Thứ Hai, 25/11/2024, 02:48 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Đứng trước những thay đổi căn bản của cục diện thế giới, sự cạnh tranh sức mạnh của các cường quốc tại châu Á - Thái Bình Dương, Chính phủ Nhật Bản hiện đang đánh giá lại đường lối chỉ đạo Chương trình Quốc phòng hiện tại và đưa ra những thay đổi có tính chất bước ngoặt trong chính sách quốc phòng của mình. Động thái này của Nhật Bản đã, đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
1. Thúc đẩy việc sửa đổi “Hiến pháp hòa bình”
Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, Mỹ (là một trong những nước thắng trận) đã thay Nhật Bản lập ra hiến pháp với tên gọi: “Hiến pháp hòa bình” cho nước này (có hiệu lực từ năm 1947). Điều 9 của Hiến pháp này quy định: Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ phát động chiến tranh bằng quyền lực nhà nước, không duy trì lục, hải, không quân và các lực lượng chiến tranh khác, không thừa nhận quyền giao chiến của nhà nước. Như vậy, có thể nói, “Hiến pháp hòa bình” đã hạn chế đáng kể chính sách phát triển quốc phòng của Nhật Bản. Chừng nào còn một “Hiến pháp hòa bình” nguyên nghĩa của nó, thì chừng đó Nhật Bản chỉ có thể tăng cường sức mạnh quốc phòng của mình ở mức hạn chế. Sau gần 70 năm thực hiện “Hiến pháp hòa bình”, trước những thay đổi to lớn của tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Chính phủ Nhật Bản mong muốn sửa đổi bản Hiến pháp này nhằm tăng cường bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và có đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp phải vượt qua một rào cản lớn, tức là phải được sự tán thành của ít nhất 2/3 số thành viên trong Quốc hội Nhật Bản và sau đó là đa số ý kiến tán thành của người dân trong cuộc trưng cầu dân ý quốc gia. Theo nhiều quan chức Chính phủ Nhật Bản, để thực hiện việc sửa đổi, Hiến pháp của nước này cần quy định lại rằng: các Lực lượng Phòng vệ là lực lượng quân đội và cũng cần có sự điều chỉnh đối với các nguyên tắc đã được thiết lập từ lâu về sự kiểm soát dân sự và chủ nghĩa hòa bình. Hiện nay, mới có khoảng 50% người dân Nhật Bản ủng hộ ý tưởng thay đổi Hiến pháp (nói chung), trong khi chưa đầy 50% ủng hộ việc sửa đổi Điều 9 và riêng việc cho phép quyền sử dụng vũ lực trong tự vệ tập thể thì chỉ có khoảng 30% người dân ủng hộ. Điều đó cho thấy, việc hiện thực hóa ý tưởng sửa đổi Hiến pháp vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản.
2. Liên tục điều chỉnh “Đại cương kế hoạch phòng vệ” và thúc đẩy thành lập Hội đồng An ninh quốc gia
Ở Nhật Bản, “Đại cương kế hoạch phòng vệ” là phương châm chỉ đạo chính sách quốc phòng 10 năm. Trên thực tế, mặc dù “Hiến pháp hòa bình” chưa được sửa đổi, song những thay đổi “tiệm tiến” về chính sách quốc phòng, an ninh của Nhật Bản vẫn diễn ra. Trong “Đại cương kế hoạch phòng vệ” của Tô-ky-ô (sửa đổi năm 2011), phần định vị chiến lược đã được sửa từ “ý tưởng về Lực lượng Phòng vệ cơ sở” thành “Lực lượng Phòng vệ động thái”. Theo cách giải thích của Viện Nghiên cứu phòng vệ quốc gia Nhật Bản thì “phòng vệ động thái” không chỉ là hoạt động bảo vệ chủ quyền của Nhật Bản, mà còn cho phép Lực lượng Phòng vệ nước này phát huy vai trò quan trọng trong việc tiếp tục ổn định môi trường an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tiếp đó, ngày 30-5-2013, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã trình “Đại cương kế hoạch phòng vệ” lên Thủ tướng Sin-dô A-bê; trong đó, đề xuất rõ hơn chủ trương thay đổi Lực lượng Phòng vệ thành Quân quốc phòng, tăng mạnh lực lượng quân sự và nghiên cứu năng lực tiến công cơ sở của “kẻ địch”. Các nhà phân tích quốc tế nhận định rằng, Nhật Bản không chỉ chủ trương sửa đổi Điều 9 trong “Hiến pháp hòa bình” mà còn muốn thay đổi cả những giá trị mà người Mỹ đã viết trong văn bản đó theo cách tương thích với tư duy của người Nhật.
Cùng với việc điều chỉnh “Đại cương kế hoạch phòng vệ”, Chính phủ Nhật Bản cũng luôn hối thúc việc thành lập Hội đồng An ninh quốc gia. Và ngày 7-01-2014, Chính phủ Nhật Bản đã ra mắt Ban thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) gồm 60 quan chức Chính phủ, nhằm giúp Chính quyền của Thủ tướng Sin-dô A-bê thực thi các vấn đề mấu chốt về ngoại giao và an ninh.
3. Thay đổi hướng phòng thủ và thế bố trí chiến lược
Cuối năm 2010, Chính phủ Nhật Bản đã công bố “Đại cương kế hoạch phòng vệ” mới. Theo đó, Nhật Bản sẽ chuyển hướng phòng thủ trọng điểm từ hướng Bắc sang hướng Tây và Tây Nam. Hơn thế nữa, ngày 17-12-2013, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Chiến lược an ninh quốc gia mới, Thủ tướng Sin-dô A-bê khẳng định rằng: Chiến lược an ninh của nước này hoàn toàn rõ ràng và minh bạch, thể hiện chính sách an ninh và ngoại giao của Nhật Bản đối với người dân trong nước và ngoài nước. Trong Chiến lược an ninh quốc gia mới, Nhật Bản sẽ tìm kiếm vai trò an ninh “chủ động” hơn cho Lực lượng Phòng vệ ở nước ngoài; xác định kế hoạch chuyển quân từ phía Bắc tới những đảo xa ở phía Tây Nam; thành lập đơn vị đổ bộ có khả năng giành lại các đảo xa và phối hợp với các chiến dịch của Lực lượng Phòng vệ nhằm tăng cường khả năng giám sát, phản ứng nhanh trước các biến cố bất ngờ. Ngoài ra, Nhật Bản còn có kế hoạch triển khai các hệ thống cảnh báo sớm, tàu ngầm, hệ thống phòng thủ tên lửa và đẩy mạnh các hoạt động tình báo trong khu vực.
4. Tăng ngân sách quốc phòng và quân số của Lực lượng Phòng vệ
Trong năm tài khóa 2013, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã tăng lên lần đầu tiên trong 11 năm qua. Mặc dù mức tăng không đáng kể (khoảng 1%) nhưng đây là một tín hiệu rõ ràng cho thấy Chính phủ của Thủ tướng Sin-dô A-bê coi an ninh quốc gia quan trọng như thế nào. Đặc biệt, bất chấp nền kinh tế Nhật Bản bị chìm sâu trong suy thoái kéo dài (gần đây mới có dấu hiệu hồi sinh), trong Chiến lược an ninh quốc gia mới của mình, Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng ngân sách quốc phòng của nước này lên mức 5%, tức là khoảng 24.700 tỷ Yên (khoảng 240 tỷ đô-la Mỹ) cho giai đoạn 2014 - 2019. Khoản ngân sách này sẽ được dùng vào việc hiện đại hóa vũ khí, trang bị và củng cố các lực lượng phòng vệ mặt đất và trên biển. Bên cạnh việc tăng ngân sách quốc phòng, lần đầu tiên sau 8 năm, Nhật Bản còn tăng quân số của Lực lượng Phòng vệ.
5. Nới lỏng quy định cấm xuất khẩu vũ khí
Ngày 27-12-2011, Chính phủ Nhật Bản quyết định nới lỏng quy định cấm xuất khẩu vũ khí mà nước này tự áp đặt cho mình từ năm 1976. Đây là một thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh tình hình khu vực Đông Á và thế giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Điều này cho phép ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản có thể tham gia các dự án quốc tế để phát triển và chế tạo các trang bị, thiết bị quân sự hiện đại, công nghệ cao. Cùng với nới lỏng quy định cấm xuất khẩu vũ khí, các quan chức của Nhật Bản cũng cam kết rằng, việc xuất khẩu vũ khí của nước này sẽ được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm số vũ khí đó không rơi vào tay các nhóm khủng bố hay được chuyển đến các khu vực đang có chiến tranh. Nói cách khác, theo quy định này, Nhật Bản chỉ có thể xuất khẩu vũ khí cho các nước, nếu số vũ khí đó được sử dụng vào việc gìn giữ hòa bình và hỗ trợ nhân đạo, như trong trường hợp thực hiện các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Theo các nhà quan sát, với các cơ sở công nghiệp và công nghệ tiên tiến, Nhật Bản chắc chắn sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí hiện đại đáng kể và là đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực chế tạo, xuất khẩu vũ khí trên thế giới.
6. Thắt chặt quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ
Bất chấp những bất đồng còn tồn tại, thậm chí có lúc rạn nứt trong quan hệ hai nước, Nhật Bản vẫn coi Mỹ là “hòn đá tảng” trong quan hệ đồng minh của mình, và xác định liên minh quân sự Nhật - Mỹ là cơ sở chiến lược để Nhật Bản đối phó với mối đe dọa từ bên ngoài. Sau trận động đất, sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản (năm 2011), Mỹ đã cử 20.000 nhân viên quân sự đến Nhật Bản để giúp nước này khắc phục hậu quả, thậm chí trong hoàn cảnh khó khăn, Mỹ còn đề nghị hợp tác trong nỗ lực xây dựng lại đất nước Nhật Bản. Thái độ đó của Mỹ đã được Nhật Bản đáp lại bằng việc Tô-ky-ô tiếp tục xác định tầm quan trọng của mối quan hệ liên minh với Mỹ. Không những thế, trong Sách trắng Quốc phòng của Nhật Bản còn khẳng định: “Sự hiện diện của các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản có chức năng ngăn cản những bất trắc trong khu vực và mang lại an ninh đối với các nước trong khu vực”. Gần đây, trong cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Phu-mi-ô Ki-si-đa (ngày 7-02-2014), Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri đã công khai tuyên bố: Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản trước các cuộc tiến công. Trước đó, Oa-sinh-tơn và Tô-ky-ô khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với nhau trong các vấn đề an ninh, bao gồm cả vùng biển Hoa Đông. Hai bên cũng đề cập cụ thể về vai trò của Quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản theo quy định trong Hiệp ước an ninh song phương và kế hoạch tái bố trí căn cứ không quân Phư-tên-ma của Mỹ tại tỉnh Ô-ki-na-oa của Nhật Bản. Từ đây, giới quan sát cho rằng, việc quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ thắt chặt hơn sẽ càng tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Á, giúp Mỹ thực thi chính sách “xoay trục” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Những thay đổi trên đây cho thấy, Chính quyền và đa số người dân xứ Phù Tang đang khao khát muốn “Đưa nước Nhật Bản mạnh mẽ trở lại”. Các quan chức Nhật Bản khẳng định rằng, việc Nhật Bản xây dựng một lực lượng quốc phòng để đóng góp vào củng cố hòa bình và ổn định của khu vực là điều rất quan trọng, và “Một Nhật Bản mạnh mẽ không chỉ có nghĩa dẫn đầu cộng đồng quốc tế về kinh tế, một Nhật Bản mạnh mẽ sẽ đóng vai trò trách nhiệm trong lĩnh vực an ninh khu vực và thực hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ như cộng đồng quốc tế mong đợi”1.
Đức Lê ______
1 - Trích lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Ít-su-nô-ri Ô-nô-đê-ra tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12.
Quốc phòng,Nhật Bản
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ