QPTD -Thứ Năm, 13/09/2018, 15:05 (GMT+7)
Xây “cột mốc lòng dân” nơi đại ngàn Tây Nguyên

Tiếp theo và hết

III. Kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn xây “cột mốc lòng dân”

Xây “cột mốc lòng dân” là một yêu cầu cơ bản, cấp thiết, nhằm củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng cường quốc phòng - an ninh. Với quyết tâm chính trị, tinh thần trách nhiệm cao, bằng những nội dung, hình thức cụ thể, thiết thực, việc xây “cột mốc lòng dân” nơi đại ngàn Tây Nguyên, nhất là khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ địa cách mạng, nơi đông đồng bào dân tộc thiếu số của Bộ đội Biên phòng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; đồng thời, để lại một số bài học kinh nghiệm quý:

Một là, không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nói cho dân nghe, dân hiểu, dân tin và dân làm theo là vấn đề cơ bản, cấp thiết hiện nay của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; đồng thời, là một nội dung trọng tâm của công tác vận động quần chúng - biện pháp nghiệp vụ cơ bản của Bộ đội Biên phòng. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào có nhận thức đúng, lúc đó “lòng dân, ý Đảng” mới hòa quyện, người dân mới đồng thuận, đồng lòng, đề cao trách nhiệm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống, tham gia có hiệu quả các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Kết quả xây “cột mốc lòng dân” nơi đại ngàn Tây Nguyên thời gian vừa qua có nguyên nhân quan trọng từ việc Bộ đội Biên phòng đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc. Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia có yêu cầu mới rất cao, thuận lợi, khó khăn đan xen. Vì vậy, đòi hỏi Bộ đội Biên phòng cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, nghị định của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc, về chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và các nghị quyết của địa phương về tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân trên địa bàn biên giới Tây Nguyên trong tình hình mới; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, bất mãn. Trong quá trình thực hiện, Bộ đội Biên phòng cần nắm vững đặc điểm, tình hình địa bàn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, lực lượng trên địa bàn để lựa chọn, cụ thể hóa nội dung tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng; chỉ rõ đối tác, đối tượng, bạn - thù, kiên quyết đấu tranh phê phán những tư tưởng, quan điểm, hành động sai trái, phản động. Để đảm bảo các nội dung tuyên truyền thấm sâu vào tư tưởng, nhận thức của đồng bào và chuyển thành hành động cách mạng, các cấp cần quán triệt quan điểm: thường xuyên, kiên trì, liên tục, ở đâu có đồng bào ở đó có công tác tuyên truyền. Đồng thời, coi trọng việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, phương tiện của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục thường xuyên với tuyên truyền, giáo dục theo chuyên đề, chủ đề và đối tượng; đa dạng hóa các hình thức cho phù hợp với tình hình, đặc điểm dân cư trên từng địa bàn.

Bên cạnh phát huy những hình thức tuyên truyền có hiệu quả trong thời gian qua, các cấp cần nghiên cứu, xây dựng những hình thức tuyên truyền, giáo dục mới, đảm bảo vừa chuyển tải được nội dung, vừa dễ nghe, dễ nhớ, dễ làm theo. Do đặc điểm dân cư, văn hóa của đồng bào khu vực Tây Nguyên, cần chú trọng hình thức tuyên truyền trực quan bằng các tờ gấp, tờ rơi (trong đó có cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số); phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín; lồng ghép, “sân khấu hóa” nội dung tuyên truyền trong các lễ hội văn hóa của người dân tộc thiểu số và của đất nước. Trong xu thế bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay, cần đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện thông tin, truyền thông hiện đại và mạng xã hội một cách hợp lý. Cùng với đó, các cấp cần đẩy mạnh việc tổ chức các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, tạo nên phong trào: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, Ngày ngày thi đua”1, “… những người thi đua là người yêu nước nhất”2; qua đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Hai là, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. “Nói cho dân hiểu” mới là điều kiện cần, chứ chưa đủ, mà còn phải “làm cho dân tin”. Hiệu quả việc xây “cột mốc lòng dân” xét cho cùng phụ thuộc vào việc chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào. Thực tiễn cho thấy, khi cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thì lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội nói chung và Bộ đội Biên phòng nói riêng sẽ càng được củng cố. Vì thế, Bộ đội Biên phòng cần tiếp tục chủ trì phối hợp tham mưu, cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của Chính phủ đối với Tây Nguyên, nhất là Nghị quyết 80/2011/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững, Phong trào “Vì người nghèo”, “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, v.v. Đồng thời, chủ trì, phối hợp đề xuất với trên, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường quốc phòng - an ninh và quản lý, bảo vệ biên giới; coi trọng thực hiện chương trình phối hợp với các địa phương và lực lượng chuyên trách nước bạn bên biên giới, v.v. Để tham gia một cách thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội, Bộ đội Biên phòng cần tiếp tục nâng cao hiệu quả các mô hình, việc làm, chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội đã được thực tiễn kiểm nghiệm; chủ động nghiên cứu, xây dựng, phát triển những chương trình, mô hình mới phù hợp với nhu cầu phát triển địa phương. Theo đó, bên cạnh việc duy trì các mô hình, như: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Nâng bước em tới trường”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”,… Bộ đội Biên phòng cần đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ’ và phong trào “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”,… bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể, thông qua công việc hằng ngày, v.v. Trong quá trình thực hiện, Bộ đội Biên phòng cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, lực lượng trên địa bàn có chính sách ưu tiên, hỗ trợ về nhân lực, tài chính, y tế, giáo dục, đất đai, dạy nghề, việc làm,… cho từng tập thể, cá nhân cụ thể, hướng tới đảm bảo cho đồng bào có cuộc sống ổn định và làm giàu ngay trên mảnh đất vùng biên cương của Tổ quốc. Một trong những bài học kinh nghiệm cho thấy, làm cho dân tin, để dân làm theo là phải thông qua những hành động cụ thể, mô hình hiệu quả. Vì vậy, Bộ đội Biên phòng cần tiếp tục tham mưu, trực tiếp tham gia cùng cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó hướng mạnh vào việc thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, quy ước nơi dân cư, hương ước trong dòng họ; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục,… đảm bảo vừa xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc bản địa, vừa hướng tới xây dựng nền văn hóa tiên tiến, hội nhập. Đồng thời, nêu cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; xây dựng, củng cố lòng tin của đồng bào vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Chú trọng xây dựng, tổ chức các hình thức tự quản trong từng gia đình, dòng họ, thôn, buôn; phát huy vai trò của chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo và ở địa phương. Thực hiện tốt việc giao đường biên, mốc quốc giới cho các hộ gia đình, tập thể cùng tham gia quản lý, bảo vệ; tổ chức ký cam kết chấp hành quy chế biên giới, quy định về an ninh, trật tự của từng thôn, buôn,… tạo sức mạnh “thế trận lòng dân” trong quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia ngay từ cơ sở. Đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình, phong trào: “Quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới’, phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”, “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”, “Già làng, trưởng bản gương mẫu”, “Xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho con em các dân tộc”, “Họ đạo gương mẫu”, “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, v.v.

Ba là, tham gia có hiệu quả công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh toàn diện, tăng cường quan hệ máu thịt quân - dân. Hệ thống chính trị, trước hết là tổ chức đảng, tổ chức chính quyền vững mạnh là điều kiện tiên quyết, suy đến cùng trong xây dựng “cột mốc lòng dân”. Vì thế, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt chủ trương tăng cường cán bộ, sĩ quan Biên phòng cho cấp xã và tham gia sinh hoạt đến thôn, buôn,… Bộ đội Biên phòng cần chú trọng tham gia công tác xây dựng Đảng, bồi dưỡng cán bộ chủ trì, chủ chốt ở địa phương; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới, xóa nơi “trắng” đảng viên và tổ chức đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ nguồn, cốt cán địa phương. Cần hết sức chú ý tuyển chọn con em các dân tộc thiếu số, có đạo thực hiện nghĩa vụ quân sự và rèn luyện họ tại chính đơn vị Biên phòng làm nguồn cho việc xây dựng nguồn nhân lực cán bộ tốt cho địa phương.

Thực hiện lời dạy của Bác: “… óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm3, các đơn vị Bộ đội Biên phòng cần tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả phương châm: “quân với dân một ý chí”, thực hiện “3 cùng”, “4 tại chỗ”, hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo địa phương để nghe được dân nói, nói cho dân hiểu. Coi trọng “lời nói đi đôi với việc làm”, “làm trước, nói sau”, lấy hiệu quả công tác làm tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của bộ đội trên từng cương vị được giao. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng phải luôn có thái độ và ý thức chấp hành nghiêm túc Điều lệnh Quân đội, Điều lệ công tác của Bộ đội Biên phòng, 12 điều kỷ luật trong quan hệ quân, dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Biên phòng phải có đạo đức, lối sống tốt, giản dị, khiêm tốn, lắng nghe dân nói, thương yêu hết lòng đối với đồng bào, tâm huyết, có trách nhiệm trong công việc, gìn giữ, phát huy hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân. Qua đó, giúp người dân có nhận thức đúng để họ tham gia một cách tích cực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia nơi đại ngàn Tây Nguyên.

Với nhận thức đúng, trách nhiệm cao, tổ chức thực hiện khoa học, phù hợp với thực tiễn, Bộ đội Biên phòng các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc và đạt hiệu quả thiết thực. Nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và nhân dân ở khu vực biên giới được nâng lên, thực sự xây dựng được “cột mốc lòng dân”, tạo sức mạnh tổng hợp để quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

ĐÌNH KHÁNG - HỒ ĐĂNG - ĐĂNG BẢY
_____________

* - Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 7,8.

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 23.

2 - Sđd, Tập 7, tr.407.

3 - Sđd, Tập 6, tr. 233-234.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.