QPTD -Thứ Ba, 14/01/2025, 08:13 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đẩy mạnh thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; tập trung chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo; tích cực đổi mới quy trình, chương trình đào tạo và vận dụng phương pháp giảng dạy hiện đại là những nội dung trọng tâm trong thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” ở Trường Sĩ quan Lục quân 2, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội trong tình hình mới.

Ba năm qua, Trường Sĩ quan Lục quân 2 đã quán triệt, triển khai thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” bằng các giải pháp sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn của Nhà trường và sự phát triển của nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong tình hình mới. Theo đó, công tác giáo dục, đào tạo của Nhà trường có sự đổi mới khá toàn diện; chú trọng đổi mới quy trình, chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho các đối tượng; tích cực chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục1; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, chuyển đổi số, đổi mới phương pháp dạy, học theo hướng hiện đại. Nhờ đó, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của Nhà trường được nâng lên rõ rệt2; kết quả các khóa đào tạo gần đây: 100% đạt yêu cầu trở lên, trong đó có trên 80% khá, giỏi. Qua khảo sát thực tiễn tại các cơ quan, đơn vị, học viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ theo chuẩn đầu ra.

Tổ chức Diễn tập chỉ huy - cơ quan 1 bên, 2 cấp (năm 2024).

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn đối với các nhà trường Quân đội nói chung, Trường Sĩ quan Lục quân 2 nói riêng trong công tác giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhận thức rõ vai trò và trọng trách của mình, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường xác định, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục, đào tạo; trong đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị quản lý học viên đối với công tác giáo dục, đào tạo. Theo đó, Nhà trường chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục, đào tạo; Nghị quyết số 816-NQ/ĐU, ngày 21/3/2023 của Đảng ủy Nhà trường về “Đổi mới công tác giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Nhà trường trong tình hình mới”, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các đối tượng đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Trên cơ sở đó, bổ sung nội dung, chỉ tiêu, biện pháp trong thực hiện Kế hoạch số 619/KH-TM, ngày 09/4/2021 của Bộ Tổng Tham mưu, Kế hoạch số 2092/KH-TSQ, ngày 17/5/2021 của Nhà trường về việc thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” phù hợp tình hình thực tiễn. Quá trình thực hiện, Nhà trường yêu cầu cấp ủy các cơ quan, khoa giáo viên đề cao trách nhiệm trong đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn tiến hành các khâu, bước của quá trình giáo dục, đào tạo bảo đảm “dạy thực chất, học thực chất, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học”. Đồng thời, chú trọng khắc phục triệt để tư tưởng ngại đổi mới, không dám đổi mới, dập khuôn máy móc hoặc thỏa mãn dừng lại của đội ngũ giảng viên.

Hai làtập trung chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Đây là giải pháp có tính then chốt trong nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo mục tiêu của phương châm đã xác định. Để làm được điều đó, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 1060-NQ/ĐU, ngày 11/01/2024 của Đảng ủy Nhà trường về “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”; trong đó, coi trọng kiện toàn tổ chức, biên chế; tích cực tạo nguồn, tuyển chọn, bổ sung đội ngũ giảng viên theo các tiêu chí xác định, nhất là số cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học. Chủ động rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, có chất lượng ngày càng cao, đồng bộ về cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành. Để nâng cao năng lực của đội ngũ quan trọng này, Nhà trường đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng theo phân cấp; duy trì nghiêm nền nếp hoạt động phương pháp của các khoa, bộ môn; tổ chức các khóa học về kỹ năng sử dụng công cụ giảng dạy số theo kế hoạch chuyển đổi số của Nhà trường3, v.v. Nội dung tập trung vào phát triển năng lực toàn diện, chú trọng năng lực phát triển chương trình giảng dạy theo phương pháp hiện đại, năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin; kỹ năng vận dụng các nền tảng học tập trực tuyến, công cụ soạn thảo bài giảng số và các phương pháp giảng dạy mới dựa trên công nghệ số; nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, v.v. Đồng thời, tích cực bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo các tiêu chí khung năng lực giảng dạy của giảng viên các học viện, nhà trường Quân đội thông qua việc thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ, tăng cường đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế, nghiên cứu, học tập tại các đơn vị trong toàn quân. Cùng với đó, tổ chức khảo sát đánh giá phát triển chương trình đào tạo, lấy ý kiến phản hồi chất lượng cán bộ, học viên tốt nghiệp ra trường về các đơn vị công tác, làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung, đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp giảng dạy của cán bộ, giảng viên. Phấn đấu đến hết năm 2030, 95% trở lên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo quy định; 20% - 30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; 25% nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt trình độ tiến sĩ; có thêm 01 đến 02 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Mỗi năm có từ 01 đến 02 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư; có từ 03 đến 05 giảng viên trở lên đạt danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi” cấp Bộ Quốc phòng.

Kiểm tra bắn súng K54 đối với cán bộ, giảng viên.

Ba là, tiếp tục đổi mới quy trình, chương trình đào tạo. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên bám sát phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, chủ động phối hợp rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy trình đào tạo sát với yêu cầu thực tiễn của từng cấp học, bậc học, đối tượng đào tạo, bảo đảm tính logic, khoa học trong từng môn học, học kỳ, năm học và cả khóa học. Tập trung xây dựng, chuẩn hóa nội dung, chương trình đào tạo theo hướng cơ bản, toàn diện, liên thông và có kế thừa, tích hợp, sát mục tiêu đào tạo và nhu cầu thực tế đặt ra. Quá trình thực hiện, Nhà trường đặt mục tiêu cân đối hài hòa giữa khối kiến thức cơ bản, cơ sở với các chuyên ngành; giữa khoa học quân sự với khoa học xã hội và nhân văn quân sự, v.v. Tiếp tục nghiên cứu đưa vào chương trình, nội dung đào tạo những vấn đề mới về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; sự phát triển mới của nghệ thuật quân sự, kỹ thuật quân sự, chiến tranh nhân dân, tác chiến không gian mạng, tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, v.v. Cùng với đó, để bồi dưỡng, rèn luyện năng lực toàn diện cho học viên, Nhà trường thường xuyên rà soát, tinh chỉnh chương trình đào tạo theo hướng giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian huấn luyện thực hành, thực tập tại đơn vị và tự học của học viên; kết hợp trang bị kiến thức quân sự với nghiệp vụ, kỹ năng công tác đảng, công tác chính trị và kiến thức về kinh tế, xã hội, pháp luật, ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng cần thiết của người cán bộ, sĩ quan tương lai. Phấn đấu 100% học viên sau tốt nghiệp đáp ứng tốt tiêu chí chuẩn đầu ra, có năng lực vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn chỉ huy, huấn luyện, rèn luyện ở đơn vị cơ sở.

Bốn làtích cực vận dụng hiệu quả các phương pháp giảng dạy hiện đại. Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo đã xác định, Nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ mô phỏng, số hóa vào giảng dạy để tăng tính trực quan, sát thực tế huấn luyện, chiến đấu. Phát huy tối đa vai trò của giảng viên, phối hợp với cán bộ quản lý trong hướng dẫn, duy trì, điều khiển hoạt động tự học, tự lĩnh hội tri thức của học viên. Để có hiệu quả, Nhà trường chỉ đạo các khoa giáo viên duy trì tốt các hoạt động phương pháp, như: thông qua bài giảng, dự giảng, bình giảng, thi giảng viên dạy giỏi, rút kinh nghiệm, từ đó nâng cao kỹ năng sư phạm, trình độ, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện dạy - học hiện đại trong giảng dạy của đội ngũ giảng viên; tích cực nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với nội dung, chương trình, đối tượng đào tạo, khắc phục triệt để tình trạng truyền đạt kiến thức một chiều; vận dụng linh hoạt phương pháp gợi mở, nêu vấn đề, đàm thoại nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo của học viên. Đặc biệt, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 89/CT-BQP, ngày 04/4/2018 “Về việc tăng cường tổng kết thực tiễn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu gắn với công tác giáo dục, đào tạo của các nhà trường Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, nhằm phát triển kỹ năng, tư duy sáng tạo cho học viên theo định hướng “Nhà trường gắn liền với chiến trường, hướng về đơn vị”. Đối với học viên, Nhà trường đẩy mạnh, nâng cao chất lượng tự học, tự rèn theo hướng biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, lấy “tự học làm cốt”.

Cùng với đó, Nhà trường tiếp tục đổi mới công tác khảo thí; bổ sung hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học, đầu tư cơ sở vật chất, trường bắn, thao trường, bãi tập, trang thiết bị dạy - học,… nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội ngang tầm nhiệm vụ.

Trung tướng NGUYỄN XUÂN SƠN, Chính ủy Nhà trường
____________________
        

1 - Đến nay, 100% cán bộ, giảng viên có trình độ đại học trở lên (trình độ sau đại học đạt 61,74%; 01 Nhà giáo nhân dân, 01 giáo sư, 11 phó giáo sư, 95 tiến sĩ, 766 thạc sĩ; 12 Nhà giáo giỏi cấp Bộ).

2 - Từ năm 2021 đến nay, Nhà trường đã có 331 đề tài, sáng kiến các cấp đã và đang thực hiện; trong đó, có 275 đề tài, sáng kiến đã được nghiệm thu, chuyển giao ứng dụng (03 cấp Bộ, 26 cấp ngành, 246 cấp cơ sở). Biên soạn được 286 giáo trình, tài liệu; trong đó, có 225 giáo trình, tài liệu được nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng (60 cấp Bộ, 165 cấp cơ sở).

3 - Kế hoạch số 1886/KH-TSQ, ngày 26/4/2022 về “Chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, đào tạo của Nhà trường giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.