Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 08/08/2016, 16:45 (GMT+7)
Nhận diện quan hệ đối tác chiến lược trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

“Chiến tranh lạnh” kết thúc đã mở ra kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Trong điều kiện đó, phạm trù “quan hệ đối tác chiến lược” được sử dụng khá phổ biến, nhưng chưa có sự thống nhất về nhận thức và cách thức vận dụng nó trong quan hệ quốc tế. Vì thế, việc nhận diện mối quan hệ này đang được dư luận hết sức quan tâm.

Quá trình hình thành và phát triển của quan hệ đối tác chiến lược

Trên thực tế, ý tưởng về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa các quốc gia được hình thành ngay từ trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”. Nhưng đó chỉ là sự biểu hiện ở các công trình nghiên cứu về mối quan hệ đặc biệt trong quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, chưa trở thành cơ sở luận chứng mang tính hệ thống. Đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, trước bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, thúc đẩy các nhà khoa học chú ý nhiều đến việc vận dụng khái niệm đối tác chiến lược để phân tích những mối quan hệ giữa các quốc gia về các vấn đề: địa - chính trị, lợi ích quốc gia; hình thức, nội dung, mục đích và hậu quả của mối quan hệ đó. Sau “chiến tranh lạnh”, với sự sụp đổ của trật tự thế giới hai cực, đã phát sinh tình huống bất định trong quan hệ giữa các nước. Trong đó, các quốc gia như: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ,… nhận thấy mình “bị lẻ loi” khi phải đối mặt với một siêu cường duy nhất còn lại là Mỹ, vấn đề đối tác chiến lược trong quan hệ quốc tế thực sự thu hút sự quan tâm của những nhà lãnh đạo, giới tinh hoa chính trị và nghiên cứu của nhiều nước. Chính vì vậy, cuối những năm 90 của thế kỷ này, vấn đề đó trở nên phổ biến, bởi một số quốc gia muốn sử dụng nó như một kiểu “lá chắn” để bảo vệ an ninh quốc gia của họ. Thậm chí, một số quốc gia đã sử dụng quan hệ đối tác chiến lược như một công cụ hữu hiệu để thâm nhập vào không gian địa - chính trị mới. Bên cạnh đó, một số quốc gia núp dưới chiêu bài đối tác chiến lược để đạt được các lợi ích kinh tế trong quan hệ với các nước cần quan tâm; đồng thời, buộc các nước khác phải rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng, phụ thuộc lâu dài vào họ.

Hiện nay, vấn đề quan hệ đối tác chiến lược đã được vận dụng khá phổ biến trong quá trình hợp tác quốc tế. Trên thực tế, vấn đề này xuất hiện trong nhiều văn kiện hợp tác quốc tế, các công trình nghiên cứu cũng như trên các phương tiện truyền thông. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng ngày càng rộng rãi trong lĩnh vực kinh doanh, mà đối tác là các hãng và các công ty thiết lập sự hợp tác trên cơ sở dài hạn, nhằm giải quyết những nhiệm vụ quan trọng nhất trong quá trình tái cơ cấu và cải cách trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. 

 Tiêu chí, đặc điểm và điều kiện thiết lập quan hệ đối tác chiến lược

Quan hệ đối tác chiến lược là sự hợp tác dài hạn, cùng có lợi, bình đẳng giữa các chủ thể, trên bình diện quốc tế để đạt được mục đích chung khi giải quyết các nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược của quốc gia. Vì thế, ở mỗi quốc gia, muốn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với một quốc gia nào đó, cần xây dựng các tiêu chí cho mối quan hệ trọng yếu này. Theo giới nghiên cứu về đối tác chiến lược, mối quan hệ đó cần đạt được các tiêu chí cơ bản sau: Một là, các bên muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đều có những mục đích và mục tiêu tương đồng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược quốc gia, thậm chí có cùng chung lợi ích sống còn. Để đạt được mục đích đó, cần phải có sự phối hợp nỗ lực của các bên theo một kế hoạch, lộ trình dài hạn. Một trong những mục đích có ý nghĩa sống còn đó là bảo đảm an ninh, thịnh vượng và vị thế của nhau trên trường quốc tế; trong đó, hợp tác bảo đảm về an ninh, thịnh vượng của mỗi bên là vấn đề cốt lõi. Hai là, các bên cần có nhận thức thống nhất về mục tiêu và nguyên tắc phát triển đối tác chiến lược. Ba là, phải xây dựng nền tảng pháp lý để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa các bên; trong đó, xác định rõ nội dung hợp tác và các cơ chế pháp lý để thực hiện nội dung đã được xác định trong quan hệ đối tác chiến lược. Bốn là, phải thực sự quan tâm tới nhu cầu hợp tác trong nhiều lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Năm là, các bên có khả năng về lĩnh vực nào đó, cần tính đến lợi ích của nhau để sẵn sàng nhân nhượng và ủng hộ đối tác, ngay cả trong trường hợp không mang lại lợi ích rõ ràng cho chính mình. Sáu là, từng bên không nên có những hành động mang tính phân biệt và tối hậu thư đối với nhau. Bảy là, cần chủ động xây dựng những quan niệm chung về các giá trị, dựa trên cơ sở hệ thống chính trị của đối tác. Tám là, hiệu quả từ quan hệ đối tác chiến lược phải nhận được sự ủng hộ và quan tâm của giới tinh hoa chính trị, cộng đồng xã hội nói chung và đáp ứng nhu cầu mang tính sống còn của công dân các nước đối tác.

Như vậy, từ những tiêu chí nêu trên, có thể rút ra một số đặc điểm cơ bản trong mối quan hệ đối tác chiến lược. Thứ nhất, quan hệ đối tác chiến lược có tính rõ ràng, minh bạch và nhất quán khi xác định mục đích, mục tiêu, nhiệm vụ và lợi ích chung của các quốc gia. Thứ hai, quan hệ đó có tính lâu dài và ổn định theo thời gian. Thứ ba, đối tác chiến lược có tính đa diện, phong phú; được vận dụng trong nhiều lĩnh vực, như: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục,... của mỗi quốc gia. Thứ tư, trong quan hệ đối tác chiến lược, động cơ và mục đích của từng bên đối tác có tính khác biệt, không thể giống với các loại hình quan hệ khác giữa các quốc gia. Thứ năm, quan hệ đối tác chiến lược diễn ra không chỉ ở cấp song phương giữa các quốc gia, mà còn ở cả cấp độ toàn cầu. Chính vì thế, quan hệ đối tác chiến lược trên thế giới đã, đang diễn ra hết sức đa dạng, bao gồm: quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt, toàn diện, mở rộng và quan hệ đối tác chiến lược có lựa chọn theo từng lĩnh vực; một quốc gia có thể thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia khác, v.v.

Xuất phát từ tiêu chí, đặc điểm nêu trên của đối tác chiến lược, để thiết lập và thúc đẩy quan hệ này phát triển, các chủ thể của nó cần phải có các điều kiện cần thiết là, các bên đối tác đều có các mục tiêu chiến lược, có tính sống còn, mà các quan hệ thông thường không thể đạt được. Theo đó, các mục tiêu chiến lược có thể là tôn trọng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia; các nguồn năng lượng có ý nghĩa sống còn; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những khu vực quan trọng về địa - chiến lược và phối hợp cùng giải quyết các đe dọa an ninh của nhau, v.v. Cùng với điều kiện trên, hai bên cần có cách tiếp cận chung, thống nhất về các vấn đề then chốt thuộc lĩnh vực quốc tế, cũng như sự phát triển của khu vực và toàn cầu, v.v.

Một số loại hình đối tác chiến lược đặc thù trên thế giới

Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, hiện nay, do tính chất đa phương và đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, cùng với các loại hình quan hệ đối tác chiến lược thông thường, như: đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược có lựa chọn theo từng lĩnh vực của các bên, còn xuất hiện một số đối tác chiến lược đặc thù cần được phân tích và nhận diện chính xác trong thực tiễn.

1. Dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, một số quốc gia có thể ký kết quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia khác để hình thành “đối tác chiến lược đặc biệt” nhằm theo đuổi các lợi ích quốc gia đặc biệt. Ví dụ, quan hệ Liên bang Nga - Ấn Độ, Việt Nam - Liên bang Nga đều được các bên xác định quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt, hoặc có tính chất đặc biệt.

2. Trong quan hệ đối tác chiến lược, không loại trừ quan hệ liên minh, hay đồng minh. Điển hình là, khi trật tự thế giới hai cực sụp đổ, các nước trước đây từng nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa thường e ngại mỗi khi đề cập đến vấn đề “liên minh quân sự” hay “đồng minh”, mà chỉ có Mỹ và các nước châu Âu còn tiếp tục duy trì, như: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hoặc Mỹ vẫn duy trì quan hệ liên minh quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, các nước có thể lồng ghép vấn đề “liên minh quân sự” trong quan hệ “đối tác chiến lược”. Điều đó có nghĩa là, không cần ký kết hiệp định liên minh quân sự để tránh được sự nhận thức về tính chất đối đầu, nhưng vẫn khẳng định được tính chất đặc biệt của mối quan hệ này.

3. Trong thế giới đương đại, điều kiện hình thành và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các chủ thể trong quan hệ quốc tế ngày càng lớn. Theo đó, không một quốc gia nào, dù có tiềm năng, sức mạnh và tài nguyên lớn đến đâu, trình độ phát triển đến mức nào, lại không chịu sự tác động từ các quan hệ đan xen, phức tạp với các nước khác. Cũng không thể có một quốc gia nào (dù có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh), có thể tự mình giải quyết các vấn đề bức xúc có tính toàn cầu một cách biệt lập, mà cần có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ. Trong điều kiện đó, nhiệm vụ của từng quốc gia cần nhanh chóng thích nghi với môi trường quốc tế mới, thông qua việc kết hợp giữa cách tiếp cận cũ với nghiên cứu, áp dụng cách tiếp cận mới về những vấn đề mang tính then chốt trong quan hệ quốc tế. Vì thế, hiện nay, việc các quốc gia tham gia ký kết nhiều hiệp định đối tác chiến lược; trong đó có các dạng đối tác chiến lược mở rộng, liên kết với nhau, góp phần hình thành trật tự thế giới mới, như: “trật tự thế giới đa đối tác” hay “trật tự thế giới mạng” trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, dư luận quốc tế cũng cho rằng, cùng với các dạng quan hệ đối tác chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển của từng nước, khu vực và thế giới, cũng không ít cuộc đối tác chiến lược mà ở đó, một số quốc gia lợi dụng quan hệ này để buộc các đối tác phải phụ thuộc, nhằm tranh giành lợi ích địa - chính trị, địa - chiến lược. Do đó, nhận diện quan hệ đối tác chiến lược giữa các quốc gia là vấn đề hệ trọng, được nhiều nước trên thế giới quan tâm, nghiên cứu.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...