QPTD -Thứ Sáu, 10/01/2020, 09:34 (GMT+7)
Xây dựng Viện Chiến lược Quốc phòng vững mạnh, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc

Là cơ quan nghiên cứu, tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng, đối ngoại quốc phòng, Viện Chiến lược Quốc phòng đã và đang tập trung nỗ lực nghiên cứu, tham vấn giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách về quốc phòng, quân sự, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xuất phát từ yêu cầu xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, ngày 11-01-1990, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Viện Chiến lược Quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng) - Bộ Quốc phòng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mà thường xuyên, trực tiếp là Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng, ngay từ những ngày mới thành lập, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, Viện đã nhanh chóng ổn định tổ chức biên chế, từng bước khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan nghiên cứu chiến lược, tham mưu, đề xuất chủ trương, đối sách quốc phòng, quân sự, trên cơ sở nghiên cứu khoa học, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; về đối tượng, đối tác và dự kiến các tình huống quốc phòng, quân sự, các loại hình chiến tranh có thể xảy ra.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký ban hành Chiến lược Quân sự Việt Nam năm 2018

Với chức năng nhiệm vụ được giao, Viện đã triển khai thực hiện nhiều công trình nghiên cứu chiến lược, nhất là nghiên cứu, dự báo tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, xây dựng phương án, đề xuất giải pháp, phục vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nổi bật là, Viện đã chủ trì nghiên cứu tổng kết phần về quốc phòng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001 - 2010) và (2011 - 2020); tham gia tổng kết Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991; bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011; nghiên cứu, tổng kết lý luận, thực tiễn 30 năm đổi mới phần nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương tham mưu, đề xuất xây dựng văn kiện các kỳ đại hội của Đảng (từ Đại hội IX đến nay) và nghị quyết hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương các khóa. Nội dung tập trung vào việc đánh giá, dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước và những tác động đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam; dự báo các tình huống quốc phòng, quân sự, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh; đề xuất nội dung, giải pháp củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Viện được giao chuẩn bị nội dung báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) và dự thảo nội dung Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” trình Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI); cho ý kiến vào nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về Chiến lược Biển Việt Nam (khóa X) và dự thảo nội dung Nghị quyết 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 8 (tháng 10-2018). Đặc biệt, năm 2018 - 2019, Viện là cơ quan thường trực soạn thảo Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự và phối hợp với các cơ quan biên soạn Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia; triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, v.v.

Trong công tác đối ngoại quốc phòng, Viện được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ vừa chuẩn bị nội dung tham mưu, dự báo chiến lược về đối ngoại quốc phòng, vừa tham gia hoạt động đối ngoại quốc phòng trên một số lĩnh vực, như: tham vấn, đối thoại quốc phòng; chia sẻ thông tin; hợp tác huấn luyện; tham gia các diễn đàn khu vực (Cộng đồng ASEAN) và quốc tế với nhiều vấn đề nổi cộm hiện nay, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phòng, chống an ninh phi truyền thống; an ninh, an toàn không gian mạng, v.v. Ngoài ra, Viện còn được giao chủ trì thành lập Nhóm trung tâm nghiên cứu, biên soạn “Sách trắng Quốc phòng Việt Nam”, đến nay, đã qua 04 lần xuất bản và công bố (2002, 2005, 2009, 2019), được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, tạo được thiện cảm, lòng tin chiến lược của bạn bè quốc tế đối với chính sách yêu chuộng hòa bình của Việt Nam, v.v. Với bề dày truyền thống và những thành tích xuất sắc trong chặng đường 30 năm xây dựng, phát triển, Viện vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, 02 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; được Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Phát huy thành tích đã đạt được, với những định hướng lâu dài, đúng đắn mang tầm chiến lược, thời gian tới, Viện tập trung nguồn lực, trí tuệ cho các hoạt động nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược về quân sự, quốc phòng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trước mắt, Viện tập trung làm tốt công tác nghiên cứu chiến lược, đi sâu nghiên cứu, dự báo làm rõ cơ sở lý luận của các vấn đề do thực tiễn đặt ra, nhất là xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới, để kịp thời phục vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước về công tác quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trên cơ sở nội dung của Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Viện tiếp tục tập trung nghiên cứu các cuộc chiến tranh khu vực, chiến tranh kiểu mới (chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh mạng,…); nghiên cứu về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân, những luận điểm trong Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc, dự báo các hình thái chiến tranh, các vấn đề về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo. Đồng thời, nghiên cứu việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại (đối ngoại quốc phòng) khi Việt Nam tham gia các hiệp định tự do thương mại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Hiện nay, Viện được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao chuẩn bị nội dung về công tác dự báo chiến lược và chiến lược phát triển Quân đội để đưa vào Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, chuẩn bị nội dung tham gia vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), v.v.

Lễ công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019

Cùng với đó, Viện chủ động đề xuất và tổ chức tốt hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua việc nghiên cứu các đề tài khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ Quốc phòng; tập trung giải quyết những vấn đề về lý luận và thực tiễn đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; hoạt động của lực lượng vũ trang và nghệ thuật tác chiến của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; trọng tâm là nghiên cứu các hình thức chiến tranh mới, chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, Viện tập trung nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự, quốc phòng, đối ngoại quốc phòng; các đề tài về tác chiến phòng thủ, tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo; các loại hình tác chiến chiến lược, tác chiến tiến công tổng hợp, tác chiến bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng, v.v. Các đề tài khoa học do Viện chủ trì nghiên cứu đưa vào phục vụ công tác nghiên cứu chiến lược, làm cơ sở để biên soạn tài liệu huấn luyện trong toàn quân và phục vụ công tác bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quân sự, quốc phòng cho đội ngũ cán bộ các cấp trong và ngoài Quân đội. Tăng cường quán triệt cho đội ngũ cán bộ “bám sát tình hình thực tiễn, giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng” trên cơ sở thấu suốt Cương lĩnh chính trị, nắm vững đường lối và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Đảng. Đồng thời, gắn nghiên cứu các vấn đề về quân sự, quốc phòng với mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là hoạt động chính trị, kinh tế, ngoại giao và an ninh, đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Để xứng đáng là cơ quan nghiên cứu chiến lược, Viện tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy sáng tạo, tác phong làm việc khoa học và ý thức tổ chức kỷ luật cao, có trình độ, kiến thức tổng hợp, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Kinh nghiệm trong nghiên cứu và tham mưu chiến lược đã giúp đội ngũ cán bộ của Viện nhận thức rằng, vấn đề khó nhất và cốt yếu nhất trong nghiên cứu chiến lược, chính là nghiên cứu, đưa ra các dự báo chiến lược đúng đắn. Vì vậy, trong những năm tới, Viện chủ động bám sát và nắm chắc các sự kiện chính trị, quân sự, quốc phòng, an ninh của đất nước, khu vực và quốc tế, nâng cao chất lượng công tác dự báo chiến lược, nhất là dự báo các tình huống quốc phòng, hình thái chiến tranh, đề xuất giải pháp tham mưu chiến lược một cách toàn diện, sát thực tế, phục vụ kịp thời cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước giải quyết, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống về quân sự, quốc phòng.

Với quan điểm “nghiên cứu chiến lược phải bám sát tình hình thực tế, đi từ thực tế, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn”, thời gian tới, Viện tập trung mở rộng mối quan hệ hợp tác, các cuộc trao đổi khoa học với quân đội các nước trên thế giới, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Lào, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, v.v. Thông qua đó, giúp cho nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích, tham mưu, dự báo, đề xuất chiến lược của Viện ngày càng được mở rộng và nâng cao, góp phần làm cho bạn bè thế giới hiểu rõ hơn quan điểm, đường lối, chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta, xây dựng lòng tin, củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa Quân đội ta với quân đội các nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, các cơ quan, viện nghiên cứu trong và ngoài Quân đội, như: Viện Kỹ thuật quân sự, Viện Khoa học xã hội và Nhân văn quân sự/Bộ Quốc phòng, Viện Khoa học Chiến lược/Bộ Công an, Viện Chiến lược phát triển/Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các học viện, nhà trường, nhằm giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học và bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh. Ngoài việc tổ chức các đoàn cán bộ đi nghiên cứu thực tế tại các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố, Viện coi trọng việc cử các đoàn cán bộ đi nghiên cứu ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, v.v.

Kế thừa và phát huy truyền thống “Trung thành, mưu lược, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, trí tuệ và đổi mới”, toàn thể cán bộ, nhân viên Viện Chiến lược Quốc phòng tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng, TS. ĐẶNG QUANG MINH, Phụ trách Viện trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.