sở, như: hệ thống phát thanh cố định, lưu động; tuyên truyền miệng; cấp phát tờ rơi, tờ gấp, băng rôn, khẩu hiệu; chiếu phim lưu động; duy trì “Ngày Pháp luật” ở cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện Mô hình “Nâng bước em đến trường”5; nói chuyện chuyên đề về pháp lý, trợ giúp pháp lý (khu vực biên giới, ven biển của Tỉnh hiện có 55 Câu lạc bộ pháp luật); sân khấu hóa; tổ chức xét xử lưu động một số vụ án điển hình, v.v.
Đặc biệt, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh rất coi trọng việc phối hợp, tổ chức hoạt động giữa các lực lượng: Quân sự, Công An, Biên phòng và phát huy tốt đội ngũ cán bộ biên phòng tăng cường cho cơ sở, các tổ, đội công tác vận động quần chúng. Hiện nay, Bộ đội Biên phòng Tỉnh có 27 cán bộ tăng cường các xã biên giới, trong đó có 01 đồng chí làm Bí thư đảng ủy xã, 18 đồng chí làm Phó Bí thư, có 69 đảng viên chuyển sinh hoạt tạm thời về các chi bộ vùng giáo, thôn bản yếu kém trên địa bàn 2 tuyến biên giới, vùng biển. Qua tổ chức thực hiện, đã có nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả như: “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống tội phạm mua bán người” (bản Tam Quang, huyện Tương Dương); “Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Câu lạc bộ không sinh con thứ ba” (xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn); “Hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa” (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương); thi viết về “Gương sáng thanh niên chấp hành pháp luật”, thi trực tuyến “Tìm hiểu văn bản pháp luật mới” trên cổng Thông tin điện tử Tỉnh; xây dựng bản tin pháp luật phát trên hệ thống phát thanh các xã thuộc thị xã Hoàng Mai, v.v. Bộ đội Biên phòng Tỉnh còn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh lớp 9 các trường trung học cơ sở ở khu vực biên giới, ven biển (từ 2014 đến nay, tổ chức 486 buổi, với 12.405 học sinh tham gia); kế hoạch giải quyết tình hình phức tạp về ma túy ở 02 huyện: Quế Phong và Kỳ Sơn,... với trọng tâm là tuyên truyền Luật Phòng, chống ma túy; trách nhiệm, quyền lợi của công dân trong phối hợp phát hiện, tố giác, đấu tranh, bắt giữ, truy tố tội phạm, phá các vụ án về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng ma túy trái pháp luật, v.v.
Thời gian tới, nêu cao trách nhiệm chính trị của mình, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu, phối hợp, tích cực đổi mới nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Đề án (giai đoạn 2017 - 2021). Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân trong Tỉnh, nhất là khu vực biên giới, hải đảo, làm cho họ tự giác, tích cực tham gia có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Đại tá LÊ NHƯ CƯƠNG, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh ___________________
1 - Chỉ thị 32-CT/TW, ngày 09-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”, Chỉ thị 21/2003/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội, dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên”, v.v.
2 - 02 buổi, với gần 400 người tham gia.
3 - Từ năm 2014 đến nay, Ban Chỉ đạo Đề án Tỉnh đã cấp cho các xã, phường biên giới, ven biển, đồn Biên phòng: 440 cuốn sách; 8.000 tờ rơi, tờ gấp; 14.700 đĩa DVD, trong đó có 6.430 đĩa DVD do Bộ đội Biên phòng nghiên cứu, xây dựng và trang bị 54 loa phát thanh, 04 âm ly, 36 micro, 20 loa cầm tay, 14 tủ sách pháp luật (riêng Bộ đội Biên phòng Tỉnh phối hợp với Thư viện Tỉnh cấp mới và luân chuyển 11.400 cuốn sách pháp luật các loại).
4 - Từ năm 2014 đến nay, Ban Chỉ đạo tổ chức kiểm tra việc thực hiện Đề án tại 05 huyện, thị biên giới, ven biển; tổ chức 51 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 1.080 người là cán bộ các xã, phường, thôn; năm 2016, tổ chức tổng kết thực hiện Đề án giai đoạn 2013 - 2016.
5 - Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã nhận đỡ đầu 104 em học sinh thuộc gia đình hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới (trong đó có 20 em của nước bạn Lào ở địa bàn biên giới đối diện).
Nghệ An,Bộ đội Biên phòng,giáo dục pháp luật
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Trường Quân sự Quân khu 4 đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 20/06/2024
Tỉnh Long An nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật cho dân quân tự vệ 10/06/2024
Thành phố Cần Thơ chú trọng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 20/05/2024
Sư đoàn Phòng không 361 đột phá trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 16/05/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật