QPTD -Thứ Năm, 05/04/2012, 16:15 (GMT+7)
Xây dựng ngành Thông tin Khoa học Quân sự hiện đại, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ

Trung tâm Thông tin Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng là cơ quan đầu ngành Thông tin Khoa học Quân sự của toàn quân. Nhận thức rõ trọng trách được giao, Trung tâm và các đơn vị trong toàn quân luôn chăm lo xây dựng Ngành vững mạnh về mọi mặt, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.

alt
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng BQP kiểm tra Dự án Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng

Ba mươi năm kể từ ngày thành lập (08-4-1982), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP), Bộ Tổng Tham mưu (BTTM), Trung tâm Thông tin Khoa học Quân sự (TTKHQS) vừa xây dựng, phát triển, vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Nổi bật là, Trung tâm đã làm tốt chức năng tham mưu cho BQP, BTTM trong công tác xây dựng Ngành, quản lý, chỉ đạo các hoạt động TTKHQS trong toàn quân; xây dựng tiềm lực, các chính sách, quy chế công tác, từng bước đưa hoạt động TTKHQS toàn quân đi vào nền nếp, chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự trong thời kỳ mới. Đến nay, hệ thống TTKHQS toàn quân đã được kiện toàn về tổ chức, biên chế, từ BQP đến các đơn vị cơ sở; gồm: 12 phòng và 22 ban TTKHQS ở các tổng cục, quân khu, quân chủng, học viện, nhà trường, viện và trung tâm nghiên cứu; trên 50 đầu mối đơn vị có trợ lý chuyên trách, trên 100 đơn vị có trợ lý kiêm nhiệm. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Ngành thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện, nhất là các quy chế về công tác quản lý, chỉ đạo của Ngành; tổ chức và hoạt động của mạng Thông tin Khoa học Công nghệ Môi trường quân sự (MISTEN), Cổng thông tin điện tử BQP; qua đó, tạo hành lang pháp lý để công tác TTKHQS toàn quân phát triển đồng bộ, thống nhất, đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, Trung tâm và các đơn vị trong Ngành tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ (KH-CN) mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin khoa học của Ngành. Trong 5 năm qua, Trung tâm đã hoàn thành 9 đề tài KH-CN cấp bộ và ngành, biên soạn nhiều tài liệu huấn luyện; sửa chữa, bổ sung, hiệu đính 26 tài liệu chuyên ngành...; nhiều đề tài được BQP đánh giá xuất sắc, góp phần hoàn thiện lý luận và thực tiễn các hoạt động TTKHQS. Đặc biệt, Trung tâm đã phát triển nhiều dự án ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hoạt động TTKHQS toàn quân, như: Dự án Thư viện Điện tử, Dự án “Thư viện số dùng chung trong BQP”, kết nối 25 thư viện của các học viện, nhà trường và viện nghiên cứu trong toàn quân; Dự án Cổng Thông tin Điện tử BQP; Dự án Cơ sở dữ liệu (CSDL) tài nguyên biển; Dự án Hệ thống giao ban thông tin - tư liệu trực tuyến... Trên mạng MISTEN, Trung tâm đã xây dựng được một nguồn tài nguyên thông tin lớn: CSDL thư mục, CSDL toàn văn, CSDL multimedia, các tạp chí chuyên ngành trong Quân đội, bản tin thời sự, một số tạp chí nước ngoài, thông tin tổng hợp thu thập từ internet, các bản tin ngày về hoạt động quân sự, quốc phòng nổi bật ở trong và ngoài nước... Đến nay, đã có trên 200 đầu mối kết nối mạng MISTEN, với hơn 2.000 máy trạm; trong đó, có trên 40 đầu mối sử dụng đường truyền tốc độ cao ATM; số lượng người truy cập khai thác mạng đạt trung bình 2.000 lượt người/ngày. Hệ thống thư viện của toàn Ngành (hơn 80 thư viện, phòng đọc) mỗi năm thu thập, bổ sung khoảng 11.000 đầu sách, hàng trăm đầu tạp chí, khoảng 1.000 đề tài, luận văn, hơn 1.000 băng ghi âm, ghi hình, hàng trăm đĩa CD-ROM,...; trong đó, có nhiều tư liệu quý hiếm về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở trong nước và quốc tế.

alt
Thiếu tướng Từ Linh, nguyên Giám đốc Trung tâm kiểm tra công tác TTKHQS và ký bàn giao đường truyền ATM mạng MISTEN cho TCKT (12-2008)

Công tác xuất bản và phổ biến thông tin khoa học là một mặt quan trọng được Trung tâm và các đơn vị trong Ngành coi trọng tập trung đổi mới. Trong toàn Ngành hiện có 14 cơ quan TTKHQS xuất bản tạp chí chuyên ngành, 32 cơ quan thông tin xuất bản ấn phẩm định kỳ, 36 cơ quan xuất bản thông tin chuyên đề, trên 50 cơ quan thông tin có bản tin phục vụ lãnh đạo... Tạp chí Khoa học Quân sự và nhiều ấn phẩm, băng hình, đĩa tiếng của Trung tâm xuất bản, sản xuất đề cập tới nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, quân sự, quốc phòng trong nước và quốc tế, được bạn đọc quan tâm, đánh giá cao. Các sản phẩm của Trung tâm và của Ngành đã tạo được nhiều kênh, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, nghiên cứu, huấn luyện của các cấp, các ngành, các đơn vị, nhất là cấp chiến lược, chiến dịch trong toàn quân; góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng Quân đội "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại".

Với những thành tích đã đạt được trong 5 năm qua, Trung tâm đã vinh dự được Nhà nước trao tặng 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (các năm: 2006, 2008, 2011), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Hai (năm 2011), được BQP, BTTM, Tổng cục Chính trị, các cơ quan Đảng, Chính phủ tặng cờ, bằng khen, giấy khen và nhiều phần thưởng cao quý khác.

alt
Đầu cầu Hà Nội, giao ban trực tuyến thông tin - tư liệu (tháng 02-2012) 

Hiện nay và trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Đối với nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược "Diễn biến hòa bình" với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc. Công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH của đất nước đang trên đà phát triển, tạo tiền đề rất cơ bản, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, nguy cơ đối với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Trước tình hình đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thiết thực vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng Quân đội nói riêng; Trung tâm và các đơn vị trong Ngành xác định cần tiếp tục xây dựng Ngành vững mạnh về mọi mặt; trong đó, tập trung vào những giải pháp chính sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển TTKHQS của Quân ủy Trung ương và BQP tầm nhìn tới 2020 và những năm tiếp theo. Đây là vấn đề quan trọng, cấp thiết đối với toàn Ngành. Để thực hiện tốt, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho bộ đội về vị trí, vai trò quan trọng chiến lược của công tác TTKHQS đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, dưới tác động của cuộc cách mạng KH-CN mới, xã hội phát triển dựa trên nền kinh tế tri thức, nên thông tin khoa học nói chung, TTKHQS nói riêng thực sự đã trở thành hạ tầng cơ sở, là một trong những nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kết quả hoạt động của Ngành tác động trực tiếp tới việc đánh giá, dự báo chiến lược về quốc phòng, quân sự của Quân ủy Trung ương và BQP; qua đó, tác động đến việc hoạch định đường lối, chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta. Mặt khác, hoạt động TTKHQS còn là một mặt của công tác KHQS; do đó, cần phải được phát triển đồng hành, thậm chí đi trước một bước so với hoạt động nghiên cứu và phát triển ở các viện nghiên cứu, học viện, nhà trường và các cơ sở sản xuất quốc phòng. Các sản phẩm của hoạt động nghiên cứu triển khai giàu chất xám trong Quân đội cần được quản lý, khai thác có hiệu quả, phục vụ kịp thời cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp thông qua việc thu thập, lưu giữ và phổ biến ở các cơ quan TTKHQS. Do vậy, ngành TTKHQS phải xây dựng trở thành một trong những hệ thống mạnh, tiên tiến của mạng lưới thông tin KH-CN quốc gia, trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị, gắn liền với hoạt động thực tiễn và phát triển của Quân đội; lấy việc cung cấp, đáp ứng nhu cầu thông tin của các cấp, các ngành làm mục tiêu và động lực phát triển. Trước yêu cầu mới, Ngành cần coi trọng phát triển thông tin theo lôgic "cầu" hơn là lôgic "cung"; nghiên cứu nắm bắt nhu cầu tin của các đối tượng để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tăng cường các sản phẩm và dịch vụ thông tin giàu chất xám, có giá trị cao, có tính dự báo, đáp ứng các nhu cầu thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ huy, nghiên cứu, huấn luyện và sản xuất quốc phòng; chủ động đáp ứng các yêu cầu thông tin trong việc ra quyết định, hoạch định chính sách, chuyển giao công nghệ và nghiên cứu triển khai trong Quân đội.

alt
Bồi dưỡng chuyên ngành Thông tin KHQS cho cán bộ Quân đội nhân dân Lào

Hai là, đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng cơ sở; đa dạng hóa các hình thức và dịch vụ; nâng cao chất lượng các sản phẩm TTKHQS. Là một ngành khoa học được BQP ưu tiên trang bị các phương tiện kỹ thuật công nghệ cao, ngành TTKHQS đang đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới hoạt động TTKHQS, thay đổi căn bản việc thu thập, lưu giữ, xử lý, truyền tải, khai thác, phổ biến thông tin theo phương pháp truyền thống bằng phương thức tự động hóa, trên cơ sở số hóa, mạng hóa. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục thực hiện Dự án “Thư viện số dùng chung trong BQP”, đạt trình độ tiên tiến tầm khu vực và quốc tế; hoàn thành Dự án Cổng Thông tin Điện tử BQP, kết nối với Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ và hòa mạng internet, tạo thành một kênh thông tin quan trọng của BQP, kết nối hoạt động TTKHQS với hoạt động thông tin KH-CN của quốc gia và quân đội các nước trong khu vực; tiếp tục nâng cấp mạng MISTEN, website Hội nghị quốc phòng ASEAN và các hoạt động đối ngoại của BQP... Đồng thời, tăng cường đầu tư hiện đại hóa hệ thống thư viện, phòng đọc của các đơn vị theo hướng số hóa, tự động hóa; cải tiến nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm nghe, nhìn (băng, đĩa hình, đĩa tiếng), các ấn phẩm; nhất là, thông tin phục vụ lãnh đạo, bản tin C47, bản tin phục vụ giao ban của BTTM, Tạp chí Khoa học Quân sự... Hoạt động của Trung tâm sẽ hướng mạnh vào việc khai thác, lưu trữ, xử lý và phổ biến các thông tin có định hướng, thông tin tổng hợp chất lượng cao, nhất là các tin, bài quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội XI, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và BQP; định hướng tư tưởng đối với những vấn đề, sự kiện chính trị, quân sự quốc tế, trong nước nổi cộm đang được quan tâm; những phát triển mới trong các lĩnh vực nghệ thuật quân sự, chính trị quân sự, kỹ thuật quân sự, hậu cần quân sự… của đất nước và thế giới; đấu tranh chống các quan điểm thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ba là, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của Ngành. Trung tâm sẽ tăng cường phối hợp với các ban, ngành chức năng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Ngành, nhất là hệ thống các quy chế công tác, các quy định bảo mật của Nhà nước và Quân đội; nâng cao hiệu lực quản lý của cơ quan chuyên môn; trách nhiệm của cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật...; đưa hoạt động TTKHQS trong toàn quân đi vào nền nếp chính quy, hiện đại. Cùng với đó, Trung tâm phối hợp với các đơn vị làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ; chú trọng cử cán bộ đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội; đồng thời, đẩy mạnh đào tạo tại chỗ, thông qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin - thư viện, biên tập - xuất bản, xây dựng CSDL, khai thác và quản trị mạng, quay camera làm phóng sự truyền hình, tin học và ngoại ngữ... xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn TTKHQS có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng Ngành ngày càng tinh nhuệ, hiện đại.

Đại tá NGUYỄN KIM LÃM

Giám đốc Trung tâm TTKHQS, Bộ Quốc phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.