QPTD -Thứ Năm, 20/06/2013, 15:13 (GMT+7)
Phóng sự
Vững vàng thế trận Trường Sa

Quân cảng Cam Ranh sáng tháng 4, trời trong xanh, biển trong xanh, tàu HQ 571 đưa Đoàn công tác đi quần đảo Trường Sa từ từ rời bến. Hàng loạt tiếng còi của những con tàu trong cảng nối tiếp vang lên chào HQ 571 lên đường. Trong tôi lâng lâng niềm tự hào được đến với quần đảo Trường Sa, nơi có cán bộ, chiến sĩ Hải quân và nhân dân đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mít tinh Kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa
tại thị trấn Trường Sa Lớn.

Vượt qua 254 hải lý, đảo Trường Sa Lớn hiện lên trong mắt chúng tôi, uy nghi, vững trãi. Cuộc mít tinh kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa do cấp ủy, chính quyền huyện đảo Trường Sa tổ chức diễn ra trang trọng. Trung tướng Mai Quang Phấn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thay mặt lãnh đạo Tổng cục Chính trị biểu dương sự cố gắng cùng những thành tích của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa; đồng thời, yêu cầu các lực lượng tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa về tình hình, nhiệm vụ, đẩy mạnh xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển vững chắc.  

Trong chuyến đi, được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa – nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc, tôi có thêm niềm tin, càng yên tâm, cảm phục nghị lực, tình yêu quê hương, đất nước của họ. Tất cả được thể hiện trên khuôn mặt, nụ cười rạng rỡ và trên hết là bản lĩnh chính trị vững vàng với ý chí quyết tâm “còn người là còn đảo”. Tại sao họ có bản lĩnh, nghị lực đó? Chỉ có thể cắt nghĩa được là bởi tình yêu quê hương, Tổ quốc. Trong điều kiện ở xa đất liền, nhưng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trên các đảo vẫn được tiến hành đạt hiệu quả thiết thực. Các chế độ giáo dục chính trị, xem chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, thông báo chính trị đầu tuần... được thực hiện nghiêm túc. Công tác xây dựng Đảng được cấp ủy các cấp quan tâm thực hiện bằng nhiều biện pháp thiết thực, phù hợp. Năm 2012, đảo Phan Vinh đã phát triển được 04 đảng viên, chuyển đảng chính thức cho 02 đảng viên; tỷ lệ đảng viên ở đảo An Bang đạt gần 70%; đảo Trường Sa Đông có 100% đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có trên 80% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ... Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ các đảo đang tích cực thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong đó, chú trọng kết hợp chặt chẽ việc học tập tấm gương đạo đức của Bác với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, tập trung khắc phục khâu yếu, mặt yếu sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; đồng thời, gắn với việc thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng bằng các chỉ tiêu thi đua cụ thể, phù hợp với đặc điểm đơn vị.

Nằm trong khu vực có vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh (QP-AN), yêu cầu đặt ra là phải giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời, duy trì môi trường hòa bình với các nước trong khu vực. Vì thế, mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang canh giữ biển, đảo nơi tiền tiêu của Tổ quốc (nhất là đối với người chỉ huy, chính trị viên của mỗi đảo) phải nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, có nhận thức đúng, đối sách đúng, hành động đúng, chỉ huy kiên quyết, kịp thời, chính xác. Qua trao đổi, tìm hiểu, tôi thấy điểm nổi bật là, trên mỗi đảo đều coi trọng và đã thực hiện tốt việc xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị, thể hiện trên cả 3 vấn đề: thống nhất về nhận thức, quan điểm, ý chí quyết tâm; thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; xây dựng được tình thương yêu giữa cán bộ với chiến sĩ như anh em trong nhà, đúng với tinh thần “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, cùng chia sẻ khó khăn, gian khổ, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến đảo Tốc Tan, nghe Thiếu tá, chính trị viên Phạm Văn Hưng báo cáo với Đoàn công tác: "100% anh em trên đảo sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Qua sự thể hiện quyết tâm đó ở trên đảo nhỏ, giữa biển cả mênh mông ngàn trùng sóng vỗ, chúng tôi mới thấy hết niềm tự hào, cảm động về những người cán bộ, chiến sĩ Hải quân hôm nay. Trên quần đảo Trường Sa có rất nhiều tấm gương mẫu mực về bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cao, như: Thượng úy Cấn Ngọc Sơn - Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông B, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ VII; Thiếu úy chuyên nghiệp Trần Văn Trung, quê Bắc Giang, có con hơn một tuổi mà chỉ biết mặt con qua ảnh; Thiếu úy chuyên nghiệp Phạm Văn Công, quê Thanh Hóa, đi bộ đội 10 năm thì có 5 năm gắn bó với đảo; Đại úy Trương Hồng Phượng, quê Nha Trang; Hạ sĩ Lê Văn Hải, quê Ninh Bình... tất cả đều vững vàng, yên tâm gắn bó với biển, đảo quê hương.

Hiện nay, các đảo đang tập trung xây dựng “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân - dân”. Trong công tác sẵn sàng chiến đấu, các đảo đều duy trì nghiêm túc, đầy đủ các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực chuyên môn; tổ chức canh gác, phát hiện mục tiêu trên không, trên biển kịp thời, báo cáo chính xác, không để bị động, bất ngờ; chỉ huy các cấp xử lý đúng đối sách, không để mắc mưu nước ngoài. Cùng với sẵn sàng chiến đấu cao, các đảo còn thường xuyên luyện tập và tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển. Năm 2012, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Tây đã cứu hộ 02 tàu cá, hướng dẫn hơn 500 lượt tàu cá của ngư dân vào khu vực tránh bão; Âu tàu đảo Song Tử Tây cũng hướng dẫn cho hơn 500 lượt tàu của ngư dân vào tránh bão... Quần đảo Trường Sa đã thực sự trở thành chỗ dựa cho ngư dân vươn xa để khai thác, đánh bắt hải sản, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển ngày càng vững chắc.

Trong huấn luyện, các đơn vị trên đảo xác định vấn đề đột phá là: “huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị”. Theo đó, các đảo đã tập trung huấn luyện cán bộ: giỏi theo phân cấp, nắm được chức trách nhiệm vụ của cấp trên, nắm chắc phương án chiến đấu; quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ giỏi về chuyên môn, mỗi người sử dụng được nhiều loại vũ khí, trang bị, huấn luyện sát với thực tế địa hình, nhiệm vụ. Trao đổi với chúng tôi, Trung úy Nguyễn Văn Huỳnh trên đảo An Bang cho biết: “Chúng tôi không chỉ tổ chức huấn luyện đủ thời gian, đúng nội dung, mà ở đây đặc biệt coi trọng huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp”. Cùng với duy trì nghiêm chế độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hệ thống công trình phòng thủ trên các đảo đã từng bước được hoàn chỉnh. Con người cùng với vũ khí, trang bị và hệ thống công sự tạo thành một khối liên hoàn, hiểm hóc, vững chắc, sẵn sàng đánh địch ở mọi hướng, trong mọi tình huống.

Thế trận Trường Sa còn thể hiện rõ ở mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân – dân. Thiếu tướng Đặng Minh Hải – Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân – bộc bạch suy nghĩ: “không ở đâu mối quan hệ quân – dân lại gắn bó như ở Trường Sa; trong mọi hoạt động, quân và dân đều chia sẻ, giúp đỡ nhau. Nhân dân dựa vào bộ đội để vươn ra khơi xa, bộ đội các đảo thường xuyên giúp đỡ ngư dân nước ngọt, gạo, mắm, muối...”. Thực tế cũng cho thấy, mặc dù các đơn vị đóng quân trên các đảo còn nhiều khó khăn, nhưng luôn thực hiện tốt công tác dân vận, nhất là trong tuyên truyền, giúp đỡ ngư dân đánh bắt hải sản trong khu vực quản lý, bảo vệ. Năm 2012, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông đã khám và điều trị cho hàng chục lượt ngư dân; tham gia ủng hộ các phong trào, cuộc vận động với số tiền trên 18 triệu đồng, hỗ trợ 3 gia đình liệt sĩ trên 44 triệu đồng... Cán bộ, chiến sĩ đảo Tiên Nữ đã chữa trị, cấp thuốc cho nhiều ngư dân và cung cấp hơn 5.000 lít nước ngọt cho các tàu đánh cá; đảo Đá Đông giúp đỡ ngư dân 150 kg gạo và hàng nghìn lít nước ngọt, v.v.

Đến với cụm đảo Đá Tây A, đồng chí Chu Minh Sơn, Trưởng ban quản lý Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cho biết: các tàu đánh cá của đồng bào ta được chăm sóc dịch vụ hết sức thuận lợi: nước ngọt được phục vụ miễn phí, còn xăng, dầu, muối, mắm... giá cả như trên đất liền, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngư dân. Năm 2012, Trung tâm đã cấp cho ngư dân 1.150m3 nước ngọt, cung ứng 304.530 lít dầu DO, 02 tấn lương thực, thực phẩm... Bên cạnh đó, Đội Nuôi trồng thủy sản khu vực đảo Đá Tây ngày càng phát triển; năm 2012, đã thu hoạch hơn 3,6 tấn cá, mở ra hướng đầu tư mới về nuôi hải sản trên khu vực Trường Sa. Các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cùng với bộ đội trên các đảo đã thực sự là điểm tựa cho ngư dân yên tâm hoạt động ở vùng biển xa, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển vững chắc. Tàu đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam nhộn nhịp trên khu vực quần đảo Trường Sa đã thể hiện rõ hiệu quả của sự kết hợp kinh tế với quốc phòng. Đó cũng là vấn đề quan trọng, cốt yếu của nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên biển mà chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện.

Từ đảo Tiên Nữ, tàu của chúng tôi tiếp tục hành trình đến với một số đảo, nhà giàn. Các nhà giàn DK như những cột mốc chủ quyền vững vàng trước sóng gió Biển Đông. Cũng như trên các đảo, cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trên đường về đất liền, ban đêm đi qua khu vực các giàn khoan dầu khí, nhìn điện sáng lung linh như thành phố giữa biển khơi, trong lòng mỗi người chúng tôi đều trào dâng niềm tự hào về Tổ quốc thân yêu.

Đứng trên boong tàu, nhìn biển cả mênh mông sóng gió, tôi miên man suy nghĩ về Biển Đông, càng thêm tự hào về đất nước, con người Việt Nam. Cả lý luận và thực tiễn đã cho thấy, thế trận Trường Sa không chỉ được tạo ra ở mỗi khu vực biển, đảo, mà thế trận đó còn là thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân của cả nước. Đó là sự hỗ trợ, chi viện kịp thời, hiệu quả từ đất liền - “bờ mạnh, đảo vững”. Hiện nay, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang thực hiện đã tạo ra thế và lực mới, góp phần tăng cường tiềm lực chính trị – tinh thần, kinh tế, quân sự, an ninh... của đất nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, với định hướng “mạnh về biển, giàu lên từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển” được thực hiện tốt sẽ tạo ra thế trận QP-AN trên biển nói chung và thế trận Trường Sa nói riêng ngày thêm vững chắc.

Sức mạnh trên biển là sức mạnh tổng hợp của đất nước, tập trung trước hết ở một số lực lượng hoạt động thường xuyên trên biển, đảo. Vì thế, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ để hoàn thành tốt chức năng làm nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong quá trình hoạt động, các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Dân quân tự vệ biển và các lực lượng vận tải, khai thác, đánh bắt hải sản trên biển cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp, hiệp đồng.

Trong thế trận chung của cả nước, cùng với đẩy mạnh xây dựng các tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ vững chắc, các địa phương ven biển cần tăng cường đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ và các công trình lưỡng dụng, phục vụ phát triển kinh tế và sẵn sàng chuyển sang phục vụ quốc phòng trên biển, đảo; mở rộng khu vực phòng thủ đến vùng đặc quyền kinh tế. Nhà nước tập trung củng cố, xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh, làm nòng cốt trong phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận QP-AN trên các vùng biển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nhất là trong lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí, khoáng sản, công nghiệp đóng tàu, vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản... Các địa phương ven biển và bộ, ngành có lực lượng hoạt động trên biển cần đẩy mạnh thí điểm xây dựng các khu kinh tế – quốc phòng tại một số khu vực biển, đảo; nghiên cứu cơ chế để phát triển các trung tâm kinh tế biển; nâng cao khả năng bảo đảm của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, Âu tàu và Trạm dịch vụ sửa chữa đảo Song Tử Tây... góp phần hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản ở vùng biển xa và mở rộng ngành nghề nuôi trồng thủy sản trên biển. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, đáp ứng yêu cầu khai thác tiềm năng của biển, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, cần tăng cường phối hợp giữa QP-AN với hoạt động đối ngoại; tranh thủ sự hợp tác quốc tế theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo và nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường QP-AN trên biển theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X). Trước hết là, nâng cao nhận thức cho các đối tượng thường xuyên hoạt động trên biển về pháp luật, năng lực giải quyết, ngăn chặn, xử lý các tình huống diễn ra trên biển, đảo. Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh các phong trào “Cả nước vì Trường Sa – Trường Sa vì cả nước”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1”, các dự án nước ngọt, phủ sóng điện thoại, điện chiếu sáng và các công trình phục vụ đời sống sinh hoạt, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội và nhân dân trên các đảo. Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện các chính sách thu hút lực lượng tham gia hoạt động kinh tế trên biển, hỗ trợ ngư dân để các đoàn tàu đánh cá tiếp tục vươn xa, tấp nập hơn, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên biển, xây dựng thế trận Trường Sa ngày thêm vững chắc.

 

MẠNH DŨNG

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.