QPTD -Thứ Hai, 31/05/2021, 08:27 (GMT+7)
Yên Bái đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh

Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đang nỗ lực thực hiện mục tiêu “đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và thuộc vào nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030”1.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng tiềm năng, lợi thế, khơi dậy khát vọng, sức mạnh nội sinh tập trung giải quyết, khơi thông những điểm nghẽn, đẩy mạnh sức sản xuất xã hội để phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa vùng thấp và vùng cao, giữa đô thị và nông thôn; hoàn thiện cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực phát triển; chú trọng cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút, phát triển các thành phần kinh tế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm phát triển đồng bộ, hiệu quả, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, hạ tầng đô thị, nông thôn,... làm thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Văn hóa - xã hội có bước phát triển, người dân được chăm lo, thụ hưởng các chế độ, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội; gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Cùng với đó, Tỉnh chú trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc; nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tích cực phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh Covid-19, tìm kiếm, cứu nạn, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân đánh giá cao.

Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô còn nhỏ, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thấp; giảm nghèo nhanh, nhưng chưa thật bền vững, đời sống của một bộ phận nhân dân vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, v.v. Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước,… và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc2, Tỉnh đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh với nhiều giải pháp đồng bộ.

Khởi công dự án phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn Tỉnh

Trước hết, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc trong Tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Quán triệt quan điểm “phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” trong từng chủ trương, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, Tỉnh sớm xây dựng, ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo trên các lĩnh vực làm căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thực hiện các mục tiêu, định hướng đề ra. Đồng thời, ban hành các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, đề án, xây dựng bộ cơ chế, chính sách áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, làm cơ sở để thực hiện các đột phá chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm, khơi thông điểm nghẽn; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững, hài hòa giữa các vùng, miền, đem lại sự hài lòng về chất lượng cuộc sống, thiết thực nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân.

Về lĩnh vực kinh tế, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế. Theo đó, Tỉnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phát triển nông nghiệp đa chức năng gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch nông thôn. Với vùng cao, Tỉnh chú trọng bảo đảm vững chắc sinh kế cho người dân, chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa với những sản phẩm chủ lực, ưu tiên phát triển sản phẩm đặc sản, hữu cơ, OCOP và xây dựng chuỗi cung ứng kép đặc trưng, có chất lượng, nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, môi trường sinh thái. Với vùng thấp, Tỉnh thành lập các vùng nguyên liệu chuyên canh nông sản theo chuỗi giá trị với một số sản phẩm chủ lực áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng gắn với các khu, cụm công nghiệp chế biến, hệ thống vận chuyển, kho bãi. Đồng thời, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nông sản tập trung theo hướng liên kết nhiều vùng sản xuất vừa và nhỏ liền kề, tạo thành vùng sản xuất lớn; chú trọng khâu bảo quản, chế biến, xây dựng các trung tâm xúc tiến tiêu thụ, ổn định thị trường cho sản phẩm nông nghiệp.

Với nhận thức: lâm nghiệp là thế mạnh, khâu đột phá trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, sẵn sàng ứng phó hiệu quả an ninh phi truyền thống, an ninh nguồn nước,… Tỉnh tập trung phát triển mạnh lâm nghiệp đa mục tiêu: kinh tế, xã hội, môi trường. Để đạt hiệu quả, Tỉnh chú trọng bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái. Trong quy hoạch, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng rừng trồng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn bằng các loại cây phù hợp. Đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, giao đất, giao rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, bảo đảm cuộc sống người dân ổn định, khá lên từ nghề rừng. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào lai ghép, tạo cây giống phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu phục vụ trồng rừng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững, liên kết doanh nghiệp với các hộ dân, hợp tác xã sản xuất, chế biến lâm sản theo chuỗi giá trị, nhất là sản phẩm từ gỗ rừng trồng, quế, măng tre Bát Độ, Sơn Tra,... nhằm xây dựng thương hiệu trong nước, quốc tế.

Lĩnh vực công nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản, nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến, nhất là chế biến vật liệu xây dựng cao cấp, nông lâm sản. Đồng thời, tích cực thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều lao động nông thôn để bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự. Trước mắt, Tỉnh rà soát, xác lập vùng phát triển công nghiệp phù hợp với đặc thù từng vùng, địa phương, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện có và khuyến khích đầu tư hạ tầng khu công nghiệp bên phía hữu ngạn sông Hồng, kết nối với nút giao IC13, IC14 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường. Tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối phát triển vùng, liên vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, nông thôn, thông tin, viễn thông, thủy lợi, v.v.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chú trọng phát huy lợi thế liên kết vùng, liên vùng và đối tác hợp tác trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để thu hút các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như: vận tải, logistics, kho bãi trung chuyển, giao nhận, xuất nhập khẩu hàng hóa, khoa học công nghệ, v.v. Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị thường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển du lịch toàn diện, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, quy hoạch, phát triển huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch; thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch; liên kết phát triển du lịch vùng, liên vùng, tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch “Con đường di sản Tây Bắc” với các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo, như: sinh thái, nghỉ dưỡng; trải nghiệm và khám phá; văn hóa cộng đồng dân tộc, lễ hội truyền thống; lịch sử, văn hóa tâm linh,… phấn đấu đến năm 2025, Yên Bái trở thành điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.

Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, Tỉnh tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, bảo đảm tinh, gọn, hợp lý gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo công bằng trong giáo dục và đào tạo; ưu tiên nguồn lực cho giáo dục chất lượng cao, giáo dục dân tộc; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn và các lĩnh vực kỹ thuật, quản lý, quản trị doanh nghiệp. Quan tâm phát triển hệ thống y tế theo hướng hiện đại, hiệu quả dựa trên cơ sở dự phòng tích cực, chủ động, gắn kết y học cổ truyền và y học hiện đại; đầu tư nâng cấp trang thiết bị các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện; đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ từ các bệnh viện tuyến Trung ương; đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện tự chủ tài chính ở các cơ sở y tế theo lộ trình để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Thực hiện nhất quán chủ trương phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Mặc dù là tỉnh nghèo, song những năm qua, Tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và bảo đảm ngân sách củng cố quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối chủ trương này, Tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, đề án về bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng lực lượng quân báo - trinh sát ; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và công an bán chuyên trách. Đồng thời, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 rà soát quy hoạch đất quốc phòng, an ninh và đầu tư ngân sách xây dựng công trình phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện, các công trình lưỡng dụng. Bên cạnh đó, Tỉnh chú trọng xây dựng lực lượng thường trực theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu. Xây dựng lực lượng Dự bị động viên hùng hậu; Dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp; lực lượng Công an theo hướng “tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, v.v.

Phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

ĐỖ ĐỨC DUY, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
__________________-  

1 - Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 324.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.