QPTD -Thứ Năm, 17/10/2019, 08:06 (GMT+7)
Xây dựng lực lượng Tác chiến không gian mạng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Không gian mạng cũng được coi là một vùng lãnh thổ để thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, bảo vệ các lợi ích quốc gia, dân tộc và là môi trường tác chiến mới, có vai trò quan trọng cũng như trên bộ, trên biển, trên không và trong vũ trụ. Vì vậy, xây dựng lực lượng Tác chiến không gian mạng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Những năm gần đây, Việt Nam phải đối mặt, chịu hậu quả nặng nề từ rất nhiều cuộc tấn công mạng. Trên phạm vi rộng, các “chiến binh công nghệ đã xâm nhập hệ thống dữ liệu của một số cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng,... đánh cắp thông tin, lấy cắp tiền bạc, chiếm đoạt dữ liệu, cài mã độc, v.v. Đặc biệt, lợi dụng triệt để môi trường không gian mạng, các thế lực thù địch đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, tuyên truyền các nội dung phản động, như: xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình, gây rối loạn xã hội, cổ vũ thái độ cực đoan, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, v.v. Ở lĩnh vực quân sự, hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu có liên quan rất nhiều đến mạng máy tính; hệ thống chỉ huy, điều khiển vũ khí,... ngày càng được tối ưu hóa bằng hệ thống công nghệ thông tin; các phương án tác chiến được chuyển hóa, lưu trữ trong hệ thống máy tính quân sự. Điều này đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lộ, lọt bí mật, khi đối phương tìm cách xâm nhập, phá hoại hệ thống và đánh cắp thông tin dữ liệu quân sự, quốc phòng.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thăm Bộ Tư lệnh 86

Là lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, những năm qua, lực lượng Tác chiến không gian mạng Bộ Quốc phòng đã tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoạch định chủ trương, giải pháp, cơ chế chính sách, đối sách xử lý hiệu quả các tình huống trên không gian mạng, quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, tác chiến không gian mạng và công nghệ thông tin1. Đồng thời, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng, phát triển lực lượng Tác chiến không gian mạng, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, năng lực quản lý, trinh sát, giám sát, nắm tình hình trên không gian mạng, kịp thời dự báo sớm, sát, đúng, đầy đủ và chủ động tham mưu, xử lý tốt các tình huống trên không gian mạng, góp phần quan trọng bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa.

Tuy nhiên, tiềm lực quốc phòng thực hiện nhiệm vụ trên không gian mạng của ta còn thiếu, yếu; lực lượng Tác chiến không gian mạng Bộ Quốc phòng đang trong quá trình xây dựng, năng lực chưa đủ mạnh; phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng, vũ khí mạng, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ tác chiến không gian mạng còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, tính cơ động chưa cao. Sự phân nhiệm về vai trò, trách nhiệm chủ quản các hệ thống thông tin và chức năng, nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách thuộc Bộ Quốc phòng với các đơn vị liên quan trong bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng chưa cụ thể; cơ chế huy động lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng còn gặp nhiều bất cập.

Để xây dựng lực lượng Tác chiến không gian mạng vững mạnh, tiến thẳng lên hiện đại theo phương châm “trung thành, kỷ luật, trí tuệ, hiệu quả”, có biên chế tinh, gọn, trang bị vũ khí đồng bộ, hiện đại, làm nòng cốt, chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hệ thống thông tin quân sự, quốc phòng; tham gia bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, sẵn sàng tấn công mạng đáp trả đối phương, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau.

Một là, đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm thống nhất hệ thống lãnh đạo, chỉ huy tác chiến không gian mạng. Mục tiêu đặt ra là xây dựng tổ chức, biên chế ngành Tác chiến không gian mạng tinh, gọn, hiệu quả, phù hợp tốc độ phát triển của vũ khí, trang bị, hạ tầng kỹ thuật mạng, ứng dụng công nghệ thông tin, phương thức tổ chức tác chiến không gian mạng và tiến trình điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội đến năm 2021 và những năm tiếp theo. Chủ động, tích cực làm tốt công tác tham mưu và đẩy mạnh triển khai thực hiện xây dựng tổ chức, biên chế Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86) giai đoạn 2; kiện toàn và đề xuất tổ chức thành lập mới một số đơn vị chuyên trách trực thuộc Bộ Tư lệnh 86. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức lực lượng Tác chiến không gian mạng toàn quân.

Trong quá trình triển khai thực hiện, tập trung rà soát, bổ sung cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, điều hành hoạt động tác chiến không gian mạng, bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ huy tác chiến không gian mạng từ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đến cơ quan Bộ Tư lệnh, các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong Quân đội. Lực lượng của Bộ Tư lệnh 86 do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp chỉ đạo. Lực lượng Tác chiến không gian mạng cấp chiến lược, chiến dịch do người chỉ huy cùng cấp chỉ huy thống nhất các lực lượng thuộc quyền. Phòng (ban) Tác chiến không gian mạng chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng Tác chiến không gian mạng thuộc biên chế của đơn vị. Tiếp tục hiện đại hóa lực lượng trinh sát kỹ thuật, tác chiến điện tử, thông tin liên lạc, cơ yếu; xây dựng Trung tâm Thám mã, Trung tâm Tình báo không gian mạng phục vụ nhiệm vụ tình báo quốc phòng.

Hai là, xây dựng lực lượng Tác chiến không gian mạng vững mạnh về mọi mặt. Trước hết, tập trung xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nền tảng trong xây dựng lực lượng Tác chiến không gian mạng. Theo đó, các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên thực hiện tốt công tác giáo dục, quán triệt, không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tình hình nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Quá trình thực hiện, cần kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới nội dung, phương pháp nâng cao chất lượng giáo dục chính trị gắn với quản lý, định hướng tư tưởng, chủ động đấu tranh với những quan điểm, nhận thức sai trái, không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về chính trị, không để địch xâm nhập, cài cắm, móc nối, phá hoại, làm lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự từ không gian mạng.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác huấn luyện, đào tạo, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ và ứng phó hiệu quả các tình huống trên không gian mạng. Triển khai các trung tâm huấn luyện theo vùng, miền, tạo lập môi trường tác chiến sát với tình hình thực tiễn trên không gian mạng; kết hợp huấn luyện kỹ thuật và nghệ thuật tác chiến với hiệp đồng tác chiến, giữa huấn luyện cơ bản với luyện tập, diễn tập theo đội hình tác chiến. Chú trọng xây dựng và thực hành huấn luyện, luyện tập thuần thục các bài huấn luyện mẫu, dựa trên nghiên cứu các trận đánh trên không gian mạng điển hình trên thế giới; ưu tiên phân tích, thực hành trên hệ thống mô phỏng không gian mạng. Tổ chức diễn tập các phương án tác chiến có sự tham gia của lực lượng công nghệ thông tin dân sự; diễn tập công tác tham mưu tác chiến trên bản đồ số và diễn tập tác chiến không gian mạng có thực binh hai bên ở một hoặc nhiều cấp.

Ba là, quan tâm đầu tư mua sắm vũ khí, trang thiết bị hiện đại và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động tác chiến không gian mạng. Về phương hướng, cần tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ưu tiên đầu tư có trọng điểm các đề án “Phát triển mạng máy tính quân sự, quốc phòng tới các cơ quan, đơn vị chiến thuật phục vụ tự động hóa chỉ huy”; “Số hóa, thông minh hóa, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, quốc phòng”; “Bảo vệ an toàn cho hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều khiển vũ khí công nghệ cao”; “Xây dựng hệ thống phòng chống mã độc Bộ Quốc phòng”,… và các phương án sẵn sàng huy động hạ tầng máy tính quân sự, quốc phòng cho hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, phục vụ quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước, địa phương.

Đối với cơ quan Bộ Tư lệnh 86, cần tập trung tham mưu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh trại, Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh và các lữ đoàn nhằm đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và tác chiến không gian mạng trên cả ba miền. Tổ chức mua sắm hệ thống vũ khí, trang thiết bị hiện đại, đặc thù, bảo đảm đủ khả năng thu thập, phân tích thông tin trên không gian mạng; giám sát, điều hành ứng phó với các cuộc tấn công mạng vào các cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng quốc gia, quân sự, quốc phòng; phát hiện, phòng ngừa các cuộc tấn công có chủ đích, chống thất thoát dữ liệu,… góp phần nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ trinh sát, phòng thủ và tiến công không gian mạng của lực lượng Tác chiến không gian mạng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có chất lượng, hiệu quả, thiết thực các phong trào, cuộc vận động về phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu làm chủ và phát triển vũ khí, trang thiết bị phục vụ tác chiến không gian mạng.

Cùng với đó, cần quan tâm xây dựng, phát triển lực lượng dự bị động viên, cộng tác viên về công nghệ thông tin và các lĩnh vực có liên quan có quy mô, hình thức phù hợp với từng vùng, miền, địa phương, thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội. Qua đó, hình thành mạng lưới tác chiến không gian mạng rộng khắp trong thế trận chiến tranh nhân dân trên không gian mạng; sẵn sàng huy động phương tiện, nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an toàn thông tin, an ninh mạng và các lĩnh vực liên quan; giải quyết hiệu quả các nhiệm vụ khó, nhạy cảm, chuyên sâu, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi, làm thất bại các âm mưu, hoạt động sử dụng không gian mạng chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng, TS. PHẠM VIỆT TRUNG, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 86
_____
__________

1 - Nổi bật là, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trình Chính phủ ban hành Nghị định 98/2015/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của lực lượng Tác chiến không gian mạng, Quyết định 1198/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập Bộ Tư lệnh 86,... báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; giúp Ban Chỉ đạo 35 Trung ương xây dựng Quy trình đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội; hỗ trợ hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và bảo đảm an toàn cho lực lượng 47/Bộ Quốc phòng trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. v.v.

Ý kiến bạn đọc (1)

xin ý kiến về lời tuyên bố
31/03/2021 09:03
Cho tôi hỏi , hiện nay trên kênh YouTube "VŨ QUANG VICONICE" ra ngày 30/3/2021 có đăng bài viết nói về lực lượng tác chiến không gian mạng có dòng chữ :"ĐỘI NGŨ TÁC CHIẾN KHÔNG GIAN MẠNG TPHCM SẴN SÀNG TIẾP ĐÓN NHƯ SGVV. THẦY HỔ. TRẦN ĐẠT. LÊ BẢO....TẠI MIỀN NAM LIÊN HỆ SĐT: 0985293994 LONG NGUYỄN ".Vậy thực hư như thế nào xin cho biết vì tôi không rõ. Xin thành thật cảm ơn quý báo
Lâm Hồng Sơn
Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.