QPTD -Thứ Năm, 06/08/2015, 22:46 (GMT+7)
Xây dựng Cục Tác chiến vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (07-9-1945 – 07-9-2015), Cục Tác chiến luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình mới, Cục tiếp tục phát huy truyền thống, đẩy mạnh xây dựng vững mạnh ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ.

Hội đồng khoa học Cục Tác chiến nghiệm thu Lịch sử Cục Tác chiến 1945 - 2015 

Cục Tác chiến là cơ quan chỉ huy tham mưu tác chiến chiến lược trọng yếu của Bộ Tổng Tham mưu; chủ trì nghiên cứu, đề xuất những vấn đề chiến lược về quốc phòng - quân sự; tổ chức duy trì sẵn sàng chiến đấu, trung tâm hiệp đồng tác chiến chiến lược với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Ngay từ ngày đầu thành lập, mặc dù còn nhiều khó khăn, cán bộ chưa có kinh nghiệm trong công tác tham mưu tác chiến; vật chất, trang bị thiếu thốn, song với quyết tâm vừa làm, vừa học, chủ động khắc phục khó khăn, cán bộ cơ quan Cục Tác chiến đã từng bước vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phục vụ có hiệu quả cho việc chỉ đạo chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ Đảng và Nhà nước trong những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với việc củng cố, xây dựng cơ quan vững mạnh, Cục đã tích cực đề xuất, tham mưu về phát triển chiến tranh nhân dân, nhất là đẩy mạnh chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ kháng chiến; tổ chức thu thập, phân tích tình hình giúp Bộ Tổng Tư lệnh hoạch định phương hướng tác chiến chiến lược, chỉ huy, chỉ đạo các chiến trường. Cục còn trực tiếp xây dựng kế hoạch tác chiến cho các chiến dịch lớn, đặc biệt là Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đội ngũ cán bộ, sĩ quan tham mưu tác chiến của Cục đã nỗ lực vượt bậc, thể hiện rõ tài mưu lược, thường xuyên nắm chắc diễn biến, xu thế phát triển tình hình; đánh giá, dự báo đúng âm mưu, thủ đoạn tác chiến của địch; đề xuất, kiến nghị với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng và Bộ Chính trị các giải pháp, góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc, chi viện đắc lực cho miền Nam, đánh bại các ý đồ chiến lược, chiến dịch của Mỹ - ngụy. Cục cũng kịp thời sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, phát triển sáng tạo những phương thức tác chiến, phục vụ Bộ Tổng Tham mưu tổ chức chỉ đạo, chỉ huy các chiến dịch lớn, có ý nghĩa chiến lược, như: Quảng Trị, Nam Lào, Tây Nguyên, Trị Thiên, Đà Nẵng, giải phóng Trường Sa và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng. Những kết quả đó đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Cục Tác chiến về công tác tham mưu tác chiến chiến lược.

Sau ngày nước nhà thống nhất, Cục tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai điều chỉnh thế bố trí lực lượng chiến lược theo quyết tâm, kế hoạch phòng thủ đất nước; nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, không để bất ngờ về chiến lược và làm tròn nhiệm vụ quốc tế, v.v. Những năm gần đây, Cục Tác chiến đã chủ trì phối hợp với các cơ quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội ban hành nhiều văn bản về công tác quốc phòng, quân sự, nổi bật là Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Cục đã tích cực nghiên cứu, giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, v.v. Trên cơ sở đó, tổ chức xây dựng quyết tâm, kế hoạch tác chiến chiến lược, kế hoạch bảo vệ vùng trời, bảo vệ biển đảo, biên giới,… sát thực tiễn đất nước. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp, mau lẹ của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, Cục đã duy trì, tổ chức, điều hành chặt chẽ, nghiêm túc các hoạt động sẵn sàng chiến đấu của toàn quân; chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu đề xuất với Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng những chủ trương, giải pháp chiến lược, xử lý đúng đắn, kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Với những thành tích đã đạt được, Cục Tác chiến được Nhà nước, Bộ Quốc phòng tặng nhiều phần thưởng cao quý; đặc biệt, 02 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho công tác tham mưu, chỉ huy tác chiến những yêu cầu rất cao. Để hoàn thành trọng trách được giao, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Cục Tác chiến nỗ lực phát huy truyền thống “Trung thành, mưu lược, sáng tạo, chủ động, đoàn kết, quyết thắng”, quyết tâm nâng cao hơn nữa năng lực, chất lượng công tác.

Trước hết, nâng cao chất lượng nghiên cứu, dự báo tình hình, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cục tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; thường xuyên bám sát nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, thực tiễn đất nước, tập trung nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những vấn đề chiến lược về quân sự, quốc phòng, các giải pháp về phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, bổ sung, hoàn chỉnh phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Cục tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu, đánh giá, phân tích và dự báo chiến lược, các tình huống có thể xảy ra, v.v. Từ đó, đề xuất các biện pháp phòng ngừa, xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ, không để diễn biến xấu. Trước mắt, Cục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham mưu giúp Bộ Quốc phòng hoạch định các đối sách, phương án tác chiến bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; tham mưu tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện bộ đội, đáp ứng yêu cầu tác chiến mới. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng quy hoạch thế trận quân sự của khu vực phòng thủ; trong đó, tập trung hoàn thiện Đề án bảo đảm quốc phòng các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; triển khai Quy hoạch tổng thể và xây dựng công trình phòng thủ giai đoạn 2015 - 2025, v.v.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng, Cục tiếp tục nghiên cứu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vùng trời, vùng biển đảo, về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh và đối ngoại; giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, v.v. Trong đó, tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình mới; nghiên cứu, đề xuất xây dựng nghị định về kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định 2412/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước, nhằm thực hiện tốt phân vùng chiến lược, tăng cường thế trận quốc phòng - an ninh, nhất là trên hướng biên giới, biển đảo và các địa bàn chiến lược. Song song với đó, Cục tiếp tục tham mưu cho Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với Công an thực hiện tốt Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ; xây dựng và triển khai các kế hoạch bảo đảm an toàn các sự kiện chính trị quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hai là, tập trung duy trì, tổ chức, chỉ đạo điều hành chặt chẽ công tác sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trong toàn quân. Bám sát sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Trước những diễn biến mau lẹ, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, nhất là trên hướng Biển Đông, Cục phối hợp với các cơ quan, đơn vị thường xuyên nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, đảo, biên giới, nhất là các vùng trọng điểm; đề xuất kịp thời, đúng đối sách xử lý các tình huống xảy ra trên không, trên biển và nội địa, không để bị động, bất ngờ. Trên cơ sở những kết quả và kinh nghiệm đã đạt được, thời gian tới, Cục tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chỉ lệnh về công tác sẵn sàng chiến đấu; triển khai điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống kế hoạch, phương án tác chiến, nhất là Kế hoạch tác chiến 03 miền, Chỉ lệnh Tác chiến phòng không, bảo vệ biển, đảo và dự thảo mệnh lệnh, hướng dẫn các đơn vị thực hiện. Cùng với đó, Cục phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng, triển khai kế hoạch bảo vệ các hoạt động khai thác dầu khí, sửa chữa, nâng cấp các công trình thuộc nhà giàn DKI, xây dựng quy hoạch hệ thống cảng quân sự; điều chỉnh quy hoạch hệ thống sân bay, trận địa phòng không, sát với sự phát triển của tình hình thực tiễn.

Để đạt hiệu quả cao, Cục tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng tập huấn, diễn tập chiến dịch, chiến lược; tham mưu cho Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập chiến dịch, chiến lược, diễn tập khu vực phòng thủ sát với phương án tác chiến; nghiên cứu đề xuất tổ chức diễn tập trên các địa bàn chiến lược và diễn tập theo kế hoạch A3. Ngoài ra, Cục nghiên cứu, tổ chức tập huấn chỉ huy tham mưu cho cán bộ binh đoàn, tập đoàn kinh tế; chỉ đạo các tổng công ty kinh tế - quốc phòng diễn tập theo nhiệm vụ đơn vị; tổ chức hội thi chỉ huy trưởng, chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phố; hướng dẫn các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức tập huấn về lãnh đạo, xây dựng, diễn tập khu vực phòng thủ.

Ba là, tập trung xây dựng Cục vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, xứng tầm vị trí cơ quan tham mưu chiến lược. Đây là giải pháp cơ bản, then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác tham mưu tác chiến chiến lược, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Cục trước mắt và lâu dài. Đảng ủy, chỉ huy Cục tiếp tục lãnh đạo nâng cao chất lượng xây dựng vững mạnh toàn diện gắn với xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Trong đó, tập trung rà soát, kiện toàn tổ chức biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”; coi trọng phát hiện, tuyển chọn cán bộ về cơ quan, kết hợp với bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ, đảm bảo đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, có cơ cấu hợp lý, với tiêu chí “trung thực, trí tuệ, thực tiễn và đổi mới”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu chiến lược. Trên cơ sở ổn định tổ chức biên chế, Cục tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo  dục chính trị, tư tưởng; thường xuyên quản lý, nắm chắc tình hình tư tưởng, chủ động đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Cục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là bồi dưỡng, nâng cao năng lực tư duy, trình độ phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược và khả năng vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng vào thực tiễn; đổi mới phương pháp, tác phong công tác theo phương châm: “nói ngắn, viết gọn, tham mưu đúng, trúng, hiệu quả”. Cùng với các nhiệm vụ đó, Cục tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ phòng, ban theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

Phát huy truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Cục Tác chiến tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng Cục vững mạnh toàn diện, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược, góp phần xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Thiếu tướng HUỲNH NGỌC HÀ, Cục trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.