QPTD -Thứ Hai, 12/06/2023, 07:57 (GMT+7)
Xây dựng ngành Thi hành án Quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Công tác thi hành án dân sự có vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp, đảm bảo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thực thi trên thực tế, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng được ngành Thi hành án Quân đội tập trung thực hiện, với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Thực hiện Nghị quyết của kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa IX, ngày 06/10/1992 về việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án nhân dân các cấp sang cơ quan của Chính phủ và căn cứ vào Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 cùng các quy định của pháp luật, ngày 15/6/1993, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký ban hành Quyết định số 247/QĐ-BQP thành lập Phòng Quản lý thi hành án Bộ Quốc phòng (nay là Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng). Tiếp đó, ngày 16/6/1993, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ký Quyết định số 430/QĐ-TM thành lập Phòng Thi hành án thuộc các quân khu và tương đương. Từ đó, hệ thống ngành Thi hành án Quân đội được tổ chức theo hai cấp, gồm: Cơ quan quản lý thi hành án là Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng, có chức năng tham mưu với Quân ủy Trung ương, giúp Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án và thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự trong Quân đội theo quy định của pháp luật; cơ quan thi hành án là Phòng Thi hành án các quân khu và tương đương, có chức năng tham mưu với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và tương đương về thi hành án dân sự trên địa bàn, tổ chức hoạt động thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

Trải qua 30 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, mặc dù nhiệm vụ nặng nề, việc thi hành án dân sự ngày càng tăng cả về số vụ và giá trị tài sản phải thi hành, tính chất nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án còn thiếu, địa bàn thi hành án rộng, cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị còn khó khăn, v.v. Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu; sự phối hợp, giúp đỡ của Bộ Tư pháp, các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, các ban, ngành, chính quyền địa phương, với tinh thần “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” và “Trung thành tận tụy, đoàn kết kỷ luật, chủ động sáng tạo”, ngành Thi hành án Quân đội đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Nổi bật là, Cục đã chủ động tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về lĩnh vực thi hành án dân sự trong Quân đội1; tổ chức xây dựng Ngành ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, phù hợp với quy định của pháp luật, đặc thù Quân đội và thực tiễn công tác thi hành án trong từng giai đoạn. Thường xuyên nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự, chú trọng vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và các vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp, có số tiền, giá trị tài sản phải thi hành lớn. Kết quả thi hành án dân sự trong những năm qua của Ngành đều đạt và vượt chỉ tiêu do Quốc hội, Chính phủ giao2.

Ngoài ra, ngành Thi hành án Quân đội còn hoàn thành tốt các nhiệm vụ khác, như: giải quyết khiếu nại, tố cáo; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự; theo dõi thi hành án hành chính; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; xác nhận kết quả thi hành án, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo yêu cầu, tham gia công tác đặc xá; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” và các nhiệm vụ khác được giao, góp phần duy trì nghiêm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước. Ghi nhận kết quả và thành tích đã đạt được, từ năm 1993 đến nay, nhiều tập thể, cá nhân của Ngành được Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp khen thưởng3.

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và tập huấn nghiệp vụ Ngành Thi hành án Quân đội năm 2022

Trong những năm tới, công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung, công tác thi hành án dân sự trong Quân đội nói riêng đặt ra yêu cầu ngày càng cao; trong khi đó, nhiệm vụ thi hành án với nhiều vụ việc ngày càng khó khăn, phức tạp, nhất là việc thi hành các bản án, quyết định của tòa án đối với các vụ án tham nhũng, tiêu cực trọng điểm, có giá trị tài sản phải thi hành lớn, v.v. Phát huy kết quả, thành tích trong 30 năm qua, để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, ngành Thi hành án Quân đội tiếp tục xây dựng và phát triển với phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Một là, chủ động tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự trong Quân đội. Tập trung vào việc tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết việc thi hành án khó khăn, phức tạp, có số tiền, giá trị tài sản phải thi hành lớn, tác động nhiều đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Quân đội. Đồng thời, chủ động tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác cán bộ ngành Thi hành án Quân đội; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyển chọn, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, xây dựng đội ngũ cán bộ thi hành án trong Quân đội đủ về số lượng, có phẩm chất, trình độ chuyên môn, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Theo đó, cán bộ toàn Ngành phải nắm chắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; Nghị quyết số 96/2019/QH14, ngày 27/11/2019 của Quốc hội về “Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự, đảm bảo mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác thi hành án dân sự được quán triệt sâu rộng, triển khai đồng bộ, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Hai là, làm tốt công tác quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ và tổ chức thi hành án. Với chức năng là cơ quan quản lý thi hành án trong Quân đội, Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình công tác thi hành án trong toàn quân, tích cực, chủ động rà soát, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự trong Quân đội, đảm bảo hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự trong Quân đội đầy đủ, hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, phù hợp, khả thi, công khai, minh bạch. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hành chính tư pháp, xác minh điều kiện, phân loại, tổ chức thi hành án, thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế,... hạn chế tối đa việc thi hành án tồn đọng, kéo dài. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trong Quân đội, các cơ quan, ban, ngành liên quan, chính quyền các địa phương trong giải quyết các vụ việc thi hành án.

Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, toàn ngành Thi hành án Quân đội cần triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án của Bộ Quốc phòng về “Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ quan tư pháp, thanh tra, pháp chế, phòng, chống tội phạm các cấp trong Quân đội đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” và Tiểu Đề án của Ngành về “Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành Thi hành án Quân đội đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra nghiệp vụ; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án, hạn chế thấp nhất việc vi phạm quy định pháp luật, kỷ luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước trong thi hành công vụ.

Ba là, tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, Đảng ủy, chỉ huy Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy Phòng Thi hành án cấp quân khu cần chú trọng xây dựng, rèn luyện nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Theo đó, cấp ủy, chi bộ các cấp cần tập trung nâng cao chất lượng ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ, năm, quý, tháng, bảo đảm sát với đặc điểm, tình hình thực tiễn của đơn vị, có tính khả thi cao; chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, kết hợp xây dựng đội ngũ đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng cấp ủy với xây dựng cán bộ chủ trì, v.v. Toàn Ngành chú trọng xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; thường xuyên quản lý, giáo dục, nắm tình hình và giải quyết kịp thời tư tưởng cán bộ, nội bộ đoàn kết, thống nhất; đổi mới, duy trì nền nếp, hiệu quả công tác tuyên truyền; duy trì thường xuyên hoạt động của lực lượng 47; phấn đấu công tác giáo dục chính trị, pháp luật, truyền thống kết quả đạt khá, giỏi. Tổ chức và duy trì có hiệu quả phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với các phong trào thi đua của Ngành và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác chính sách, bảo vệ chính trị nội bộ, giữ gìn bí mật, bảo đảm đơn vị an toàn tuyệt đối về mọi mặt; thường xuyên kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, Hội đồng quân nhân, triển khai tốt Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, tạo môi trường lành mạnh để cán bộ, nhân viên toàn ngành Thi hành án Quân đội nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, giữ nghiêm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, góp phần xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.

Đại tá NGUYỄN BÁ TÒNG, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng
___________________

1 - Xây dựng, tham gia xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự: Pháp lệnh Thi hành án dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 12 thông tư của Bộ Quốc phòng, 05 thông tư liên tịch về thi hành án dân sự, v.v.

2 - Giai đoạn 2015 - 2022, thi hành xong 4.972 việc, với số tiền 1.041 tỉ đồng trong tổng số 6.529 việc, 2.584 tỉ đồng có điều kiện thi hành (đạt 76,15% về việc và 40,28% về tiền).

3 - 02 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (01 hạng Nhì và 01 hạng Ba), 06 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 03 Cờ thi đua Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp; 17 lượt tập thể, 32 lượt cá nhân được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen; 81 lượt tập thể, 61 lượt cá nhân được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.