QPTD -Thứ Năm, 30/05/2019, 08:50 (GMT+7)
Xây dựng ngành Vận tải quân sự vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ

Trải qua 70 năm xây dựng, phục vụ chiến đấu và chiến đấu (18-6-1949 – 18-6-2019), ngành Vận tải Quân sự luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình mới, Ngành tiếp tục phát huy truyền thống, đẩy mạnh xây dựng vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ.

Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng, ngày 18-6-1949, Cục Vận tải được thành lập, có nhiệm vụ ban đầu là “tổ chức việc vận tải trong Quân đội về mọi mặt”. Ngay từ ngày đầu thành lập, mặc dù còn nhiều khó khăn, cán bộ, chiến sĩ chưa có kinh nghiệm trong công tác tham mưu, tổ chức vận tải; vật chất, trang bị thiếu thốn...; song, với quyết tâm “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, Bộ đội Vận tải đã sử dụng linh hoạt các hình thức vận chuyển từ thô sơ đến hiện đại, bằng cả đường bộ, đường thủy, đường ống, đường không, cơ động thần tốc vũ khí, đạn dược, bộ đội, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trên các chiến trường, cùng với quân và dân ta lập nên những chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ mới, Ngành tiếp tục đi đầu trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh; tổ chức thu hồi hàng hóa, chiến lợi phẩm trên các chiến trường, tuyến vận tải; giải tỏa cảng biển, vận chuyển bộ đội; vận chuyển hàng kinh tế phục vụ xây dựng và phát triển đất nước; nhiệm vụ vận chuyển nhiều, hàng hóa đa dạng, phức tạp. Trước tình hình đó, ngành Vận tải Quân sự được tổ chức theo 3 cấp: chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; từng bước đồng bộ, đổi mới trang bị, phương tiện vận tải; quy hoạch, nâng cấp hệ thống kho, bãi, bến cảng,... xây dựng Ngành “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, hoàn thành tốt công tác vận tải, bảo đảm kịp thời cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội có bước phát triển mới, đặt ra cho ngành Vận tải Quân sự mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ cao hơn. Trong khi đó, tổ chức biên chế, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện vận tải có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hiện nay, trên 70% phương tiện vận tải của Ngành là trang bị cũ, hiệu quả chuyên chở thấp; nhiều trang bị xuống cấp; nguồn bảo đảm hạn chế, v.v. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Chỉ huy Cục đã và đang chỉ đạo toàn Ngành triển khai tích cực, đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng ngành Vận tải Quân sự vững mạnh, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.

Trước hết, Cục tích cực tham mưu, đề xuất với Tổng cục Hậu cần và Bộ Quốc phòng củng cố, kiện toàn tổ chức lực lượng vận tải quân sự phù hợp với quy hoạch tổng thể và nhiệm vụ của từng cấp. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nhất là Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Đề án tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021, Cục tham gia xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức biên chế ngành Hậu cần toàn quân; trong đó, tập trung nghiên cứu hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các cơ sở, đơn vị vận tải trên từng vùng, miền, hướng chiến lược. Đồng thời, đề xuất xây dựng tổ chức, biên chế Ngành theo hướng “tinh, gọn, thống nhất” ở cả 3 cấp với sự ưu tiên cho phát triển lực lượng vận tải chiến lược, chiến dịch, các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn, lực lượng mới thành lập, nhất là trên các hướng, địa bàn, vùng biển, đảo quan trọng.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt, mất cân đối về cơ cấu cán bộ, nhân viên vận tải các cấp, Ngành thực hiện nghiêm tổ chức biên chế theo quy định; thường xuyên rà soát, chấn chỉnh lực lượng theo quy hoạch; tiếp tục điều động, luân chuyển giữa các đơn vị. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan và Học viện Hậu cần để xác định chỉ tiêu, chương trình đào tạo cán bộ vận tải cấp phân đội, xây dựng nguồn nhân lực vận tải chất lượng cao; đưa số dôi dư và những cán bộ trái chuyên môn đi đào tạo chuyển loại, nâng ngạch, bổ sung chức danh chuyên nghiệp quân sự còn thiếu; tăng cường huấn luyện tại chức,... góp phần tạo nguồn, từng bước bổ sung, cân đối cán bộ, nhân viên vận tải toàn quân, nhất là các đơn vị miền Trung và miền Nam. Cùng với đó, Cục chủ động tham mưu với Tổng cục Hậu cần và Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cấp đẩy mạnh quản lý, xây dựng tiềm lực và thế trận vận tải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, chú trọng xây dựng tiềm lực, thế trận vận tải trong các khu vực phòng thủ; nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng vận tải dự bị động viên; nắm, quản lý chắc lực lượng, phương tiện vận tải của các thành phần kinh tế, sẵn sàng huy động khi có nhu cầu.

Hoạt động vận tải quân sự có tính đặc thù cao, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Ngành đẩy mạnh xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, trọng tâm tập trung vào xây dựng đơn vị vận tải “chính quy - an toàn - hiệu quả”; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chiến sĩ vận tải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có số lượng, cơ cấu hợp lý, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, tay nghề theo từng vị trí công tác. Theo đó, Ngành tiếp tục đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng; kết hợp đào tạo mới, đào tạo lại với đào tạo chuyển cấp, chuyển loại; đào tạo tại các nhà trường với huấn luyện, bồi dưỡng tại đơn vị. Chú trọng huấn luyện, bồi dưỡng toàn diện, nhưng chuyên sâu về chiến thuật, kỹ thuật chuyên ngành; tổ chức vận tải trong tác chiến, kết hợp vận tải thô sơ với hiện đại, v.v. Cùng với đó, Cục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, gắn huấn luyện chuyên ngành với huấn luyện quân sự; tăng cường huấn luyện bảo đảm an toàn giao thông; huấn luyện, diễn tập nâng cao khả năng cơ động, giải tỏa nhanh hàng hóa, bảo đảm vận tải cho các loại hình, hình thức tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, cho tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo; huấn luyện làm chủ khai thác, sử dụng các trang bị, phương tiện vận tải hiện có, nhất là phương tiện vận tải thế hệ mới, hiện đại. Qua đó, nâng cao năng lực tư duy quân sự, trình độ tham mưu tác chiến, chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ, nhân viên vận tải.

Nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả vận tải trong tình hình mới, Cục tham mưu giúp Tổng cục và Bộ Quốc phòng thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng và từng bước đổi mới các loại phương tiện vận tải theo hướng hiện đại, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với từng cấp, khả năng ngân sách, yêu cầu phát triển của Quân đội. Thực hiện kế hoạch 979/KH-HC, ngày 21-10-2013 của Tổng cục Hậu cần về thực hiện Nghị quyết 623, Ngành đẩy mạnh mua sắm phương tiện vận tải thế hệ mới để trang bị cho đơn vị vận tải các cấp; ưu tiên các đơn vị mới thành lập và cấp đổi những xe lâu năm, hư hỏng, xuống cấp. Để đạt hiệu quả cao, Cục yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành tổng rà soát phương tiện thủy toàn quân; trên cơ sở đó, điều chuyển và trang bị mới cho đơn vị theo từng khu vực; đẩy nhanh tiến độ đóng mới trang bị, phương tiện thủy chiến lược. Đồng thời, chỉ đạo cấp chiến dịch mua sắm trang bị vận tải cơ giới loại nhỏ, thô sơ, đáp ứng nhu cầu vận chuyển và huấn luyện của đơn vị. Cùng với đó, Cục nghiên cứu, xây dựng đề án và đề xuất Bộ Quốc phòng bảo đảm ngân sách để tiếp tục mua sắm, đóng mới trang bị, nhất là phương tiện thủy theo Chương trình Biển Đông - hải đảo; xây dựng cảng quân sự ở các đảo, nâng cấp cầu cảng cấp chiến dịch; xây mới, củng cố hệ thống nhà kho, trạm xưởng cấp chiến lược, chiến dịch phù hợp với yêu cầu bảo đảm kỹ thuật.

Cùng với đổi mới trang bị, Ngành thực hiện tốt công tác bảo đảm kỹ thuật để giữ tốt, dùng bền vũ khí, trang bị. Theo đó, Ngành quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng trang bị, phương tiện vận tải, nhất là đối với tàu, thuyền; củng cố, nâng cấp trang, thiết bị trạm xưởng; phát huy tinh thần tự lực, tự cường của cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa; tập trung nâng cao chất lượng ngày kỹ thuật; đăng kiểm, kiểm tra an toàn chặt chẽ, nhất là các phương tiện vận chuyển vũ khí, đạn dược, xăng dầu.

Hiện nay, khối lượng vận tải quân sự lớn, mỗi năm sản lượng vận tải toàn Ngành khoảng 300 triệu tấn.km, vận chuyển quân đạt gần 250 triệu người.km. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong thời kỳ cao điểm, Ngành đẩy mạnh đổi mới phương thức vận tải theo hướng tăng cường phân cấp vận chuyển một cách linh hoạt và phát huy thế mạnh của nền kinh tế thị trường để xã hội hóa một số nhiệm vụ. Ngành đẩy mạnh phân cấp vận tải, phát huy khả năng vận tải theo khu vực phòng thủ, vừa sát với điều kiện thời bình, vừa khai thác tốt năng lực tại chỗ trong thời chiến; linh hoạt trong vận chuyển hàng theo phân cấp và vượt cấp để hạn chế trùng lặp quãng đường, nâng cao hiệu quả vận tải. Trong đó, Ngành tập trung vận chuyển vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật chất công trình chiến đấu bảo đảm cho các đơn vị; thực hiện xã hội hóa đối với hoạt động vận chuyển hàng thông dụng và vận chuyển tân binh. Thời gian tới, Ngành phối hợp với các doanh nghiệp khảo sát năng lực vận tải hàng không; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, trọng tâm vào phát triển phương thức huy động phương tiện vận tải trong tác chiến, xây dựng lực lượng, thế trận vận tải, bảo đảm cho tác chiến bảo vệ Trường Sa và tác chiến chống chia cắt chiến lược...; ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật và quản lý vận tải. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và thường xuyên cập nhật mạng giao thông quân sự trên bản đồ số; từng bước triển khai mạng thông tin vận tải toàn quân để thuận tiện tra cứu, theo dõi hành trình, chỉ huy, điều hành vận tải và trực tiếp theo dõi quản lý các phương tiện trong vận chuyển.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, Ngành tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”, “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” và Cuộc vận động 50, tạo động lực, sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác vận tải, góp phần cùng toàn quân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN ĐIỀU, Cục trưởng Cục Vận tải

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.