QPTD -Thứ Năm, 11/06/2020, 14:35 (GMT+7)
Vĩnh Phúc tập trung lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh

Phát huy truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang Vĩnh Phúc, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang Tỉnh vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao.

Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập ngày 12/02/1950. Thực hiện chủ trương “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, đẩy mạnh xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng vũ trang địa phương nói riêng, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Trung ương Đảng và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Bắc (nay là Quân khu 2), ngày 13/6/1950, Tiểu đoàn 64 (đơn vị tiền thân của lực lượng vũ trang Tỉnh) được thành lập. Ngay sau khi thành lập, Tiểu đoàn đã ra quân đánh thắng trận đầu, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đồn Sơn Kiệu.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang Vĩnh Phúc bí mật xây dựng cơ sở kháng chiến trong lòng dân, mở rộng khu du kích, phát triển lực lượng1, mưu trí, dũng cảm, kiên cường chiến đấu bảo vệ địa phương; phục vụ và trực tiếp chiến đấu cùng với bộ đội chủ lực trong các chiến dịch: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Điện Biên Phủ, v.v. Tỉnh đã chỉ đạo lực lượng vũ trang đánh 6.122 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt 15.887 tên địch, phá hủy và làm hư hỏng 285 xe quân sự, diệt 209 đồn bốt, tháp canh, thu 17.303 khẩu súng, pháo, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Vĩnh Phúc đã đóng góp 12 vạn thanh niên lên đường tham gia chiến đấu, gần 04 nghìn thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường và cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, trong 2 lần chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, quân và dân Vĩnh Phúc đã phối hợp với lực lượng Phòng không - Không quân đánh 783 trận, bắn rơi 120 máy bay địch (trong đó có 2 pháo đài bay B52 và 1 chiếc F111). Đất nước thống nhất, nhiều con em quê hương Vĩnh Phúc đã tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, góp phần cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Bước vào thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được nhân dân các dân tộc trong tỉnh đùm bọc, giúp đỡ, lực lượng vũ trang Vĩnh Phúc đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, làm nòng cốt trong xây dựng, bảo vệ địa bàn; không ngừng củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhanh và bền vững2. Ghi nhận sự cống hiến và hy sinh to lớn của các thế hệ quân và dân Vĩnh Phúc trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà Nước, Quân đội đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý3, góp phần cổ vũ, động viên lực lượng vũ trang và nhân dân trong Tỉnh tiếp tục vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự
và xây dựng Đảng bộ

Thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có những phát triển mới, đòi hỏi Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh phải tiếp tục quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng về quân sự, quốc phòng, trên cơ sở đó triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác; trong đó, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống là nội dung quan trọng.

Trước hết, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đây là tiền đề quan trọng để lực lượng vũ trang hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Cơ quan Quân sự phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, phổ biến pháp luật; tăng cường thông tin tuyên truyền về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với phong trào Thi đua yêu nước của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp xây dựng Đảng bộ Quân sự Tỉnh, thành phố, các huyện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và chất lượng đội ngũ đảng viên; đột phá nâng cao năng lực quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương, Quân ủy Trung ương về công tác xây dựng Đảng và chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức vững mạnh xuất sắc. Lãnh đạo, chỉ đạo rà soát hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020); tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp trong lực lượng vũ trang, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tiếp tục triển khai chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ trì gắn với chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng các cấp. Để tăng cường sức mạnh lãnh đạo, cấp ủy các cấp trong lực lượng vũ trang chú trọng công tác phát triển đảng viên, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Hai là, tiếp tục kiện toàn tổ chức biên chế, xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng tinh, gọn, mạnh. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 606-NQ/QUTW, ngày 16/6/2018 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo triển khai Kết luận 16-KL/TW, ngày 07/7/2017 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021 và Quyết định của Bộ Tư lệnh Quân khu 2 về tổ chức lực lượng năm 2020, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, cơ cấu hợp lý, cân đối giữa lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, biên chế vũ khí, trang bị, cách đánh sở trường và thế trận khu vực phòng thủ của Tỉnh. Tiếp tục xây dựng lực lượng thường trực theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, chủ động rà soát, điều chỉnh tổ chức biên chế, bảo đảm quân số các cơ quan, đơn vị, ưu tiên các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; tổ chức giải thể, sáp nhập một số cơ quan, đơn vị, nhất là Trường Quân sự Tỉnh, Trung đoàn khung thường trực theo Đề án tổng thể của Bộ Quốc phòng; giải quyết quân số dôi dư biên chế ở các cơ quan, đơn vị. Quá trình thực hiện, phải tổ chức chặt chẽ, thận trọng, đúng quy trình; lấy việc phát huy trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ và nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang làm mục tiêu cao nhất; kết hợp làm tốt công tác tư tưởng, chính sách để không ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với xây dựng lực lượng thường trực, tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng cao; tổ chức biên chế chặt chẽ, phù hợp với đặc điểm địa bàn, dân số; chú trọng tính toán các chế độ tiền lương, chính sách, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Xây dựng lực lượng dự bị động viên “hùng hậu”, chất lượng cao, chuẩn bị tốt các kế hoạch, phương án, tổ chức đăng ký, quản lý chặt chẽ quân nhân dự bị, phương tiện của nền kinh tế, sẵn sàng động viên vào các đơn vị thường trực khi cần thiết. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Quân sự với lực lượng Công an theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.

Ba là, đẩy mạnh huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Quân khu về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhất là Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18/01/2019 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, ngày 20/12/2012 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo, Chỉ lệnh công tác quốc phòng, quân sự của Tư lệnh Quân khu, cấp ủy các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa thành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ quan trọng này, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị và triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả.

Đối với lực lượng thường trực, tập trung huấn luyện, diễn tập bảo đảm cho bộ đội tinh nhuệ về chính trị và chuyên môn quân sự, có khả năng tác chiến độc lập và tác chiến phối hợp với bộ đội chủ lực, nhất là lực lượng cơ động của Quân khu, của Bộ tác chiến trong khu vực phòng thủ Tỉnh. Kết hợp huấn luyện, diễn tập với nâng cao năng lực tham mưu, thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cho cơ quan quân sự các cấp; chú trọng huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị hiện có, huấn luyện cơ động, huấn luyện chiến thuật phân đội theo các phương án, nhất là phương án chống bạo loạn lật đổ, phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, v.v. Đối với lực lượng dân quân tự vệ, tiếp tục rà soát, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn và phát triển lực lượng tự vệ ở các công ty, xí nghiệp. Đẩy mạnh huấn luyện, diễn tập, nâng cao khả năng phối hợp hoạt động trong khu vực phòng thủ, trọng tâm là phối hợp giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống dịch bệnh và xử lý các tình huống thiên tai, thảm họa, cháy nổ; bảo đảm cho lực lượng này thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đối với lực lượng dự bị động viên, tổ chức huấn luyện, diễn tập đầy đủ theo nội dung, chương trình quy định của Pháp lệnh Lực lượng Dự bị động viên (sắp tới là Luật Dự bị động viên); chủ động xây dựng các kế hoạch động viên lực lượng, phương tiện, sẵn sàng bàn giao cho các đơn vị thường trực trong diễn tập khu vực phòng thủ các cấp và tình huống động viên quốc phòng.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng rèn luyện chính quy, chấp hành kỷ luật, thực hiện nghiêm “Năm kỷ luật, kỷ cương 2020” trong Quân đội, Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang Tỉnh vững về chính trị, mạnh về quân sự, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

HOÀNG THỊ THÚY LAN, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
_________________    

1 - Đến tháng 6/1952, toàn Tỉnh đã có 68 tổ chức vũ trang, với 1.950 cán bộ, chiến sĩ du kích (trong đó có 1/3 là đảng viên).

2 - Năm 2019, kinh tế tăng trưởng 8,05% so với năm 2018, tổng thu ngân sách đạt 34.946 tỷ đồng, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao.

3 - Lực lượng vũ trang và 72 đơn vị, 23 cá nhân trong Tỉnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; trên 26 nghìn lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương, Huy chương và các phần thưởng khác, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.