QPTD -Thứ Sáu, 15/04/2011, 02:45 (GMT+7)
Xây dựng xã, cụm làng (ấp) chiến đấu trong khu vực phòng thủ tỉnh Đồng Tháp

 Nhận thức rõ: xã, cụm làng (ấp) chiến đấu là đơn vị cơ sở - một thành phần quan trọng của thế trận khu vực phòng thủ (KVPT), nên những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã thường xuyên quan tâm vấn đề này. Trong đó, đã tích cực xây dựng các cụm kinh tế, quốc phòng-an ninh (QP-AN) ở một số địa bàn quan trọng nhằm kịp thời đối phó có hiệu quả với các tình huống trong thời bình và sẵn sàng chuyển thành xã, cụm làng chiến đấu, khi có chiến tranh.

       

Đồng Tháp là tỉnh biên giới, có vị trí chiến lược trong thế phòng thủ trọng yếu của Quân khu 9 và cả nước. Toàn Tỉnh có 144 xã (phường, thị trấn), trong đó có 8 xã biên giới của 3 huyện (thị xã) tiếp giáp với tỉnh Prey-veng của Cam-pu-chia. Tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của Tỉnh những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 14%; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; niềm tin của nhân dân với Đảng, chế độ XHCN được củng cố. Cùng với đó, Đồng Tháp đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương; trong đó, chú trọng xây dựng các cụm kinh tế gắn với cụm QP-AN và xây dựng xã, cụm làng (khóm, ấp) chiến đấu ở một số địa bàn quan trọng, tạo sức mạnh tổng hợp của KVPT, bảo vệ vững chắc địa bàn trong mọi tình huống.

Trong quá trình chỉ đạo xây dựng xã, cụm làng (ấp) chiến đấu, Tỉnh chú trọng xây dựng toàn diện; trong đó, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, kinh tế là ưu tiên, quân sự và an ninh là cấp bách, nhằm mục tiêu: tạo sức mạnh tổng hợp ngay từ cơ sở trong KVPT (huyện, tỉnh) để bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, ngay sau khi có Nghị định số 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khoá X) “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới” và “Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) kết hợp với QP-AN của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2010 - 2020”, Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh đã soạn thảo và trình Uỷ ban nhân dân (UBND) Tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng KVPT Tỉnh giai đoạn 2011-2015. Đây là cơ sở để triển khai xây dựng các nội dung, hạng mục của KVPT và gắn liền với đó là xây dựng thế trận xã, cụm làng xã chiến đấu trên địa bàn toàn Tỉnh; xây dựng KVPT then chốt, căn cứ chiến đấu và hệ thống công trình, công sự, trận địa, vật cản... Do điều kiện địa lý vùng Đồng Tháp Mười đang trong quá trình khai hoang, phục hoá, thau chua, rửa mặn, đắp đê ngăn lũ, hình thành các cụm, tuyến dân cư vượt lũ và hệ thống làng (ấp), cụm làng mới, nên các làng, xã, cụm làng (ấp) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp mang tính đặc thù riêng. Xuất phát từ đặc điểm của địa phương và kế thừa kinh nghiệm về tổ chức xây dựng làng, xã chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến trước đây, Tỉnh đã quy hoạch tổng thể về phát triển KT-XH, tăng cường tiềm lực QP-AN gắn liền với cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Theo đó, Tỉnh đã đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm,… Đến nay, 100% xã (phường, thị trấn) đều có điện sinh hoạt, có đường ô tô đến tận thôn (ấp), có trường học và trạm xá; xây dựng và hoàn thành 75 cụm, tuyến dân cư, bố trí ổn định cho 6.701 hộ dân (tập trung ở 3 huyện, thị xã biên giới, như: huyện Tân Hồng, thị xã Hồng Ngự và huyện Hồng Ngự). Trên các tuyến, cụm tuyến dân cư dọc theo các tuyến đường bộ, Tỉnh chỉ đạo các địa phương tổ chức trồng hàng triệu cây phân tán và trồng  hàng ngàn ha cây tập trung, tạo độ che phủ địa hình KVPT. Tại các làng (ấp) trên tuyến dân cư dọc biên giới, Tỉnh đã đầu tư xây dựng các chốt dân quân, công sự, hầm hào theo hướng kiên cố, vững chắc, nhằm kết hợp với các đồn, trạm biên phòng để bảo vệ an ninh biên giới. Trụ sở của các cơ quan Đảng, chính quyền, các khu công nghiệp tập trung, các địa bàn trọng yếu tại các xã (phường, thị trấn) được xác định là những điểm quyết giữ của KVPT, nên được Tỉnh coi trọng và chỉ đạo các địa phương xây dựng theo quy hoạch và kế hoạch đã được xác định theo phân cấp. Hiện tại, Tỉnh đang đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của 144 Ban Chỉ huy Quân sự xã (phường, thị trấn). Riêng việc xây dựng căn cứ chiến đấu cấp xã đã được nghiên cứu, xác định để trong thời gian tới Tỉnh chỉ đạo và đầu tư cho các địa phương xây dựng các hạng mục theo nội dung của Đề án KVPT Tỉnh. Đồng thời, Tỉnh sẽ nghiên cứu, chỉ đạo các địa phương xác định và tổ chức từ 2 đến 3 cụm chiến đấu, mỗi cụm có từ 2 đơn vị trở lên (xã, phường, nông trường, đồn biên phòng) theo phương thức gọn địa bàn, có thể đảm nhiệm nhiệm vụ trên một hướng phòng thủ.

Trên cơ sở Quyết tâm tác chiến phòng thủ đã được phê duyệt, Tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ sở tăng cường diễn tập vận hành cơ chế, có thực binh để nâng cao trình độ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ QP-AN và phòng chống thiên tai, lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn,... Đảng uỷ Quân sự Tỉnh xác định: trong nhiệm kỳ 5 năm, đảm bảo cấp tỉnh và 100% huyện (thị xã, thành phố) tổ chức diễn tập KVPT, 100% xã (phường, thị trấn) diễn tập chiến đấu-trị an, phòng chống lụt, bão. Năm 2010, ngoài việc chỉ đạo 3 huyện biên giới (Tân Hồng, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự), đơn vị B.20 và cơ quan quân sự Tỉnh tham gia diễn tập chỉ huy-cơ quan 1 bên 3 cấp cùng với Quân khu, Tỉnh còn chỉ đạo 51 xã (phường, thị trấn) diễn tập chiến đấu-trị an, phòng chống lụt, bão; trong đó, có 17 đơn vị diễn tập phòng chống lụt, bão, 34 đơn vị diễn tập chiến đấu-trị an, đạt kết quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chuyển thành xã, cụm làng (ấp) chiến đấu theo phương án tác chiến của các KVPT.  

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Tỉnh chủ động đào tạo cán bộ chuyên ngành quân sự ở cơ sở; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị địa phương. Vấn đề này có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các xã, cụm làng chiến đấu; bởi lẽ, xã (phường, thị trấn) là cấp cơ sở - nơi trực tiếp động viên, tổ chức toàn dân tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp với thế trận an ninh nhân dân, tham gia đấu tranh phòng chống chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở và cũng là nơi trực tiếp xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV), lực lượng dự bị động viên (DBĐV), thực hiện tốt công tác tuyển quân, xây dựng lực lượng an ninh. Khi xảy ra chiến tranh, xã (phường, thị trấn) là nơi duy trì, phát triển chiến tranh nhân dân địa phương; tiến hành đánh địch tại chỗ nhanh nhất của KVPT và tạo thế cài xen có lợi cho các lực lượng cấp trên tiến công, phản công tiêu diệt địch, khôi phục và bảo vệ địa bàn.

Đến nay, Tỉnh đã tổ chức đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở được 4 khoá, cho tổng số gần 300 đồng chí cán bộ quân sự xã (phường, thị trấn); đã bố trí hơn 200 cán bộ chỉ huy các Ban chỉ huy Quân sự, số còn lại được bố trí giữ chức trung đội trưởng dân quân, chỉ huy trưởng tự vệ,… Đại đa số các đồng chí được bổ nhiệm vào các cương vị công tác tại các địa phương đều hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức trách được giao; tham mưu đắc lực cho cấp uỷ, chính quyền về công tác quân sự ở cơ sở. Trong đó, một số đồng chí đã phát triển, giữ các cương vị chủ chốt của xã (phường, thị trấn). Hiện nay, Trường Quân sự Tỉnh đang đào tạo tiếp khoá 5, với 111 đồng chí, nhằm bố trí đủ cán bộ qua đào tạo cho các xã (phường, thị trấn); đồng thời, có tính đến việc bổ sung cán bộ cho những năm tiếp theo.

Cùng với số cán bộ được đào tạo, bổ sung cho các xã (phường, thị trấn), qua hoạt động thực tiễn, cơ quan quân sự các cấp, các đơn vị còn phát hiện, giới thiệu được hàng trăm đoàn viên, thanh niên, công nhân lao động ưu tú để địa phương tạo nguồn, bồi dưỡng, phát triển cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng, năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; thực hiện có hiệu quả việc xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện. Đến nay, 144/144 xã (phường, thị trấn) trong Tỉnh đã có chi bộ quân sự, trong đó 119/144 chi bộ có chi uỷ, đạt tỉ lệ 82,63%. Tỉnh đặt chỉ tiêu phấn đấu đến cuối năm 2011 sẽ đạt 85% chi bộ quân sự có cấp uỷ, hoạt động theo đúng chức năng và thực sự góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền cùng cấp đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, xây dựng thế trận làng, xã trong KVPT.

Trên cơ sở ổn định tổ chức theo mẫu biên chế của Bộ Quốc phòng và Chỉ lệnh của Quân khu, Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng DQTV, DBĐV và thực hiện tốt công tác tuyển quân ở cơ sở. Từ khi có Pháp lệnh DQTV (nay là Luật Dân quân tự vệ), BCHQS Tỉnh đã tham mưu giúp UBND Tỉnh xây dựng và thực hiện Đề án tổ chức xây dựng DQTV giai đoạn 2006-2010. Tháng 1-2011, Tỉnh đã sơ kết 5 năm thực hiện Đề án, đánh giá những mặt được, chưa được và rút ra một số kinh nghiệm để chỉ đạo thực hiện chuyển tiếp giai đoạn 2011-2015. Kết quả xây dựng và hoạt động của lực lượng DQTV đúng với quy định của Pháp lệnh; tỷ lệ DQTV toàn Tỉnh đạt 1,36%, trong đó đảng viên chiếm 15,66%, đoàn viên 61,12%. Hiện nay, UBND Tỉnh đã cho phép chuyển tiếp và đầu tư hơn 333 tỷ đồng cho Đề án tổ chức, xây dựng DQTV của Tỉnh (giai đoạn 2011-2015), tạo cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Luật DQTV, bảo đảm đủ thành phần, cả lực lượng thường trực, lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ sở.

Đối với công tác động viên, Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nhận nguồn động viên, điều chỉnh biên chế, tổ chức đăng ký, quản lý, sắp xếp các đơn vị DBĐV. Đến nay, Tỉnh đã sắp xếp quân số, đạt 96,29% (trong đó tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 76,52%, gần đúng đạt 8,68%); kiểm tra sẵn sàng động viên đạt 99,51%, động viên huấn luyện đạt 99,27%. Từ năm 2008 đến nay, Tỉnh đã làm tốt công tác tuyển chọn quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đào tạo được 5 khóa sĩ quan dự bị tại Trường Quân sự Tỉnh, kịp thời bổ sung cho nguồn cán bộ trong lực lượng DBĐV. Hằng năm, các địa phương, cơ sở trên địa bàn Tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng, tiến hành chặt chẽ công tác tuyển quân, tuyển đủ số lượng, đúng quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, bảo đảm chất lượng ngày càng cao, đạt 100% chỉ tiêu, tỷ lệ đảng viên đạt trên 5%.

Rút kinh nghiệm từ việc xây dựng xã, cụm làng (ấp) chiến đấu trong KVPT, thời gian tới, Tỉnh chỉ đạo các địa phương tích cực xây dựng cơ sở xã (phường, thị trấn) vững mạnh toàn diện; kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN ở từng địa phương, cơ sở để sẵn sàng chuyển sang thế trận xã, cụm làng (ấp) chiến đấu khi có chiến tranh. Bằng nhiều biện pháp đồng bộ, Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN sâu rộng cho mọi đối tượng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư xây dựng các hạng mục công trình theo Đề án KVPT đã được phê duyệt; chú trọng hơn nữa về xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở; tham mưu cho UBND các cấp quan tâm đến chính sách đối với cán bộ quân sự xã (phường, thị trấn), cán bộ khóm (ấp) đội trưởng, để đội ngũ này an tâm công tác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong KVPT tỉnh, huyện vững chắc.

Đại tá PHAN HOÀNG NAM

Uỷ viên BTVTU, Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.