QPTD -Thứ Hai, 10/05/2021, 08:31 (GMT+7)
Xây dựng Viện Kiểm sát quân sự ngang tầm nhiệm vụ

Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng, phát triển, Viện Kiểm sát quân sự triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 1960, tại phiên họp từ ngày 24 đến ngày 29/4/1961, Thường trực Quân ủy Trung ương ban hành Quyết nghị tổ chức Viện Kiểm sát quân sự trong Quân đội. Theo đó, ngày 12/5/1961, Tổng cục Chính trị ban hành Thông tri số 06/TT-H hướng dẫn tổ chức Viện Kiểm sát quân sự các cấp, đánh dấu sự ra đời Viện Kiểm sát quân sự thuộc hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân  trong Quân đội.

Sáu mươi năm qua (12/5/1961 - 12/5/2021), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sự chỉ đạo nghiệp vụ của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát quân sự không ngừng trưởng thành, phát triển. Từ một bộ phận thuộc biên chế Cục Quân pháp, Tòa án binh, Tòa án quân sự với nhiệm vụ chủ yếu thực hành quyền công tố tại các phiên tòa. Đến nay, Viện Kiểm sát quân sự được tổ chức hoàn chỉnh ở 3 cấp (Viện Kiểm sát quân sự trung ương, Viện Kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện Kiểm sát quân sự khu vực), khẳng định rõ vị trí, vai trò trong hệ thống cơ quan tư pháp của Nhà nước và trong Quân đội.

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, Chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020, Viện Kiểm sát quân sự đã có bước phát triển toàn diện cả về tổ chức và hoạt động. Chủ động làm tốt vai trò tham mưu cho Đảng, Quân ủy Trung ương, ngành Kiểm sát nhân dân về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả các mặt công tác, nhất là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong Quân đội. Mặc dù nhiệm vụ nặng nề, đặc thù cao, nhưng với tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, ý thức chính trị cao, Viện Kiểm sát quân sự đã chủ động phối hợp, thực hiện nghiêm quyền hạn, trách nhiệm, nội dung, quy trình chuyên môn nghiệp vụ, quy chế của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tạo bước chuyển biến rõ nét trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Kết quả các mặt công tác luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu của Quốc hội và ngành Kiểm sát nhân dân. Kiểm sát 100% đơn tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố và trong cả giai đoạn điều tra; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 100%; tỷ lệ truy tố đúng tội danh năm 2019 đạt 99,3%, năm 2020 đạt 99,7%. Không có bị can, bị cáo phải đình chỉ vì hành vi không cấu thành tội phạm; không có trường hợp Viện Kiểm sát quân sự truy tố, tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội. Các Viện Kiểm sát quân sự đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật, chủ động phối hợp với cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật Quân đội cho cán bộ, chiến sĩ trên địa bàn1. Qua đó, góp phần tích cực vào bảo vệ Hiến pháp, pháp luật; đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kỷ luật, kỷ cương, tăng cường sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm tại Quân khu 7

Những năm tới, nhiệm vụ cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Quân đội có mục tiêu, yêu cầu mới rất cao. Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, tác động của mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế và sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội,… tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm trong Quân đội tiềm ẩn nguy cơ cao, diễn biến phức tạp, đặt ra cho các cơ quan tư pháp trong Quân đội nói chung, Viện Kiểm sát quân sự nói riêng nhiệm vụ nặng nề, với không ít khó khăn, thách thức. Để hoàn thành trọng trách được giao, Viện Kiểm sát quân sự tiếp tục phát huy truyền thống, bản lĩnh, phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan, triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng công tác; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng Viện Kiểm sát quân sự vững mạnh về chính trị. Đây là bài học kinh nghiệm rút ra qua 60 năm xây dựng, phát triển, vấn đề quan trọng hàng đầu, đảm bảo cho Viện Kiểm sát quân sự hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Theo đó, Viện Kiểm sát quân sự tuân thủ, chấp hành nghiêm Quy định số 600-QĐ/QUTW, ngày 17/10/2012 của Quân ủy Trung ương về sự lãnh đạo của Đảng ủy các cấp đối với Viện Kiểm sát quân sự; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo và các quy chế, quy định về lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với mọi mặt hoạt động. Đồng thời, chủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh với biểu hiện xem nhẹ, chấp hành không nghiêm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, hay tình trạng buông lỏng lãnh đạo hoặc can thiệp không đúng vào hoạt động kiểm sát. Đội ngũ cán bộ, nhân viên Viện Kiểm sát quân sự tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát quân sự trong tổ chức bộ máy của Nhà nước, chức năng, quyền hạn trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, coi trọng kiện toàn tổ chức, xây dựng tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, mẫu mực, tiêu biểu, đủ khả năng lãnh đạo đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Hai là, đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Viện Kiểm sát quân sự tiếp tục kiện toàn tổ chức, biên chế đảm bảo tinh, gọn, mạnh, phù hợp với chiến lược cải cách tư pháp và tổ chức Quân đội trong tình hình mới. Thực hiện đồng bộ các biện pháp xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên có số lượng hợp lý, chất lượng toàn diện ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ. Phát huy kết quả đạt được, Viện Kiểm sát quân sự tiếp tục rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ huy, chức danh tư pháp, làm tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch đào tạo; đẩy mạnh thực hiện đột phá: “Nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Viện Kiểm sát quân sự”. Tập trung thực hiện tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm, bản lĩnh, kỷ cương, trách nhiệm. Đồng thời, tham mưu, chỉ đạo đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng; phát huy hiệu quả của Trung tâm bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ; đẩy mạnh triển khai xây dựng các chuyên đề, tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, cập nhật kiến thức pháp lý mới; phối hợp với Tòa án quân sự tổ chức các phiên tòa mẫu, rút kinh nghiệm. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi nghiệp vụ; xây dựng, tuyển chọn kiểm sát viên giỏi, kiểm sát viên tiêu biểu ở các cấp, v.v. Cùng với nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường công tác quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, nhất là về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp theo chuẩn mực: công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm trong tình hình mới.

Ba là, thực hiện đồng bộ các biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm sát. Viện Kiểm sát quân sự tiếp tục cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 67/NQ-ĐUQSTW, ngày 08/3/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về chiến lược cải cách tư pháp, Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội”, chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,... phù hợp với đặc thù Quân đội. Trọng tâm đổi mới, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; chất lượng hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Chủ động phối hợp, nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới; trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, hiệu quả; thực hiện tốt các chỉ tiêu nghiệp vụ mà Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định. Trong đó, tiếp tục đột phá: “Quản lý kịp thời, đầy đủ; xử lý đúng pháp luật các đơn tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”; chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” và “Nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa”. Cán bộ, kiểm sát viên các cấp đề cao hơn nữa trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, chấp hành nghiêm trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, kiên quyết đấu tranh bảo vệ công lý, pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử chặt chẽ, kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan sai người vô tội, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Chủ động tham mưu, huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và hoạt động chuyên môn, tạo đột phá nâng cao chất lượng công tác.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Theo quy định của pháp luật, Viện Kiểm sát quân sự hoạt động độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ cơ quan nào. Tuy nhiên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Viện chỉ đạo các cấp cần coi trọng xây dựng và tăng cường mối quan hệ công tác với các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan tư pháp, bảo vệ pháp luật trong và ngoài Quân đội. Việc quan hệ, phối hợp công tác trên cơ sở giữ vững vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát quân sự, phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo thẩm quyền. Cán bộ, kiểm sát viên các cấp cần thống nhất nhận thức, chủ động phối hợp để cùng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên, giải quyết đúng các vụ án, vụ việc, bảo đảm mọi hoạt động của cơ quan tư pháp, của người tố tụng tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục tham mưu, phối hợp với các đơn vị làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và các đơn vị tạo điều kiện giúp đỡ để Viện Kiểm sát quân sự củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Tự hào với truyền thống vẻ vang và kết quả đạt được suốt 60 năm qua, Viện Kiểm sát quân sự tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Quân đội vững mạnh trong thời kỳ mới.

Trung tướng, TS. TẠ QUANG KHẢI, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương
____________________

1 - Năm 2019 phổ biến được 1.622 giờ với 120.469 lượt người tham dự; năm 2020 phổ biến được 1.970 giờ với 94.959 lượt người tham dự.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.