Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:26 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25-9-1992, tại kỳ họp thứ nhất khoá IX (1992-1997), Quốc hội đã quyết định thành lập Ủy ban Quốc phòng và An ninh. 20 năm qua, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, phục vụ đắc lực công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng vũ trang.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP-AN) của Quốc hội có chức năng thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực QP-AN và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ (UBTV) Quốc hội giao; giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTV Quốc hội thuộc lĩnh vực QP-AN; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ QP-AN; giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các vấn đề về chính sách QP-AN, những biện pháp cần thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và UBTV Quốc hội trong lĩnh vực QP-AN.
Khi mới thành lập, Ủy ban có 21 thành viên, Chủ nhiệm Ủy ban do một Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm, các Phó Chủ nhiệm và toàn bộ thành viên Ủy ban hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Qua mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, Ủy ban ngày càng phát triển. Đến nay (nhiệm kỳ khoá XIII), số lượng thành viên Ủy ban đã lên tới 36 người, gồm: 18 sĩ quan quân đội, 11 sĩ quan công an và 7 người thuộc các cơ quan dân chính, đảng ở Trung ương và địa phương. Tổ chức Ủy ban gồm: Chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm, các ủy viên, Thường trực Ủy ban và các tiểu ban (Tiểu ban Quốc phòng, Tiểu ban An ninh, Tiểu ban Trật tự an toàn xã hội, Tiểu ban kết hợp kinh tế với QP-AN và đối ngoại, theo Nghị quyết số 146/NQ-UBQPAN13, ngày 14-11-2011). Thường trực Ủy ban bao gồm Chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm và các ủy viên Ủy ban là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương.
Ủy ban QP-AN thành lập muộn nhất so với các ủy ban khác của Quốc hội; do đó, không có được sự kế thừa kinh nghiệm hoạt động của các thế hệ tiền nhiệm; điều kiện đảm bảo cho thành viên Ủy ban hoạt động còn khó khăn. Lĩnh vực QP-AN vốn có tính đặc thù, nhạy cảm, phạm vi rộng lớn, nhiều thông tin cần bảo mật, trong khi đó hoạt động của Quốc hội ngày càng mở rộng dân chủ, công khai, thành phần đại biểu Quốc hội lại bao gồm đại diện của hầu hết các tầng lớp trong xã hội… Trước tình hình đó, Ủy ban đã triển khai thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật với tinh thần chủ động, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước đưa hoạt động của Ủy ban đi vào nền nếp, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nổi lên một số mặt sau:
Thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác thuộc lĩnh vực Ủy ban QP-AN phụ trách luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm; được tiến hành theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục do luật định, có nền nếp, chất lượng và hiệu quả, góp phần tích cực vào hoạt động lập pháp của Quốc hội trong thời kỳ đổi mới. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và sự phân công của UBTV Quốc hội, Ủy ban QP-AN đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, phân công thành viên Thường trực Ủy ban đảm nhiệm từng dự án, huy động sự tham gia của tập thể Ủy ban, sự phối hợp của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khác cũng như các chuyên gia về lĩnh vực lập pháp. Hoạt động thẩm tra của Ủy ban luôn bám sát quy định tại Điều 43, 44 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định khác của pháp luật, do đó đã bảo đảm thực hiện đúng trình tự, thủ tục. Hầu hết các dự án đều kết hợp 2 phương thức: thẩm tra sơ bộ tại phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng và thẩm tra chính thức tại phiên họp toàn thể Ủy ban. Trong hoạt động thẩm tra, Ủy ban luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn xây dựng, chắt lọc ý kiến góp ý và chủ động phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan; chú trọng xem xét sự phù hợp của nội dung dự án luật, pháp lệnh với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự án. Nhờ đó, các dự án được xem xét khá toàn diện, sâu sắc; các báo cáo thẩm tra luôn bảo đảm chất lượng, phản ánh đầy đủ các ý kiến của các thành viên và đại diện các cơ quan hữu quan, đặt ra nhiều vấn đề, kiến nghị nhiều nội dung xác đáng để Quốc hội, UBTV Quốc hội xem xét.
Quá trình tổng hợp ý kiến, nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự án được thực hiện công phu, có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và Thường trực Ủy ban Pháp luật; được xem xét toàn diện và cân nhắc thận trọng, bảo đảm phương châm “tổng hợp đầy đủ, tiếp thu tối đa, giải trình thuyết phục”. Do đó, các dự án do Ủy ban chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý đều được Quốc hội, UBTV Quốc hội biểu quyết thông qua với số phiếu cao.
Hoạt động phối hợp thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác cũng được chú trọng hơn. Hoạt động thẩm tra của Ủy ban đã góp phần quan trọng trong việc thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực QP-AN trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Có thể thấy, từ năm 1959 (thời điểm Quốc hội ban hành Luật về chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam) đến năm 1991, hệ thống văn bản pháp luật về QP-AN mới chỉ có 2 đạo luật và 5 pháp lệnh. Nhưng từ năm 1992, khi Ủy ban QP-AN được thành lập, đảm nhiệm vai trò cơ quan thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh về lĩnh vực QP-AN cho đến nay, tổng số văn bản luật, pháp lệnh được ban hành đã tăng lên gấp ba lần (10 luật và 18 pháp lệnh, chưa kể số văn bản luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực khác có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng liên quan đến QP-AN). Những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, có tính chất nền tảng đối với lĩnh vực này đã được ban hành, như: Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Biên giới quốc gia, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, Luật Công an nhân dân (CAND), Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, Pháp lệnh Công an xã, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam… Ngoài ra, Ủy ban còn phối hợp thẩm tra nhiều dự án luật, pháp lệnh và các dự án công trình trọng điểm quốc gia có liên quan đến QP-AN do Hội đồng dân tộc và các ủy ban khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra.
Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTV Quốc hội và giám sát ban hành văn bản thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách có tiến bộ cả về nội dung, hình thức tiến hành; chất lượng, hiệu quả được nâng lên, tính hình thức từng bước được khắc phục. Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban đã tổ chức các phiên họp toàn thể để xem xét báo cáo định kỳ của Bộ Quốc phòng (BQP), Bộ Công an (BCA) về kết quả thực hiện nhiệm vụ QP-AN; kết quả thực hiện ngân sách QP-AN; tổ chức Đoàn giám sát và xem xét báo cáo của BQP, BCA, các bộ, ngành hữu quan, báo cáo của các đoàn giám sát về các nội dung liên quan đến QP-AN; tổ chức tiếp nhận, nghiên cứu, xem xét các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực QP-AN; xem xét báo cáo và đánh giá kết quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật liên quan đến QP-AN. Các hoạt động giám sát của Ủy ban được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội. Hoạt động giám sát được chuẩn bị chu đáo, phù hợp với chương trình hoạt động của Quốc hội, UBTV Quốc hội. Các nội dung giám sát nhìn chung đều là những vấn đề bức xúc, được dư luận quan tâm, đáp ứng yêu cầu của cử tri. Các đoàn giám sát hoạt động tích cực, hiệu quả, bảo đảm nội dung, chương trình đề ra và an toàn tuyệt đối. Chất lượng các hoạt động giám sát được nâng lên, thẳng thắn nêu rõ những yếu kém, khuyết điểm và nguyên nhân, giải pháp khắc phục, đưa ra những kiến nghị sát thực, góp phần quan trọng trong việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật, cơ chế chính sách, thúc đẩy nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Tính trung bình, mỗi nhiệm kỳ, Ủy ban tổ chức từ 80 - 90 đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ giám sát tại các cơ quan, đơn vị và địa phương. Một số vấn đề nổi cộm về QP-AN được thuyết trình trước Quốc hội, như: quản lý nhà nước về an ninh biên giới, biển, đảo; phòng cháy, chữa cháy; trật tự, an toàn giao thông đường bộ; bảo vệ bí mật nhà nước… Những kiến nghị của Ủy ban đã góp phần tham mưu cho Quốc hội, Đảng và Chính phủ kịp thời ban hành những chủ trương, chính sách phù hợp để tăng cường QP-AN, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) “cánh mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.
Hoạt động đối ngoại của Ủy ban QP-AN được triển khai chủ động, tích cực, đã góp phần thúc đẩy và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội nước ta với nghị viện các nước trong khu vực và trên thế giới. Ủy ban QP-AN đã tổ chức đón tiếp và làm việc với nhiều đoàn nghị sĩ của Quốc hội các nước đến thăm Quốc hội Việt Nam; tổ chức mỗi năm từ một đến hai đoàn đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động với cơ quan tương ứng của Quốc hội một số nước, nhất là với các nước bạn bè truyền thống, như: Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Cam-pu-chia. Hoạt động đối ngoại của Ủy ban đã góp phần tích cực vào việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng phấn đấu vì hoà bình, ổn định và phát triển thịnh vượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Để phục vụ tốt hơn nữa công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng LLVT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống” và “Xây dựng QĐND và CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”1; đồng thời, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, trong thời gian tới, Ủy ban QP-AN phấn đấu thực hiện tốt các công tác sau:
- Coi trọng việc quán triệt chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước về thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt là những quan điểm, nguyên tắc, các chủ trương, giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng LLVT nhân dân trong tình hình mới.
- Nắm vững nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban đã được pháp luật quy định; tích cực, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động sát đúng, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp chặt chẽ hoạt động giám sát, kiến nghị với hoạt động thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; kịp thời xin ý kiến lãnh đạo những nội dung phức tạp, còn có ý kiến khác nhau; tích cực tham gia xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra với phương pháp nghiên cứu, xem xét khách quan cụ thể, toàn diện và tầm nhìn xa.
- Phát huy trí tuệ tập thể và của từng thành viên Ủy ban cũng như vai trò trung tâm của Thường trực Ủy ban. Tổ chức tốt hoạt động của các tiểu ban, các đoàn giám sát, khảo sát, phân công đúng người, đúng việc và huy động được sự tham gia tích cực của các thành viên Ủy ban. Làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, tăng cường thảo luận, tranh luận, phát huy dân chủ để nâng cao chất lượng các phiên họp toàn thể Ủy ban. Thực hiện đúng chế độ, nguyên tắc làm việc tập thể và quyết định theo đa số trong các hoạt động của Ủy ban. Tăng cường phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan và các địa phương trong các hoạt động, tăng cường mối quan hệ phối, kết hợp giữa hoạt động của Ủy ban với các cơ quan của Quốc hội, của Đảng, Nhà nước. Chú trọng lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học; xử lý công việc thận trọng, đúng nguyên tắc; tích cực đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban.
- Thường xuyên chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tiểu ban, chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các đơn vị chuyên môn của các cơ quan hữu quan và Văn phòng Quốc hội./.
NGUYỄN KIM KHOA
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
_________
[1]- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr. 233-234
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng