QPTD -Thứ Năm, 18/10/2018, 21:06 (GMT+7)
Tư tưởng của C.Mác – Ăng-ghen về chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản

Tuyên ngôn Đảng Cộng sản 1848, một tác phẩm có tính chất vạch thời đại, đánh dấu sự hoàn thành quá trình hình thành chủ nghĩa C.Mác trên tất cả các bộ phận; trong đó, có nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân. Nhận thức và quán triệt sâu sắc vấn đề này có ý nghĩa to lớn trong công tác xây dựng Đảng hiện nay ở nước ta.

C.Mác, Ph.Ăng-ghen hai nhà lãnh tụ thiên tài của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; những người đầu tiên nêu lên tư tưởng cơ bản về tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản. Hai ông đã trực tiếp tham gia vào phong trào công nhân để giác ngộ và từng bước xây dựng tổ chức cộng sản đầu tiên của giai cấp vô sản; tham gia cải tổ “Liên đoàn những người chính nghĩa” thành “Liên đoàn những người cộng sản” - Tổ chức Đảng Vô sản đầu tiên của giai cấp công nhân.

Nhằm tạo cơ sở lý luận ban đầu cho tổ chức Đảng Vô sản hoạt động, C.Mác và Ph.Ăngghen đã thảo ra “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và “Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản”. Riêng Ph.Ăng-ghen viết “Về lịch sử Liên đoàn những người cộng sản”. Sau này, C.Mác trực tiếp soạn thảo “Tuyên ngôn thành lập Hội liên hiệp công nhân quốc tế” và cùng với Ph.Ăng-ghen soạn thảo “Điều lệ chung và các quy chế hành chính” của Quốc tế thứ Nhất, đó chính là những văn kiện có tính chất cương lĩnh và cơ sở tổ chức của các tổ chức cộng sản tiền bối. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, các ông có những cống hiến trong việc nêu ra và lý giải về tính tất yếu khách quan phải thành lập Đảng của giai cấp công nhân; quy luật ra đời của Đảng; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân.

Tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về chính đảng của giai cấp công nhân trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào công tác xây dựng Đảng hiện nay. Đặc biệt chú trọng thực hiện tốt một số nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân sau đây:

Một là, Đảng Cộng sản là một tổ chức độc lập mang bản chất giai cấp công nhân.

Tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăng-ghen về Đảng Cộng sản là một tổ chức độc lập nghĩa là, Đảng Cộng sản phải độc lập cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, không bị lệ thuộc vào giai cấp tư sản. Về bản chất, Đảng Cộng sản là một tổ chức chính trị đối lập với các đảng phái chính trị tư sản và giai cấp tư sản; trong quan hệ với giai cấp công nhân, không phải là hội kín tách rời giai cấp mà là một bộ phận của giai cấp, gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân và nhân dân lao động; không đối lập với các đảng và các tổ chức khác của giai cấp công nhân. Ngược lại, Đảng Cộng sản phải tích cực hoạt động trong các tổ chức, phải đưa các tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học vào trong các tổ chức đó, hướng hoạt động của các tổ chức vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. Đồng thời, phải luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân để giải quyết mọi vấn đề trong xây dựng và hoạt động của Đảng. Cương lĩnh, chiến lược, sách lược của Đảng phải luôn xuất phát từ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và phù hợp với thực tiễn của mỗi nước.

 Hai là, Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp, đảng viên là những người ưu tú nhất trong giai cấp công nhân.

C.Mác và Ph.Ăng-ghen đòi hỏi: Đảng phải khác các bộ phận còn lại của giai cấp ở chỗ, Đảng là đội tiền phong của giai cấp, được trang bị bằng lý luận tiên tiến, có trình độ giác ngộ cao và trong thực tiễn Đảng là người kiên quyết nhất, biết lôi cuốn quần chúng cùng hành động. C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ rõ: “Những người cộng sản chỉ khác với các đảng vô sản khác trên hai điểm: một là, trong các cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, họ đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô sản; hai là, trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn thể phong trào. Vậy là về mặt thực tiễn, những người cộng sản là một bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên; về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”1.

Như vậy, theo C.Mác và Ph.Ăng-ghen, tính tiên phong của Đảng được thể hiện: Về mặt thực tiễn, Đảng Cộng sản phải là bộ phận kiên quyết nhất của giai cấp vô sản; về lý luận: những người cộng sản hơn bộ phận khác còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản. Một chính đảng như thế, đương nhiên phải là đội tiên phong, lãnh tụ chính trị và là bộ tham mưu chiến đấu, là hình thức tổ chức cao nhất của giai cấp vô sản. Đảng phải bao gồm những phần tử ưu tú, tiên tiến nhất, có giác ngộ cộng sản chủ nghĩa, có nghị lực cách mạng, tự nguyện phấn đấu hy sinh để thực hiện lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, phục tùng nghị quyết của Đảng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Đảng giao. Tư tưởng đó thể hiện nhất quán một nguyên tắc là không được hạ thấp Đảng xuống ngang giai cấp, không được xóa nhòa ranh giới giữa đảng viên và quần chúng tích cực ngoài Đảng; đã là đảng viên của Đảng bao giờ cũng phải là người tiên phong, giác ngộ, tích cực, gương mẫu hơn quần chúng cả về lý luận và thực tiễn.

Đảng Cộng sản phải được trang bị lý luận tiên phong và phải thực sự tiên phong về mặt lý luận; lấy nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học làm nền tảng tư tưởng, có như vậy mới xác định đúng đắn các vấn đề trong lãnh đạo và xây dựng Đảng. Chỉ khi được lý luận tiên phong dẫn đường và tích cực đấu tranh bảo vệ tư tưởng khoa học thì Đảng Cộng sản mới làm tròn sứ mệnh của mình. Vì vậy, các ông đã tích cực tuyên truyền tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản khoa học vào phong trào vô sản, coi đó là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định để làm cho Đảng Cộng sản thực sự là một chính đảng cách mạng. Mặt khác, C.Mác và Ph.Ăng-ghen còn cho rằng: Giai cấp vô sản chỉ có thể chiến thắng giai cấp tư sản khi nó là cuộc đấu tranh tự giác, có tổ chức chặt chẽ, có đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn. Nhận thức sâu sắc vấn đề này và từ thực tiễn trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế lúc đó xuất hiện những khuynh hướng lệch lạc về tư tưởng do chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa cơ hội, triết học duy tâm,… nên các ông đòi hỏi Đảng Cộng sản phải thực sự tiên phong về lý luận, phải hiểu rõ quy luật vận động, con đường đi lên của phong trào chứ không phải là hành động thụ động, phiêu lưu.

Ba là, về điều kiện, tiêu chuẩn người vào Đảng cũng được C.Mác, Ph.Ăng-ghen đề cập cụ thể trong “Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản”. Đó là: những người có lối sống và hoạt động phù hợp với mục đích của Đảng Cộng sản; có nghị lực cách mạng và lòng nhiệt thành trong công tác tuyên truyền; thừa nhận chủ nghĩa cộng sản; không tham gia vào mọi tổ chức - tổ chức chính trị hoặc tổ chức dân tộc - chống cộng sản và có nghĩa vụ báo cáo với cơ quan lãnh đạo hữu quan về việc mình tham gia vào một tổ chức nào đó; phục tùng các nghị quyết của Đảng; giữ bí mật mọi công việc của Đảng; được một chi bộ nhất trí kết nạp. Với những điều kiện, tiêu chuẩn như vậy, sẽ đảm bảo cho đội ngũ đảng viên của Đảng thực sự là những người tiêu biểu, hơn hẳn quần chúng ngoài Đảng cả về nhận thức, tư tưởng, hành động; đủ sức lôi kéo, vận động, thuyết phục toàn thể giai cấp công nhân và các tầng lớp lao động khác tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại giai cấp bóc lột.

Bốn là, Đảng phải được xây dựng trên những nguyên tắc dân chủ triệt để, thường xuyên được củng cố vững chắc về tư tưởng và tổ chức.

Vấn đề này được C.Mác, Ph.Ăng-ghen nêu rõ: “Các uỷ viên ban chấp hành khu bộ và Ban chấp hành trung ương được bầu hàng năm, có quyền được bầu lại và có thể bị những người bầu ra mình bãi miễn bất cứ lúc nào”2, hoặc: “Nếu Ban chấp hành trung ương thấy rằng việc thảo luận một số vấn đề nào đó là mối quan tâm chung và trực tiếp, thì có thể đưa những vấn đề ấy ra cho toàn thể Liên đoàn thảo luận”3. Mọi đảng viên đều bình đẳng, được tự do thảo luận những vấn đề sinh hoạt đảng, được tranh luận trong khuôn khổ tính đảng; giúp đỡ lẫn nhau, thường xuyên nộp đảng phí, người vi phạm Điều lệ Đảng sẽ bị khai trừ hoặc đình chỉ sinh hoạt đảng; kiên quyết chống những phần tử vô tổ chức, cơ hội, xét lại. Thực hiện tốt nguyên tắc trên, sẽ phát huy đầy đủ trí tuệ của mọi đảng viên tham gia, đóng góp vào các chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng, đảm bảo chặt chẽ, chính xác, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tiễn, có tính khả thi cao; nội bộ Đảng đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, hạn chế được các sai lầm, thiếu sót.

Đảng phải thường xuyên được củng cố vững chắc về tư tưởng, cơ cấu tổ chức chặt chẽ, phù hợp với điều kiện và thời gian hoạt động của Đảng ở tất cả các cấp, với những nhiệm vụ mà Đảng phải giải quyết. Sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức của Đảng là không gì có thể phá vỡ nổi, có tính chiến đấu cao và năng động trong hoạt động thực tiễn. Như vậy, xuất phát từ: “Mục đích trước mắt của những người cộng sản cũng là mục đích trước mắt của tất cả các đảng vô sản khác: tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”4, nếu Đảng không được tổ chức chặt chẽ, không có sự thống nhất cao về tư tưởng và tổ chức thì Đảng không thể có đủ sức mạnh để tập hợp, lãnh đạo giai cấp đứng lên đấu tranh lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản được. Về mặt cơ cấu tổ chức của Đảng cũng được quy định hết sức chặt chẽ trong “Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản”, tổ chức của Đảng được thành lập từ cấp chi bộ, khu bộ, tổng khu bộ, đến Ban Chấp hành Trung ương và Đại hội với những quy định về số lượng thành viên, nguyên tắc hoạt động, quyền hạn lãnh đạo, chế độ hội họp, báo cáo,… nhằm đảm bảo cho bộ máy của Đảng vận hành thông suốt, có hiệu quả từ Trung ương tới chi bộ.

Năm là, chủ nghĩa quốc tế vô sản là một trong những nguyên tắc căn bản của công tác xây dựng Đảng.

Khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại” trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã trở thành phương châm hành động cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong cuộc đấu tranh chống lại toàn bộ giai cấp tư sản bóc lột, nếu độc lập, tách rời, không có sự đoàn kết, thống nhất của các Đảng Cộng sản và giai cấp vô sản tất cả các nước thì chắc chắn cuộc đấu tranh đó không thể đi đến thắng lợi trọn vẹn, sẽ bị giai cấp tư sản câu kết đàn áp, đè bẹp phong trào.

Những tư tưởng thiên tài về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân do C.Mác, Ph.Ăng-ghen khởi xướng đã có ảnh hưởng to lớn và trực tiếp đến sự phát triển của toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Sự ra đời và hoạt động của “Liên đoàn những người cộng sản”, của Quốc tế I (1864 - 1872) và Quốc tế II (1889 - 1914) (khi Ph.Ăng-ghen còn sống), và sau này khi V.I.Lê-nin phát triển sáng tạo những luận điểm của C.Mác, Ph.Ăng-ghen về Đảng, xây dựng nên học thuyết về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Dựa trên những quan điểm của V.I.Lê-nin, Đảng Bôn-sê-vích Nga ra đời, năm 1919 Quốc tế III - Quốc tế Cộng sản được thành lập đã đóng vai trò to lớn cho sự ra đời của hàng loạt các Đảng Cộng sản trên thế giới.

Vì vậy, việc học tập, nghiên cứu nắm vững, vận dụng đúng đắn, sáng tạo và bổ sung phát triển học thuyết Mác về xây dựng đảng nói chung, tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăng-ghen về những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân nói riêng là đòi hỏi khách quan đối với các Đảng Cộng sản. Đặc biệt, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, vừa có ý nghĩa to lớn cả về lý luận và thực tiễn, vừa là cơ sở khoa học đảm bảo cho việc xây dựng Đảng ta thực sự là đội tiền phong, lãnh tụ chính trị, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động, lãnh đạo đưa dân tộc Việt Nam tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để phấn đấu vươn lên thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thượng tá, ThS. PHẠM ĐỨC ĐẠT, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng
____________________

1 - C.Mác và Ph.Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb Sự thật, H. 1983, tr. 614-615.

2 - C.Mác và Ph.Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 735.

3 - Sđd, tr. 736.

4 - Sđd, tr. 615.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.