Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Ba, 21/06/2016, 07:00 (GMT+7)
Vài nét về việc Trung Quốc cải cách quân đội

Cải cách quân đội không phải là vấn đề mới đối với Trung Quốc. Trên thực tế, vấn đề này đã được Bắc Kinh đặt ra từ lâu; trong đó, phải kể đến chương trình hiện đại hóa quân đội của nước này vào năm 1993. Tuy nhiên, việc cải cách quân đội của Trung Quốc lần này được đánh giá là toàn diện, sâu rộng và triệt để nhất.

Bối cảnh và nguyên nhân

Trong những năm 90 của thế kỷ XX, Quân đội Mỹ đã áp dụng phương thức tác chiến liên hợp, với việc sử dụng nhiều vũ khí công nghệ cao kết hợp các đợt không kích quy mô lớn để tiêu diệt sinh lực và cơ sở hạ tầng của đối phương. Điều này đã làm thay đổi căn bản hình thái chiến trường, các chiến thuật tác chiến truyền thống và đã đem lại cho Quân đội Mỹ những thắng lợi nhanh chóng về quân sự.

Trước tình hình đó, Trung Quốc đã nhiều lần thảo luận về sự cần thiết phải tái định hình một cách căn bản cơ cấu quân đội cho các hoạt động tác chiến hiện đại, nhưng do nhiều nguyên nhân, việc cải cách chưa đạt đến mức độ triệt để, thậm chí có giai đoạn bị ngưng trệ. Trong khi đó, các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và các nước phương Tây, đều đẩy nhanh xây dựng quân đội để đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại, sử dụng vũ khí công nghệ cao, đã tạo áp lực thúc đẩy Trung Quốc phải cơ cấu lại quân đội. Báo cáo công tác của Hội nghị Trung ương 3 (khóa 18) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định, Trung Quốc sẽ tối ưu hóa quy mô và cơ cấu của quân đội; đồng thời, chỉ rõ một số nguyên nhân cơ bản dẫn tới cải cách. Thứ nhất, lợi ích quốc gia và tình hình quốc tế liên tục thay đổi, bởi vậy nhiệm vụ của Quân đội Trung Quốc cũng cần phải thay đổi. Quân đội cùng các thể chế khác phải được điều chỉnh để theo kịp tốc độ “trỗi dậy” của Trung Quốc. Thứ hai, nhiệm vụ mà Quân đội Trung Quốc phải đảm đương rất nặng nề, không chỉ đơn thuần là bảo vệ chủ quyền trên biển và trên đất liền,… mà khi sự hợp tác quốc tế của Trung Quốc gia tăng, nhiều doanh nghiệp sẽ ra nước ngoài làm ăn, đặt thêm gánh nặng trách nhiệm cho đất nước trong việc duy trì hòa bình ở khu vực và thế giới; do đó, Trung Quốc cần có một quân đội mạnh. Thứ ba, dù không phải lo lắng về sự hiếu chiến của đối thủ, nhưng Trung Quốc cần phải bảo vệ an ninh quốc gia,… nhất là, khi Trung Quốc trỗi dậy, đã xảy ra những rạn nứt vượt xa khuôn khổ địa chính trị với Mỹ. Nếu Trung Quốc vẫn để một khoảng cách xa về sức mạnh quân sự so với Mỹ, thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới vị thế quốc tế và quan điểm của các quốc gia khác đối với Trung Quốc. Thứ tư, với một quân đội mạnh, Trung Quốc sẽ có thêm tiếng nói, ảnh hưởng và khả năng thuyết phục trên trường quốc tế. Trung Quốc sẽ được các quốc gia khác tin tưởng hơn và vì thế nhiều nước sẽ không còn phải phụ thuộc vào Mỹ trong bảo đảm an ninh. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sức mạnh quân đội cần được thể hiện để thế giới biết đến. Quân đội cần phải nâng cao sức mạnh chiến đấu và tạo ra sức răn đe thực sự. Binh pháp hữu hiệu nhất là khuất phục kẻ thù mà không cần chiến đấu.

Đó là cơ sở chủ yếu và cùng với những lý do khác, tại Hội nghị công tác cải cách Quân ủy Trung ương, từ ngày 24 đến 26-11-2015, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình (đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương) - Trưởng Tiểu ban chỉ đạo đi sâu cải cách quân đội và quốc phòng của Quân ủy Trung ương đã nhấn mạnh việc cải cách quốc phòng và quân đội; xác định đó là yêu cầu thời đại để Trung Quốc thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”; là con đường duy nhất để quân đội lớn mạnh, phát triển; đồng thời là sách lược then chốt quyết định tương lai của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Kể từ đó, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc cải cách quân đội theo lộ trình đã đề ra; trong đó, chú trọng việc thay đổi cơ cấu tổ chức quân đội, hệ thống chỉ huy các cấp và sắp xếp lại nhân sự chủ chốt của quân đội.

Mục tiêu cải cách

Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định mục tiêu của việc cải cách quân đội là: xây dựng một đội quân lớn mạnh của Đảng trong tình hình mới; động viên toàn quân và lực lượng ở các lĩnh vực kiên định lòng tin, quy tụ ý chí, thống nhất tư tưởng và hành động, thực thi toàn diện chiến lược cải cách quân đội lớn mạnh, kiên định đi theo con đường xây dựng quân đội hùng mạnh mang đặc sắc Trung Quốc. Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội. Từ bỏ hoàn toàn mô hình quân đội hiện nay (vốn theo mô hình của Liên Xô). Nâng cao năng lực tác chiến, xây dựng một quân đội tinh nhuệ, có thể giành chiến thắng trong chiến tranh hiện đại, tương xứng với vị thế quốc tế, những lợi ích an ninh và phát triển của Trung Quốc. Xây dựng hệ thống chỉ huy theo chiều dọc, gồm 3 lớp “Quân ủy Trung ương – Bộ Tư lệnh tác chiến vùng (chiến khu/quân chủng) – người lính” và một hệ thống quản lý thông suốt từ Quân ủy Trung ương tới các quân chủng/chiến khu và tới binh sĩ (theo mô hình của các nước phát triển).

Những nội dung chính của cải cách

Đối với Quân ủy Trung ương, vẫn giữ cơ cấu như hiện nay (gồm: Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và 8 ủy viên). Chủ tịch Quân ủy Trung ương có quyền chỉ huy tối cao và tuyệt đối, thông qua Bộ Tham mưu Liên hợp - cơ quan chỉ huy tác chiến của 5 chiến khu, 5 quân chủng thực hiện nhiệm vụ tác chiến liên hợp và xây dựng lực lượng. Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất trong Quân ủy Trung ương là 4 cơ quan trực thuộc trước đây, gồm: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị được cơ cấu lại thành 15 đơn vị trực thuộc Quân ủy trung ương, bao gồm 7 cục/văn phòng, 3 ủy ban, 5 cơ quan trực thuộc1.

Các đơn vị trên cơ bản tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ của 4 Tổng cục và một số đơn vị của Bộ Quốc phòng trước đây, nhưng được nâng cấp thành các cơ quan độc lập trực thuộc Quân ủy Trung ương, có quyền hạn lớn hơn. Trong đó, Bộ Tham mưu Liên hợp là quan trọng nhất, có chức năng hoạch định, kiểm soát và bảo đảm chỉ huy tác chiến; tổ chức chỉ đạo huấn luyện liên hợp, sẵn sàng chiến đấu. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật được tách ra từ Tổng cục Chính trị có quyền tổ chức cơ quan giám sát thường trú tại các cơ quan quân ủy và chiến khu, phát huy vai trò và quyền lực lớn hơn trong việc kiểm tra, giám sát và chống tham nhũng trong quân đội.

Đối với các quân chủng, giữ nguyên 2 quân chủng là Hải quân và Không quân; cơ cấu lại lực lượng lục quân thành Quân chủng Lục quân; đổi tên Lực lượng Pháo binh số 2 thành Quân chủng Tên lửa và thành lập mới Quân chủng Chi viện Chiến lược.

Trong Quân chủng Lục quân, bỏ biên chế quân đoàn, lấy tiểu đoàn làm đơn vị tác chiến chủ lực, cơ cấu rút gọn lại để tổ chức các tập đoàn quân (từ 18 xuống còn 13) và được tổ chức thành 5 phân bộ lục quân, hoạt động độc lập với 5 chiến khu, chủ yếu tập trung ở chiến khu Tây (chiếm hơn 1/3 diện tích lãnh thổ Trung Quốc). Về Quân chủng Hải quân, giữ nguyên 3 hạm đội: Bắc Hải, Đông Hải, Nam Hải, và 01 sư đoàn thủy quân lục chiến; tăng thêm các chi đội hộ vệ khu trục cho các hạm đội. Quân chủng Không quân được hợp thành bởi bộ đội không quân và bộ đội vũ trụ, biên chế thành các sư đoàn, mỗi chiến khu bố trí từ 3 - 4 sư đoàn không quân và các lữ đoàn ra-đa. Quân chủng Tên lửa cũng được cơ cấu lại, trên cơ sở lực lượng Pháo binh số 2, biên chế chủ yếu là lực lượng tên lửa chiến lược tầm trung và tầm xa (cả tên lửa hạt nhân và thông thường). Phát biểu tại lễ công bố thành lập Quân chủng Tên lửa, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng, lực lượng tên lửa là sức mạnh răn đe chiến lược chủ chốt của Trung Quốc, yêu cầu lực lượng này phát triển năng lực răn đe hạt nhân và phòng thủ với khả năng tiến công chính xác, uy lực, đáng tin cậy, tầm trung, tầm xa. Hiện lực lượng này sở hữu ít nhất 1.200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM), nhiều tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa, trong đó có những tên lửa đạt tầm bắn hơn 11.200 km.

Riêng Quân chủng Chi viện Chiến lược, được thành lập mới trên cơ sở sáp nhập bộ đội thông tin và tác chiến điện tử, có nhiệm vụ đảm bảo giành ưu thế tác chiến về không gian, vũ trụ, không gian mạng và không gian tác chiến điện tử trên chiến trường; xây dựng hệ thống thông tin và đảm bảo thông tin trong chỉ huy tác chiến; thực hiện chi viện chiến lược; đảm bảo vận chuyển chi viện chiến lược (vận chuyển bộ đội, trang bị, vũ khí và đảm bảo hậu cần trong tác chiến). Đây là lực lượng chiến đấu mới để bảo đảm an ninh quốc gia và là một bước tiến quan trọng trong năng lực tác chiến của Quân đội Trung Quốc.

Đối với các chiến khu, 7 đại quân khu sẽ được tổ chức thành 5 chiến khu2; trong đó, Quân khu Bắc Kinh và Quân khu Tế Nam sẽ sáp nhập thành Chiến khu Trung tâm. Trong các chiến khu, sẽ thành lập Bộ Tư lệnh liên hợp, thực hiện quyền chỉ huy tác chiến thống nhất đối với bộ đội hải quân, lục quân, không quân và lực lượng dân quân, cảnh sát vũ trang thuộc địa bàn quản lý.

Như vậy, so với các lần cải cách trước đây, đợt cải cách lần này có quy mô lớn nhất và triệt để nhất, được thể hiện các điểm nổi bật là: (1) Hệ thống chỉ huy tác chiến rút gọn từ 4 cấp xuống còn 2 cấp, lấy tiểu đoàn làm trung tâm (chuyển từ mô hình của Liên Xô trước đây sang mô hình tương tự như Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ); (2) Điều chỉnh tỷ lệ quân số giữa các lực lượng, chuyển từ coi trọng lục quân sang hải quân, không quân, tên lửa tiến công chiến lược và tác chiến điện tử, không gian mạng, nhằm xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, nâng cao khả năng tác chiến trên biển và tác chiến trong môi trường điện từ, không gian mạng; (3) Cắt giảm khoảng 300.000 quân, chủ yếu thuộc lực lượng phi tác chiến, nhưng tăng quân số cho các lực lượng tham chiến trực tiếp, nhất là hải quân và không quân; (4) Với cải cách lần này, có thể thấy, vai trò của Bộ Quốc phòng Trung Quốc bị giảm mạnh, nhiều khả năng chỉ còn đảm nhiệm một số nhiệm vụ như đối ngoại và quản lý nhà nước đối với các cơ quan phi tác chiến như nhà trường, bệnh viện và điều phối giữa quân đội và chính quyền dân sự.

Bên cạnh đó, qua cải cách lần này, điều dễ nhận thấy là vị thế và vai trò của Quân đội Trung Quốc sẽ được tăng lên đáng kể và có quyền lớn hơn trong việc ra quyết sách, nhất là đối với các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ. Đồng thời, cơ cấu tổ chức mới trong quân đội cũng phân quyền nhiều hơn cho các chiến khu trong xử lý các vấn đề nảy sinh đột xuất trên từng khu vực, địa bàn. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, việc hoàn thành cơ cấu mới của Quân đội Trung Quốc phải mất nhiều năm, và tác động của các thay đổi về mặt tổ chức chỉ được kiểm nghiệm qua thực tiễn, khi các bộ phận cấu thành mới trong Quân đội Trung Quốc chứng minh được vai trò của mình.

ĐỨC CƯỜNG – HỒNG CƯỜNG

____________

1 - Các đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương, gồm: Văn phòng Quân ủy, Bộ Tham mưu Liên hợp, Cục Công tác Chính trị, Cục Bảo đảm hậu cần, Cục Phát triển trang bị, Cục Quản lý và Huấn luyện, Cục Động viên quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Ủy ban Khoa học kỹ thuật, Văn phòng Quy hoạch Chiến lược, Văn phòng Cải cách và Biên chế, Văn phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế, Cục Kiểm toán và Tổng cục Quản lý các cơ quan Quân ủy.

2 - Gồm: Chiến khu Trung tâm, Chiến khu Miền Bắc, Chiến khu Miền Nam, Chiến khu Miền Đông và Chiến khu Miền Tây.

Ý kiến bạn đọc (1)

Bài viết có nhiều thông tin không chính xác
07/01/2017 17:59
Bài viết có nhiều thông tin không chính xác, không nêu rõ nguồn tài liệu tham khảo.
Trương Minh Tạo
10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...