Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:20 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Tiếp theo
II. Bộ đội Biên phòng tích cực tham gia xây “cột mốc lòng dân”
Xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, nòng cốt, nhân dân khu vực biên giới là lực lượng thường xuyên, trực tiếp. Nắm vững chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm địa bàn, Bộ đội Biên phòng các tỉnh Tây Nguyên đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao trách nhiệm chính trị, sự thương yêu, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc đã thường xuyên “bám dân, bám thôn, buôn, bám chính quyền” để tích cực tham gia xây “cột mốc lòng dân” khu vực Tây Nguyên ngày càng vững chắc.
Để làm được điều đó, giải pháp hàng đầu được Bộ đội Biên phòng các tỉnh Tây Nguyên thực hiện là tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Đây là vấn đề rất cơ bản và cấp bách hiện nay. Thực tế cho thấy, chỉ lúc nào hệ thống chính trị, trước hết ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, thì lúc đó năng lực lãnh đạo, quản lý địa bàn mới được nâng cao, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, chế độ; nhân dân yên tâm, phấn khởi lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, các đơn vị Biên phòng đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức, lực lượng trên địa bàn tăng cường tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thành các giải pháp xây dựng hệ thống chính trị phù hợp với điều kiện địa phương. Đặc biệt, ở những nơi cấp ủy, chính quyền cơ sở còn yếu kém, Bộ đội Biên phòng nơi đây đã cử cán bộ, sĩ quan tăng cường về các xã, tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, buôn biên giới. Đây là những cán bộ, sĩ quan Biên phòng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực thực tiễn, am hiểu phong tục, tập quán và có uy tín; có nhiệm vụ bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu, trực tiếp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị - xã hội, nhất là tổ chức đảng, chính quyền cơ sở. Trước hết, tập trung bồi dưỡng kiến thức, phương pháp công tác cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt ở cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, chính quyền thôn, buôn. Với những trọng tâm, như: hướng dẫn công tác xây dựng Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; cách thức chuẩn bị, ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết lãnh đạo của tổ chức đảng; công tác kiểm tra, giám sát và phát triển đảng viên mới, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ cơ sở; xây dựng quy chế và duy trì chế độ làm việc của cấp ủy, Ủy ban nhân dân, các ban, ngành, tổ chức quần chúng; xây dựng và triển khai các văn kiện về quốc phòng - an ninh ở cơ sở, v.v. Với tinh thần trách nhiệm cao, biện pháp tham mưu, tổ chức thực hiện “đúng và trúng”, đến nay, Bộ đội Biên phòng các tỉnh Tây Nguyên đã giới thiệu: 198 đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ địa phương; 37 đồng chí tăng cường cho các xã biên giới, trong đó có 32 đồng chí giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã, 05 đồng chí tham gia cấp ủy, chính quyền; giúp địa phương phát triển 197 đảng viên, xóa 129 thôn, buôn “trắng” đảng viên và tổ chức đảng; củng cố 181 chi bộ và 131 tổ chức đoàn, hội, v.v.
Các đơn vị Bộ đội Biên phòng còn tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ nội bộ, ngăn chặn các hoạt động mua chuộc, móc nối của bọn phản động, thù địch; chủ động điều tra, phát hiện các mối quan hệ phức tạp với người nước ngoài để sàng lọc đội ngũ; chủ trì phối hợp với các tổ chức, lực lượng trên địa bàn, tổ chức 217 lớp tập huấn nghiệp vụ cho gần 18.000 cán bộ các huyện, sở, ngành, xã, thôn, buôn, 950 đợt trợ giúp pháp lý lưu động. Đồng thời, tham mưu thành lập 27 tổ tư vấn hỗ trợ pháp lý, xây dựng 31 tủ sách pháp luật ở các xã biên giới; thành lập 372 tổ hòa giải ở các thôn, buôn, v.v. Những việc làm đó của Bộ đội Biên phòng đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở, nhất là giải quyết những mâu thuẫn trong nhân dân, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, hạn chế tối đa khiếu kiện đông người, khiếu nại vượt cấp và các hoạt động gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Nếu những năm trước kia, đặc biệt là giai đoạn 2001 - 2004, Tây Nguyên là địa bàn nóng về di dịch cư tự do, vượt biên, hoạt động tôn giáo trái pháp luật, mất trật tự, an toàn xã hội,… thì những năm gần đây, các hiện tượng trên đã giảm triệt để, tình hình an ninh chính trị, trật tự, trị an xã hội khu vực biên giới được giữ vững. Nổi bật trong công tác này là: Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum tham gia xây dựng thôn, bản về an ninh, trật tự; Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tham mưu củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức quần chúng; Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông hướng dẫn công tác phát triển đảng viên mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, v.v. Có thể khẳng định, chủ trương đưa cán bộ, sĩ quan Biên phòng tăng cường cho các xã biên giới và tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn (bản, buôn) đã mang lại kết quả quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong xây dựng địa bàn biên phòng, khu vực biên giới vững mạnh.
Để xây “cột mốc lòng dân” vững chắc, Bộ đội Biên phòng các tỉnh Tây Nguyên đặc biệt chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương; phát huy vai trò quần chúng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh, trật tự ở khu vực biên giới. Thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những năm vừa qua cho thấy, một trong những yếu tố cơ bản, có tính quyết định đến chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc là phải tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động của toàn dân. Cho nên, Bộ đội Biên phòng các tỉnh vừa chủ động phối hợp với các tổ chức, lực lượng khảo sát nắm chắc đặc điểm, tình hình địa bàn, từng dân tộc, vừa tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở về nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, nhất là trong thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, giáo dục quốc phòng - an ninh trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với phương châm toàn diện, đồng bộ, sát thực tiễn, nội dung tuyên truyền, giáo dục đi vào trọng tâm những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, về dân tộc, tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc,… được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, trước hết là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Biên giới quốc gia, các nghị định, hiệp định, quy chế về biên giới, cửa khẩu, v.v. Qua đó, vừa nâng cao nhận thức, vừa khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc để mỗi người dân Tây Nguyên nêu cao trách nhiệm hơn nữa trong tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Việc thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” được Bộ đội Biên phòng các tỉnh Tây Nguyên hết sức coi trọng và có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả. Nổi bật là, đã chủ động tham mưu, xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào quần chúng, như: “Già làng, trưởng bản gương mẫu”; “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới và an ninh trật tự bản, buôn”; “Bình yên xứ đạo”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; chủ động nghiên cứu biên soạn các khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số1, v.v. Cùng với chú trọng xây dựng, tổ chức các hình thức tự quản trong từng gia đình, dòng họ, thôn, buôn, Bộ đội Biên phòng còn phối hợp với địa phương làm tốt công tác vận động các hộ gia đình, các tập thể ký kết cùng tham gia quản lý, bảo vệ tốt đường biên, mốc quốc giới, chấp hành quy chế biên giới, quy định về an ninh, trật tự của từng thôn, buôn. Việc cùng Bộ đội Biên phòng giữ gìn đường biên, mốc giới, an ninh trật tự đã được thể hiện trong từng quy ước, hương ước của nhiều thôn, buôn. Nhờ bám, nắm địa bàn, gần gũi với cấp ủy, chính quyền, sâu sát với nhân dân, biết phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong tôn giáo nên đã phát huy những giá trị đạo đức, ý thức của toàn dân về bảo vệ “đường biên, mốc giới”, chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng dân cư, động viên mọi người hăng say sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, gắn với nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ biên giới ở mọi nơi, mọi lúc, trên mọi địa bàn. Thông qua những hành động thiết thực, đồng bào các dân tộc càng thêm tin yêu Bộ đội Biên phòng - Bộ đội Cụ Hồ, tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, cũng như của cấp ủy, chính quyền cơ sở; không nghe kẻ xấu xúi giục, kích động, từng bước nhận rõ đúng, sai, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch; xóa bỏ nhiều hủ tục, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới, v.v.
Việc tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường quốc phòng, an ninh, tích cực xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc được Bộ đội Biên phòng các tỉnh Tây Nguyên xác định là nội dung trọng tâm, có tính nền tảng trong xây dựng “cột mốc lòng dân”. Thực hiện phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã hết lòng giúp đồng bào sản xuất, làm kinh tế, thực hiện xóa đói giảm nghèo, cải thiện và ổn định cuộc sống. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các đề án phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân các xã biên giới từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Nhiều chương trình, phong trào, mô hình, cách làm hay, hiệu quả, như: “Thầy giáo quân hàm xanh”; “Thầy thuốc quân hàm xanh”; “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống cho đồng bào nghèo nơi biên giới”; “Nâng bước em tới trường”,… đã từng bước giúp nhân dân tuyến biên giới Tây Nguyên nâng cao dân trí, phát triển dân sinh. Các lớp học tình thương, phổ cập giáo dục do Bộ đội Biên phòng tổ chức đã giúp hàng ngàn người dân tộc thiểu số đọc thông, viết thạo; nhiều người đã phấn đấu học lên cao hơn, trở thành cán bộ nòng cốt của địa phương. Hiện tại, các đồn Biên phòng đã nhận đỡ đầu 216 học sinh khu vực biên giới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 22 cháu quốc tịch Lào và Campuchia. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các đơn vị tập trung giúp địa phương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề phù hợp với thế mạnh về đất đai, nguồn nhân lực gắn với việc bố trí, sắp xếp dân cư khu vực biên giới. Theo đó, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng luôn bám dân, bám bản, vận động đồng bào định canh, định cư, thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; kiên trì “cầm tay, chỉ việc”, làm mẫu, hướng dẫn để dân thấy, dân hiểu, dân tin, dân làm theo. Từ thực tiễn, xuất hiện nhiều mô hình Bộ đội Biên phòng giúp dân phát triển kinh tế hộ gia đình có hiệu quả, như: trao tặng bò giống, nuôi bò (dê, heo) sinh sản, nuôi gà lai; trồng rừng, trồng cây cao su, lúa nước, chanh dây, bời lời, sâm dây, hồ tiêu, v.v.
Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng còn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, vận động các doanh nghiệp xây tặng bà con nghèo trên biên giới 512 căn Nhà Tình nghĩa, Nhà Đại đoàn kết, Nhà Mái ấm biên cương; xây dựng 36 công trình dân sinh, củng cố hệ thống điện, đường, trường, trạm với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Riêng năm 2017, Bộ đội Biên phòng các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp với các nhà hảo tâm tặng bà con nghèo trên biên giới trên 2.250 suất quà trị giá gần 01 tỷ đồng. Điển hình là Bộ đội Biên phòng Kon Tum làm được 185 Nhà Mái ấm biên cương, Nhà Nghĩa tình đồng đội, trị giá gần 04 tỷ đồng với 2.300 công lao động. Nhờ sự tích cực, nhiệt tình của các đơn vị Bộ đội Biên phòng, nên hiện nay, nhiều xã trên biên giới đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tiêu biểu như xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai từ nghèo đói với 8 buôn, làng, có 96% hộ dân sống bằng nông nghiệp, đầu năm 2016 đã trở thành xã đầu tiên nơi đại ngàn Tây Nguyên đạt 19/19 tiêu chí về “nông thôn mới”; thu nhập đạt 25 triệu đồng/người/năm. Những việc làm thiết thực, hiệu quả đó đã góp phần làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” tỏa sáng trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Những kết quả đạt được của Bộ đội Biên phòng các tỉnh Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng, chế độ, cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng, mà còn giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn yên tâm gắn bó với thôn, buôn, với khu vực biên giới. Đây chính là lực lượng đảm bảo hậu cần tại chỗ; nhân tố cơ bản để xây “cột mốc lòng dân”, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới nơi đại ngàn Tây Nguyên.
ĐÌNH KHÁNG - HỒ ĐĂNG - ĐĂNG BẢY ___________________
1 - Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông chủ động nghiên cứu, biên soạn được 3.000 sổ tay hỏi đáp pháp luật. Phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị in trên 106.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật có nội dung liên quan thiết thực đến đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất của nhân dân ở khu vực biên giới. Các tài liệu trên đều được cấp phát miễn phí cho cán bộ các thôn, buôn, bun và nhân dân ở khu vực biên giới.
(Số sau: III. Kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn xây “cột mốc lòng dân”)
cột mốc lòng dân,Tây Nguyên
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng