Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:17 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Trường Sĩ quan Lục quân 1 là một trong những “chiếc nôi” đào tạo cán bộ cấp phân đội hàng đầu của Quân đội ta. Trong suốt chặng đường 70 năm qua, Nhà trường luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.
Chấp hành Nghị quyết Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ và Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 15-4-1945, Trường Quân chính kháng Nhật - tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 1 được thành lập. Sự ra đời của Trường Quân chính kháng Nhật đã đáp ứng kịp thời nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sự, chính trị, làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Đồng thời, đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo cán bộ quân đội của Đảng. Ngày 26-5-1946, Nhà trường vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và được Người tận tay trao tặng lá Cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân”. Sáu chữ vàng đó được lớp lớp các thế hệ cán bộ, nhân viên, học viên khắc ghi, thực hiện và trở thành truyền thống của Nhà trường.
Ý thức sâu sắc nhiệm vụ được giao, 70 năm qua, Nhà trường luôn quán triệt, nắm vững đường lối chính trị, quân sự của Đảng, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bám sát thực tiễn huấn luyện, chiến đấu của đơn vị, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, tạo nguồn cán bộ. Đến nay, Nhà trường đã đào tạo hơn 10 vạn cán bộ chỉ huy binh chủng hợp thành cấp phân đội. Các thế hệ cán bộ được đào tạo từ Nhà trường luôn giữ vững và phát huy bản chất truyền thống, vận dụng linh hoạt, sáng tạo tri thức khoa học quân sự vào thực hiện nhiệm vụ, lập nhiều thành tích trong chiến đấu và công tác. Nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ cao cấp, tướng lĩnh, giữ những cương vị, trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Cùng với đó, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) của Nhà trường cũng đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần đáng kể vào việc hoàn thiện, phát triển lý luận khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Với những thành tích đạt được, Nhà trường đã vinh dự được Nhà nước phong tặng “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, 03 Huân chương Hồ Chí Minh; được Chính phủ, Bộ Quốc phòng tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nhà trường đã và đang tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành của chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ GD-ĐT. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là nội dung cơ bản để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm của Trường. Cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng về công tác GD-ĐT, trọng tâm là Nghị quyết 29-NQ/TW; Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương); Chiến lược phát triển GD-ĐT trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Quốc phòng. Trong đó, chú trọng đổi mới tư duy về GD-ĐT; làm tốt việc quán triệt nhiệm vụ, xây dựng động cơ, trách nhiệm cho các đối tượng. Trước yêu cầu đổi mới, phát triển GD-ĐT trong Quân đội, Nhà trường tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, triển khai thực hiện mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Trước mắt, Nhà trường đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW và Chiến lược phát triển GD-ĐT trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020. Trong đó, chú trọng gắn thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng năm học với lộ trình thực hiện các chương trình, kế hoạch đã xác định và thực hiện Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo, tạo động lực để nâng cao hơn nữa chất lượng GD-ĐT.
2. Tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh chương trình, nội dung GD-ĐT và đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học. Thời gian qua, Nhà trường đã đạt được kết quả tích cực trong đổi mới chương trình, nội dung đào tạo. Tuy nhiên, kết quả đó chưa toàn diện, vững chắc và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với công tác GD-ĐT của Nhà trường. Vì thế, trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo của các đối tượng theo hướng “chuẩn hoá, hiện đại hoá”, đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Đặc biệt, Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên cập nhật, đưa vào nội dung đào tạo những vấn đề mới về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhất là những quan điểm, tư duy mới của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), đảm bảo nội dung cân đối giữa các khối kiến thức, liên thông, kế thừa giữa các bậc học và bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội, phù hợp với sự phát triển của nghệ thuật quân sự. Trong quá trình thực hiện, Nhà trường kiên quyết cắt bỏ những nội dung không phù hợp, tăng tỷ lệ huấn luyện thực hành chuyên ngành, chuyên sâu đối với sĩ quan chỉ huy tham mưu Lục quân cấp phân đội, thạc sĩ nghệ thuật quân sự.
Cùng với đổi mới, hoàn thiện chương trình, nội dung, Nhà trường tiếp tục tập trung đổi mới phương pháp dạy - học. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện phương pháp dạy - học tích cực và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng trong giảng dạy; chuyển mạnh từ chú trọng trang bị kiến thức sang phát triển năng lực tư duy, vận dụng lý luận vào thực tiễn của người học; coi trọng truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, rèn luyện phương pháp huấn luyện, tác phong, hành động của người chỉ huy; gắn đào tạo tại Nhà trường với huấn luyện tại đơn vị. Đặc biệt, Nhà trường đã tập trung đổi mới hình thức, phương pháp, nâng cao chất lượng thực tập, diễn tập tổng hợp cuối khóa; chú trọng đổi mới phương pháp học của học viên, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.
3. Chú trọng xây dựng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Những năm gần đây, nhiệm vụ GD-ĐT của Nhà trường có sự phát triển, cả về quy mô, loại hình, đối tượng đào tạo; lưu lượng học viên hằng năm lớn, điều kiện đảm bảo khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có nhiều chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT, NCKH; trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo. Đến nay, gần 50% cán bộ, giảng viên của Trường có trình độ sau đại học, trong đó có 23 tiến sĩ, 06 phó giáo sư, đây là nguồn lực quan trọng để Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, phát triển. Nhà trường đã và đang triển khai thực hiện Đề án xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến năm 2020, phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học, riêng giảng viên cơ hữu có 90% - 100% trình độ sau đại học (trong đó có 20% tiến sĩ). Thực hiện mục tiêu xác định, Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên, hệ, tiểu đoàn làm tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành và có chất lượng toàn diện, đáp ứng nhiệm vụ GD-ĐT, cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, Nhà trường coi trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao trở thành giảng viên dạy giỏi và chuyên gia đầu ngành.
Thời gian tới, Nhà trường tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa kiến thức, nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; trong đó, chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức, phương pháp dạy - học cho giảng viên, phương pháp quản lý, chỉ huy, tổ chức tự học cho cán bộ quản lý. Song song với đó, Nhà trường ưu tiên tuyển chọn, bổ sung giảng viên là cán bộ đã qua thực tiễn huấn luyện, quản lý, chỉ huy ở các đơn vị trong toàn quân; học viên tốt nghiệp chỉ huy cấp trung, sư đoàn ở các học viện, nhà trường; tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học đối với những chuyên ngành quân đội chưa đào tạo, có đủ tiêu chuẩn về Trường công tác. Mặt khác, Nhà trường chú trọng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên yên tâm gắn bó với sự nghiệp GD-ĐT.
4. Đẩy mạnh NCKH và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào GD-ĐT; đổi mới và nâng cao chất lượng thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Công tác NCKH là một nhiệm vụ trung tâm của Nhà trường, tạo cơ sở cho nâng cao chất lượng GD-ĐT. Theo đó, Nhà trường chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ kế hoạch GD-ĐT và NCKH; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên tham gia NCKH; đồng thời, đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý NCKH từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng tính tự chủ cho chủ thể và ứng dụng đề tài sau công bố. Nội dung NCKH hướng vào các đề tài phục vụ trực tiếp nhiệm vụ GD-ĐT và giải quyết những vấn đề bức thiết của thực tiễn đơn vị. Trước mắt, ưu tiên nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo, chuẩn hóa hệ thống giáo trình, tài liệu; đẩy mạnh phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cấp trang thiết bị, đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng vào giảng dạy, quản lý, điều hành huấn luyện. Cùng với đó, cơ quan chức năng, khoa giáo viên, hệ, tiểu đoàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch NCKH đã được phê duyệt; tổ chức thẩm định, đánh giá kết quả, lựa chọn các sản phẩm nghiên cứu có chất lượng tốt để ứng dụng, phát hành trên mạng thông tin nội bộ, phát hành sách, tài liệu tham khảo,… phục vụ việc học tập, nghiên cứu của các đối tượng.
Để góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, chống bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử, Nhà trường tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác khảo thí, nâng cao chất lượng xây dựng ngân hàng đề thi, kiểm tra, bảo đảm đánh giá thực chất kết quả người học. Đề thi, kiểm tra được xây dựng theo hướng tổng hợp, khái quát cao, vừa đánh giá trình độ, kiến thức cơ bản, vừa nâng cao kỹ năng, kỹ xảo, tính sáng tạo của người học trong vận dụng nguyên tắc lý luận vào giải quyết các vấn đề thực tiễn hoạt động quân sự, nhất là trong thi kết thúc học phần, thi tốt nghiệp. Song song với đó, Nhà trường triển khai việc lấy ý kiến phản hồi từ người học và từ các đơn vị sử dụng học viên sau khi tốt nghiệp để rút kinh nghiệm đào tạo.
5. Tập trung đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học, NCKH theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trước hết, Nhà trường quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí phục vụ nhiệm vụ GD-ĐT. Đồng thời, tích cực xây dựng, triển khai thực hiện Đề án Đầu tư nâng cấp hệ thống giảng đường, thao trường, bãi tập, trung tâm huấn luyện dã ngoại giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, ưu tiên mua sắm, lắp đặt hoàn chỉnh và phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm mô phỏng huấn luyện kỹ, chiến thuật bộ binh, hệ thống phòng học chuyên dùng, chuyên ngành với các thiết bị dạy - học hiện đại, phần mềm mô phỏng hình ảnh 2D, 3D…; chủ động đề nghị Bộ bổ sung trang bị vũ khí, khí tài mới, hiện đại, tương ứng với đơn vị chiến đấu, phục vụ cho dạy - học và NCKH.
Cùng với đó, Nhà trường coi trọng đẩy mạnh công tác quản lý, xây dựng nhà trường chính quy, mẫu mực; tăng cường liên kết đào tạo với các trường trong và ngoài Quân đội, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác GD-ĐT, góp phần xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thiếu tướng, PGS, TS. Đỗ VIẾT TOẢN, Hiệu trưởng Nhà trường
Sĩ quan Lục quân 1,giáo dục - đào tạo
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng