QPTD -Thứ Năm, 19/09/2013, 14:49 (GMT+7)
Xây dựng lực lượng Phòng không Lục quân vững mạnh

Nghiên cứu một số cuộc chiến tranh gần đây trên thế giới, có thể dự báo nếu chiến tranh xảy ra đối với nước ta trong tương lai, địch sẽ tập trung tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao ngay từ đầu hoặc trong suốt quá trình chiến tranh. Vì vậy, xây dựng lực lượng Phòng không Lục quân vững mạnh ngay từ thời bình là vấn đề rất quan trọng.
 

Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, CNPK toàn quân
dự Lễ khai mạc bắn đạn thật của LLPKLQ


Lực lượng Phòng không Lục quân (PKLQ) bao gồm hệ thống cơ quan Phòng không từ các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, tỉnh, thành phố, sư đoàn bộ binh, vùng Hải quân, Cảnh sát Biển đến các huyện, thị. Các đơn vị chiến đấu gồm: lực lượng phòng không (LLPK) Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương (lực lượng thường trực, dự bị động viên) và Dân quân tự vệ phòng không với quy mô tổ chức đa dạng, được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau. Như vậy, lực lượng PKLQ cùng với LLPK quốc gia hợp thành LLPK của lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ chủ yếu là tác chiến chống tiến công đường không của địch trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Đặc điểm của chiến tranh hiện đại và thực trạng của lực lượng PKLQ hiện nay đã đặt ra yêu cầu mới trong công tác chỉ đạo, tổ chức xây dựng lực lượng PKLQ. Để xây dựng lực lượng PKLQ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phải giải quyết nhiều vấn đề; trong đó, cần tập trung vào một số trọng tâm sau:

Trước hết, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ các cấp về tầm quan trọng của lực lượng PKLQ. Cục PKLQ đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị phòng không, chú trọng quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng; giáo dục truyền thống chống giặc ngoại xâm, nghệ thuật quân sự của ông cha: “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” và nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam “lấy vũ khí kém hiện đại đánh thắng vũ khí hiện đại của địch”. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; gắn tuyên truyền, giáo dục truyền thống với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, chiến sĩ; tập trung xây dựng lực lượng PKLQ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, không sợ hy sinh, gian khổ, ác liệt, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của địch. Trên cơ sở đó, xây dựng ý chí quyết tâm, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ); nhất là việc bảo đảm chế độ canh trực của sở chỉ huy, phân đội trực SSCĐ nắm chắc kế hoạch bay, tổ chức thu thông báo theo quy định, đúng, đủ, chính xác; kịp thời phát hiện, đề xuất biện pháp và xử trí các tình huống trên không đúng quy định tác chiến phòng không, không để bị động, bất ngờ, lỡ thời cơ.

Hai là, chú trọng xây dựng lực lượng PKLQ có tổ chức biên chế hợp lý, cơ cấu cân đối, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng lực lượng. Những năm qua, do kinh tế - xã hội phát triển, các địa phương, vùng, miền xuất hiện nhiều trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa mới làm thay đổi căn bản địa hình. Mục tiêu bảo vệ của LLPK nói chung, của các đơn vị PKLQ nói riêng không chỉ tăng về số lượng mà còn thay đổi cả về tính chất, đặc điểm và quy mô... Trong khi đó, tổ chức biên chế của lực lượng PKLQ không thay đổi, nhiệm vụ ngày càng phát triển, phức tạp. Được sự chỉ đạo của Chủ nhiệm phòng không toàn quân, Cục đã thực hiện nghiêm biểu tổ chức biên chế Bộ đã ban hành. Theo đó, hệ thống tổ chức biên chế lực lượng PKLQ các cấp, từ Cơ quan Chủ nhiệm phòng không toàn quân đến cơ quan và đơn vị phòng không của Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương được kiện toàn theo đúng quy định. Cục tăng cường kiểm tra công tác quản lý, bố trí, sử dụng quân số của cơ quan, đơn vị phòng không các cấp; chủ động tham mưu cho Bộ điều chỉnh quân số bảo đảm cân đối, đồng bộ giữa lực lượng pháo phòng không, súng máy phòng không, tên lửa tầm thấp và các thành phần khác trong từng khu vực, vùng, miền; trong đó, ưu tiên bảo đảm quân số, vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ, các đơn vị trong đội hình binh chủng hợp thành. Cục còn chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu, đề xuất với Bộ về tổ chức biên chế Cơ quan Cục PKLQ và lực lượng PKLQ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương tổ chức, quản lý chặt chẽ LLPK Dự bị động viên; xây dựng kế hoạch sẵn sàng bổ sung quân cho các đơn vị khi có tình huống chiến tranh; đồng thời, nắm chắc thực trạng, kế hoạch xây dựng lực lượng của đơn vị phòng không Bộ đội chủ lực, cơ quan quân sự địa phương các cấp để báo cáo Bộ điều chỉnh, bổ sung mới VKTBKT phòng không cho các đơn vị, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của từng lực lượng, nhằm không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của PKLQ trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời biên giới, biển, đảo Tổ quốc.

Luyện tập cơ động phòng không

Ba là, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ cho lực lượng PKLQ. Huấn luyện là nhiệm vụ thường xuyên, tác động trực tiếp tới trình độ, khả năng SSCĐ. Chất lượng huấn luyện phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan (âm mưu, thủ đoạn, tính năng kỹ thuật, chiến thuật và những phát triển mới về vũ khí, trang bị của địch; trình độ thao tác, năng lực chỉ huy và VKTBKT hiện có của ta). Yêu cầu đặt ra đối với lực lượng PKLQ là tập trung huấn luyện nâng cao chất lượng toàn diện. Trong đó, chú trọng huấn luyện cả kỹ thuật, chiến thuật; lấy huấn luyện kỹ thuật làm cơ sở để huấn luyện chiến thuật. Huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ khai thác một cách hiệu quả nhất, sử dụng thành thạo các loại VKTBKT hiện có, nắm chắc tính năng kỹ thuật, chiến thuật các loại vũ khí của địch, kịp thời xử trí thắng lợi các tình huống trên không trong thời bình và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược khi địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Với chức năng, nhiệm vụ là Cơ quan Chủ nhiệm phòng không toàn quân, giúp Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Chủ nhiệm phòng không toàn quân, tham mưu cho Bộ chỉ đạo nhiệm vụ huấn luyện lực lượng PKLQ, Cục đã chỉ đạo huấn luyện bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” đối với LLPK chủ lực; “cơ bản, thiết thực, chất lượng” đối với LLPK Dân quân tự vệ; chấp hành nghiêm quan điểm, nguyên tắc và các mối kết hợp trong huấn luyện; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, huấn luyện sát với tình huống, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, đối tượng tác chiến và tổ chức biên chế trang bị của từng lực lượng. Trong đó, tập trung huấn luyện cán bộ chỉ huy và cơ quan các cấp thành thạo công tác tham mưu tác chiến, huấn luyện; nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, kiến thức binh chủng hợp thành trong tác chiến phòng không theo chương trình cơ bản. Đối với phân đội, chú trọng huấn luyện các hình thức chiến thuật trên cơ sở huấn luyện chiến sĩ thuần thục thao tác kỹ thuật cơ bản từng người đến hiệp đồng phân đội theo chỉ tiêu. Coi trọng huấn luyện bắn máy bay bay thấp, đột nhập, tên lửa hành trình; cơ động phòng tránh, đánh trả tiến công hỏa lực đường không của địch, lấy huấn luyện thực hành là chính, nhất là huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động nhanh trên các loại địa hình để rèn luyện tổng hợp. Cục thường xuyên tổ chức hội thi, hội thao, diễn tập bắn đạn thật sát với từng đối tượng và yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị binh chủng hợp thành, Bộ đội địa phương, Bộ đội Biên phòng tập trung huấn luyện nâng cao hiểu biết về địch trên không: nhận dạng, phân biệt máy bay địch, ta và một số loại máy bay cánh bằng loại nhỏ, bay thấp, đột nhập, kịp thời thông báo, báo động phòng không; huấn luyện sử dụng thành thạo khí tài quang học, súng máy phòng không, súng bộ binh, bắn máy bay bay thấp, bắn tên lửa hành trình. Cục trực tiếp chỉ đạo các đơn vị, địa phương huấn luyện phòng không Dự bị động viên theo phương châm “cơ bản, thiết thực, hiệu quả” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

 Bốn là, chăm lo công tác bảo đảm cho lực lượng PKLQ SSCĐ. Lực lượng PKLQ chiếm số lượng rất lớn trong lực lượng vũ trang nhân dân, bố trí trên phạm vi cả nước; do vậy, công tác bảo đảm cho hoạt động huấn luyện, SSCĐ gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Cục đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu: Thứ nhất, Sở chỉ huy các đơn vị PKLQ phải chấp hành nghiêm nền nếp, chế độ canh trực SSCĐ. Các cơ quan, đơn vị phải chấp hành nghiêm việc thu báo bay theo quy định của Quân chủng Phòng không – Không quân; bảo đảm đầy đủ trang thiết bị thông tin cho các đơn vị PKLQ để thực hiện nhiệm vụ. Thứ hai, bảo đảm vũ khí, trang bị, khí tài cho lực lượng PKLQ chiến đấu. Đây là lực lượng quản lý khối lượng lớn VKTBKT: pháo phòng không, súng máy phòng không, tên lửa tầm thấp, các loại xe kéo, đạn súng, pháo phòng không và khí tài quang học. Cục đã tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ công tác kỹ thuật; thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình trạng kỹ thuật của các loại VKTBKT phòng không, chủ động tham mưu với Chủ nhiệm phòng không toàn quân đề xuất, báo cáo Bộ chỉ đạo và điều chỉnh, đồng bộ kỹ thuật pháo, súng phòng không; tích cực kiểm tra các kho đạn pháo, súng phòng không. Thứ ba, bảo đảm hệ thống trận địa cho các đơn vị chiến đấu. Những năm qua, các đơn vị PKLQ đã xây dựng được hệ thống trận địa tương đối hoàn chỉnh theo hướng “cơ bản, kiên cố” nhất là ở các vùng trọng điểm. Để bảo đảm cho lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ với hiệu suất chiến đấu cao, mỗi trận địa phải thỏa mãn yêu cầu bắn trên tất cả các hướng, nhất là trên hướng chính; hệ thống các trận địa phải liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, đủ hầm trú ẩn, hào chiến đấu và đường cơ động. Cùng với đó, các đơn vị PKLQ phải tăng cường quản lý hệ thống trận địa (dự bị, phòng tránh), thường xuyên kiểm tra, tu bổ hệ thống công sự, đường cơ động; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý, tránh lấn chiếm, xây dựng các công trình xung quanh ảnh hưởng đến khả năng cơ động, xạ giới quan sát, bắn của vũ khí, khí tài, trang bị.

Thiếu tướng NGÔ MẠNH HÀ

Cục trưởng Cục Phòng không Lục quân

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.