QPTD -Thứ Tư, 28/08/2024, 08:16 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Quán triệt tinh thần đó, Trường Sĩ quan Lục quân 2 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương này, với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Thủ trưởng Nhà trường kiểm tra công tác huấn luyện.

Những năm qua, Trường Sĩ quan Lục quân 2 đã quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương “đổi mới căn bản toàn diện công tác giáo dục, đào tạo” của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng bằng nhiều biện pháp thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ của một trung tâm đào tạo sĩ quan chỉ huy lục quân cấp phân đội, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chương trình, nội dung đào tạo được rà soát, điều chỉnh đảm bảo khoa học, ngày càng chuẩn hóa, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng đối tượng. Tổ chức và phương pháp dạy - học có nhiều đổi mới; việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, số hóa được đẩy mạnh, tạo bước chuyển về chất trong đào tạo, nghiên cứu khoa học. Công tác thanh tra, kiểm tra, khảo thí và bảo đảm được duy trì nghiêm túc, đúng phương châm “dạy thực chất, học thực chất, đánh giá đúng thực chất”. Đặc biệt, Nhà trường đã có biện pháp đột phá trong xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục1. Nhờ đó, công tác giáo dục, đào tạo của Nhà trường có bước phát triển toàn diện; chất lượng đào tạo được nâng lên rõ rệt. Qua khảo sát tại một số đơn vị, 100% học viên tốt nghiệp ra trường hoàn thành chức vụ ban đầu, 97,3% hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Uy tín, vị thế của Nhà trường trong hệ thống nhà trường Quân đội và hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục được khẳng định và nâng cao.

Tuy vậy, việc đổi mới giáo dục, đào tạo của Nhà trường còn bộc lộ một số hạn chế. Điều đó được thể hiện ở chương trình, nội dung đào tạo một số môn học còn trùng lặp, có nội dung chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Phương pháp dạy - học có sự đổi mới, nhưng còn chậm. Trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin, khả năng khai thác, sử dụng trang thiết bị hiện đại và tiếp cận phương pháp dạy học tiên tiến của một số giảng viên còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang bị bảo đảm tuy được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của đổi mới, chuẩn hóa, hiện đại hóa công tác giáo dục, đào tạo, v.v.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại đặt ra cho các học viện, nhà trường Quân đội nói chung, Trường Sĩ quan Lục quân 2 nói riêng mục tiêu, yêu cầu mới rất cao trong đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đó, Nhà trường triển khai toàn diện các mặt công tác, với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đào tạo; trong đó, tập trung đột phá vào một số nội dung cơ bản sau:

Trước hết, thực hiện tốt việc quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các đối tượng về nhiệm vụ đổi mới giáo dục, đào tạo. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tăng cường chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị học viên thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về đổi mới giáo dục, đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 816-NQ/ĐU, ngày 21/3/2023 của Đảng uỷ Nhà trường về “đổi mới công tác giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Nhà trường Quân đội trong tình hình mới”. Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc đổi mới giáo dục, đào tạo cho các đối tượng; trong đó, chú trọng sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng động cơ, trách nhiệm cho cả người dạy và người học của cấp ủy, chỉ huy các cấp; đồng thời, tập trung lãnh đạo cụ thể hóa thực hiện đổi mới ở tất cả các khâu trong quy trình đào tạo. Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường trực tiếp chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quán triệt, xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết; phân công cấp ủy viên phụ trách chỉ đạo, quản lý, điều hành các khâu của quá trình giáo dục, đào tạo. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp, tham mưu xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, rút kinh nghiệm, nhất là chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng thỏa mãn dừng lại, biểu hiện hình thức, ngại đổi mới.

Huấn luyện chiến thuật bộ binh hiệp đồng với xe tăng trong tiến công địch phòng ngự.

Hai là, đổi mới mạnh mẽ quy trình, chương trình, nội dung đào tạo theo hướng: hiện đại, thiết thực, hiệu quả. Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu đào tạo đã xác định, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Trong đó, tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh chương trình, nội dung đào tạo của các đối tượng bảo đảm tính liên thông, kế thừa giữa các cấp học, bậc học, môn học, tránh dàn trải, trùng lắp. Quá trình thực hiện, Nhà trường đặt mục tiêu cân đối hài hòa giữa khối kiến thức cơ bản, cơ sở với các chuyên ngành; giữa khoa học quân sự, khoa học xã hội và nhân văn, v.v. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 89/CT-BQP, ngày 04/4/2018 của Bộ Quốc phòng “Về việc tăng cường tổng kết thực tiễn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu gắn với công tác giáo dục, đào tạo của các nhà trường Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, Nhà trường tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu đưa vào chương trình, nội dung đào tạo những vấn đề mới về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; sự phát triển mới của nghệ thuật quân sự, kỹ thuật quân sự, chiến tranh nhân dân, tác chiến không gian mạng, tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, đảm bảo thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Cùng với đó, để thực hiện mục tiêu đào tạo năng lực toàn diện cho học viên, Nhà trường rà soát, tinh chỉnh chương trình đào tạo theo hướng giảm thời gian học lý thuyết, tăng huấn luyện thực hành, thực tập tại đơn vị, tự học của học viên; kết hợp trang bị kiến thức quân sự với nghiệp vụ, kỹ năng công tác đảng, công tác chính trị và kiến thức về kinh tế, xã hội, pháp luật, ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng cần thiết khác, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Ba là, đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp dạy - học theo hướng dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm. Nhà trường áp dụng các biện pháp tối ưu hóa quá trình dạy - học; nghiên cứu chuyển mạnh từ dạy kiến thức sang kết hợp dạy kiến thức, kỹ năng và phương pháp tư duy. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ mô phỏng, số hóa vào giảng dạy để tăng tính trực quan, sát thực tế huấn luyện, chiến đấu. Phát huy tối đa vai trò của giảng viên phối hợp với cán bộ quản lý trong hướng dẫn, duy trì, điều khiển hoạt động tự học. Nhà trường yêu cầu các khoa, giảng viên nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với nội dung, chương trình, đối tượng đào tạo, kiên quyết khắc phục tình trạng truyền đạt kiến thức một chiều; tích cực vận dụng phương pháp nêu vấn đề, đàm thoại trong giảng dạy, nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học. Các khoa, tổ bộ môn đẩy mạnh hoạt động phương pháp, trao đổi học thuật, nâng cao chất lượng giáo án, bài giảng và nghiên cứu thực tế ở đơn vị. Đối với học viên, Nhà trường khuyến khích đổi mới phương pháp học tập theo hướng kết hợp tiếp thu kiến thức với tự học, tự nghiên cứu, tăng cường trao đổi, thảo luận và thực hành tập bài ở các cương vị, nhằm phát huy khả năng tư duy độc lập, sự sáng tạo và năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn để rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh, tác phong chỉ huy và trình độ tham mưu - tác chiến cho từng đối tượng.

Bốn là, tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục ngang tầm yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo. Thực hiện Đề án  “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”, Nhà trường tích cực lựa chọn nguồn đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chú trọng lựa chọn cán bộ đủ tiêu chí gửi đi đào tạo ở các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, cả ở trong nước và nước ngoài kết hợp với chủ động, tích cực bồi dưỡng tại chỗ thông qua các hoạt động sư phạm của khoa, bộ môn và cử cán bộ, giảng viên đi luân chuyển, nghiên cứu, học tập thực tế ở các đơn vị. Quá trình thực hiện, Nhà trường chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp rà soát, đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, giảng viên, làm cơ sở cho việc quy hoạch cán bộ, nhất là quy hoạch cán bộ chủ trì, cán bộ khoa học đầu ngành, giảng viên nòng cốt, giảng viên trẻ có năng lực toàn diện,… đảm bảo đồng bộ, có cơ cấu, độ tuổi hợp lý, hình thành lớp cán bộ đương nhiệm, kế cận, kế tiếp, có tính kế thừa liên tục, vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, tham gia nghiên cứu khoa học, có đủ điều kiện xét chức danh khoa học. Phấn đấu hằng năm, có từ 03 - 05 cán bộ, giảng viên được công nhận chức danh phó giáo sư; trên 20% đi luân chuyển, thực tế. Đến năm 2025, có trên 75% đạt chuẩn theo quy định; 75% qua cương vị chỉ huy, quản lý đơn vị; trên 60% có trình độ sau đại học, 12% - 15% tiến sĩ,... bảo đảm chất lượng, cơ cấu hợp lý, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ.

Năm là, huy động các nguồn lực, đầu tư chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Bộ Quốc phòng, Nhà trường đã có hệ thống giảng đường, thao trường khá cơ bản, cùng nhiều trang thiết bị dạy - học đồng bộ. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, Nhà trường tiếp tục huy động các nguồn lực củng cố doanh trại, cải tạo, nâng cấp thao trường, bãi tập, v.v. Trước mắt, đầu tư nâng cấp trung tâm huấn luyện dã ngoại; xây dựng, hoàn thiện thao trường kỹ thuật chiến đấu bộ binh, huấn luyện chiến thuật, khu thể dục thể thao cộng đồng. Đặc biệt, ưu tiên hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, tạo nền tảng để đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, xây dựng mô hình “Nhà trường thông minh”. Bên cạnh đó, Nhà trường chủ động nâng cấp, cải tiến hệ thống thông tin tư liệu, thư viện số, nâng cao chất lượng biên soạn giáo trình, tài liệu đáp ứng yêu cầu dạy học, nghiên cứu khoa học. Đồng thời, xây dựng các thiết chế văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo môi trường văn hoá quân sự lành mạnh, thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo.

Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, tin tưởng rằng Trường Sĩ quan Lục quân 2 sẽ tạo bước đột phá trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng, TS. LƯƠNG ĐÌNH LÀNH, Hiệu trưởng Nhà trường
__________________
       

1 - Hiện nay, 100% cán bộ, giảng viên có trình độ đại học trở lên; trong đó có 61,64% trình độ sau đại học; 01 Nhà giáo nhân dân, 09 Phó giáo sư, 92 Tiến sĩ; 13 Nhà giáo giỏi cấp Bộ.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.