QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 15:28 (GMT+7)
Xây dựng đội ngũ cán bộ Cơ quan Tổng cục Chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

alt
Trung tướng Lương Cường chủ trì Hội nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Chỉ thị của Ban bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng địa phương và các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương trong xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố” (7-2011) - nguồn: qdnd.vn
 

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng xác định: xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu”1. Yêu cầu đó đặt ra cho toàn quân nói chung, Cơ quan Tổng cục Chính trị (TCCT) nói riêng, trách nhiệm rất nặng nề, nhất là việc tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB) vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Đội ngũ cán bộ Cơ quan TCCT hầu hết là cán bộ nghiên cứu, chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT), cán bộ tư pháp, báo chí, xuất bản, văn hóa – nghệ thuật đầu ngành của toàn quân. Đây là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chủ trương, giải pháp với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng QĐND vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu, khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân; đồng thời, trực tiếp quyết định chất lượng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Những năm qua, được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng TCCT, Đảng ủy Cơ quan TCCT cùng cấp ủy, người chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc TCCT, ĐNCB Cơ quan TCCT đã được tập trung xây dựng đủ về số lượng, cơ cấu tương đối hợp lý, chất lượng ngày càng cao. Cán bộ chủ trì lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc TCCT cơ bản trưởng thành qua chiến đấu và trải nghiệm thực tiễn, có tính đảng, tính nguyên tắc cao; nhiều đồng chí có năng lực nghiên cứu, tham mưu, chỉ đạo những vấn đề có tính chiến lược. Cán bộ cấp phòng, ban có trình độ chuyên môn sâu, năng lực quản lý, điều hành khá, nhiều đồng chí có khả năng phát triển tốt. Cán bộ nghiên cứu, chỉ đạo CTĐ,CTCT có năng lực chuyên môn khá, nắm vững nguyên tắc, quy chế, quy trình công tác, có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu đề xuất, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện các mặt hoạt động CTĐ,CTCT đối với toàn quân. Cán bộ báo chí, xuất bản, văn hóa, nghệ thuật nắm vững định hướng, tôn chỉ, mục đích hoạt động, có kiến thức toàn diện và khả năng sáng tạo, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng QĐND vững mạnh về chính trị. Cán bộ pháp luật, hầu hết được đào tạo đúng chuyên ngành, có trình độ lý luận chính trị, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, chất lượng ĐNCB Cơ quan TCCT chưa đồng đều. Trình độ kiến thức, tư duy lý luận và năng lực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, chỉ đạo, thể hiện văn bản của một số cán bộ còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển mới của yêu cầu nhiệm vụ. Một bộ phận cán bộ có biểu hiện trung bình chủ nghĩa, hiệu quả công tác chưa cao. Một số cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, phong cách, phương pháp công tác còn biểu hiện hành chính, nói chưa đi đôi với làm; số ít cán bộ còn thỏa mãn dừng lại, ngại tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, có biểu hiện cơ hội, mất đoàn kết, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do một số cấp ủy cơ sở, bí thư, phó bí thư, cán bộ chỉ huy, quản lý và cơ quan trong nhận xét, đánh giá, sử dụng cán bộ có lúc còn chủ quan, đơn giản; chưa tập trung nghiên cứu, xây dựng quy hoạch cơ bản, nên chưa có nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực, đồng bộ để nâng cao chất lượng ĐNCB. Một số cán bộ chưa tích cực, tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức và nâng cao trình độ, năng lực công tác…

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” hết sức nguy hiểm. Chúng tập trung chống phá ta trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng; ra sức phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; tìm mọi cách để “phi chính trị hóa” quân đội, tách Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với đó, là mặt trái của kinh tế thị trường, nạn quan liêu, tham nhũng và tệ nạn xã hội… tác động tiêu cực đến Quân đội ta. Tình hình đó đặt ra yêu cầu rất cao đối với nhiệm vụ xây dựng QĐND về chính trị. Để bảo đảm cho Cơ quan TCCT hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chúng ta phải có nhiều chủ trương, biện pháp tích cực; trong đó, việc tập trung xây dựng ĐNCB Cơ quan TCCT vững mạnh giữ một vị trí hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Nghị quyết Đảng ủy Cơ quan TCCT đã xác định rõ phương hướng lãnh đạo công tác cán bộ (CTCB) và xây dựng ĐNCB của TCCT giai đoạn 2011 – 2015 và những năm tiếp theo; trong đó, nhấn mạnh: “Tích cực, chủ động đổi mới, tạo bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng toàn diện CTCB; chủ động lựa chọn, bồi dưỡng xây dựng ĐNCB có đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng ngày càng cao; kết hợp chặt chẽ vừa giữ gìn, sử dụng tốt ĐNCB hiện có, cán bộ qua chiến đấu, có kinh nghiệm với việc tích cực chủ động lựa chọn, bồi dưỡng ĐNCB kế cận, kế tiếp và trẻ hóa đội ngũ, tạo sự chuyển tiếp liên tục, vững chắc giữa các thế hệ, đảm bảo cho ĐNCB của Cơ quan TCCT thực sự vững mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”.

Trên cơ sở tiêu chuẩn cán bộ theo quy định của Đảng, Nhà nước và Quân đội, Nghị quyết cũng xác định mục tiêu, yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng ĐNCB Cơ quan TCCT rất cụ thể. Đối với cán bộ chủ trì, lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp phải có tính đảng, tính nguyên tắc cao, có năng lực tư duy lãnh đạo, nhạy bén, sắc sảo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nắm bắt và dự báo đúng tình hình; nghiên cứu, tham mưu, chỉ đạo, giải quyết những vấn đề có tính chiến lược, chiến dịch và vấn đề thực tiễn đặt ra; có khả năng tổ chức thực hiện thắng lợi chức trách, nhiệm vụ được giao; là trung tâm đoàn kết, có đủ tiêu chuẩn, uy tín tham gia cấp ủy cấp mình và cấp trên. Cán bộ nghiên cứu, tham mưu, chỉ đạo CTĐ,CTCT phải có kiến thức toàn diện, năng lực chuyên môn sâu và hoạt động thực tiễn theo chức trách, nhiệm vụ; nhất là, năng lực phát hiện, khái quát, tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình, tham mưu, đề xuất và hướng dẫn, chỉ đạo cũng như thể hiện văn bản. Cán bộ báo chí, xuất bản, văn hóa, nghệ thuật phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức, năng lực chuyên môn vững; nói, viết, sáng tác và tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật đúng định hướng, tôn chỉ, mục đích; có khả năng sáng tạo những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị. Cán bộ tư pháp phải có lối sống trong sạch, liêm khiết; có kiến thức toàn diện, nắm chắc pháp luật, có quan điểm đúng, công tâm, khách quan; có năng lực nghiên cứu, kiểm soát, điều tra, xét xử; thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp của Nhà nước và nhiệm vụ phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong Quân đội, v.v.

Để thực hiện tốt phương hướng, mục tiêu, yêu cầu trên, phải tạo được sự chuyển biến tiến bộ về nhận thức, trách nhiệm, phong cách, phương pháp công tác của cấp ủy, bí thư, người chỉ huy, cơ quan tham mưu trong CTCB. Các cấp phải thực hiện đúng nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo CTCB; phát huy dân chủ, gắn với phân công cá nhân phụ trách, nhất là vai trò của bí thư cấp ủy và người chỉ huy; chấp hành nghiêm quy chế, quy trình, chế độ, nền nếp CTCB… Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CTCB, cấp ủy các cấp cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, quản lý chặt chẽ, nhận xét, đánh giá cán bộ đúng thực chất, làm cơ sở cho quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ. Cấp ủy, bí thư, người chỉ huy các cấp, theo đúng thẩm quyền, thực hiện việc quản lý cán bộ một cách toàn diện, cả về tư tưởng, quan điểm chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn, sức khỏe, các mối quan hệ xã hội, cũng như tâm tư, nguyện vọng của cán bộ và gia đình, hậu phương cán bộ. Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý cán bộ với quản lý đảng viên; quản lý của tổ chức, của quần chúng với tự quản lý của cán bộ…; trong đó, tự quản lý có vai trò rất quan trọng. Trong nhận xét, đánh giá cán bộ, cấp ủy và người chỉ huy phải có sự thống nhất; nhận xét, đánh giá cán bộ phải toàn diện, công tâm, khách quan, nhất quán; kết hợp nhận xét thường xuyên với định kỳ và thực hiện theo phân cấp. Đánh giá cán bộ cả về ưu điểm và khuyết điểm, không tuyệt đối hóa một mặt, phiến diện, dẫn đến sử dụng cán bộ không đúng với khả năng của từng người.

Hai là, thực hiện đúng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định đối với từng chức danh, kịp thời kiện toàn về số lượng và nâng cao chất lượng cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Các cấp phải nắm vững hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, chức danh, nhóm chức vụ, trần quân hàm đã được ban hành, để kịp thời kiện toàn đủ số lượng cán bộ và đảm bảo cơ cấu cân đối, hợp lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc điều động cán bộ về cơ quan phải đúng nhu cầu biên chế, đúng tiêu chuẩn chức danh; độ tuổi sử dụng được ít nhất 5 năm trở lên. Việc tuyển dụng vào ĐNCB phải bảo đảm yêu cầu: tốt nghiệp đại học, sau đại học hệ dài hạn tập trung loại khá trở lên, có chuyên ngành phù hợp. Cán bộ được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại chức vụ phải có đủ tiêu chí, tiêu chuẩn theo cương vị đảm nhiệm.

Ba là, xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch, luân chuyển, bảo đảm sự ổn định, tính kế thừa, sự phát triển vững chắc của ĐNCB, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới. Các cấp ủy cần xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch ĐNCB theo đúng tư tưởng chỉ đạo, nguyên tắc, quy chế, quy trình đã đề ra, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Trong quy hoạch, phải tập trung quy hoạch cán bộ chủ trì lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp bảo đảm tính kế thừa, phát triển vững chắc. Quy hoạch một chức danh phải có nhiều nguồn, nhiều độ tuổi; một người có thể là nguồn quy hoạch của một số vị trí; phát hiện và mạnh dạn quy hoạch, bổ nhiệm những cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực tốt, tạo được ĐNCB chủ trì mạnh; gắn quy hoạch nguồn tại chỗ với tạo nguồn toàn quân; chủ động lựa chọn một số cán bộ cấp cục, phòng chất lượng tốt, tuổi trẻ nằm trong nguồn quy hoạch đề nghị luân chuyển nhằm chuẩn bị nguồn cán bộ chủ trì gắn với nhân sự cấp ủy cho nhiệm kỳ tới. Với những cán bộ còn ít thực tế ở đơn vị quân đội (nhất là số tuyển dụng từ các trường đại học bên ngoài vào), cần tạo điều kiện để họ trải nghiệm qua thực tiễn các đơn vị cơ sở; từ đó, giúp số cán bộ này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy cần kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách trong thực hiện sắp xếp, kiện toàn ĐNCB và chuyển ra các hướng. Theo đó, cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và thực hiện tốt công tác quy hoạch bảo đảm đúng quan điểm, nguyên tắc, phương châm, nội dung, phương pháp và quy trình làm quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp; nhất là cán bộ chủ trì cơ quan đầu mối TCCT và cán bộ cấp phòng; bảo đảm nguồn kế cận vững chắc, nguồn kế tiếp dồi dào, không để hẫng hụt, tạo sự ổn định phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Quy hoạch, kiện toàn cán bộ chủ trì phải coi trọng cả phẩm chất, năng lực và trải qua chiến đấu; sử dụng, phát huy những cán bộ có nhiều kinh nghiệm thực tế lãnh đạo, chỉ huy, quản lý; đồng thời, phát hiện và mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực tốt để xây dựng được ĐNCB có chất lượng tốt, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Khi đã có quy hoạch, phải quản lý chặt chẽ và điều hành kiên quyết việc thực hiện quy hoạch. Hằng năm, các cấp cần rà soát quy hoạch ít nhất một lần để kịp thời bổ sung, điều chỉnh; coi trọng bồi dưỡng tạo nguồn tại chỗ; đồng thời, chủ động phát hiện nguồn ở các đơn vị trong toàn quân. Nguồn cán bộ chủ trì cơ quan tham mưu về CTĐ,CTCT phải qua chủ trì cấp sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự tỉnh và tương đương trở lên; cấp phòng, ban và trợ lý phải qua chủ trì cấp trung, lữ đoàn và tương đương trở lên. Nguồn chỉ huy mỗi cấp cần có hai lớp kế cận và kế tiếp, mỗi lớp có từ 2 đến 3 nguồn với các độ tuổi khác nhau.

Bốn là, thực hiện tốt công tác đào tạo, tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nâng cao chất lượng toàn diện ĐNCB, nhất là về phẩm chất chính trị và năng lực, phong cách, phương pháp công tác. Cấp ủy, người chỉ huy các cơ quan chức năng tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết 86-NQ/ĐU, ngày 29-3-2007, Nghị quyết 618-NQ/ĐU, ngày 28-10-2010 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác giáo dục – đào tạo trong tình hình mới. Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, như: đào tạo tại trường gắn với tự đào tạo; kết hợp đào tạo dài hạn với ngắn hạn, tại chức với chính quy, đào tạo với bồi dưỡng tại chỗ, tại chức và tự bồi dưỡng…; chú trọng cập nhật thông tin để cán bộ không bị lạc hậu trước sự phát triển của thực tiễn. Đặc biệt, các cấp ủy cần có nhiều giải pháp tích cực và kịp thời động viên cán bộ tự giác học tập và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học nâng cao trình độ nhận thức và chuyên môn nghiệp vụ. Chú trọng gắn đào tạo tại các học viện, nhà trường với bồi dưỡng kiến thức thực tiễn, nhất là bồi dưỡng năng lực nghiên cứu, tham mưu đề xuất ở cấp chiến dịch, chiến lược, năng lực thể hiện văn bản và phong cách, phương pháp công tác tại cơ quan chiến lược. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải đúng quy hoạch và định hướng sử dụng, gắn kết quả đào tạo với tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.

Năm là, xây dựng ĐNCB chủ trì gắn với xây dựng, kiện toàn cấp ủy; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của bí thư cấp ủy và người chỉ huy; nâng cao năng lực, đổi mới phong cách công tác của cơ quan và người làm CTCB. Các cấp thường xuyên quán triệt, nắm vững và thực hiện đúng nguyên tắc cấp ủy thống nhất lãnh đạo CTCB và quản lý ĐNCB. Các cấp ủy thường xuyên rà soát và bổ sung quy chế nhằm phân định rõ phạm vi trách nhiệm, quyền hạn giữa đảng ủy, thường vụ và người chỉ huy, giữa bí thư và người chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện CTCB. Chú ý phát huy vai trò của cấp ủy, bí thư, người chỉ huy trong công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng ĐNCB với xây dựng đội ngũ đảng viên, xây dựng cán bộ chủ trì với xây dựng đội ngũ cấp ủy vững mạnh. Duy trì và thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy chế, quy trình, nền nếp chế độ CTCB; chấp hành, thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong CTCB. Đồng thời, luôn quan tâm đời sống gia đình, hậu phương cán bộ, có các biện pháp phù hợp giúp cán bộ khắc phục khó khăn, yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tiếp tục xây dựng, kiện toàn cơ quan và người làm CTCB vững mạnh, đủ số lượng, có chất lượng tốt; có quan điểm, thái độ đúng, bản lĩnh chính trị vững vàng, tính đảng, tính nguyên tắc cao; có phẩm chất đạo đức tốt, công tâm, khách quan, trung thực; có trình độ, năng lực, phong cách tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện toàn diện các mặt CTCB; chống các biểu hiện tiêu cực, đề cao uy quyền cá nhân, vi phạm nguyên tắc, đùn đẩy trách nhiệm… Đồng thời, phải tăng cường phối hợp với các cơ quan, ngành có liên quan đến cán bộ và CTCB; kịp thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và tổ chức hội thảo khoa học theo từng chuyên đề, để đề xuất, bổ sung những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và xác định kế hoạch thực hiện cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả CTCB đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Trung tướng LƯƠNG CƯỜNG

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 82.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.