Thứ Tư, 18/09/2024, 14:43 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
LTS - Xây “cột mốc lòng dân” vững chắc trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị, trước hết là của Bộ đội Biên phòng - lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Nhằm phản ánh thực tế sinh động đó, Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu với bạn đọc vệt bài: Xây “cột mốc lòng dân” nơi đại ngàn Tây Nguyên của nhóm tác giả: Đình Kháng - Hồ Đăng - Đăng Bảy.
I. Tây Nguyên hùng vĩ
Mảnh đất cách mạng giàu tiềm năng
Tây Nguyên1 có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, được ví như “mái nhà Đông Dương”. Trong suốt hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây là vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Núi rừng Tây Nguyên trở thành căn cứ địa kháng chiến, tạo nên thế đứng chiến lược vững chắc cho cách mạng, trực tiếp chi viện cho khu vực Duyên hải miền Trung, Nam Bộ và Sài Gòn. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, chịu sự kìm kẹp, đàn áp dã man của địch, nhưng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn một lòng theo Đảng và Bác Hồ, không tiếc xương máu, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực tế cho thấy, Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Về nông nghiệp với 2 triệu héc-ta đất bazan màu mỡ (chiếm đến 74,25% đất bazan cả nước), rất phù hợp với những cây công nghiệp, như: cà phê, cao su, ca cao, hồ tiêu, trà (chè), v.v. Rừng Tây Nguyên chiếm hơn 1/3 diện tích rừng của cả nước, có vai trò quan trọng về môi trường, đa dạng sinh học, điều tiết khí hậu. Các cây dược liệu quý được tìm thấy ở đây, như: sâm Ngọc Linh, Sa nhân, Địa liền, Thiên niên kiện, Hà thủ ô trắng,... mở ra triển vọng cho những vùng sản xuất dược liệu có giá trị thương phẩm cao. Tài nguyên thủy điện nơi đây rất lớn, nhờ địa hình dốc, dòng chảy mạnh, đang được khai thác, sử dụng ngày càng hiệu quả. Tây Nguyên còn có một nền văn hóa bản địa phong phú và đa dạng, với ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, âm nhạc, văn hóa ẩm thực độc đáo. Hiện nay, Tây Nguyên lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có giá trị lịch sử cao, như: Nhà rông, Nhà dài, Đàn đá, Tượng nhà mồ, Cồng chiêng, các lễ hội và kho tàng văn học dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” - nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng gắn liền với núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ và không gian sinh tồn, tín ngưỡng của cộng đồng bản địa - đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tây Nguyên hôm nay
Phát huy tiềm năng, lợi thế, Tây Nguyên đã quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp tập trung có quy mô lớn; trong đó, cà phê là cây trồng chủ lực của Vùng, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, với thương hiệu “Cà phê Buôn Mê” nổi tiếng2. Đồng thời, hình thành vùng trồng cao su, hồ tiêu, trà, rau, hoa,... ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm, thương hiệu; phát triển mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh với các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, đưa các sản phẩm chủ lực nông nghiệp Tây Nguyên tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu.
Để tạo sự đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, Tây Nguyên tập trung đầu tư xây dựng một số công trình giao thông trọng điểm, có vai trò động lực, kết nối các trung tâm kinh tế. Nổi bật là, đường Hồ Chí Minh làm trục chính để phát triển các đường ngang, đường hành lang Đông - Tây nối với khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, cảng biển quốc tế và các nước trong khu vực. Từ năm 2011 trở lại đây, Nhà nước đã tập trung đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, với các quốc lộ: 14, 19, 20, 28 và nhiều đường giao thông khác. Đến nay, mạng lưới giao thông khu vực có tổng chiều dài gần 40.000 km, chiếm trên 7,33% hệ thống giao thông của cả nước, với tỷ lệ cứng hóa đạt gần 48%; trong đó, có 2.517 km quốc lộ, 2.035 km tỉnh lộ, 35.347 km đường giao thông nông thôn, góp phần phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Cùng với đó, Đảng, Nhà nước chú trọng đẩy mạnh giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Công tác vận động và duy trì số lượng học sinh đến trường có nhiều tiến bộ; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 83%. Các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều có trường phổ thông dân tộc nội trú; việc dạy tiếng dân tộc thiểu số được các cấp quan tâm. Hiện nay, Tây Nguyên đã có: 57 trường phổ thông dân tộc nội trú, 05 trường đại học, 04 trường cao đẳng sư phạm, 04 phân hiệu của các trường đại học với tổng số sinh viên chính quy hơn 31 nghìn; tỷ lệ sinh viên trên 1 vạn dân tăng từ 137 năm 2013, lên đến 180 năm 2017. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có sự phát triển về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học được quan tâm; chính sách, chế độ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được ưu tiên, đảm bảo theo đúng quy định.
Để giải quyết căn cơ việc bố trí dân cư, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên chủ động thực hiện giãn dân nội vùng, quy hoạch các khu dân cư mới. Theo đó, các tỉnh tích cực xây dựng các buôn, làng, xã mới; sắp xếp, ổn định các khu dân cư, như: Mo Ray, Rờ Cơi, Sa Loong (huyện Sa Thầy), Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) của tỉnh Kon Tum; Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông (tỉnh Gia Lai); Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk); Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông), v.v. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Chương trình 135, 160 của Chính phủ về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng khó khăn, khu vực biên giới phục vụ sản xuất, đời sống, tăng cường quốc phòng - an ninh, v.v. Hiện nay, trên những địa bàn này đã có 23 khu kinh tế - quốc phòng; đón nhận 87.000 hộ, trong đó có 23.000 hộ dân di cư tự do vào định canh, định cư, tạo việc làm cho 62.000 hộ dân, v.v. Qua đó, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống của nhân dân và tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chính quyền các địa phương chú trọng. Mạng lưới y tế cộng đồng được mở rộng đến thôn, buôn, làng, xã, với số lượng nhân viên y tế không ngừng tăng lên, chất lượng ngày một cao. Hiện nay, 100% số xã đều có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi làm việc, trên 79% xã (phường, thị trấn) có bác sĩ; trong đó, tỉnh Đắk Lắk có gần 100% số trạm y tế xã có bác sĩ; trên 66,25% xã (phường, thị trấn) đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương trên địa bàn theo Quyết định 139, 14 của Thủ tướng Chính phủ được quan tâm đúng mức, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đồng bào đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập, v.v. Các dịch bệnh, như: sốt rét, phong, lao, bướu cổ, dịch tả, dịch hạch,… đã được khống chế. Có thể khẳng định rằng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn, Tây Nguyên đã và đang “thay da, đổi thịt”, đời sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên, chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được tăng cường, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững. Tổng giá trị sản phẩm (GRDP) trên địa bàn của các tỉnh Tây Nguyên, năm 2017, đạt trên 165.472 tỷ đồng, tăng 8,09% so với năm 2016; trong đó, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng 5%, công nghiệp xây dựng tăng gần 11%, dịch vụ tăng gần 10%, cơ cấu GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực. Công nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục phát triển, nhiều sản phẩm chủ lực tăng khá, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2.662 triệu USD, tăng 22,71% so với năm 2016.
Còn đó những khó khăn, thách thức
Mặc dù thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của các tỉnh Tây Nguyên đạt trên 41,6 triệu đồng/năm, nhưng không đồng đều giữa các tầng lớp dân cư; khoảng cách giàu, nghèo ngày một giãn rộng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới3. Do đó, tình trạng buôn lậu, vượt biên trái phép, di dân tự do,… còn xảy ra, với xu hướng ngày càng tăng, tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Theo số liệu thống kê, năm 1975, Tây Nguyên có khoảng 01 triệu người, với 12 dân tộc, nhưng đến nay, dân số đã tăng lên hơn 5,5 triệu người, với sự có mặt hầu hết các dân tộc của cả nước. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do sự gia tăng cơ học, di dân tự do. Điều này đã trở thành một thách thức lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Điều đáng lo ngại là tình trạng khai thác lâm sản tận diệt, phá rừng để lấy đất canh tác, sản xuất,… diễn ra tràn lan với tốc độ chóng mặt; không gian văn hóa cồng chiêng đang bị thu hẹp, v.v. Hiện trạng trên đã để lại những hệ lụy khôn lường: phá vỡ quy hoạch phân bố dân cư, thế trận quốc phòng, đe dọa sự ổn đinh về chính trị, trật tự, an toàn xã hội,… trên địa bàn. Đây cũng là cái cớ để các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, bất mãn,… lợi dụng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo kích động, lôi kéo người dân tụ tập đông người, khiếu kiện trái pháp luật, chống phá chế độ ta.
Cùng với đó, Tây Nguyên hiện nay có gần 1,8 triệu tín đồ tôn giáo, 3.500 chức sắc, nhà tu hành và khoảng 840 cơ sở thờ tự của các tôn giáo chính, như: Thiên chúa giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài. Cơ bản các tổ chức, tín đồ tôn giáo trên địa bàn hoạt động tuân thủ theo quy định của pháp luật; luôn tin tưởng và chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, sống “tốt đời, đẹp đạo”, có nhiều cống hiến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Tuy nhiên, một số tổ chức đội lốt tôn giáo, như: “Hà Mòn”, “Pháp Luân công”, “Tin lành Đề Ga”,… vẫn lén lút hoạt động, gây phức tạp đời sống xã hội. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “tôn giáo”, “dân tộc”, “nhân quyền”, tìm mọi cách tạo dựng lực lượng, đẩy mạnh hoạt động chống phá ta quyết liệt với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc, hòng gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Vai trò của già làng, trưởng bản chưa được coi trọng, thiết chế cộng đồng truyền thống suy giảm, mở đường cho “thiết chế xã hội cộng đồng tôn giáo” mới được hình thành. Vì vậy, để phát huy, phát triển, bảo tồn bản sắc văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cộng đồng tôn giáo là công tác không đơn giản. Trong khi đó, năng lực lãnh đạo, quản lý xã hội của một số cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cơ sở còn hạn chế; hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội còn mờ nhạt; trình độ của đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Điều đó cho thấy, công tác vận động quần chúng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân trên địa bàn biên giới Tây Nguyên là vấn đề quan trọng, cấp thiết, cần phải có những nghiên cứu khách quan, toàn diện, đồng bộ và có giải pháp tổ chức thực hiện khoa học, thực tiễn.
Xây “cột mốc lòng dân” ở đại ngàn Tây Nguyên thực chất là quá trình khơi dậy, phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, ý thức tự giác của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đáp ứng yêu cầu sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Trong đó, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng cường phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề có tính quyết định sự thành công của xây “cột mốc lòng dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”; “Nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững thì cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”4. Như vậy, nếu không dựa vào “lòng dân”, trực tiếp là sức mạnh của “triệu tai, triệu mắt, triệu chân tay” của đồng bào các dân tộc đang định cư ở khu vực biên giới thì nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ không thể hoàn thành. Xây được “cột mốc lòng dân” nơi đại ngàn Tây Nguyên thực sự vững chắc không chỉ là vấn đề cơ bản, lâu dài, mà còn mang tính cấp bách hiện nay và rất cần sự vào cuộc một cách kiên trì, quyết liệt, hiệu quả của các tổ chức, lực lượng trên địa bàn; trong đó, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, nòng cốt.
ĐÌNH KHÁNG - HỒ ĐĂNG - ĐĂNG BẢY ______________
1 - Là vùng cao nguyên trải dài, tiếp nối với dãy Trường Sơn, gồm 05 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Trong đó, 04 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông có đường biên giới với nước bạn Lào và Cam-pu-chia dài hơn 590 km, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc, với dân số khoảng hơn 5,5 triệu người và 45 đồng bào các dân tộc thiểu số.
2 - Hiện nay, diện tích cà phê toàn vùng Tây Nguyên có trên 576.800 ha, chiếm gần 90% diện tích cà phê của cả nước.
3 - Theo báo cáo 92/BC-UBDT của Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum chiếm 92,81%, tỉnh Đắk Nông chiếm 40,39%, v.v.
4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 502.
(Số sau: Bộ đội Biên phòng tích cực tham gia xây “cột mốc lòng dân”)
cột mốc lòng dân,Tây Nguyên
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 13/08/2024
Cục Cứu hộ, cứu nạn nâng cao năng lực tham mưu, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 08/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới 29/07/2024
Tỉnh Hòa Bình tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 29/07/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và chính sách hậu phương quân đội 25/07/2024
Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 18/07/2024
Quân khu 7 xây dựng thế trận quân sự vững mạnh trên hướng biển 11/07/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)*