QPTD -Chủ Nhật, 31/07/2011, 03:19 (GMT+7)
Xây dựng "thế trận lòng dân" - trọng tâm của xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh (QP-AN) của đất nước nói chung, xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) địa phương nói riêng. Trong đó, vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sức mạnh của KVPT là xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần vững chắc, mà trọng tâm là “thế trận lòng dân”.

alt
Trung tướng, Nguyễn Đức Xê, Giám đốc HVLQ chỉ đạo diễn tập thực địa cho học viên đào tạo CH-TM cấp trung, sư đoàn (Nguồn: Báo QĐND)
Tiềm lực chính trị - tinh thần trong KVPT là tổng thể các yếu tố: Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội (CT-XH) và các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động, tổ chức lực lượng quần chúng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tập trung thống nhất của cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để tổ chức, xây dựng KVPT địa phương vững chắc. "Thế trận lòng dân" là một bộ phận của tiềm lực chính trị - tinh thần; là thế trận dựa vào nhân dân, được nhân dân ủng hộ, che chở giúp đỡ; đồng thời, huy động và khai thác tiềm lực to lớn từ nhân dân, sức mạnh vô địch của nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù trong thời bình và khi xảy ra chiến tranh. Thế trận này gắn kết chặt chẽ với thế trận chiến tranh nhân dân, yếu tố đặc biệt quan trọng tạo điều kiện cơ bản cho lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân bám trụ, cơ động đánh địch, bảo vệ địa phương, đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhờ xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, biết khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, căm thù giặc và sức mạnh của lòng dân, các lực lượng cách mạng đã tổ chức đấu tranh bằng nhiều hình thức, thực hiện Đảng bám dân, dân bám đất, LLVT bám địch, liên tục vây ép, tiến công địch cả về chính trị, quân sự, tiêu hao từng bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh, "căng, kéo, kìm, giữ địch", buộc chúng phải phân tán đối phó, góp phần làm cho địch sa lầy bị động, tạo thế cho cấp trên và cùng bộ đội chủ lực ta tiêu diệt địch, giành thắng lợi. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, "thế trận lòng dân" tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chăm lo xây dựng và củng cố vững chắc; qua đó, tạo dựng thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD), kết hợp với thế trận an ninh nhân dân (ANND), phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" và các hoạt động lợi dụng "dân chủ, nhân quyền" để chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, CNH,HĐH vì mục tiêu "dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng “thế trận lòng dân” trong KVPT cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, mà Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng1; là thứ giặc “nội xâm” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã từng cảnh báo, đe dọa đến sự ổn định, phát triển của đất nước. Cùng với đó, trong công tác xây dựng Đảng cũng còn nhiều thiếu sót: năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp; nhiều cấp ủy, tổ chức đảng chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm2..., đã gây tác động không nhỏ tới lòng tin của nhân dân và do đó sức mạnh của tiềm lực chính trị - tinh thần cũng bị hạn chế.

Trước tình hình ấy, Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc”3; xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; trong đó, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước là yếu tố quyết định. Song, ý chí, nguyện vọng của quần chúng nhân dân là cơ sở, điều kiện tiên quyết và là nhân tố chủ yếu tác động đến hiệu quả xây dựng “thế trận lòng dân” trong thời bình cũng như chuyển hoá thế trận ấy thành sức mạnh thời chiến để đánh thắng mọi kẻ thù. Do đó, "thế trận lòng dân" chỉ có thể được xây dựng, củng cố trên cơ sở hệ thống chính trị vững mạnh, trước hết và trực tiếp nhất là ở cơ sở, trong từng KVPT địa phương. Đây cũng chính là xây dựng nền tảng, trọng tâm của xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của KVPT, đủ sức đề kháng trước mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Từ thực tiễn hoạt động xây dựng KVPT, để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, tập trung vào một số vấn đề trọng yếu sau:

Một là, các cấp, các ngành cần nhận thức đúng vị trí, vai trò quan trọng chiến lược của "thế trận lòng dân" trong thời kỳ mới; đồng thời, có các chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, chăm lo nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; tăng cường giữ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo thành cao trào hành động cách mạng, thi đua rộng khắp ở địa phương. Mục tiêu xây dựng “thế trận lòng dân” hiện nay là xây dựng và phát huy vai trò động lực to lớn, quyết định của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là quá trình làm cho mọi người Việt Nam phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân trong phạm vi trách nhiệm được giao. Xây dựng “thế trận lòng dân” cũng là xây dựng nền tảng CT-XH của nền QPTD trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trên cơ sở đồng thuận của toàn dân đoàn kết xung quanh Đảng, Nhà nước, quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN. Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc phải gắn với xây dựng cơ sở CT-XH bền vững trong KVPT. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở địa phương cần nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn quan tâm chăm lo nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân; trước hết là “nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài”, chăm lo sức khỏe nhân dân. Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có những chủ trương và giải pháp mạnh mẽ để giải phóng sức sản xuất trong dân, huy động được nội lực từ dân; tạo điều kiện cho nhân dân lao động luôn được tiếp cận với thành quả và biết ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất; khuyến khích mọi người dân vươn lên làm giàu chính đáng; tạo điều kiện hơn nữa để nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo phát triển toàn diện, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội; đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. 

Hai là, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; kiên quyết đấu tranh khắc phục và đẩy lùi tình trạng suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhất là tệ tham nhũng, lãng phí, tệ quan liêu, nhũng nhiễu xa rời nhân dân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trước hết, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phải có chủ trương và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ KT-XH, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tổ chức, đoàn thể trong sạch vững mạnh; nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tệ quan liêu, nhũng nhiễu nhân dân. Muốn vậy, phải phát huy tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở trong mọi hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế, tài chính, công khai minh bạch các quy hoạch, các định mức giá, các thủ tục, thời hạn giải quyết, thi hành các quyết định quy hoạch đô thị, khu - cụm công nghiệp, giải tỏa - đền bù đất đai, các dự án phát triển nông thôn…; bởi đây đang là những vấn đề "nóng" gây bức xúc trong các tầng lớp nhân dân. Việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tệ quan liêu của các cấp, các ngành, địa phương phải kết hợp giữa tuyên truyền giáo dục với tăng cường pháp chế XHCN và thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ để ngăn chặn, xử lý hiệu quả, thống nhất, kiên quyết và triệt để.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục QP-AN, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng thế trận QPTD với thế trận ANND trong điều kiện mới. Trong giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN, cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, biện pháp một cách linh hoạt, phù hợp với đối tượng, địa bàn cụ thể; tập trung quán triệt sâu sắc những quan điểm cơ bản của Đảng về xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận ANND trong xây dựng KVPT vững chắc đến các cấp, ngành, tổ chức CT-XH; khơi dậy trong mỗi người dân Việt Nam lòng yêu nước XHCN, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, làm cho nhân dân sẵn sàng đóng góp công sức, nhân lực, vật lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; chăm lo bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, tạo mọi điều kiện để "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Dân chủ XHCN vừa là mục tiêu vừa là động lực cho công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải thường xuyên duy trì thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở một cách toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, QP-AN…; công khai các hoạt động của cơ quan, tổ chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, để dân được bàn bạc, phản biện, giám sát, kiểm tra, tạo ra bầu không khí thực sự dân chủ, phấn khởi, tích cực của quần chúng nhân dân, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân đối với các chủ trương của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương.

Năm là, phát huy truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm cơ sở để xây dựng "thế trận lòng dân". Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã căn dặn: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người căn dặn: “Nước lấy dân làm gốc ”, “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Và, rằng: “Đoàn kết tất cả những người thật sự yêu Tổ quốc, yêu hòa bình”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”4. Thực tiễn trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta cho thấy: nhờ nêu cao truyền thống đoàn kết, tinh thần dân tộc, tự chủ, tự cường, nên nhân dân ta đã bảo vệ toàn vẹn non sông gấm vóc, giữ vững nền độc lập và bản sắc văn hóa của mình.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc đặt ra vừa cấp thiết vừa có tính chiến lược lâu dài; là trách nhiệm của toàn xã hội mà trước hết là của hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các địa phương, cơ sở giữ vai trò quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và “thế trận lòng dân”. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương cần hướng các hoạt động vào việc tập hợp đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, các thành phần kinh tế; đoàn kết ở mọi lứa tuổi, mọi giới, mọi tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài, phát huy chủ nghĩa yêu nước chân chính, ý chí tự hào, tự tôn dân tộc. Các chủ trương lãnh đạo phải thiết thực, hợp lòng dân, khơi dậy được lòng tin, truyền thống yêu nước của nhân dân. Trên cơ sở đó, tạo được sự đồng thuận và tác dụng trực tiếp trong các mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi của người dân đối với nhiệm vụ chính trị của địa phương, với đất nước, với sự sống còn của chế độ chính trị.

Xây dựng "thế trận lòng dân" - trọng tâm của xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần là cái gốc để xây dựng KVPT vững chắc, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong sự nghiệp CNH,HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước.

Trung tướng, PGS, TS. NGUYỄN ĐỨC XÊ

Giám đốc Học viện Lục quân

                  

1 - Xem: ĐCSVN- Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 173.

2, 3 - Xem: Sđd, tr.174-175, 234.

4 - HCMinh về dân tộc, thế giới và đại đoàn kết trong cách mạng Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2003, tr. 274.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.