QPTD -Thứ Hai, 22/05/2023, 08:29 (GMT+7)
Vùng 2 Hải quân đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển

Thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển; góp phần đấu tranh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Những năm qua, cùng với tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, Vùng 2 Hải quân chú trọng thực hiện tốt Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”; giúp đỡ, bảo vệ ngư dân đánh bắt cá hợp pháp ở vùng biển, đảo xa bờ, nhất là khu vực giáp ranh với nước ngoài; kiên trì, tận tâm, kịp thời, hiệu quả trong tìm kiếm, cứu nạn khi có tình huống xảy ra trên biển. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, phức tạp, có tính xuyên suốt và được Vùng xác định là mệnh lệnh chiến đấu trong thời bình; thực sự là chỗ dựa tin cậy, vững chắc và đồng hành cùng ngư dân trong những chuyến khai thác dài ngày trên biển. Qua đó, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, lực lượng, địa phương và nhân dân trên địa bàn trong thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ máu thịt quân dân; củng cố, xây dựng tiềm lực cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới, để tiếp tục đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện cụ thể, chặt chẽ Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của trên về thực hiện Chương trình quan trọng này, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng và cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục cụ thể hóa thành chủ trương, biện pháp trong nghị quyết lãnh đạo thường kỳ và kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp với nhiệm vụ, địa bàn hoạt động. Trên cơ sở đó, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy phương pháp, cách làm phù hợp; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, giúp đỡ các đơn vị chuyên trách đồng hành cùng ngư dân thực hiện chặt chẽ, đạt kết quả cao. Định kỳ, Vùng tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, phát hiện, xây dựng, nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả.

Đẩy mạnh tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; ý thức chấp hành pháp luật trong đánh bắt hải sản là một nội dung quan trọng, thường xuyên và lâu dài; góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, ngư dân, sinh viên, học sinh về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Theo đó, Vùng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị xây dựng và ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền biển, đảo; thu hút nguồn nhân lực để thực hiện Chương trình; nhất là phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội Biên phòng, Vùng Cảnh sát biển 3 và Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố trên địa bàn tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về tình hình biển, đảo Việt Nam; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong quản lý, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và giải quyết bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông; Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); các Hiệp định phân định trên biển mà Việt Nam đã ký với các nước trong khu vực; những chứng cứ lịch sử, pháp lý, thực tiễn khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Để góp phần gỡ thẻ vàng của EU đối với khai thác hải sản của Việt Nam, Vùng đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân về Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Thủy sản năm 2017; Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)”, v.v. Qua đó, giúp ngư dân thực hiện khai thác thủy, hải sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật trên các vùng biển của nước ta, không vi phạm các vùng biển của nước ngoài. Đồng thời, thông báo vị trí các âu tàu, làng chài, Trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật trên biển của Hải quân; hướng dẫn liên lạc qua các đài canh của Hải quân Việt Nam để ngư dân liên hệ khi cần sự giúp đỡ; hướng dẫn xử trí một số tình huống sơ cứu, cấp cứu khi bị nạn hoặc trong trường hợp gặp máy bay, tàu ngầm, tàu chiến đấu của nước ngoài.

Quá trình tổ chức thực hiện Chương trình, Vùng yêu cầu các cơ quan, đơn vị vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Căn cứ vào kế hoạch tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị chuyên trách phải trực tiếp chuẩn bị nội dung, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên; thành lập các các tổ, nhóm theo chức năng, nhiệm vụ đến các địa phương trực tiếp tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân, ngư dân,... tại các làng chài, cảng cá. Đối với ngư dân hoạt động trên biển, các tàu khi thực hiện nhiệm vụ, căn cứ tình hình thực tiễn gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp hoặc thông qua các kênh máy nghề cá, phát tờ rơi về pháp luật,... để tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm pháp luật Nhà nước1. Cùng với đó, chủ động phối hợp, mời cơ quan báo chí của Trung ương và Quân đội, các tỉnh, thành phố trên địa bàn,... tham gia đưa tin các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân của cán bộ, chiến sĩ2.

Hiện nay, Vùng quản lý toàn bộ khu vực Nhà giàn DK1, vùng biển giáp ranh với các nước: Inđônêsia và Malaysia, nơi diễn ra sôi động các hoạt động đánh bắt hải sản của tàu cá nước ta và nước ngoài, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự, an toàn trên biển, cũng như các vi phạm về đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn với bảo vệ an ninh, an toàn cho ngư dân vươn khơi khai thác, đánh bắt hải sản hợp pháp. Trước hết, để khắc phục tình trạng nhiều tàu cá ngư dân thiếu giấy tờ theo quy định, chưa đảm bảo an toàn hàng hải; chưa gắn hoặc vi phạm về gắn định vị hải trình; tàu đánh bắt cá tự do, vi phạm vùng biển nước ngoài,… Vùng tiếp tục phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng: Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, chi cục thủy sản các tỉnh, thành phố,… trao đổi về tình hình chấp hành pháp luật của tàu cá đang khai thác trên vùng biển do Đơn vị quản lý; vận động chủ tàu gắn định vị hải trình, kiểm tra an toàn các loại tàu cá; trao đổi, tra cứu, kịp thời phát hiện tàu lạ, tàu không theo quản lý của địa phương. Đồng thời, tổ chức các lực lượng, tàu trực, tuần tra, kiểm soát trên vùng biển được phân công; kết hợp chặt chẽ hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo với chú trọng bảo vệ ngư trường tại khu vực biển giáp ranh với nước ngoài, sẵn sàng tăng cường lực lượng và tàu khi có tình huống. Tăng cường kiểm tra, phát hiện tàu cá khai thác trong vùng biển chủ quyền nhưng gần sát đường phân định, tiếp cận tuyên truyền, ngăn chặn; nếu cố tình vi phạm kiên quyết xử lý theo quy định, bảo đảm không có tàu cá của ta vi phạm vùng biển nước ngoài3.

Cùng với đó, Vùng thực hiện tốt các hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Xác định nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, “mệnh lệnh từ trái tim”, cán bộ, chiến sĩ các tàu luôn xây dựng ý chí quyết tâm cao, không quản khó khăn, gian khổ, trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn ngư dân gặp nạn trên biển, xung kích bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước, các tổ chức và nhân dân. Để đạt hiệu quả thiết thực, các cơ quan, đơn vị tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với đơn vị bạn, địa phương tổ chức xây dựng các phương án; rà soát, bổ sung kế hoạch hiệp đồng, triển khai tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn phù hợp với khả năng lực lượng, phương tiện trong biên chế, đặc thù vùng biển, đảo. Đồng thời, tăng cường phối hợp huấn luyện, luyện tập, diễn tập phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn theo kế hoạch đã xác định nhằm xử lý hiệu quả các tình huống. Cùng với đó, các tàu chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cứu hộ, cứu nạn tại bến; duy trì nghiêm các kíp trực, sẵn sàng nhận, triển khai cơ động được ngay; kết hợp chặt chẽ hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn với quan tâm hỗ trợ về lương thực, nước ngọt, thuốc men, xăng dầu, sửa chữa tàu,… cho ngư dân; trở thành người bạn đồng hành để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, khai thác hải sản đạt hiệu quả cao, cùng với các lực lượng khẳng định và bảo vệ ngư trường truyền thống. Bên cạnh đó, thường xuyên tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin do ngư dân cung cấp, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên vùng biển được phân công quản lý4.

Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, lực lượng, địa phương và toàn dân; trong đó, ngư dân có vai trò quan trọng. Với nhận thức, trách nhiệm và tình yêu biển, đảo, cùng với không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đồng hành cùng ngư dân vươn khơi khai thác thủy, hải sản hợp pháp, an toàn, bền vững; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cùng các cấp, ngành, địa phương bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá VŨ ANH TUẤN, Chính ủy Vùng
______________

1 - Từ năm 2020 đến nay, Vùng đã tuyên truyền được trên 10.000 lần, hơn 6.000 tàu cá, gần 23.000 lượt ngư dân.

2 - Từ năm 2020 đến nay, hơn 800 tin, bài, phóng sự về thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” giữa Vùng với các tỉnh, thành phố được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3 - Từ năm 2020 đến nay, tuyên truyền, ngăn cản được hơn 900 lượt tàu cá không vi phạm vùng biển nước ngoài; đàm phán và giải cứu được 10 vụ/12 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ đưa về vùng biển Việt Nam và bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý, đảm bảo an toàn.

4 - Từ năm 2020 đến nay, ngư dân trên khu vực biển Vùng quản lý đã phát hiện hơn 300 mục tiêu các loại, chủ yếu là tàu quân sự, tàu chấp pháp của nước ngoài, kịp thời thông báo, nắm, giúp các lực lượng theo dõi hành động, xử lý tốt các tình huống, bảo đảm an toàn các hoạt động kinh tế, quân sự của ta trên biển.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.