Thứ Bảy, 23/11/2024, 21:23 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Thực hiện Đề án “Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo”, ngày 27-5-2014, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được thành lập. Đây là lĩnh vực mới, phức tạp, thể hiện vị thế quốc tế của Việt Nam, đòi hỏi Trung tâm phải nâng cao năng lực toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Buổi lễ thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước thời kỳ mới, nhất là những cam kết khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Bộ Quốc phòng đã chủ động nghiên cứu, chuẩn bị mọi mặt về lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; trong đó có quyết định thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (ngày 04-12-2013). Quyết định trên thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược cùng sự chủ động, kịp thời của Quân đội trong nắm bắt tình hình, vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối của Đảng vào điều kiện thực tế đất nước, góp phần tăng cường hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới; nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, Quân đội; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, tạo môi trường quốc tế thuận lợi thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, quản lý, điều hành toàn bộ quá trình chuẩn bị và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội; đồng thời, triển khai các hoạt động đối ngoại quốc phòng trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là nhiệm vụ hết sức mới mẻ, nặng nề, diễn ra cả ở trong và ngoài nước, trong điều kiện phức tạp, lại mang tính quốc tế cao, nên đòi hỏi có sự chuẩn bị chu đáo cả về con người, tổ chức và vật chất bảo đảm.
Nhận thức rõ điều đó, ngay sau khi thành lập, mặc dù công việc nhiều, kinh nghiệm còn hạn chế, nguồn nhân lực chưa đầy đủ, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Trung tâm đã tập trung kiện toàn tổ chức biên chế, triển khai toàn diện các mặt công tác, từng bước đưa nhiệm vụ quan trọng này đi vào ổn định, có hệ thống, theo lộ trình đặt ra và đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Nổi bật là, Trung tâm đã chủ động phối hợp và làm tham mưu xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, như: Nghị quyết của Quốc hội; Quy định về chế độ chính sách; Thông tư quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các mối quan hệ công tác của Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, v.v. Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước và điều kiện, đặc thù của Việt Nam, Trung tâm đã chủ động đề xuất với Bộ về mô hình tổ chức, biên chế lực lượng tham gia; danh mục trang bị theo chuẩn Liên hợp quốc cùng các phương thức tham gia theo suất cá nhân đơn vị, v.v. Bên cạnh đó, Trung tâm chú trọng nghiên cứu, lựa chọn và tổ chức cho nhiều lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo tiếng Anh (tại Hội đồng Anh, Đoàn 871 và Bệnh viện 175,…); tổ chức và cử cán bộ tham gia nhiều lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị chuyên đề về lĩnh vực gìn giữ hòa bình ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Trung tâm chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và đơn vị tổ chức huấn luyện chuyên môn cho từng lực lượng; đồng thời, tổ chức huấn luyện tiền triển khai cho các suất cá nhân và đơn vị theo chuẩn của Liên hợp quốc. Đây là vấn đề rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở từng phái bộ mà Trung tâm có thể tự đảm nhiệm được (trong thời gian rất ngắn).
Cùng với đó, Trung tâm chủ trì, phối hợp làm tham mưu và tổ chức thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, nhằm huy động tối đa nguồn lực và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Theo đó, cùng với chủ trì hoàn chỉnh các nội dung, thủ tục giúp Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực này với các đối tác quan trọng1, Trung tâm còn triển khai các hoạt động trao đổi đoàn với tùy viên quốc phòng các nước; tham gia các cơ chế, diễn đàn song phương và đa phương về gìn giữ hòa bình; cử cán bộ tham gia khảo sát thực địa ở Phái bộ Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi, làm cơ sở triển khai lực lượng.
Với những nỗ lực vượt bậc đó, ngay trong Lễ công bố thành lập Trung tâm, 02 cán bộ Quân đội đã có đủ điều kiện và được cử làm “Sĩ quan liên lạc” tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng, đánh dấu sự tham gia chính thức của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2015, Trung tâm tiếp tục triển khai 05 suất cá nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi. Đồng thời, theo chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Trung tâm chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch, tích cực chuẩn bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh, sẵn sàng triển khai ở phái bộ phù hợp với yêu cầu của Liên hợp quốc.
Đánh giá về sự kiện trên, bà A-mi-ra Hác, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, kiêm Cục trưởng Cục Hỗ trợ thực địa (DFS) đã nhấn mạnh rằng, việc Việt Nam thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình và cử 02 sĩ quan liên lạc tới Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng là minh chứng cụ thể cho quyết tâm đóng góp của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trên thực tế, các lãnh đạo Liên hợp quốc, nhất là Chỉ huy Phái bộ Nam Xu-đăng đã đánh giá cao trình độ, tính kỷ luật và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của hai sĩ quan Việt Nam; đồng thời, mong muốn chúng ta cử thêm nhiều sĩ quan và đơn vị đến các phái bộ Liên hợp quốc. Chính quyền nước sở tại cũng đã hết lời ca ngợi sự đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực này. Họ cho rằng: Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình hoàn toàn vô tư, trong sáng, hết mình đóng góp cho củng cố hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới. Phát biểu tại hội nghị đánh giá một năm Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun đã dùng từ “tuyệt vời” khi đề cập về hoạt động của các sĩ quan Việt Nam tại Phái bộ Liên hợp quốc. Đây là một trong những điểm sáng nổi bật về đối ngoại và hợp tác quốc tế về quốc phòng của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế thời gian qua.
Thời gian tới, dự báo tình hình khu vực, thế giới tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên,… sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của nước ta, trực tiếp là Trung tâm những yêu cầu mới, cao hơn. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ của Trung tâm còn thiếu, trình độ, kinh nghiệm chưa đồng đều; cơ sở vật chất còn hạn hẹp, v.v. Để hoàn thành tốt trọng trách được giao, cùng với tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Trung tâm coi trọng triển khai đồng bộ các giải pháp, đưa công tác này đi vào chiều sâu, hiệu quả, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam; trong đó, tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, nhất là đối với những lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trong đó, tập trung giáo dục làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững mục đích, chủ trương, nguyên tắc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Đảng và Nhà nước; hiểu rõ vị trí, ý nghĩa của hoạt động này trong bối cảnh hội nhập quốc tế; thấy rõ những thuận lợi, khó khăn, thậm chí cả sự hy sinh tính mạng khi thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, xây dựng cho họ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành và chấp hành tốt chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; tuân thủ triệt để pháp luật, quy chế của Liên hợp quốc và của quốc gia sở tại; tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế; quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu cho cấp trên và chỉ đạo, hướng dẫn các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Theo đó, việc nghiên cứu, tham mưu phải bảo đảm toàn diện, từ hoàn thiện các văn bản pháp lý, cơ chế, chính sách, quy định chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng,… đến lĩnh vực và hình thức mà Việt Nam tham gia cần được nghiên cứu thấu đáo để tham mưu đúng, trúng, kịp thời. Đây là vấn đề rất quan trọng, quyết định đến khả năng và hiệu quả việc hiện thực hóa quan điểm, đường lối của Đảng vào thực tiễn, nhằm đẩy mạnh hợp tác và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với đó, coi trọng chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị về mọi mặt, như: huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tại đơn vị; đào tạo ngoại ngữ; huấn luyện tiền triển khai theo chuẩn của Liên hợp quốc, v.v. Trước mắt, Trung tâm chủ trì, thực hiện tốt các khóa đào tạo ngoại ngữ theo hướng cơ bản, lâu dài; nghiên cứu biên soạn tài liệu, giáo trình giảng dạy chuyên ngành gìn giữ hòa bình và hợp tác trong huấn luyện tiền triển khai cho các lực lượng đặc thù, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ba là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cùng trang bị, thiết bị hiện đại, bảo đảm cho các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc hoàn thành tốt nhiệm vụ theo lộ trình đã đề ra. Trước hết, Trung tâm chủ động phối hợp với Bộ tư lệnh Công binh, Cục Quân y thống nhất danh mục bảo đảm trang bị cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh theo chuẩn của Liên hợp quốc. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, xây dựng kế hoạch mua sắm trang bị mà trong nước chưa sản xuất được để trang bị cho các lực lượng này. Tiếp tục tận dụng các nguồn lực để đẩy nhanh quá trình xây dựng, đưa vào sử dụng trụ sở Trung tâm với đầy đủ công năng, theo hướng hiện đại tầm khu vực; trong đó, chú trọng khu hội nghị, hội thảo quốc tế, các giảng đường chuyên dùng, khu huấn luyện thực hành, thể lực,… đáp ứng nhu cầu cả trong nước và quốc tế.
Bốn là, chủ động, tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình; trong đó, coi trọng đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác với đối tác quan trọng trên các lĩnh vực, như: huấn luyện, đào tạo, cung cấp thiết bị, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm tổ chức lực lượng và huấn luyện tiền triển khai. Đồng thời, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác gìn giữ hòa bình, cả song phương và đa phương, góp phần đưa Trung tâm phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế.
Đại tá HOÀNG KIM PHỤNG, Giám đốc Trung tâm ____________
1 - Gồm: Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trung tâm,gìn giữ hòa bình,Việt Nam
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng