Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 15/07/2024, 08:42 (GMT+7)
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững

Bắc Giang là tỉnh trung du, nằm án ngữ cửa ngõ Đông Bắc Thủ đô Hà nội, đầu mối giao thông quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế lớn của đồng bằng sông Hồng với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, nên giữ vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Quán triệt, thực hiện quan điểm “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Bắc Giang đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Kinh tế - xã hội của Tỉnh có bước phát triển vượt bậc; đang từng bước trở thành trung tâm công nghiệp lớn, hiện đại trong vùng và cả nước. Giai đoạn 2021 - 2023, tăng trưởng kinh tế bình quân của Tỉnh ước đạt 14%/năm, luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Năm 2023, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 17 nghìn tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh trao Giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3, năm 2023.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đạt được, Tỉnh phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực từ “đô thị hóa”, nhất là ô nhiễm môi trường; tình hình an ninh nông thôn, an ninh các khu công nghiệp tiềm ẩn nguy cơ không thể xem nhẹ; tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, v.v. Trước thực tế đó, cùng với đặt trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh; trong đó, đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh để “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, được Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh - Cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh - chủ trì phối hợp với các ban, sở, ngành nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh xây dựng, ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác quan trọng này, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp đặc thù địa bàn. Đồng thời, đề xuất các biện pháp củng cố, kiện toàn Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp đủ số lượng, chất lượng tốt, đúng thành phần, cơ cấu; bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động phù hợp với thực tế địa phương1, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tốt chức năng tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất và đạt hiệu quả cao.

Bắc Giang là địa phương đông dân thứ 11 cả nước, nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, với hai tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo; trên địa bàn Tỉnh có gần 70 cơ sở giáo dục, đào tạo và nhiều trụ sở, văn phòng đại diện các cơ quan, tổ chức với hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức, nên đối tượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định của Luật rất lớn và đa dạng. Hiện nay, thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế, Tỉnh tiếp tục triển khai nhiều dự án mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông, khu công nghiệp và thực hiện các chính sách thu hút nguồn nhân lực, nên bên cạnh mặt tích cực, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh, trật tự. Nhận thức rõ điều đó, Bộ Chỉ huy Quân sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành rà soát, nắm chắc tình hình, tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, nhất là chức sắc, chức việc các tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín, chủ nhà trọ, quản lý, lãnh đạo các khu, cụm công nghiệp, cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, v.v. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự chủ động nghiên cứu, đề xuất với Tỉnh các giải pháp xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt là cán bộ, đảng viên, cựu quân nhân để nắm tình hình và tuyên truyền trong các khu công nghiệp. Chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tăng cường bám, nắm địa bàn, kịp thời tham mưu cho các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức cả trực tiếp và gián tiếp, để nhân dân nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tránh bị kích động, xúi dục khiếu kiện đông người.

Tỉnh chú trọng đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp giáo dục quốc phòng và an ninh phù hợp với từng đối tượng và đặc điểm địa bàn. Thực hiện Thông tư số 172/2020/TT-BQP, ngày 30/12/2020 của Bộ Quốc phòng về “Ban hành chương trình, nội dung; chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh”, thời gian qua, Tỉnh chỉ đạo các địa phương nghiên cứu đổi mới nội dung bồi dưỡng, xây dựng các chuyên đề chuyên sâu theo từng lĩnh vực; đồng thời, tích cực cập nhật các nội dung mới về quốc phòng, an ninh, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; nhiệm vụ chính trị của địa phương;… bảo đảm tính thời sự, sát đối tượng, đặc điểm địa bàn. Về hình thức tổ chức, Tỉnh thực hiện theo phân cấp, kết hợp trên dưới cùng làm. Trong đó, với đối tượng 2, cùng với cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng do Quân khu tổ chức, Tỉnh tích cực mở lớp bồi dưỡng ngay tại địa phương. Tương tự, với đối tượng 3, 4, Tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh bảo đảm đúng quy định và thuận lợi để giáo viên và học viên hoàn thành nhiệm vụ. Với chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, Bộ Chỉ huy Quân sự chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trao đổi với Hội đồng mục vụ các nhà thờ, trụ trì các chùa, người có uy tín trong các tôn giáo trên địa bàn để thống nhất mở các lớp bồi dưỡng theo cụm hoặc khu vực, bảo đảm phù hợp, tránh trùng vào các ngày lễ của tôn giáo. Đồng thời, phân công các đồng chí là cán bộ Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo, Ban Trị sự Phật giáo trực tiếp giảng dạy phù hợp với từng chuyên đề, đối tượng. Với cách làm đó, năm 2023, Tỉnh hoàn thành 100% chỉ tiêu giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng theo quy định và tổ chức bồi dưỡng cho gần 120 già làng, trưởng bản và chức sắc, chức việc tôn giáo, đạt kết quả thiết thực.

Thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh kiểm tra công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh tại huyện Tân Yên năm 2023.

Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên - nguồn nhân lực tương lai của địa phương và đất nước được Tỉnh chỉ đạo nghiêm túc, chặt chẽ. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn và Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang kiện toàn đội ngũ giáo viên chuyên trách và kiêm nhiệm; đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mô hình, học cụ và có nhiều biện pháp thực hiện nghiêm các quy định, nâng cao chất lượng môn học. Qua đó, tạo sự chuyển biến vững chắc trong công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên của Tỉnh2. Tuy nhiên, do hệ thống cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh tại các nhà trường của Tỉnh có mặt còn hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác này. Vì thế, thời gian tới, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tiếp tục phối hợp hỗ trợ, đồng hành với các nhà trường trong việc chuẩn bị phương tiện, mô hình, vật chất, thao trường, bãi tập gắn với tập huấn, bồi dưỡng phương pháp lên lớp, nâng cao kỹ năng huấn luyện thực hành các nội dung quân sự cho đội ngũ giáo viên; trong đó, ưu tiên các trường trên địa bàn 06 huyện miền núi. Phát huy thế mạnh địa phương có nhiều cơ quan, đơn vị Quân đội, Công an và khu di tích lịch sử, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng chỉ đạo các nhà trường tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế, nói chuyện chuyên đề, thăm quan khu di tích lịch sử,... để học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về công tác quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ.

Là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang đã và đang triển khai nhiều dự án quy hoạch lớn nhằm mở rộng không gian, tạo động lực phát triển mới, nên đã nảy sinh không ít vấn đề khó khăn, phức tạp. Để tạo sự đồng thuận, đồng hành của các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện các chủ trương và chính sách, Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân. Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân bằng các hình thức phù hợp, đặc biệt là phát huy thế mạnh về truyền thống lịch sử, văn hoá địa phương3. Tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình tuyên truyền trong các lễ hội truyền thống, đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, khuyến khích các hoạt động tham quan giáo dục truyền thống, các hoạt động trải nghiệm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt tìm hiểu lịch sử tại hệ thống di tích, như: các địa điểm cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, v.v. Tăng cường tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp, phát tài liệu thông qua các dịp tổ chức lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, ngày hội tòng quân, diễn tập khu vực phòng thủ. Kết hợp lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao đến đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn. Phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu và động viên các chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tuyên truyền đến tín đồ, phật tử, qua đó giúp nhân dân, nhất là tín đồ các tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia xây dựng quê hương.

Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, giáo dục, Tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể và lực lượng vũ trang thường xuyên sâu sát, nắm vững tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giải quyết những vướng mắc từ cơ sở. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ nhân dân ở những địa bàn còn khó khăn trong phát triển sản xuất, ổn định đời sống, tạo sự đồng thuận, xây dựng niềm tin vào Đảng và Nhà nước; tăng cường tiềm lực, thế trận, nhất là “thế trận lòng dân”, làm cơ sở, nền tảng để tỉnh Bắc Giang tiếp tục bứt phá, phấn đấu tới năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Đại tá PHẠM VĂN TẠO, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
_____________________
       

1 - Năm 2023, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp đã kiện toàn được 123 đồng chí; trong đó, cấp tỉnh 11 đồng chí, cấp huyện 34 đồng chí, cấp xã 78 đồng chí.

2 - Năm học 2023 - 2024, tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho gần 61.000 học sinh, sinh viên, 100% đạt yêu cầu, trên 82% khá, giỏi.

3 - Hiện nay, Tỉnh có hơn 2.000 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, với hơn 500 lễ hội truyền thống được tổ chức mỗi năm; là cái nôi của quan họ cổ, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...