QPTD -Thứ Bảy, 16/01/2016, 11:13 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Chính trị phấn đấu trở thành trường trọng điểm của Quân đội

Thượng tướng Phương Minh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm
Tổng cục Chính trị cùng các đại biểu dự Đại hội. 
(Ảnh: baobacninh.com.vn)

Trường Sĩ quan Chính trị có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cấp phân đội trình độ đại học và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành (14-01-1976 – 14-01-2016), mặc dù ở mỗi giai đoạn cụ thể có những thay đổi về tên gọi, tổ chức, biên chế, nhưng Nhà trường luôn khẳng định vị thế, vai trò trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo, xứng đáng là trường trọng điểm của Quân đội. Hằng năm, Nhà trường đào tạo ra hàng trăm lượt cán bộ chính trị cấp phân đội, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục quốc phòng và an ninh; hoàn thiện đại học, chuyển loại cán bộ chính trị ngắn hạn cho toàn quân. Ngoài ra, Nhà trường còn đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội cho lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và quân đội các nước bạn Lào, Cam-pu-chia.

Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trương ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới công tác giáo dục - đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết 86 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Chiến lược “Phát triển giáo dục - đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011 - 2020” của Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường xác định: “Giữ vững định hướng chính trị trong giáo dục đào tạo; tích cực chuẩn hóa nội dung, chương trình, đổi mới phương pháp dạy - học, bảo đảm cho học viên khi ra trường hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”1 là vấn đề cơ bản, trọng tâm trong công tác giáo dục - đào tạo của Nhà trường. Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, xây dựng Nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực. Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có sự trưởng thành về mọi mặt2; học viên tốt nghiệp về đơn vị cơ bản đều  hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao3; vị thế, uy tín của Nhà trường ngày càng được khẳng định trong hệ thống học viện, nhà trường Quân đội và quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục - đào tạo của Nhà trường còn bộc lộ một số hạn chế về chương trình, nội dung đào tạo và phương pháp giảng dạy của một số giảng viên. Cơ sở vật chất phục vụ cho học tập, sinh hoạt, công tác, tuy được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn, v.v.

Trước yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tiến trình cải cách, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và yêu cầu đặt ra đối với một trường đại học trọng điểm của Quân đội theo Chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà trường khóa IX (nhiệm kỳ 2015 - 2020) xác định: “Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ba khâu đột phá; đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc trên các mặt công tác; chú trọng bám sát thực tiễn, nâng cao khả năng dự báo, đổi mới, sáng tạo, chống bệnh thành tích, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, trở thành trường đại học trọng điểm của Quân đội”. Theo đó, tập trung vào các vấn đề cơ bản sau:

Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước; bám sát tình hình thực tiễn đất nước, tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc về chất lượng đào tạo theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, phù hợp với sự phát triển của Quân đội. Trên cơ sở Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội” của Bộ Quốc phòng, Nhà trường tập trung đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo phương châm cơ bản, thiết thực, hệ thống, hiện đại, gắn lý luận với thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, bổ sung và hoàn thiện mô hình, mục tiêu, chương trình đào tạo; trọng tâm là chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ tương thích với hệ thống giáo dục quốc gia; giữ vững và không ngừng tăng cường tính đảng, tính khoa học, tính tư tưởng và tính thực tiễn; tăng thời gian tự học, tự nghiên cứu và thực hành, đổi mới hình thức hoạt động ngoại khóa, thực tập. Gắn mục tiêu dạy kiến thức, dạy nghề, thực học, thực nghiệp thành một tổng thể thống nhất, tư tưởng nhất quán chỉ đạo mọi hoạt động giáo dục - đào tạo. Từ đó, trang bị cho học viên kiến thức toàn diện và chuyên sâu, trau dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng; truyền thụ kinh nghiệm công tác đảng, công tác chính trị trong chiến đấu; rèn luyện bản lĩnh, tác phong chỉ huy, nhạy bén, sáng tạo và khả năng thích ứng cao trong mọi điều kiện, hoàn cảnh công tác. Cùng với đó, Nhà trường cần kết hợp chặt chẽ giáo dục - đào tạo với nghiên cứu khoa học, hướng vào nâng cao chất lượng đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết đào tạo với các trường trong và ngoài Quân đội.

Hai là, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá chất lượng dạy - học. Tích cực đẩy mạnh phương pháp dạy - học hiện đại, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, khắc phục lối truyền thụ kiến thức một chiều, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học viên tự cập nhật và đổi mới phương pháp, phát triển năng lực, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Đa dạng hóa các hình thức dạy học, coi trọng các hoạt động ngoại khóa, thực hành, tham quan, thực tập, rèn luyện tay nghề, tham gia các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học. Tổ chức dạy học chiến thuật và các môn học quân sự gắn kết với nội dung công tác đảng, công tác chính trị; tăng cường hệ thống các tưởng định sát thực tiễn chiến đấu và đối tượng tác chiến. Kết hợp giữa trang bị kiến thức với rèn luyện phong cách chỉ huy, nâng cao mức độ khó khăn, căng thẳng; qua đó, gợi mở cho người học những vấn đề, tình huống mà người cán bộ chính trị cần phải giải quyết trong thực tiễn công tác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên tiếp tục được đổi mới theo hướng từ đánh giá tái hiện kiến thức sang đánh giá vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra; trong đó, đề cao ý thức trách nhiệm của người thầy, đảm bảo tính khách quan, công tâm, chính xác trong thi, kiểm  tra.

Ba là, coi trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, đảm bảo cho đội ngũ này có trình độ toàn diện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, kiến thức, năng lực và tác phong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Xác định đây là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng giáo dục - đào tạo, Nhà trường coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao theo đúng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo đến năm 2015, tầm nhìn 2020 và những năm tiếp theo, tạo nguồn nhân lực dồi dào phục vụ cho công tác giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Để làm được điều đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết về xây dựng đội ngũ giảng viên trong thời kỳ mới; trong đó, xác định quan tâm đào tạo những giảng viên có trình độ sau đại học, nhất là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, chuyên gia đầu ngành4. Đồng thời, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khuyến khích, động viên đội ngũ giảng viên tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt; gắn đào tạo tại các học viện, nhà trường với đi thực tế tại đơn vị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị cho cán bộ, giảng viên và đội ngũ nhân viên phục vụ, như: các lớp ngoại ngữ, tin học, năng lực sư phạm và kỹ năng mềm; quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ, giảng viên, tạo điều kiện về thời gian và kinh phí để họ đi học, thực tế tại các đơn vị, nâng cao trình độ.

Bốn là, nâng cao năng lực quản lý giáo dục của Nhà trường, kết hợp chặt chẽ với duy trì kỷ luật, xây dựng Nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực. Tập trung nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổ chức điều hành huấn luyện và thực hiện nghiêm túc quy chế, quy định về giáo dục - đào tạo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động giáo dục - đào tạo và tự kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn cho người học; rèn luyện tác phong chính quy, chấp hành kỷ luật, điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của quân đội, rèn luyện thể lực cho học viên, tạo môi trường sư phạm lành mạnh, là “cái nôi” cho học viên phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành.

Năm là, tăng cường đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy - học và rèn luyện. Trên cơ sở nguồn kinh phí được cấp, Nhà trường thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng trong giảng dạy, quản lý, đánh giá kết quả; thường xuyên rà soát, cập nhật, biên soạn mới giáo trình, tài liệu. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống phòng học, thao trường, bãi tập, trung tâm điều hành huấn luyện, phòng phương pháp, phòng chấm thi tập trung với những phương tiện kỹ thuật hiện đại; tiếp tục đầu tư nâng cấp và đổi mới phương thức hoạt động của thư viện tổng hợp, bảo đảm các loại tài liệu tham khảo đa dạng, phong phú; phát huy hiệu lực mạng thông tin nội bộ (LAN) và website của Nhà trường; tập trung cải thiện điều kiện làm việc, giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, học viên. Cùng với đó, không ngừng củng cố, nâng cấp các thiết chế văn hóa, công trình thể thao, tổ chức các câu lạc bộ học viên để phục vụ hoạt động ngoại khóa, thực hành công tác đảng, công tác chính trị và rèn luyện thể lực, bảo đảm sự phát triển toàn diện của người cán bộ chính trị trong tương lai.

Để trở thành trường trọng điểm trong Quân đội, thời gian tới, Trường Sĩ quan Chính trị tiếp tục phấn đấu, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên vừa “hồng”, vừa “chuyên”, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang bị; xây dựng Nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội và quốc gia, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng NGUYỄN VĂN ĐỦ, Chính ủy Nhà trường
______________________

1 - Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính trị lần thứ VIII, Nxb QĐND, H. 2010, tr. 28.

2 - Đội ngũ giảng viên đạt 85,09% so với biên chế; trong đó: tiến sĩ: 7,66%, thạc sĩ: 37,98%, đại học: 54,38%, phó giáo sư: 1,86%, Nhà giáo ưu tú: 0,93%, 12 giảng viên giỏi cấp Bộ Quốc phòng.

3 - Học viên tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng có 75,81% khá, giỏi, trong đó 0,79% đạt loại giỏi.

4 - Phấn đấu đến năm 2020, có đủ giảng viên và có từ 15%-20% dự trữ; 70%-80% có trình độ sau đại học, trong đó 17%-20% là tiến sĩ, 6-7 giáo sư, phó giáo sư, 100% giảng viên chuẩn hóa về trình độ ngoại ngữ và tin học, nhiều giảng viên đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú, giảng viên giỏi cấp Bộ Quốc phòng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.