QPTD -Thứ Hai, 04/05/2015, 14:50 (GMT+7)
Vùng 5 Hải quân đẩy mạnh công tác đối ngoại quân sự

Tăng cường các hoạt động đối ngoại quân sự trên các vùng biển là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của bộ đội Hải quân. Đối với Vùng 5 Hải quân, đảm nhiệm quản lý, bảo vệ vùng biển rộng, tiếp giáp với nhiều nước, thực hiện tốt công tác này càng có ý nghĩa quan trọng, thiết thực.

Chuẩn Đô đốc Doãn Văn Sở giới thiệu thành viên đoàn đại biểu Vùng 5 với ngài
Đại tướng Ouk Sey Ha, Phó Tư lệnh Hải quân Cam-pu-chia (Ảnh: vov.vn)

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng cùng các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã có nhiều chủ trương, biện pháp tạo chuyển biến toàn diện trên các mặt công tác; trong đó, tăng cường các hoạt động đối ngoại quân sự với lực lượng hải quân các nước láng giềng được xác định là một trong những mặt công tác trọng tâm của đơn vị. Hiện nay, Vùng đứng chân và làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo có diện tích hơn 150.000 km2, với trên 130 hòn đảo lớn, nhỏ, tiếp giáp với 4 quốc gia Đông Nam Á là Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a; trong đó có các vùng chồng lấn. Vì thế, trong hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Vùng có cả thuận lợi và khó khăn đan xen. Việc đẩy mạnh công tác đối ngoại quân sự là rất cần thiết và quan trọng đối với Vùng. Nhận thức rõ điều đó, Vùng luôn chủ động tích cực, triển khai đúng hướng, đi vào chiều sâu với các nước đối tác.

Ngay sau khi có Thỏa thuận về Quy chế phối hợp tuần tra chung trên vùng biển giáp ranh và lập kênh thông tin liên lạc giữa Hải quân nhân dân Việt Nam với Hải quân Hoàng gia Thái Lan và Hải quân Hoàng gia Cam-pu-chia, Vùng đã chủ động phối hợp với các bên liên quan xây dựng kế hoạch, lập Văn phòng đại diện tuần tra chung của mỗi bên để phối hợp giải quyết công việc liên quan và xác định phương án tuần tra chung với hải quân từng nước. Đồng thời, Vùng coi trọng việc trao đổi thông tin thường xuyên, thiết lập đường dây nóng, chia sẻ kinh nghiệm và thống nhất giải quyết các tình huống có thể xảy ra với Vùng 1, 2 Hải quân Hoàng gia Thái Lan và Căn cứ Biển thuộc Hải quân Hoàng gia Cam-pu-chia trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng, hiểu biết lẫn nhau theo đúng pháp luật và thông lệ quốc tế. Cùng với hoạt động tuần tra chung, Vùng còn đẩy mạnh phối hợp với các đối tác trong luyện tập phương án tìm kiếm cứu nạn trên biển; huấn luyện vận động đội hình, thông tin liên lạc trên VHF, UHF; thống nhất biện pháp phối hợp đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; nâng cao kỹ năng đi biển và tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm sau tuần tra chung,… nhằm tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau với hải quân các nước. Năm 2014, Vùng còn chủ động lập Sở chỉ huy tiền phương, phối hợp với Hải quân Ma-lai-xi-a và các nước khác tham gia tìm kiếm chiếc máy bay MH-370 mất tích; thực hiện trấn áp tội phạm và cứu hộ, cứu nạn hàng trăm lượt tàu thuyền trên biển; đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, khám chữa bệnh cho sĩ quan, binh sĩ và gia đình quân nhân tại Căn cứ Biển Hải quân Hoàng gia Cam-pu-chia, v.v. Đây là một trong những điểm sáng về công tác đối ngoại quân sự của Vùng, được quân đội và nhân dân các nước đánh giá cao, tạo nền tảng đưa quan hệ hợp tác với hải quân các nước có chung vùng biển đi vào chiều sâu, ổn định. Đến nay, Vùng 5 Hải quân đã thực hiện 36 chuyến tuần tra chung với Hải quân Hoàng gia Cam-pu-chia, 17 chuyến với Hải quân Hoàng gia Thái Lan với quãng đường tuần tra lần lượt là 7.000 và trên 10.000 hải lý; phối hợp luyện tập với các đối tác hàng trăm giờ về tìm kiếm cứu nạn, liên lạc vô tuyến điện và huấn luyện cờ tay, ánh đèn trên biển. Các hoạt động này đã góp phần quan trọng trong duy trì an ninh, trật tự ở vùng biển Tây Nam nước ta; đồng thời, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của mỗi nước.

Hiện nay, tình hình vùng biển do Vùng đảm nhiệm cơ bản ổn định, song cũng tiềm ẩn nguy cơ có thể phát sinh những phức tạp mới. Trong đó, tình trạng xâm phạm chủ quyền, thăm dò, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản của lực lượng tàu thuyền nước ngoài; hoạt động buôn lậu, tội phạm trên biển, nhất là trên các vùng biển giáp ranh có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Những nguy cơ này, nếu không được phối hợp giải quyết triệt để sẽ không chỉ đe dọa an ninh vùng biển của mỗi nước mà có thể làm tổn hại đến quan hệ giữa quân đội và hải quân các nước. Vì vậy, cùng với xây dựng lực lượng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu,… Vùng tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại quân sự, bảo đảm duy trì an ninh, trật tự và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển được giao; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Trước hết, Vùng tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền làm cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại quân sự, tuần tra chung với lực lượng hải quân các nước có chung vùng biển và coi đó là mặt công tác thường xuyên, quan trọng góp phần vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Cấp ủy, chỉ huy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, đối ngoại quốc phòng của Quân đội, Quân chủng và của Vùng trong tình hình mới. Qua đó, làm cho mọi người nhận thức đúng về tình hình thế giới, khu vực và yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại của đơn vị; thấy rõ hoạt động đối ngoại quân sự, tuần tra chung của Vùng không chỉ nhằm nâng cao hiểu biết, tăng cường tình hữu nghị, hợp tác với hải quân các nước trong duy trì an ninh, trật tự vùng biển, mà còn là cơ sở để xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, tạo nền tảng để thu hẹp bất đồng, tăng mặt đồng thuận trong giải quyết các vấn đề tồn tại và mới nảy sinh trên biển, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, ổn định. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, xu hướng hợp tác và đấu tranh đan xen, công tác giáo dục, tuyên truyền của Vùng nhằm xây dựng cho bộ đội quyết tâm, trách nhiệm trong hoạt động đối ngoại quân sự, tuần tra chung; đồng thời, nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần cảnh giác cao, chủ động đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc, hành động hòng phá hoại mối quan hệ giữa nước ta với các nước láng giềng.

Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị cả về lực lượng, phương tiện, kế hoạch tuần tra và công tác bảo đảm các mặt. Trong đó, công tác chuẩn bị lực lượng làm nhiệm vụ đối ngoại quân sự, tuần tra chung phải đi trước một bước và được tổ chức chặt chẽ ở tất cả các khâu, như: rà soát, điều chỉnh quân số; thống nhất phương án, đối sách xử lý tình huống xảy ra; lựa chọn cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và tổ chức tập huấn bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết, v.v. Quá trình thực hiện, Vùng chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quân sự, tuần tra chung những nội dung về “Quy chế tuần tra chung”; truyền thống, phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của mỗi nước cũng như trình độ ngoại ngữ, tin học và những quy định về nghi thức ngoại giao. Bên cạnh đó, các đơn vị coi trọng công tác bảo đảm thông tin liên lạc và hậu cần, kỹ thuật cho nhiệm vụ tuần tra chung của Vùng, nhất là tổ chức tốt hệ thống ra-đa quan sát, dẫn đường, thường xuyên thông báo vị trí hoạt động của tàu ta và các đối tác trên biển, bảo đảm an toàn tuyệt đối khi cơ động và xử trí tình huống, nhất là trong điều kiện thời tiết phức tạp.

Trên cơ sở làm tốt công tác chuẩn bị, Vùng chủ động phối hợp với từng bên nâng cao chất lượng, hiệu quả luyện tập và thực hành xử trí tình huống trong quá trình tuần tra, nhằm tăng cường hiểu biết, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nâng cao khả năng đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển. Trong phối hợp luyện tập, cùng với thực hiện tốt các nội dung: phối hợp tìm kiếm cứu nạn, chống cháy, chống chìm, cơ động đội hình, thông tin vô tuyến điện và tín hiệu nhận biết bằng cờ hiệu, cờ tay, ánh đèn,… Vùng tích cực phối hợp với từng bên, triển khai các nội dung mới, như: thủ tục lên tàu kiểm tra, hành động chào nhau trên biển, luyện tập chống cướp biển và xâm nhập trái phép cùng các kỹ năng về bảo đảm an toàn hàng hải, tạo cơ sở mở ra các hướng hợp tác mới. Ngoài ra, Vùng chủ động duy trì chặt chẽ Văn phòng thường trực phối hợp với các lực lượng và cơ quan chức năng của mỗi bên trong trao đổi thông tin, thống nhất phương án xử lý các vụ vi phạm pháp luật của công dân trên biển, nhất là trên vùng nước lịch sử (với Cam-pu-chia) và vùng biển giáp gianh với các nước, góp phần giữ vững an ninh, trật tự và môi trường hòa bình trên vùng biển được giao.

Cùng với phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng tuần tra chung của từng bên, Vùng coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm sau mỗi chuyến tuần tra chung với đối tác, nhằm rút ra nguyên nhân mạnh, yếu để cùng nhau khắc phục. Thông qua các hội nghị thường niên và luân phiên với Căn cứ Biển Hải quân Hoàng gia Cam-pu-chia, Vùng tăng cường trao đổi, bàn bạc và thống nhất về nội dung, phương thức và cách tiến hành các hoạt động liên quan đến công tác tuần tra, nhất là cách thức thông tin, phối hợp trong xử lý các tình huống cả thường xuyên và đột xuất. Để nâng cao chất lượng công tác này, thời gian tới, Vùng chủ trương phối hợp mở rộng thành phần của Hội nghị rút kinh nghiệm, gồm: các đơn vị Hải quân đánh bộ, Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư, Hải quan, Quân sự và chính quyền địa phương có liên quan của hai bên tham gia (do Căn cứ Biển Hải quân Hoàng Cam-pu-chia và Vùng 5 Hải quân luân phiên chủ trì), nhằm tìm biện pháp tối ưu, tạo sự phối hợp toàn diện trong bảo đảm an ninh, trật tự và sự ổn định trên biển, nhất là ở vùng nước lịch sử và vùng biển giáp ranh hai nước. Quá trình thực hiện, Vùng chú trọng tổ chức đan xen các hoạt động giao lưu hữu nghị, như: hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, khám chữa bệnh, thăm quan các đơn vị hải quân của nhau,… nhằm trao đổi kinh nghiệm trong tuần tra chung cũng như kinh nghiệm trong huấn luyện và đào tạo, kỹ năng đi biển dài ngày và cơ động xử trí tình huống, v.v. Qua đó, tăng cường tình hữu nghị, sự tin cậy về chính trị, tạo nền tảng đưa quan hệ giữa Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng, Quân đội ta nói chung với hải quân và quân đội các nước láng giềng có chung vùng biển lên tầm cao mới.

Chuẩn Đô đốc DOÃN VĂN SỞ, Tư lệnh Vùng

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.