Thứ Ba, 06/05/2025, 15:18 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Sau gần 5 thập kỷ hình thành và phát triển, tháng 12-2015, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột: Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội, vì mục tiêu hòa bình, thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực. Trong đó, trụ cột Chính trị - An ninh đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và khẳng định nên vị thế quốc tế của ASEAN.
Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN: Vai trò và thành tựu
Nhận thức rõ vai trò của hợp tác chính trị và an ninh đối với việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực, năm 2003, cùng với thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, các nước ASEAN đã quyết định xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), coi đây là nhân tố chính để bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Theo đó, trên cơ sở khái niệm an ninh toàn diện và các nguyên tắc chủ đạo của Hiệp hội ASEAN, xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN theo hướng: đồng thuận, thống nhất trong đa dạng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào nội bộ nước khác, không đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Trong đó, ASEAN khẳng định, việc xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN không nhằm hình thành một khối hoặc liên minh quân sự hay hướng tới một chính sách đối ngoại chung, mà hướng đến là xây dựng một cộng đồng có chung các giá trị và chuẩn mực, hoạt động trên cơ sở các luật lệ; một khu vực gắn kết, hoà bình và tự cường, có trách nhiệm chung bảo đảm an ninh toàn diện; một khu vực năng động, sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác với các nước bè bạn và các bên đối tác trong một thế giới toàn cầu hóa, đan xen về lợi ích và phụ thuộc lẫn nhau, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của ASEAN. Đây là quan điểm có tính nguyên tắc, phản ánh tôn chỉ, mục tiêu nhất quán của Hiệp hội và là nền tảng để chỉ đạo các nội dung hoạt động của Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN.
Thành công lớn nhất của ASEAN trong thực tiễn là tạo dựng được môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực. Theo các nhà quan sát, việc hình thành một ASEAN bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á đã tạo những thay đổi căn bản, góp phần chấm dứt sự chia rẽ, đối đầu ở khu vực, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác vì sự phát triển của các quốc gia trong khu vực; đồng thời, phản ánh sinh động nỗ lực và thành quả hợp tác chính trị - an ninh của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN. Điều đó được thể hiện trên một số công việc sau:
Về các chuẩn mực, được ASEAN chủ động xây dựng và chia sẻ, không chỉ giữa các nước ASEAN mà cả giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Kết quả này được thể hiện trong nhiều văn kiện quan trọng, trước hết là Hiến chương ASEAN, cùng các chế định có tính chuẩn mực trong ứng xử khu vực của ASEAN, như: Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC),… đã trở thành các văn kiện và là công cụ quan trọng góp phần kiến tạo, giữ vững hòa bình, an ninh ở khu vực. Riêng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á hiện đã thu hút sự tham gia của 32 quốc gia và 01 tổ chức khu vực (Liên minh châu Âu), trong đó có tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là văn kiện quan trọng nhất, góp phần điều chỉnh quan hệ và các hành vi ứng xử chung của các nước tham gia hợp tác ở khu vực. Đáng chú ý, ASEAN đã có nhiều nỗ lực và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, nhất là tích cực đối thoại và hợp tác trên biển, tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin ở khu vực, thúc đẩy thực hiện DOC và hướng tới sớm thông qua Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Về ngăn ngừa xung đột và xây dựng lòng tin. ASEAN cam kết tăng cường hợp tác nội khối và với đối tác bên ngoài trong các lĩnh vực: xây dựng lòng tin; nâng cao tính minh bạch và chia sẻ thông tin về chính sách an ninh - quốc phòng; đẩy mạnh tiến trình diễn đàn khu vực ASEAN (ARF); giữ vững cam kết tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của các nước thành viên và tạo khuôn khổ cho hợp tác giữa các lực lượng quốc phòng, an ninh của các nước ASEAN.
Về xử lý những thách thức an ninh phi truyền thống, được ASEAN coi trọng trong tạo sự đồng thuận và triển khai các bước trên thực tế. Các quốc gia thành viên đã tăng cường hợp tác trong chia sẻ thông tin nghiệp vụ; đào tạo, nâng cao năng lực, hợp tác về tư pháp, dẫn độ tội phạm; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan; triển khai hiệu quả các tuyên bố, kế hoạch hành động trong từng lĩnh vực cụ thể; xây dựng các khuôn khổ pháp lý cho hợp tác, như: Công ước ASEAN về Chống khủng bố, các Tuyên bố ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, HIV, ma túy; xây dựng Hiệp định đa phương ASEAN về phòng chống thiên tai và cứu trợ nhân đạo, v.v.
Hợp tác về chính trị được ASEAN thúc đẩy thông qua việc chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách, lịch sử và văn hóa của các nước thành viên; tăng cường hệ thống luật pháp và tư pháp; quản trị tốt, đảm bảo dân chủ, nhân quyền và phòng chống tham nhũng trong các nước thành viên cộng đồng. Đáng chú ý là sự ra đời của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHAR); Tuyên bố nhân quyền ASEAN và Ủy ban về quyền phụ nữ và trẻ em (ACWC) góp phần làm cho sự hợp tác này ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, sự tham gia của Hội đồng liên minh Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) và các tầng lớp xã hội vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN nhằm mục tiêu đưa ASEAN hướng tới người dân, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, cũng là nét nổi bật về hợp tác trên lĩnh vực này của Hiệp hội.
Hợp tác về quốc phòng - quân sự trong ASEAN là một bộ phận quan trọng của Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, chìa khóa để giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế vì mục tiêu hòa bình, ổn định và thịnh vượng của các quốc gia Đông Nam Á. Do vậy, ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI, bên cạnh đối thoại quốc phòng - an ninh trong khuôn khổ diễn đàn khu vực ASEAN, các hội nghị quốc phòng và quân sự ASEAN đã từng bước được thiết lập, tạo thành một mạng lưới các khuôn khổ hợp tác rộng rãi với các hình thức, mức độ hợp tác đa dạng ở nhiều cấp độ, trở thành kênh hợp tác quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN. Điển hình là các cơ chế: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị không chính thức Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN (ACDFIM), v.v.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN là kênh hợp tác chính thức cấp cao nhất về quốc phòng giữa các nước trong khu vực, bộ phận cấu thành quan trọng của Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, nhằm hỗ trợ ASEAN tăng cường đoàn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm, thúc đẩy hợp tác đối phó với các thách thức an ninh khu vực. Tuy nhiên, trước tính chất phức tạp và sự tác động của những thách thức an ninh mang tính “xuyên biên giới”, các nước ASEAN không thể chỉ dựa vào nỗ lực và sự hợp tác nội khối, mà cần mở rộng hợp tác với các nước bên ngoài. Vì vậy, kênh hợp tác quốc phòng Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng được thiết lập. Với cơ chế mở rộng, trong đó có các cường quốc quân sự trên thế giới, mở ra cơ hội để ASEAN có thể tranh thủ và kết hợp được các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài phục vụ mục tiêu an ninh và phát triển của Hiệp hội. Đây là bước tiến lịch sử trong tiến trình hợp tác quốc phòng - quân sự của ASEAN, đánh dấu sự trưởng thành của ASEAN trên bình diện hợp tác quốc phòng - quân sự nội khối và khu vực. Từ chỗ đi sau các lĩnh vực khác, hợp tác quốc phòng - quân sự ASEAN đã trở thành lĩnh vực đột phá trên con đường xây dựng Cộng đồng ASEAN nói chung, Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN nói riêng.
Với những thành tựu đạt được, Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN hình thành là dấu mốc quan trọng, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi để ASEAN tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị - an ninh, liên kết nội khối, duy trì được vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình; đồng thời, hỗ trợ ASEAN chủ động đi đầu, cùng các bên đối tác xử lý những thách thức an ninh chung vì hòa bình, ổn định trong khu vực và quốc tế.
Việt Nam luôn đồng hành và đóng góp tích cực xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN.
Vào thời khắc Cộng đồng ASEAN được hình thành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Trong 20 năm đồng hành cùng ASEAN, với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam nghiêm túc hoàn thành các cam kết và nghĩa vụ của một thành viên, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN, được các nước trong và ngoài khu vực ghi nhận, đánh giá cao”1. Điều đó được thể hiện trước hết, về mặt chiến lược, khi Việt Nam tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN nói chung, Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN nói riêng. Trong đó, việc cùng các nước thành viên “chèo lái” con thuyền ASEAN đi đúng hướng là đóng góp lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam đã chủ động đề xuất và thúc đẩy ASEAN xây dựng nhiều quyết sách, định hướng cho hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác nhằm tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, tạo sức mạnh chung để cùng nhau ứng phó với những thách thức, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống, bảo vệ an ninh, hòa bình cho khu vực và quốc tế. Điển hình, chỉ sau 3 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (năm 1998, tại thủ đô Hà Nội), với việc thông qua Chương trình Hành động Hà Nội và Tuyên bố về thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trong Hiệp hội. Kết quả này đã góp phần định hướng sự phát triển của ASEAN, đồng thời giúp ASEAN vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, v.v.
Đặc biệt, với quyết tâm: “Hướng tới Cộng đồng ASEAN từ tầm nhìn đến hành động”, trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã chủ trì bàn bạc với ASEAN và tham vấn các đối tác, thúc đẩy đồng thuận mở rộng Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) để Nga và Mỹ tham gia; đồng thời, khởi xướng và chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ nhất. Với sự đồng thuận của 18 quốc gia thành viên trong việc triển khai hoạt động 6 nhóm chuyên gia trên 6 lĩnh vực ưu tiên hợp tác, như: An ninh biển, Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, Quân y, Chống khủng bố, Gìn giữ hòa bình và Hành động Mìn nhân đạo, Việt Nam đã cùng các nước thành viên ASEAN định hình, tạo đường ray và động lực cho “con tàu” vận hành phù hợp với lợi ích an ninh và hợp tác khu vực, mở ra một kênh đối thoại và hợp tác quốc phòng đa phương, hiệu quả và thực chất nhất hiện nay tại khu vực.
Việc hình thành Cộng đồng ASEAN là một thành công lớn trên nhiều phương diện, cũng là bước đầu. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng nỗ lực nhiều hơn nữa để Cộng đồng ASEAN ngày càng vững chắc. Với vai trò của mình, Việt Nam sẽ chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp” xây dựng, định hình luật chơi chung, góp phần quan trọng vào việc duy trì, bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Thiếu tướng, TS. VŨ TIẾN TRỌNG, Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng ________________________
1 - Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về Cộng đồng ASEAN, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 31-12-2015.
ASEAN,Việt Nam
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực 21/04/2025
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025 10/04/2025
BRICS mở rộng - cơ hội và thách thức đối với ASEAN 24/03/2025
Định hình chính sách quốc phòng, an ninh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump 10/03/2025
Xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ 17/02/2025
Cơn địa chấn chính trị Syria và sự tác động đến an ninh khu vực, thế giới 10/02/2025
Đôi nét về “học thuyết hạt nhân” mới của Liên bang Nga 23/01/2025
10 sự kiện quân sự, quốc phòng nổi bật trên thế giới năm 2024 04/01/2025
Nhìn lại cục diện chính trị, quân sự thế giới năm 2024 30/12/2024
Những điều chỉnh trong chính sách quốc phòng mới của Canada 23/12/2024
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực