Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:09 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
“Hướng mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong những ngành, những lĩnh vực then chốt, mũi nhọn”1 là một chủ trương lớn của Đảng. Theo định hướng đó, Viện Ứng dụng Công nghệtích cực nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh.
Viện Ứng dụng Công nghệ2 (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) là một tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ (KH,CN) liên ngành, đa lĩnh vực; trong đó, trọng tâm là nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào sản xuất và đời sống các công nghệ cao, công nghệ mới thuộc các lĩnh vực: quang điện tử, laser, hồng ngoại, vi điện tử, tin học, vật liệu và sinh học. Đồng thời, tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế về KH,CN và thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ giao. Với chức năng, nhiệm vụ đó, Viện Ứng dụng Công nghệ có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp CNH,HĐH đất nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh (QP-AN) bảo vệ Tổ quốc.
Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Ứng dụng Công nghệ luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tập trung đổi mới toàn diện, kiện toàn tổ chức biên chế và mô hình hoạt động; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư mua sắm trang thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ nghiên cứu KH,CN; tăng cường hợp tác quốc tế về KH,CN; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào đời sống xã hội. Đặc biệt, Viện đã nghiên cứu, triển khai ứng dụng thành công nhiều đề tài, dự án KH,CN đa ngành, trọng điểm, tạo ra những sản phẩm “mũi nhọn” mang tính lưỡng dụng cao, phục vụ thiết thực nhu cầu phát triển KT-XH và nhiệm vụ QP-AN.
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển KT-XH, Viện đã có bước phát triển vượt bậc trong nghiên cứu và triển khai ứng dụng KH,CN trong các lĩnh vực truyền thống, như: nghiên cứu, sản xuất thử và triển khai các chế phẩm sinh học phục vụ nuôi, trồng thủy, hải sản; nghiên cứu các sản phẩm phần mềm tin học phục vụ công tác quản lý và một số sản phẩm điện tử y tế, công nghiệp. Nổi bật là: Dự án ứng dụng công nghệ laser, bằng phương pháp quang động học trong điều trị ung thư; nghiên cứu sản xuất băng vải carbon, tấm vá hộp sọ, nẹp kết hợp xương; tư vấn và kết nối Viện Bỏng quốc gia, Học viện Quân y với Viện Ngoại khoa quốc gia Nga (Vi-nhep-xki) để đưa “công nghệ nuôi cấy mô bào sợi” vào điều trị bỏng và các vết thương; Dự án sản xuất thử nghiệm các thiết bị sấy, bảo quản nông sản…
Hoạt động nghiên cứu KH,CN phục vụ nhiệm vụ QP-AN là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Viện xác định ngay từ khi mới thành lập. Xuất phát từ tình hình trong nước, thế giới và nhu cầu của quốc phòng đối với KH,CN trên các lĩnh vực:vật lý kỹ thuật, công nghệ thông tin và vật liệu; việc triển khai ứng dụng các thành tựu KH,CN hiện đại (đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao) vào lĩnh vực QP-AN đã và đang làm biến đổi về chất đối với tính năng của vũ khí, khí tài quân sự hiện đại… Sự biến đổi đó đang diễn ra theo ba hướng: nghiên cứu cải tiến, nâng cấp vũ khí, trang bị; nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí, trang bị có hàm lượng công nghệ cao; chế tạo các trang thiết bị mô phỏng hiện đại phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho quân đội. Nắm bắt những nhu cầu đó, trên cơ sở định hướng nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Quốc phòng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ, Viện đã hợp tác chặt chẽ với các học viện, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng (Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Binh chủng Tăng thiết giáp, Binh chủng Đặc công, Cục Quân huấn, Cục Nhà trường…), chủ trì nghiên cứu ứng dụng thành công nhiều công trình, dự án KH,CN trọng điểm, như: công nghệ xử lý và thu bức xạ hồng ngoại bằng các linh kiện quang - điện tử thế hệ mới; Dự án ứng dụng công nghệ laser và hồng ngoại phục vụ nhiệm vụ QP-AN (các hệ thống quang truyền hình vùng cận hồng ngoại và hồng ngoại khoảng cách lớn). Hiện nay, các sản phẩm thuộc các lĩnh vực công nghệ vi điện tử, quang - điện tử, vật liệu tổ hợp carbon đã được chế tạo và triển khai phục vụ nhiệm vụ QP-AN. Trong đó, Viện đã chuyển giao công nghệ vi điện tử và công nghệ quang - điện tử, như: công nghệ chế tạo gương từ ZrN cho tên lửa tự dẫn hồng ngoại; quy trình công nghệ chế tạo xuồng dã chiến; hệ thống quan sát tầm xa, đo xa laser, chụp ảnh đêm đồng bộ; thiết bị kiểm tra, hiệu chỉnh các loại quan sát đêm; hệ thống thông tin vô tuyến sóng ngắn chuyên dùng,… cho các đơn vị quân đội và công an.
Cải tiến, nâng cấp trang thiết bị, khí tài quân sự thuộc lĩnh vực quang - điện tử là một trong những thế mạnh của Viện. Trước thực trạng các trang thiết bị, khí tài, các cụm vật tư, linh kiện điện tử trong thiết bị quân sự đã qua sử dụng nhiều năm, nên nhiều chi tiết, linh kiện quang học bị giảm chất lượng, xuống cấp, hỏng hóc, lạc hậu… Để đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của bộ đội, thì việc nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật quân sự từ trong nước luôn là một nhiệm vụ cấp bách được đặt ra. Viện đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu hợp tác chặt chẽ với Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu chế tạo thành công hệ thống quang truyền hình cận hồng ngoại chất lượng cao, có khả năng quan sát và bám, bắt các mục tiêu di động trên không ở cự ly xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp. Hệ thống này đã được ứng dụng trong các đợt diễn tập bắn đạn thật của Quân chủng đạt kết quả cao, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Thực hiện chủ trương của Viện, các phòng thí nghiệm đang nghiên cứu triển khai ứng dụng hệ thống tự động hóa bắn đêm cho pháo cao xạ… Trung tâm Vật liệu phối hợp với Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu ứng dụng công nghệ vật liệu mới chế tạo vỏ xuồng, tầu đổ bộ bằng đệm không khí và thủy phi cơ để trang bị cho Bộ đội Hải quân; nghiên cứu ứng dụng thiết bị xử lý tín hiệu thủy âm, định vị, bắt mục tiêu trong môi trường nước và hệ thống thông tin tốc độ cao phục vụ phát triển KT-XH, QP-AN.
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá tính đặc thù, yêu cầu cao của nhiệm vụ huấn luyện quân sự, Viện đã phối hợp với Cục Quân huấn, Cục Nhà trường (Bộ Tổng tham mưu) đầu tư, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thu và xử lý tín hiệu hồng ngoại, công nghệ thông tin với phần mềm chuyên dụng ghi nhận, lưu trữ hình ảnh, chế tạo thành công một số thiết bị phục vụ tập bắn, thiết bị tạo giả âm thanh các loại hỏa lực và chuyển giao trang bị cho các đơn vị quân đội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, huấn luyện bộ đội, sát thực tế chiến đấu, an toàn, tiết kiệm. Viện đang phối hợp với Binh chủng Tăng thiết giáp, Học viện Kỹ thuật Quân sự, xây dựng hệ thống mô phỏng, trường bắn ảo phục vụ công tác huấn luyện.
Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Viện coi trọng tổ chức quy hoạch, xây dựng đội ngũ các nhà khoa học, kỹ sư trẻ có trình độ chuyên môn cao, huy động họ nghiên cứu các dự án mang tính đột phá, như: ứng dụng nhiệt năng từ mặt trời, địa nhiệt vào chế tạo các hệ thống thu nước sạch từ không khí; lọc nước ngọt từ nước biển, nước nhiễm mặn, nhiễm bẩn; điều hòa không khí… Các công trình đó bước đầu đã thu được kết quả rất khả quan, có triển vọng và khả năng ứng dụng cao vào phục vụ đời sống dân sinh, QP-AN ở những vùng khó khăn, khắc nghiệt, vùng cao, biên giới, đảo xa. Và đây cũng là một giải pháp tích cực phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu ở nước ta trong tương lai. Những kết quả đó khẳng định uy tín và vị thế của Viện trong nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH và QP-AN.
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm là nghiên cứu triển khai ứng dụng và chuyển giao các sản phẩm công nghệ, Đảng ủy, lãnh đạo Viện Ứng dụng Công nghệ luôn quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định 119/2004/NĐ-CP của Chính phủ, các chỉ thị, văn bản hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; trên cơ sở đó, Viện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện. Theo đó, hằng năm, Ban Chỉ huy Quân sự Viện rà soát, phân loại đối tượng, xây dựng kế hoạch gửi cán bộ đi dự các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN do trên tổ chức và trực tiếp tổ chức giáo dục QP-AN cho cán bộ, công nhân viên; thực hiện tốt công tác đăng ký, khám tuyển nghĩa vụ quân sự, đăng ký nguồn quân nhân dự bị và các phương tiện kỹ thuật, sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ quốc phòng. Lực lượng tự vệ của Viện được tổ chức xây dựng, huấn luyện quân sự theo đúng quy định. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong Viện luôn nhận thức rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Những kết quả nói trên có ý nghĩa hết sức quan trọng: khẳng định chiến lược phát triển của Viện trong tiến trình đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước là hoàn toàn đúng đắn. Điều đó còn tạo động lực để Viện tiếp tục đổi mới toàn diện về cơ cấu, mô hình hoạt động; không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, chuyển giao sản phẩm gắn với xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường hợp tác quốc tế về KH,CN... phấn đấu trở thành một tổ chức KH,CN ứng dụng ngang tầm với các tổ chức KH,CN tiên tiến trong khu vực và quốc tế, hoạt động theo hướng một tổ hợp khoa học - công nghệ - kinh tế vào năm 2020, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
TS. TRẦN XUÂN HỒNG
Viện trưởng
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 220.
2 - Tiền thân là Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia, thành lập ngày 16-10-1984.
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng