Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:00 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Ngày 01-10-2018, Việt Nam chính thức triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt khi lần đầu tiên chúng ta đưa một đơn vị Quân đội tham gia thực hiện sứ mệnh hòa bình quốc tế cao cả. Đó cũng là quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao tầm vóc, vị thế của đất nước, của Quân đội trên trường quốc tế.
Với quan điểm và mục tiêu nhất quán là, đưa nước ta trở thành đối tác tin cậy, là bạn và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Đảng và Nhà nước ta quyết định đưa lực lượng Quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khi điều kiện, thời cơ đã chín muồi. Quyết định đó rất đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với xu thế thời đại; thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta nhằm thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ,… góp phần phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để bảo vệ và phát triển đất nước; đồng thời, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và đóng góp tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Đây là nhiệm vụ mới, mang ý nghĩa đặc biệt, nhưng đầy khó khăn, với nhiều khâu, bước quan trọng liên quan đến vị thế quốc gia nên Quân đội nhân dân được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao cho đảm nhận.
Tuy nhiên, việc cử Quân đội tham gia không có nghĩa là Việt Nam sẽ tham gia tất cả các nội dung gìn giữ hòa bình khuôn khổ Liên hợp quốc, mà chúng ta chỉ tham gia các nội dung có lựa chọn, ở địa bàn phù hợp. Theo quan điểm nhất quán của Đảng, chúng ta không tham gia vào các xung đột quân sự, các hoạt động quản trị người dân sở tại, càng không tham gia vào những xung đột mà Liên hợp quốc không có tiếng nói,… Quân đội chỉ tham gia các hoạt động nhân đạo, hòa giải phù hợp với khả năng, điều kiện của mình, trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Với quan điểm đó, việc chọn Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi - những quốc gia châu Phi đang phải đối mặt với đói nghèo, sự mất kiểm soát của chính quyền và xung đột giữa các bộ tộc, phe phái trong nội bộ quốc gia là phù hợp.
Thực hiện chủ trương đó, ngay sau khi Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) được thành lập (ngày 27-5-2014), chúng ta đã gấp rút triển khai các bước chuẩn bị cần thiết và đã cử hàng chục lượt sĩ quan tới hai phái bộ Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi làm nhiệm vụ. Đây là bước đột phá trong cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng; đồng thời, mở ra kênh hợp tác mới giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế. Cảm phục trước trình độ chuyên môn, khả năng tổ chức làm việc hiệu quả, ý thức kỷ luật cao,… của các sĩ quan Việt Nam ở từng Phái bộ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon (lúc đó) đã dùng từ “tuyệt vời” để ngợi ca lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam khi ông đến thăm Hà Nội vào tháng 5-2015.
Phát huy kết quả đạt được, Đảng, Nhà nước quyết định cử các đội Công binh, Quân y,… tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhằm góp phần khẳng định, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng đóng góp thiết thực vào bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Đặc biệt vừa qua, với việc chuẩn bị và triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tại Phái bộ Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ quy mô cá nhân lên quy mô đơn vị. Điều đó không chỉ nói lên sự nỗ lực cố gắng không ngừng của Việt Nam, mà còn mở ra cơ hội để chúng ta tiếp tục thể hiện năng lực trong việc tham gia các hoạt động mang tầm quốc tế.
Để làm được điều đó, ngay sau khi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 được thành lập (ngày 25-11-2014), được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị có liên quan đã tích cực phối hợp triển khai làm công tác chuẩn bị. Về con người, theo yêu cầu của Liên hợp quốc, các thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 đều được tuyển chọn kỹ từ các cơ quan, đơn vị thuộc các bệnh viện Quân y lớn của Quân đội, đảm bảo đủ sức khỏe, trình độ, năng lực chuyên môn; danh sách của Bệnh viện này đã gửi Liên hợp quốc và chính thức được thông qua. Về huấn luyện - đào tạo, mặc dù nhân sự đầu vào của Bệnh viện dã chiến rất cao, nhưng vẫn phải trải qua các khóa huấn luyện - đào tạo theo quy chuẩn hết sức khắt khe của Liên hợp quốc. Theo đó, cùng với tăng cường huấn luyện chuyên môn tại Bệnh viện Quân y 175, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bệnh viện Quân y 175 đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và thông qua kênh hợp tác quốc tế về quốc phòng để hợp tác với các đối tác, như: Anh, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân trong đào tạo ngoại ngữ, tổ chức các đợt huấn luyện chuyên sâu, huấn luyện bổ sung theo yêu cầu của Liên hợp quốc. Điển hình là các khóa huấn luyện các kỹ năng về cấp cứu đường không, chăm sóc thương vong quốc tế (ITLS), hỗ trợ chăm sóc thương vong cao cấp (ATLS), xử lý tình huống khẩn cấp khi phải tiếp nhận, xử lý số lượng thương vong lớn, kỹ năng phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các loại bệnh truyền nhiễm thường gặp ở Phái bộ, v.v. Cùng với các nội dung huấn luyện về chuyên môn, ngoại ngữ, Bệnh viện dã chiến còn được huấn luyện thuần thục các hoạt động tiền triển khai, đảm bảo hoạt động hiệu quả ngay khi có lệnh triển khai tại Phái bộ. Điều đáng nói là, tất cả các nội dung trên đều do các chuyên gia quốc tế trực tiếp huấn luyện và sát hạch. Tháng 2-2018, qua kiểm tra các nội dung, đoàn kiểm tra của Liên hợp quốc đánh giá: 100% cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 có đủ tiêu chí và năng lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Xu-đăng.
Cùng với đó, việc chuẩn bị sẵn sàng về trang bị và các bước triển khai cho Bệnh viện dã chiến cũng được Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan, đơn vị liên quan hết sức chú trọng. Theo quy định của Liên hợp quốc, bộ trang bị cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 phải đảm bảo theo tiêu chuẩn chung, được trang bị trước thời điểm triển khai quân tới Phái bộ ít nhất 4 tháng, nhằm phục vụ Phái đoàn kiểm tra trang bị tiền triển khai của Liên hợp quốc và phục vụ thao diễn thực địa. Ngoài ra, việc triển khai Bệnh viện này phải theo hai đợt chính; đợt 1 được triển khai tới Phái bộ gần 50% quân số và khoảng 30 tấn hàng hóa bằng đường hàng không. Đợt 2, sẽ được triển khai với toàn bộ lực lượng, vật chất, trang bị còn lại bằng phương tiện vận tải quân sự là chủ yếu.
Như vậy, có thể nói, với khối lượng công việc đồ sộ, trong thời gian rất ngắn, chúng ta đã nỗ lực hết mình để chuẩn bị thật kỹ, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của Liên hợp quốc. Nhờ đó, việc triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam tại Phái bộ Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng đã thành công rực rỡ, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Những kết quả sau gần 5 năm cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nói chung, triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tại Nam Xu-đăng nói riêng tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm không chỉ xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và thúc đẩy các kênh hợp tác với các nước, mà còn mang thông điệp hòa bình đến bạn bè quốc tế; đồng thời, thực hiện đúng cam kết với Liên hợp quốc nói riêng, quốc tế nói chung về một Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định, Việt Nam có đủ khả năng, năng lực tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ mang tầm quốc tế; Quân đội ta không chỉ anh hùng trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, mà còn rất giỏi và nhân văn trong bảo vệ hòa bình.
Chuẩn bị, triển khai một đơn vị quân đội tới một phái bộ gìn giữ hòa bình ở nước ngoài trong khuôn khổ Liên hợp quốc là nhiệm vụ hết sức nặng nề và phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia với những khâu, bước công phu, chặt chẽ cả về con người, vật chất trang bị và hệ thống văn bản pháp lý, v.v. Để tiếp tục chuẩn bị, triển khai có hiệu quả các bệnh viện dã chiến cấp 2 tiếp theo và đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo lộ trình đề ra, thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Trước hết, các cấp, ngành, lực lượng, nhất là các cơ quan, đơn vị trực tiếp hoặc có liên quan đến nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng trên lĩnh vực này. Trong đó, tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng trong xác định nội dung, địa điểm phái bộ và quy mô tham gia, đảm bảo phù hợp với điều kiện, năng lực, sở trường của chúng ta khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Hai là, trên cơ sở triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tại Phái bộ Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng, cần tăng cường nắm bắt thông tin, trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia và các nước đối tác tại thực địa để nghiên cứu, hoàn thiện các bước trong quy trình tổ chức, chuẩn bị, triển khai bệnh viện dã chiến tiếp theo cũng như các đơn vị chuyên ngành khác tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đồng thời, có kế hoạch chuyển tiếp nhiệm vụ sau khi lực lượng này hoàn thành nhiệm vụ tại các phái bộ trở về nước.
Ba là, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt đối với các cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Cùng với đẩy mạnh huấn luyện, đào tạo về ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc, cần tăng cường huấn luyện về thể lực, kiến thức pháp lý quốc tế, pháp luật nước sở tại,… và kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp tại thực địa ở các phái bộ. Đây là vấn đề rất quan trọng, làm cơ sở, động lực để chúng ta có đủ khả năng, sức mạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ ở từng phái bộ, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bốn là, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, lực lượng và thúc đẩy hợp tác với các đối tác có liên quan trong chuẩn bị các mặt, cả về con người, cơ sở vật chất trang bị và cơ sở pháp lý. Đặc biệt, thông qua kênh hợp tác quốc tế về quốc phòng, cần tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài trong đào tạo ngoại ngữ, huấn luyện chuyên sâu, trợ giúp các trang thiết bị cần thiết cũng như hợp tác trong quá trình tiền triển khai lực lượng tại các phái bộ.
Năm là, tiếp tục xúc tiến đầu tư xây dựng Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam ngày càng hiện đại, ngang tầm quốc tế, đảm bảo không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn đáp ứng sự ủy thác huấn luyện các lực lượng ở khu vực và quốc tế, góp phần quan trọng vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cả trước mắt và lâu dài.
TS. NGUYỄN HẢI SƠN
Bệnh viện dã chiến,Nam Xu-Đăng
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng