QPTD -Thứ Hai, 15/08/2022, 08:41 (GMT+7)
Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử trong Quân đội

Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử trong Quân đội là nội dung có tính đột phá trong xây dựng nền hành chính quân sự hiện đại. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết hiện nay, góp phần xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung đã, đang là hoạt động phổ biến, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác của từng ngành, lĩnh vực và toàn xã hội. Đặc biệt, trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, ứng dụng công nghệ thông tin được các cơ quan, đơn vị trong toàn quân ngày càng chú trọng, trở thành “phương tiện chủ lực” không thể thiếu trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của người chỉ huy; phương tiện truyền đạt chỉ thị, mệnh lệnh, xử lý, trao đổi thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, bí mật. Không những thế, ứng dụng công nghệ thông tin còn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số trong Quân đội và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết số 30c/2011/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã triển khai Đề án cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, các cơ quan, đơn vị đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các hệ thống: quản lý văn bản, hồ sơ công việc; thư điện tử quân sự; thông tin chỉ đạo điều hành; họp trực tuyến; báo cáo trên mạng chuyên dùng,... tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tiếp cận, làm quen và nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc trên môi trường mạng, giảm tỷ lệ gửi, nhận văn bản giấy, giúp công tác chỉ đạo, điều hành được kịp thời, chính xác và bảo đảm an toàn thông tin. Bộ Quốc phòng đã triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến kết nối với hệ thống một cửa liên thông, từng bước cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, giúp công dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục hành chính do Bộ Quốc phòng quản lý được thuận tiện, dễ dàng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện còn một số hạn chế, bất cập cần phải khắc phục, như: các cấp, nhất là cấp cơ sở chưa thật sự quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành; trình độ về công nghệ thông tin của cán bộ, nhân viên chưa đồng đều; việc sử dụng chữ ký số chưa được triển khai quyết liệt, nên vẫn phải duy trì cả hệ thống gửi, nhận văn bản trên môi trường điện tử và văn bản giấy, làm tăng khối lượng công việc; giải pháp gửi, nhận văn bản mật trên môi trường điện tử đang trong quá trình thử nghiệm, trong khi số lượng văn bản mật của Bộ Quốc phòng chiếm tỷ lệ cao; hệ thống công nghệ thông tin chưa đồng bộ nên việc trao đổi dữ liệu, đối soát dữ liệu giữa các hệ thống chưa thường xuyên; số lượng hồ sơ xử lý trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Quốc phòng trên mạng Internet còn hạn chế, v.v.

Để hiện thực hóa các nội dung, chỉ tiêu được xác định trong mục tiêu, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong Quân đội hiện nay, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nội dung giải pháp sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, nhân viên các cấp, nhất là cấp cơ sở nhận thức đúng về chức năng, nhiệm vụ, mục đích, yêu cầu của việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong từng cơ quan, đơn vị và toàn quân. Để làm được điều đó, các cơ quan, đơn vị cần tập trung quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, các chỉ thị, kế hoạch của Bộ Quốc phòng; trọng tâm là Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 15/7/2021 của Chính phủ; Kế hoạch số 3826/KH-BQP, ngày 28/9/2021 của Bộ Quốc phòng về cải cách hành chính trong Bộ Quốc phòng giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 229/KH-BQP, ngày 24/01/2022 của Bộ Quốc phòng về phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng năm 2022. Trên cơ sở đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, triển khai thực hiện; trong đó, cần coi trọng xây dựng các quy định khai thác, sử dụng mạng an toàn, hiệu quả, sát với đặc điểm, tính chất đặc thù của hoạt động quân sự, quốc phòng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc trong quá trình thực hiện để việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong cải cách hành chính được đồng bộ, đi vào thực chất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực ứng dụng, khai thác công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, nhân viên các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên kiêm nhiệm công nghệ thông tin.

Trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền cần bảo đảm tiến hành thường xuyên, liên tục, triển khai dưới nhiều hình thức; nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng, từng loại hình cơ quan, đơn vị, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, chuyển đổi kịp thời cách thức giải quyết công việc trên môi trường điện tử của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, nhân viên các cấp; trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần gương mẫu, đi đầu, trực tiếp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, từ đó lan tỏa hành động, hình ảnh đến toàn thể cán bộ, nhân viên trong cơ quan, đơn vị.

2. Tiếp tục triển khai các ứng dụng dùng chung trên mạng máy tính quân sự (hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành, thư điện tử quân sự, phần mềm họp trực tuyến,...) đến các đơn vị cơ sở theo phương châm mạng máy tính quân sự triển khai đến đâu thì các ứng dụng triển khai đến đó; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng và triển khai các ứng dụng dùng chung một cách thiết thực, hiệu quả.

Với các ứng dụng đã được triển khai, phải thường xuyên sử dụng; khai thác triệt để hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành, hệ thống thư điện tử quân sự trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận dữ liệu; loại bỏ việc sử dụng USB không an toàn trong trao đổi dữ liệu. Quá trình sử dụng các ứng dụng cũng là quá trình “làm giàu dữ liệu” cho công tác tổng hợp, phân tích, đánh giá, lưu trữ, tra cứu; đồng thời, cũng giúp phát hiện những bất cập, vướng mắc phát sinh để kịp thời cải tiến, nâng cấp các ứng dụng, điều chỉnh, sửa đổi, ban hành mới các quy trình vận hành phù hợp với thực tiễn. Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt việc sử dụng chữ ký số cho các ứng dụng trên mạng máy tính quân sự, mở rộng đối tượng sử dụng chữ ký số, tạo tiền đề cho việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Đồng thời, đẩy nhanh việc thử nghiệm, hoàn thiện giải pháp gửi, nhận và xử lý văn bản mật trên mạng máy tính quân sự để tăng số lượng hồ sơ, văn bản được gửi, nhận và xử lý trên môi trường điện tử, đáp ứng nhanh, kịp thời, hiệu quả và an toàn thông tin.

3. Đẩy mạnh sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến Bộ Quốc phòng trên mạng Internet kết nối với hệ thống một cửa liên thông của Bộ Quốc phòng. Các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan chức năng của Bộ, cơ quan báo chí trong Quân đội cần tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và có chính sách để khuyến khích cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính và các điều kiện bảo đảm, công bố và triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng. Đưa chỉ tiêu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến của bộ phận phụ trách giải quyết thủ tục hành chính vào đánh giá hằng năm. Nghiên cứu, thực hiện thí điểm chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với một số loại hình dịch vụ công trực tuyến tương ứng với một số đối tượng người dân, doanh nghiệp sử dụng phù hợp, khả thi trong tiếp cận, thực hiện dịch vụ. Quá trình thực hiện, cần theo dõi, đo lường, đánh giá, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan, đơn vị để rút kinh nghiệm và kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh dịch vụ quan trọng này.

4. Chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn, các hệ thống kết nối, hệ thống lưu trữ, khai thác, phân tích các cơ sở dữ liệu quốc gia (về dân cư, về tài nguyên môi trường, về y tế,...) phục vụ các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và trong ứng phó tình trạng khẩn cấp. Hạ tầng truyền dẫn, kết nối được coi là huyết mạch; hệ thống lưu trữ là một trong những yếu tố không thể thiếu của hệ thống công nghệ thông tin; do đó, cần phải nghiên cứu, tính toán, quy hoạch, thiết kế tổng thể, đồng bộ và đầu tư một cách bài bản, có lộ trình phù hợp. Xây dựng các quy chuẩn, quy định kỹ thuật về cấu trúc dữ liệu trao đổi; các hướng dẫn quản lý, kết nối; quy chế, quy trình chia sẻ dữ liệu trong phạm vi dữ liệu chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý; ban hành quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu của cơ sở dữ liệu được Bộ Quốc phòng giao quản lý, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình.

5. Cùng với triển khai các nền tảng dùng chung trên mạng máy tính quân sự, cần sớm có các giải pháp ứng dụng các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như: Điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), di động, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) và các công nghệ số mới trong quá trình lưu trữ, xử lý, phân tích dữ liệu phục vụ các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Thông qua các nền tảng dùng chung thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu theo mô hình kết nối qua các hệ thống trung gian hoặc kết nối trực tiếp giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Đây là quá trình thực hiện chuyển đổi số trong công tác cải cách hành chính.

Để công tác cải cách hành chình đi vào nền nếp, thực chất, cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm, năng lực của Cơ quan thường trực Cải cách hành chính và Chính phủ điện tử Bộ Quốc phòng, các cơ quan chủ trì triển khai các nội dung cải cách hành chính. Có cơ chế phân công, phối hợp, thống nhất, phân rõ thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan chủ trì triển khai, đơn vị thực hiện để bảo đảm đồng bộ, thống nhất theo lộ trình và mục tiêu đã đề ra.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN VĂN CHÍNH, Phó Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương - Văn phòng Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.