QPTD -Thứ Tư, 23/08/2023, 14:05 (GMT+7)
Xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại

Xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, ngang tầm nhiệm vụ là nội dung rất quan trọng, nhằm bảo đảm cho lực lượng này luôn xứng đáng với vai trò nòng cốt trong thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều cấp, ngành, lực lượng,... và không chỉ thực hiện trong một sớm, một chiều, mà đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, lâu dài, hiệu quả.

Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc, ngày 28/8/1998, Cục Cảnh sát biển Việt Nam được thành lập (tiền thân của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam ngày nay). Trải qua 25 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn nêu cao trách nhiệm, chủ động khắc phục khó khăn, vừa củng cố, xây dựng, phát triển lực lượng, vừa thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền biển, đảo theo quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của luật pháp quốc tế, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, vun đắp nên truyền thống “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”.

Những năm gần đây, trước những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường trên Biển Đông, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng chủ động nắm, dự báo, đánh giá đúng tình hình, tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ trương, đối sách và tổ chức triển khai xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ. Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên duy trì lực lượng, phương tiện ứng trực trên các vùng biển, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật và xâm phạm chủ quyền trên biển. Chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, địa phương ven biển trong xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững chắc. Tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, tuyên truyền, yêu cầu tàu nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; tuyên truyền, vận động ngư dân ta không xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm trên biển, bảo đảm an toàn hàng hải, chống ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, v.v. Ghi nhận những thành tích xuất sắc đó, Cảnh sát biển Việt Nam đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp xã giao Trưởng đoàn lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước tham dự Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển và những người bạn” lần thứ nhất (năm 2022)

Hiện nay, các hoạt động quân sự, chấp pháp, tôn tạo, thay đổi hiện trạng các đảo, bãi cạn, thực thể trên Biển Đông, nhất là tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,... có chiều hướng gia tăng, làm cho tình hình trên biển diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Thêm vào đó, những thách thức về an ninh hàng hải, buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, tội phạm cướp biển có vũ trang, khủng bố, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, buôn người, di cư bất hợp pháp, khai thác IUU,… đã, đang đặt ra yêu cầu cao đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn, bảo vệ môi trường biển, đảo nước ta nói riêng. Vì vậy, xây dựng lực lượng Cảnh sát biển chuyên nghiệp, hiện đại, ngang tầm nhiệm vụ trở thành yêu cầu cấp thiết hiện nay, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, cần tập trung vào nội dung chủ yếu sau.

Một là, đẩy mạnh xây dựng lực lượng Cảnh sát biển vững mạnh về chính trị làm nền tảng tiến lên chuyên nghiệp, hiện đại. Đây là nội dung, giải pháp quan trọng hàng đầu, khâu then chốt, yêu cầu thường xuyên đối với lực lượng Cảnh sát biển. Bởi, xuất phát từ tính chất, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển thường xuyên phải đối mặt, đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật, an ninh, trật tự, an toàn trên biển của các đối tượng; địa bàn công tác là khu vực biên giới biển, các vùng biển, đảo luôn ẩn chứa nhiều yếu tố nhạy cảm, phức tạp; cán bộ, chiến sĩ thường xuyên hoạt động dài ngày ở những vùng biển có khí hậu, sóng, gió khắc nghiệt; phải đối mặt với khó khăn, nguy hiểm, rủi ro khó lường, v.v. Những vấn đề đó đã và đang tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ. Vì vậy, để xây dựng lực lượng Cảnh sát biển vững mạnh về chính trị, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với lực lượng Cảnh sát biển, bảo đảm giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, lý tưởng, mục tiêu chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng phải tăng cường giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội và đơn vị cũng như bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng, lòng yêu nước, lối sống trong sạch, ý thức tổ chức kỷ luật, quyết tâm cao trong khắc phục mọi khó khăn, thử thách, v.v. Từ đó, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; nhạy bén về chính trị, thường xuyên nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và bọn tội phạm, lối sống cơ hội, thực dụng, sẵn sàng nhận, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là năng lực của đội ngũ cán bộ chủ trì; làm tốt công tác quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo uy tín, niềm tin, chỗ dựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Hai là, chủ động điều chỉnh, xây dựng tổ chức, biên chế hợp lý, tinh, gọn, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ. Toàn lực lượng tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, trực tiếp là Nghị quyết số 594-NQ/ĐU, ngày 20/7/2022 của Đảng ủy Cảnh sát biển, Kế hoạch số 7118/KH-BTL, ngày 25/7/2022 của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về tổ chức lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, coi đây là nội dung cốt lõi, quyết định sự phát triển của lực lượng Cảnh sát biển. Theo đó, các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu thành lập mới cơ quan chuyên trách để nắm, đánh giá tình hình, tham mưu xác định quyết tâm chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo; sáp nhập các cơ quan bảo đảm để thống nhất chỉ huy, quản lý; tổ chức lại các cơ quan khối nghiệp vụ, pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; chấn chỉnh lại hệ thống cơ quan pháp chế và thành lập các cơ quan khối tư pháp Cảnh sát biển theo đúng lộ trình. Đối với các đơn vị, tiến hành rà soát, điều chỉnh cơ cấu biên chế giữa sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, chiến sĩ phù hợp đặc thù nhiệm vụ, nhất là đơn vị trực tiếp thực thi pháp luật trên biển, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát biển chuyên nghiệp, hiện đại, theo kịp sự phát triển của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đối ngoại, hợp tác quốc tế trong tình hình mới.

Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ Cảnh sát biển giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có phương pháp tác phong công tác khoa học, ứng xử văn minh. Đặc thù hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển thường xuyên phải tiếp xúc, làm việc với nhiều đối tượng, thành phần đa dạng, phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ không chỉ nêu cao bản lĩnh chính trị, lòng dũng cảm, gan dạ, chấp nhận hy sinh mà còn phải có sự mưu trí, sáng tạo, linh hoạt, tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, tổ chức chỉ huy, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng phương pháp, tác phong công tác khoa học, hiệu quả, cách ứng xử văn minh, văn hóa,... cho đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ. Đồng thời, chủ động nắm, nghiên cứu, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chỉ huy đơn vị phòng ngừa, xử lý hiệu quả, đúng pháp luật các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ, không để mâu thuẫn, bất đồng, tranh chấp phát sinh để kẻ địch lợi dụng, chống phá.

Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật và xây dựng Cảnh sát biển chuyên nghiệp, hiện đại làm mục tiêu huấn luyện; nắm chắc pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Tăng cường huấn luyện khai thác, sử dụng, làm chủ, phát huy tính năng của vũ khí, trang bị, phương tiện, nhất là các tàu thuyền hiện đại. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”, nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật trên biển và hội nhập quốc tế.

Bốn là, tiếp tục đầu tư mua sắm, đóng mới phương tiện, vũ khí, trang bị đồng bộ, hiện đại. Trên cơ sở Đề án “Xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đến năm 2025 và những năm tiếp theo” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục tận dụng mọi nguồn lực để hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm đồng bộ, khả năng cơ động cao, đa năng trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu chỉ huy, điều hành tác chiến, đủ sức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển. Trước mắt, ưu tiên bổ sung một số tàu hiện đại có khả năng hoạt động dài ngày trên vùng biển xa, có khả năng thích ứng tốt và xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng cho các đơn vị. Cùng với đó, thường xuyên nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm kỹ thuật, đầu tư nâng cao trình độ khoa học, công nghệ, đưa công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo quản vũ khí, trang bị, phương tiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật vào nền nếp, bảo đảm hệ số kỹ thuật cao, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và làm nhiệm vụ quốc tế, v.v.

Xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, ngang tầm nhiệm vụ là đòi hỏi cấp thiết, song cần phải có kế hoạch, lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với khả năng, điều kiện của đất nước. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân cả nước cùng với quyết tâm chính trị cao, sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng của toàn lực lượng, Cảnh sát biển Việt Nam nhất định thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiếu tướng LÊ QUANG ĐẠO, Tư lệnh Cảnh sát biển

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.