QPTD -Thứ Năm, 19/03/2020, 13:40 (GMT+7)
Xây dựng Trường Trung cấp Biên phòng 2 “chính quy, tiên tiến, mẫu mực”

Trường Trung cấp Biên phòng 2, tiền thân là Trường Hạ sĩ quan Biên phòng 3, thành lập ngày 02-4-1980 theo Quyết định 40/QĐ-BTL của Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Sau nhiều lần đổi tên và nâng cấp mục tiêu, yêu cầu đào tạo, năm 2008, Nhà trường được mang tên Trường Trung cấp Biên phòng 2.

Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà trường không ngừng phát triển về mọi mặt, trở thành một trung tâm đào tạo cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp biên phòng bậc trung cấp, đào tạo nghiệp vụ và nhân viên chuyên môn kỹ thuật, đào tạo hạ sỹ quan cho lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố phía Nam, đào tạo tiếng Việt và bổ túc nghiệp vụ cho cán bộ biên phòng và công an nước bạn Cam-pu-chia. Ngoài các chuyên ngành chính là Quản lý bảo vệ biên giới, Quản lý kiểm soát cửa khẩu, Trinh sát Biên phòng, Phòng, chống ma túy và tội phạm, Nhà trường còn được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng giao nhiệm vụ huấn luyện nghiệp vụ tìm kiếm, cứu nạn; liên kết đào tạo ngoại ngữ, quân y, hoàn thiện Đại học Biên phòng, Đại học An ninh với số lượng hàng chục nghìn học viên; tổ chức huấn luyện chiến sĩ mới cho các đơn vị biên phòng và thực hiện một số nhiệm vụ khác. Với những nỗ lực cố gắng phấn đấu không mệt mỏi, sự đoàn kết, thống nhất cao của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ của Nhà trường suốt 40 năm qua, đã xây đắp nên truyền thống “Dạy tốt, học tốt, công tác tốt”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý1; hàng trăm lượt tập thể và hàng nghìn lượt cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương, danh hiệu đơn vị Quyết thắng, chiến sĩ thi đua, bằng khen, Cờ thi đua của Chính phủ, các bộ, địa phương. Đến nay, hơn 90% giáo viên của Nhà trường có trình độ đại học và sau đại học, trong đó có 33% trình độ sau đại học; 100% cán bộ quản lý trình độ đại học, 6,5% trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; 95% cán bộ, giáo viên đã qua đào tạo kiến thức sư phạm, có bằng cử nhân hoặc chứng chỉ sư phạm; trên 80% cán bộ, giáo viên đã qua thực tế giữ các cương vị chỉ huy, lãnh đạo ở đơn vị cơ sở. Với những cống hiến trong công tác giáo dục, đào tạo, Nhà trường có 01 đồng chí được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, 04 đồng chí được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”; hơn 100 cán bộ, giáo viên được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”; nhiều đồng chí được tặng danh hiệu Nhà giáo giỏi cấp bộ, cấp cơ sở. Tỷ lệ học viên tốt nghiệp ra trường hằng năm đều 100% đạt yêu cầu, trong đó có 80,88% khá, giỏi; trên 80% học viên sau khi hoàn thành khóa học được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; trên 90% học viên ra trường về đơn vị đảm đương tốt nhiệm vụ, chức trách theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo và có khả năng phát triển.

Phát huy những kết quả đã đạt được và để đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện công tác giáo dục, đào tạo, Nhà trường đang tập trung nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, phương hướng là: “Phát huy cao độ mọi nguồn lực để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; xây dựng Nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực, xứng đáng là trung tâm đào tạo chất lượng cao của Quân đội và lực lượng Bộ đội Biên phòng”. Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo giai đoạn 2010 - 2020 và dự báo tình hình, yêu cầu nhiệm vụ, mô hình đào tạo, Nhà trường đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:

Huấn luyện thực hành công tác quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc

Trước hết, đổi mới quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng chuẩn hóa, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Đây là giải pháp cơ bản, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng đào tạo và sự phát triển của Nhà trường. Bởi vì, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Nhà trường giai đoạn hiện nay có bước phát triển mới; đối tượng, quy mô đào tạo mở rộng; lưu lượng học viên tăng, với nhiều loại hình đào tạo khác nhau. Trong khi đó, quy hoạch tổng thể về biên chế tổ chức của Nhà trường đang trong quá trình triển khai thực hiện; cơ sở đào tạo, vật chất, kinh phí bảo đảm còn hạn chế; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa đồng bộ về cơ cấu biên chế. Vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường xác định: phải nắm vững và bám sát định hướng của cấp trên, lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo sát với mục tiêu, yêu cầu đề ra trong từng giai đoạn; không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Công tác giáo dục và đào tạo trong tình hình mới”, “Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020” của Bộ Quốc phòng,… Nhà trường tập trung đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo sát thực tiễn các tuyến biên giới theo hướng cơ bản, thiết thực, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng đối tượng. Đồng thời, tích cực rà soát và đổi mới một bước giáo trình, loại bỏ những nội dung không còn phù hợp; bổ sung, sắp xếp, cấu trúc lại chương trình, nội dung nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo hiện nay. Bên cạnh việc hoàn thiện nội dung chương trình toàn khóa, Nhà trường coi trọng xây dựng, hoàn thiện nội dung của từng môn học cụ thể theo hướng: thiết thực, hiện đại, bám sát sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, nghệ thuật quân sự lĩnh vực biên phòng; giảm lý thuyết, tăng thực hành đối với từng môn học; phát huy tính tích cực, tự giác học tập, nghiên cứu của học viên; trang bị kiến thức toàn diện, kết hợp với chuyên sâu, trau dồi cho người học phẩm chất cách mạng, rèn luyện bản lĩnh, tác phong chỉ huy, tính độc lập, sáng tạo, khả năng thích ứng cao với hoàn cảnh, điều kiện công tác.

Hai là, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý học viên có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Chất lượng giáo dục, đào tạo phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố; trong đó, đội ngũ giáo viên có ý nghĩa quyết định. Do đó, Nhà trường luôn chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện của đội ngũ giáo viên; tiếp tục kiện toàn đội ngũ này, nhằm bảo đảm đủ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng và có cơ cấu hợp lý. Cùng với việc duy trì nghiêm chế độ bình giảng, dự giờ, thông qua bài để rút kinh nghiệm, Nhà trường thường xuyên tổ chức các hội thi, hội thao để bồi dưỡng, rèn luyện năng lực hoạt động thực tiễn, nâng cao trình độ sư phạm cho giáo viên; chuẩn hóa danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, coi đây là một tiêu chí để đánh giá, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, giáo viên. Đồng thời, tiến hành rà soát, quy hoạch, kế hoạch và thực hiện nghiêm túc quy trình tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị và gửi đi đào tạo tại các trường trong và ngoài Quân đội); khuyến khích giảng viên tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, năng lực sư phạm, kiến thức thực tiễn để nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu hội nhập và giao lưu quốc tế. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, Nhà trường chú trọng bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác quản lý giáo dục; năng lực công tác chỉ huy, quản lý bộ đội; năng lực công tác đảng, công tác chính trị; công tác hậu cần - kỹ thuật, v.v. Hằng năm và từng học kỳ, các đơn vị quản lý học viên đều có kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ cấp dưới với nội dung, thời gian phù hợp. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học cũng thường xuyên được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ở tất cả các bước, từ khâu xây dựng kế hoạch tổng thể, đến triển khai thực hiện và hướng dẫn danh mục đề tài cho cán bộ, giáo viên, học viên đăng ký nghiên cứu, có sự phân công, phân nhiệm cán bộ tham gia; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy với kết quả nghiên cứu của đơn vị. Nhà trường tập trung nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; đồng thời, phân tích, dự báo nhu cầu về số lượng, chất lượng quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn kỹ thuật biên phòng, nhằm cung cấp số liệu và cơ sở khoa học cho cơ quan chuyên môn cấp trên xây dựng chương trình, lập kế hoạch đào tạo. Trên cơ sở đó, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với nhu cầu của các đơn vị cơ sở thông qua việc hình thành các liên kết, hợp tác nghiên cứu, thực hiện các đề tài khoa học giữa Nhà trường với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố và hải đoàn biên phòng.

Ba là, tăng cường đầu tư chiều sâu hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Cùng với nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đã được đầu tư, Nhà trường tiếp tục quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học. Với phương châm “trên dưới cùng lo, cùng làm”, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, Nhà trường tập trung hoàn thành quy hoạch xây dựng cơ bản và các dự án đầu tư trang, thiết bị đã được cấp trên phê duyệt; chuẩn hóa phòng học phổ thông, phòng chuyên dùng; xây dựng thao trường huấn luyện chiến thuật, trường bắn. Mặt khác, Nhà trường tranh thủ sự giúp đỡ của địa phương và các cơ quan, đơn vị bạn; sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo của Nhà trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Kế thừa truyền thống 40 năm xây dựng, phát triển và để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, tập thể cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ của Nhà trường tiếp tục phấn đấu xây dựng Trường Trung cấp Biên phòng 2 “Chính quy, tiên tiến, mẫu mực”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đại tá, TS. NGUYỄN ĐỨC Ý, Quyền Hiệu trưởng Nhà trường
________________-   

1 - Phần thưởng: 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; 02 Huân chương chiến công hạng Nhì và hạng Ba; 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 01 Huân chương Hợp tác Hữu nghị của Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia; 01 đơn vị được tặng thưởng huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (Phòng Chính trị); 20 năm liên tục được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng cờ Thi đua và Bằng khen.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.