QPTD -Thứ Năm, 07/06/2012, 15:05 (GMT+7)
Yên Bái tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

 Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện là quan điểm cơ bản của Đảng, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Quán triệt tinh thần đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã và đang coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, đạt kết quả khá toàn diện. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy kinh tế - xã hội của Tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

alt
Đại biểu tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2011 được trao tặng bằng khen của UBND Tỉnh (Nguồn: yenbai.gov.vn)
 

Trong quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), tỉnh Yên Bái đã huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của lực lượng vũ trang (LLVT) và toàn dân triển khai toàn diện; trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm. 

Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN) cho toàn dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tỉnh xác định đây là nội dung quan trọng hàng đầu, nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các lực lượng và toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng nền QPTD trên địa bàn Tỉnh. Để thực hiện tốt công tác này, Tỉnh đã tổ chức quán triệt nghiêm túc Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ về giáo dục QP-AN. Trên cơ sở tham mưu đề xuất của Hội đồng Giáo dục QP-AN, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sát với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của Tỉnh. Đến nay, Hội đồng Giáo dục QP-AN các cấp được củng cố, kiện toàn bảo đảm đủ số lượng, đúng thành phần, hoạt động nền nếp, hiệu quả. Nhờ đó, công tác giáo dục QP-AN cho toàn dân được triển khai tích cực, có sự đổi mới về chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Trong quá trình thực hiện, Tỉnh luôn coi trọng giáo dục cho mọi đối tượng theo quy định, nhất là bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên. Hơn 10 năm qua, toàn Tỉnh đã có 196.210 lượt cán bộ, công chức, đảng viên được bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo phân cấp, đạt trên 90% kế hoạch; gần 400 chức sắc, chức việc các tôn giáo, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã được bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và cao đẳng trên địa bàn Tỉnh thực hiện nghiêm túc chương trình môn học giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên, quân số tham gia học tập đạt 100% chỉ tiêu; kết quả: tỷ lệ khá, giỏi đạt trên 80%. Cùng với đó, Tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết công tác giáo dục QP-AN ở các cấp, các ngành, đánh giá thực chất kết quả, kịp thời biểu dương, khen thưởng; đồng thời, nghiêm túc kiểm điểm những yếu kém, tồn tại, có các biện pháp khắc phục, từng bước đưa công tác giáo dục QP-AN vào nền nếp. Qua đó, đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ QP-AN và sự nghiệp xây dựng nền QPTD ở địa phương.

Từ lý luận và thực tiễn có thể khẳng định, xây dựng nền QPTD là sự nghiệp của toàn dân; được xây dựng trên cơ sở phát huy cao nhất công sức, trí tuệ của toàn dân, toàn xã hội. Chỉ có như vậy mới đạt được mục tiêu, yêu cầu của nền QPTD là: vững mạnh, toàn diện và ngày càng hiện đại; mà trước hết là vững mạnh ngay từ cơ sở. Thấu suốt quan điểm đó, Tỉnh luôn coi trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở (xã, phường, thị trấn), nhất là ở vùng sâu, vùng xa vững mạnh về mọi mặt; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.Nhiều năm qua, Tỉnh đã đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; chú trọng phát triển đảng viên mới, nhất là đảng viên nữ, là người dân tộc thiểu số. Cấp ủy các cấp thực hiện tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ các cấp; có chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ về công tác tại vùng sâu, vùng cao, vùng xa. Đến nay, 100% thôn, bản trên địa bàn Tỉnh có chi bộ, nhiều chi bộ có chi ủy. Hầu hết đội ngũ cán bộ cơ sở (xã, phường, thị trấn) của Tỉnh đã được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, pháp luật, kiến thức quản lý nhà nước và kiến thức QP-AN... Tỉnh đã đào tạo được 4 khóa chỉ huy trưởng quân sự xã (phường, thị trấn) và bổ nhiệm theo đúng chức danh; thành lập được 77 Ban Chỉ huy Quân sự trong các cơ quan, tổ chức của Tỉnh. Năm 2011, thực hiện Đề án “Tăng cường 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo” của Chính phủ, Tỉnh đã tuyển chọn được 20 đội viên về làm phó chủ tịch các xã thuộc 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được nâng cao; năng lực chỉ đạo quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), QP-AN của chính quyền cơ sở ngày càng hiệu quả. Tỉnh cũng đã phát huy cao vai trò của các Hội đồng và Ban Chỉ đạo công tác vận động quần chúng; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo của Đảng, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên địa bàn.

Trong quá trình xây dựng nền QPTD, Tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạokết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực QP-AN, nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu QP-AN trong thời bình và sẵn sàng bảo đảm nhu cầu QP-AN khi xảy ra chiến tranh. Thực hiện chủ trương đó, Tỉnh đã xác định phương hướng, giải pháp, nội dung kết hợp sát với đặc điểm của địa phương; được cụ thể hóa trong các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh và triển khai quán triệt sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Bám sát sự chỉ đạo của trên, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, các địa phương, các ngành trong Tỉnh đã xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch thế trận quân sự, quốc phòng, đảm bảo cả mục tiêu KT-XH và QP-AN, theo hướng: mỗi bước phát triển KT-XH là một bước tăng cường tiềm lực của nền QPTD, thế trận khu vực phòng thủ (KVPT) trên địa bàn. Thực tế những năm qua, Yên Bái luôn thực hiện tốt kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN ở từng khu vực và trên địa bàn toàn Tỉnh. Các dự án phát triển KT-XH, các nhà máy chế biến khoáng sản (đá trắng, quặng sắt, gốm sứ, vật liệu xây dựng…), nông, lâm sản đều gắn với bảo đảm QP-AN và có tính lưỡng dụng cao. Năm 2011, tình hình KT-XH của đất nước gặp nhiều khó khăn, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh vẫn đạt 13,5%, thu nhập bình quân đầu người trên 13 triệu đồng; tạo việc làm mới cho gần 18.000 lao động, trong đó, xuất khẩu 700 lao động; đời sống đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện. Những thành tựu đó đã và đang bảo đảm cho Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xây dựng nền QPTD, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững chắc. Cũng nhờ đó, nguồn lực vật chất - kỹ thuật của KVPT Tỉnh, huyện ngày càng được tăng cường. Các địa phương, ban, ngành, cơ quan quân sự, công an luôn phối hợp chặt chẽ trong thẩm định, giám sát công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án, kịp thời đề xuất, kiến nghị những nội dung cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH và nhiệm vụ QP-AN trên địa bàn; bảo đảm yêu cầu chuyển các hoạt động của địa phương từ thời bình sang thời chiến và sẵn sàng động viên phục vụ nhiệm vụ QP-AN khi có chiến tranh. Hiện nay, các địa phương trong Tỉnh đang tập trung chỉ đạo cơ sở đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng làng, xã, cụm làng, xã chiến đấu trong KVPT; tích cực triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục - đào tạo, y tế, lao động, giảm nghèo bền vững. Các chính sách về an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo, hậu phương quân đội được Tỉnh quan tâm thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, củng cố lòng tin, sự đồng thuận của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Thực hiện sự chỉ đạo của Quân khu về việc làm điểm xây dựng căn cứ hậu phương của KVPT Tỉnh, Yên Bái đã hoàn chỉnh kế hoạch xây dựng căn cứ hậu phương giai đoạn 2009 - 2015. Trên cơ sở đó, kịp thời điều chỉnh, bổ sung quyết tâm, hệ thống kế hoạch, phương án tác chiến phòng thủ các cấp phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Công tác huấn luyện, diễn tập KVPT, diễn tập tác chiến - trị an, phòng chống cháy rừng, lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn cũng được Tỉnh chỉ đạo tổ chức chặt chẽ. Cơ chế xây dựng và hoạt động của KVPT Tỉnh được vận hành tốt, ngày càng hoàn thiện. Các địa phương nằm trong căn cứ hậu phương được Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng về mọi mặt, nhất là về phát triển KT-XH, cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm,… đáp ứng yêu cầu dân sinh và sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng khi có tình huống. Đồng thời, Tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, nhất là quản lý các hang động tự nhiên, các công trình quốc phòng, đất quốc phòng, các khu vực địa hình có giá trị quân sự;… đảm bảo nhu cầu hoạt động thực hiện nhiệm vụ của LLVT cả trong thời bình và thời chiến.

Sức mạnh tổng hợp của nền QPTD được tạo bởi nhiều yếu tố; trong đó, sức mạnh quân sự là đặc trưng, LLVT nhân dân làm nòng cốt. Vì vậy, Tỉnh luôn coi trọng chăm lo xây dựng các LLVT địa phương vững mạnh về mọi mặt. Trước hết, Tỉnh tập trung xây dựng cơ quan Quân sự, Công an các cấp vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác quốc phòng, quân sự và tổ chức thực hiện nhiệm vụ này ở địa phương, cơ sở có hiệu quả. LLVT địa phương được xây dựng, tổ chức chặt chẽ theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, cơ cấu biên chế hợp lý và thường xuyên được bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, huấn luyện chiến đấu theo kế hoạch, sát thực tế. Các lực lượng quân sự, công an thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ trong bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Lực lượng dự bị động viên được Tỉnh xây dựng vững mạnh, thực hiện tốt chế độ đăng ký, quản lý, sắp xếp, huấn luyện và bảo đảm chế độ, chính sách cho quân dự bị; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, chuyển loại binh chủng, bảo đảm đủ số lượng, đúng chức danh, chất lượng và tỷ lệ chuyên nghiệp quân sự ngày càng cao. Đến nay, Tỉnh xếp quân dự bị vào đầu mối các đơn vị đạt tỷ lệ 94% theo biên chế, bảo đảm đúng chuyên nghiệp quân sự, gọn địa bàn; trong đó, tỷ lệ đảng viên đạt 14,25%. Cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hiện tốt việc đăng ký, quản lý phương tiện, vật tư, kỹ thuật trong KVPT theo kế hoạch động viên đã xác định. Lực lượng dân quân tự vệ được Tỉnh chỉ đạo xây dựng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng và cơ cấu, thành phần hợp lý (cơ động, tại chỗ, binh chủng); coi trọng nâng cao chất lượng chính trị. Hiện nay, lực lượng dân quân tự vệ của Tỉnh đạt tỷ lệ 1,88% so với số dân; trong đó, tỷ lệ đảng viên chiếm 20,6%. Đội ngũ cán bộ quân sự xã (phường, thị trấn) được đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn theo hướng cơ bản, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ sở. Nhờ đó, chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT địa phương không ngừng được nâng cao, góp phần cùng cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

NGÔ THỊ CHINH

Phó Chủ tịch UBND Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.