Thứ Sáu, 25/04/2025, 18:20 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về tái cấu trúc các doanh nghiệp quân đội, Binh đoàn 15 đang tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng tập trung vào ngành nghề chính, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược.
Binh đoàn 15 (Tổng Công ty 15) là đơn vị kinh tế - quốc phòng làm nhiệm vụ trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, với nòng cốt là 06 khu kinh tế - quốc phòng tại các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông (Gia Lai); Ngọc Hồi, Sa Thầy (Kon Tum); trên tuyến biên giới dài 210 km từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) đến xã Ia Mơ (Gia Lai) và khu vực Nam Quảng Bình. Những năm qua, Binh đoàn luôn thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, tham gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh (QP-AN) trên địa bàn, tạo động lực và diện mạo mới cho vùng đất Tây Nguyên.
Cán bộ Binh đoàn 15, tuyên truyền về công tác chuyển đổi cây trồng cho đồng bào dân tộc thiểu số thôn Tung Chúc, xã Iakhai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: qdnd.vn)
Thực hiện Quyết định 929/QĐ-TTg, ngày 17-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty (TCT) nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 và Công văn 1234/BQP-CKT, ngày 19-02-2013 của Bộ Quốc phòng về “Xây dựng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp quân đội”, TCT xác định: phải đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, bảo đảm TCT có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (SX,KD) chính là trồng, chăm sóc và chế biến cao su; nâng cao hiệu quả SX,KD và năng lực cạnh tranh; đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, tăng cường QP-AN trên địa bàn; đẩy mạnh phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện mục tiêu đó, TCT đã và đang rà soát lại mục tiêu phát triển và hoàn thiện các chiến lược phát triển, kế hoạch SX,KD và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ QP-AN dài hạn trên cơ sở đánh giá lại môi trường hoạt động, đảm bảo cấu trúc tổ chức và cơ chế vận hành phù hợp với chiến lược phát triển và kế hoạch SX,KD dài hạn của TCT. TCT tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu tổ chức, TCT theo hướng tinh, gọn, nhằm phát huy năng lực, sở trường của đội ngũ cán bộ và tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của bộ máy lãnh đạo, quản lý đối với mọi mặt hoạt động của TCT. Đảng ủy Binh đoàn ban hành Nghị quyết lãnh đạo toàn diện quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là cơ cấu tổ chức và cán bộ.
Ngay từ năm 2008, TCT đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các đơn vị trực thuộc, xây dựng Đề án chuyển đổi TCT 15 thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHHMTV) 100% vốn nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Sau khi Đề án được phê duyệt, TCT đã tiến hành các thủ tục cần thiết để chuyển đổi TCT và các công ty thành viên thành các công ty TNHHMTV thông qua việc xử lý vốn, tài sản, tài chính, lao động; xác định lại vốn điều lệ, đăng ký kinh doanh và đăng ký lại quyền sở hữu tài sản. Với phương châm không để quá trình chuyển đổi cơ cấu và mô hình tăng trưởng ảnh hưởng đến hoạt động SX,KD và nhiệm vụ QP-AN, TCT đã xây dựng Dự thảo Điều lệ và Quy chế quản lý tài chính của công ty mẹ trình Bộ Quốc phòng phê duyệt; chủ động xây dựng Quy chế điều hành của Tổng Giám đốc TCT, Quy chế kiểm soát nội bộ, quản lý hoạt động của các chi nhánh, từng bước hình thành hệ thống quy chế quản trị theo hướng phù hợp với các thông lệ quản trị tiên tiến trên thế giới, góp phần nâng cao chuẩn mực, tính minh bạch trong các hoạt động của TCT. Khung pháp lý cùng bộ quy chế quản trị TCT là nền tảng cho nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; điều chỉnh quy mô, cơ cấu của các công ty, đơn vị thành viên theo hướng tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt. Việc mở rộng quy mô SX,KD tại các địa bàn mới đã được TCT hết sức chú trọng. Hằng năm, TCT đã thu hút số lượng lớn lao động tại chỗ, góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, làm thay đổi bộ mặt KT-XH trong vùng dự án.
Cùng với kiện toàn cơ cấu tổ chức hợp lý, TCT đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển doanh nghiệp, xem đây là vấn đề quan trọng hàng đầu quyết định đến mục tiêu tái cơ cấu TCT. Theo đó, TCT theo đuổi chiến lược tăng trưởng tập trung đối với ngành cao su; trong đó, chiến lược phát triển thị trường là xuất khẩu cao su trực tiếp và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Căn cứ vào mục tiêu, phương hướng phát triển, TCT xác định lấy ngành sản xuất, chế biến cao su làm ngành nghề kinh doanh cốt lõi (đa dạng hóa đồng tâm), các ngành khác là ngành phụ trợ, có liên quan, không đầu tư ra ngoài ngành, mạnh dạn cắt bỏ những hoạt động đầu tư không hiệu quả, đồng thời cơ cấu lại vốn, tài sản. Giai đoạn 2013 - 2015, TCT tiếp tục bổ sung vốn chủ sở hữu thông qua việc bổ sung vốn điều lệ, trích lập quỹ đầu tư phát triển từ phần lợi nhuận được chia theo vốn tự huy động, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Đồng thời, xây dựng chiến lược hội nhập “dọc ngược” đối với các ngành phục vụ nhu cầu nội bộ theo chuỗi giá trị ngành cao su: phân bón, giống cây trồng; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng dài hạn giữa các đơn vị thành viên; xây dựng chiến lược liên doanh hoặc cổ phần hóa, khoán, cho thuê đối với ngành kinh doanh hiệu quả chưa cao. Đối với đơn vị kinh doanh, TCT thực hiện việc theo đuổi chiến lược cạnh tranh dẫn đầu chi phí thấp đối với ngành cao su và các ngành phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội bộ; quan tâm tiếp cận thị trường trong nước, không đa dạng hóa sản phẩm mà tập trung kiểm soát chi phí, tận dụng tính kinh tế nhờ quy mô; xây dựng chiến lược khác biệt hóa sản phẩm đối với ngành kinh doanh chưa có lợi thế, nhất là ngành xây dựng và dịch vụ lưu trú. Ngoài ra, TCT cũng triển khai các chiến lược chức năng, như: chiến lược marketing (đầu tư cho hoạt động marketing và bán hàng); chiến lược đầu tư (phát triển diện tích cao su tại địa bàn Lào và Cam-pu-chia); chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chiến lược tài chính (đảm bảo nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển với cơ cấu hợp lý và chi phí vốn tối thiểu); chiến lược nghiên cứu phát triển (tập trung nghiên cứu hệ thống biện pháp tiết giảm chi phí thông qua đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào SX,KD).
Trong giai đoạn 2013 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020, TCT tập trung phát triển diện tích trồng cao su ở các dự án đã được phê duyệt, với tổng diện tích trồng mới và kiến thiết cơ bản trên 30.000 ha, quy mô đến năm 2015 dự kiến sẽ phát triển được 45.000 - 50.000 ha, thâm canh ổn định 412 ha cà phê và 100 ha lúa nước. Các dự án phát triển cao su được phân bố trên các địa bàn Gia Lai: 09 dự án với hơn 5.600 ha; Kon Tum: 05 dự án với hơn 3.900 ha; Quảng Bình: 02 dự án với hơn 1.100 ha,… Trong giai đoạn này, TCT dự kiến sẽ tạo từ 2.000 đến 3.000 việc làm mới, nâng tổng số lao động lên 20.000 người vào cuối năm 2015; trong đó, chủ yếu thu hút lao động tại chỗ và lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. TCT sẽ tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống trả lương theo kết quả làm việc của người lao động. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, ban, bộ phận mà tiến hành định biên lại cơ cấu nhân sự cho phù hợp hoạt động SX,KD để đảm bảo nâng cao năng suất lao động. Mặt khác, nâng cao tiền lương và thu nhập của người lao động theo nguyên tắc: tốc độ tăng tiền lương thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động, đảm bảo phù hợp với quy định của Nhà nước về tiền lương, tiền công đối với người lao động và các chính sách an sinh xã hội khác.
Để đảm bảo triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013 - 2015, TCT tiến hành điều chỉnh cơ cấu tổ chức quản lý theo hướng giữ nguyên bộ máy quản lý, điều hành, nhưng tiến hành rà soát, bổ sung, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, ban và trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ quản lý các cấp. Việc phân quyền và ủy quyền trong bộ máy quản lý được quy chế hóa, thể hiện rõ quyền và trách nhiệm của từng vị trí trong hệ thống tổ chức. Đối với các công ty con, TCT chỉ đạo tiến hành chuyển Công ty TNHHMTV 78 và Công ty TNHHMTV 715 thành chi nhánh và hạch toán phụ thuộc công ty mẹ. Đối với các đơn vị hạch toán phụ thuộc, TCT chủ trương giữ nguyên hiện trạng các chi nhánh (Công ty 75, 79, 710); thành lập thêm 06 chi nhánh mới, gồm: 03 chi nhánh tại Cam-pu-chia (01 chi nhánh chuyển từ Văn phòng đại diện); 01 chi nhánh tại Nam Mô Rai (Kon Tum); 01 chi nhánh tại Quảng Trị; 01 chi nhánh tại Đắk Lắk. Như vậy, với việc chuyển đổi và thành lập các chi nhánh mới, TCT sẽ có 16 chi nhánh và được phân chia diện tích cây cao su theo địa giới hành chính, phù hợp với quy mô phát triển của các công ty. TCT cũng chỉ đạo tiến hành rà soát, đăng ký lại ngành nghề kinh doanh; đánh giá lại hiệu quả hoạt động của công ty mẹ, các công ty con, các đơn vị phụ thuộc và sự nghiệp; ban hành quy chế kiểm soát nội bộ, thành lập bộ phận chuyên trách kiểm soát nội bộ trực thuộc Tổng Giám đốc.
Để chiến lược thành hiện thực, TCT tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn thực hiện nhiệm vụ QP-AN với hiệu quả SX,KD, hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, TCT tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực theo hướng đào tạo phải gắn với phát triển tổ chức, coi đây là yếu tố quyết định sự phát triển của TCT cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, TCT chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm với bản mô tả công việc và tiêu chuẩn cho từng vị trí công tác, làm cơ sở cho việc tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật. Đồng thời, TCT cũng chỉ đạo Trường Trung cấp nghề 15 nâng cao năng lực đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở và công nhân kỹ thuật, nhất là đào tạo công nhân trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến cao su; hợp tác với những cơ sở đào tạo cán bộ có uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đối với đồng bào dân tộc trên địa bàn. TCT đặt ra mục tiêu đến năm 2015, có từ 70% - 80% cán bộ quản lý các cấp có trình độ đại học, cao đẳng trở lên.
Cùng với đổi mới về tổ chức, TCT đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, triển khai việc chuyển giao, sử dụng giống mới có năng suất cao, phù hợp với điều kiện canh tác từng vùng để trồng mới cây cao su; đồng thời, thử nghiệm, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, cải tiến quy trình khai thác mủ cao su kết hợp với đầu tư dây chuyền công nghệ xử lý nước thải, bảo vệ môi trường tại các nhà máy chế biến. Bên cạnh đó, TCT cũng tập trung nghiên cứu, triển khai các biện pháp nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm, từng bước tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp, dịch vụ trong tổng giá trị sản phẩm; đầu tư hệ thống thông tin quản lý, nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đến từng đơn vị, từng bộ phận.
Tái cơ cấu doanh nghiệp được thực hiện dựa trên cơ sở xem xét lại mục tiêu, điều chỉnh cơ cấu tổ chức cho phù hợp, phân bổ lại các nguồn lực cho các mục tiêu chiến lược và xây dựng các chính sách mới. Thực tiễn tái cơ cấu của Binh đoàn còn một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục tháo gỡ. Quá trình chuyển đổi của một vài công ty, đơn vị thành viên chưa kịp thời, chưa thực sự chủ động trong tổ chức quản lý, tổ chức SX,KD. Do hạn chế về nguồn lực, bất lợi về địa bàn hoạt động SX,KD nên sức cạnh tranh của một số đơn vị còn hạn chế, hiệu quả SX,KD chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu. Công ty mẹ chưa thực sự chủ động về các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính dẫn đến sự chi phối, kiểm soát đối với các thành viên chưa đủ mạnh nên ảnh hưởng đến tính thống nhất trong điều hành thực hiện chiến lược. Kiến thức, kinh nghiệm về quản lý, tổ chức SX,KD của đội ngũ cán bộ, công nhân có mặt chưa theo kịp sự phát triển của yêu cầu thực tiễn.
Những kết quả đạt được trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp thời gian qua chỉ là bước khởi đầu. Sự thực thi chiến lược và môi trường kinh doanh cần tiếp tục được theo dõi, đánh giá để điều chỉnh cho phù hợp. Binh đoàn 15 xác định phải nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã xác định, xây dựng Binh đoàn ngày càng vững mạnh, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp, ổn định.
Thiếu tướng ĐẶNG ANH DŨNG
Tư lệnh Binh đoàn
Binh đoàn 15,tái cơ cấu,doanh nghiệp
Tỉnh Lào Cai đẩy mạnh thi đua “dân vận khéo” 24/04/2025
Trường Sĩ quan Lục quân 1 nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 14/04/2025
Xây dựng ngành Xe máy - Vận tải Quân đội vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ 28/03/2025
Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên vững mạnh về chính trị 28/03/2025
Thanh niên Quân đội sẵn sàng xung kích, tiên phong bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc 24/03/2025
Binh chủng Công binh nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc 17/03/2025
Tỉnh Nam Định tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 17/03/2025
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội 24/02/2025
Binh đoàn 15 nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng 18/02/2025
Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới 13/02/2025
Xây dựng ngành Xe máy - Vận tải Quân đội vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ
Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên vững mạnh về chính trị
Trường Sĩ quan Lục quân 1 nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
Tỉnh Lào Cai đẩy mạnh thi đua “dân vận khéo”