QPTD -Thứ Hai, 09/07/2012, 15:31 (GMT+7)
Tranh thủ thời cơ hội nhập quốc tế, xây dựng tiềm lực phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn

 Trong hai thập kỷ qua, với sự nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế, tình hình vũ khí huỷ diệt lớn đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy vậy, các thảm họa về hoá học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân vẫn tiềm ẩn sự nguy hại khó lường. Do đó, tranh thủ thời cơ hội nhập quốc tế để xây dựng tiềm lực phòng, chống vũ khí huỷ diệt lớn là vấn đề cấp thiết đối với nước ta hiện nay.


Bộ đội Hoá học xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh
Tiềm lực phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn (VKHDL) gồm các yếu tố: chính trị, tinh thần, kinh tế, khoa học công nghệ, quân sự, an  ninh, đối ngoại... có thể huy động được để duy trì hoạt động lãnh đạo, điều hành của Đảng và các cơ quan Nhà nước, bảo toàn sức chiến đấu của lực lượng vũ trang và hoạt động của nhân dân trước sự tàn khốc của VKHDL trong chiến tranh và trong các thảm họa về hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân (CBRN) thời bình. Nhận thức rõ nguy cơ từ các thảm họa đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới nhiệm vụ xây dựng tiềm lực phòng chống VKHDL; trong đó, tranh thủ sự hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp rất quan trọng.

Theo quan điểm của Đảng ta, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của đất nước; kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh thời đại. Chúng ta không sở hữu VKHDL, nhưng phải sẵn sàng đối phó có hiệu quả với nó. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, chúng ta cần nắm bắt thời cơ, vận hội mới để xây dựng tiềm lực quốc phòng của đất nước vững mạnh, trong đó có tiềm lực phòng, chống VKHDL. Để thực hiện mục tiêu đó, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

1 - Cần tranh thủ điều kiện, mọi lực lượng để đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là phấn đấu vì hoà bình thế giới, ủng hộ việc chống phổ biến VKHDL, tiến tới tiêu huỷ toàn bộ VKHDL. Việt Nam đã tham gia các định ước và cơ chế quan trọng về không phổ biến VKHDL, trong đó có những định ước được coi là trụ cột của hệ thống pháp lý quốc tế. Chúng ta cũng đã thực hiện tốt trách nhiệm của quốc gia thành viên, như: Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), Công ước Cấm vũ khí hoá học (CWC), Công ước Cấm vũ khí sinh học (BWC)... Qua đó, tăng cường vị thế của nước ta trên trường quốc tế và tranh thủ sự hợp tác kỹ thuật, kinh tế, thương mại để tạo ra tiềm lực cho việc phòng, chống VKHDL.

Tuy nhiên, yêu cầu thực hiện các định ước quốc tế ngày càng cao; những điều khoản về kiểm soát, trao đổi sản phẩm, công nghệ, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và thanh sát trong khuôn khổ các điều ước có thể bị các thế lực thù địch lợi dụng để thực hiện các ý đồ chống phá cách mạng nước ta. Do đó, quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế về phòng, chống VKHDL phải có bước đi thận trọng, phù hợp; vừa tạo được môi trường tin cậy, thuận lợi để xây dựng tiềm lực phòng, chống VKHDL của đất nước, vừa tránh sự kiến nghị của các quốc gia, không sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, tạo cớ can thiệp, chống phá. Trên cơ sở các điều khoản của định ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần thường xuyên cập nhật thông tin, nắm chắc và đánh giá đúng tình hình, nhất là những vấn đề nhạy cảm để tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm “nội luật hóa” thành những quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết các hoạt động liên quan đến CBRN. Với các nước trong khu vực, chúng ta tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin liên quan, chủ động ngăn ngừa từ xa các nguy cơ; phối hợp diễn tập ứng cứu, khắc phục sự cố, thảm họa về CBRN.

2 - Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để xây dựng nguồn nhân lực nòng cốt phòng, chống VKHDL. Kỹ thuật phòng, chống VKHDL là lĩnh vực đòi hỏi trình độ công nghệ cao nhưng rất nhạy cảm; bởi những thành tựu của nó có thể được sử dụng vào mục đích quân sự trước khi đưa ra ứng dụng vào ngành công nghiệp dân sinh, giống như vũ khí hạt nhân đã ra đời trước ngành công nghiệp điện hạt nhân. Do vậy, việc đào tạo các chuyên gia quân sự về lĩnh vực này hết sức khó khăn, đặc biệt là đào tạo ở nước ngoài. Vì thế, trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài từ các nguồn vốn do Nhà nước quản lý, cần bố trí tỷ lệ kinh phí thích hợp cho việc đào tạo cán bộ một số chuyên ngành mũi nhọn về CBRN ở các nước đối tác chiến lược, có nền khoa học công nghệ tiên tiến.  

Cùng với đào tạo cơ bản, cần tranh thủ các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên kỹ thuật CBRN. Trong đó, các nội dung cụ thể về bảo đảm an toàn, an ninh cho các cơ sở ứng dụng công nghệ hạt nhân, các khu công nghiệp hóa chất, các công nghệ xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh, xử lý ô nhiễm môi trường... cần được quan tâm khai thác. Các dự án mua sắm trang bị, dây chuyền công nghệ trực tiếp sản xuất các trang bị phòng hóa cần dành một tỷ lệ kinh phí thích đáng để huấn luyện cán bộ. Để đạt hiệu quả cao, nguồn nhân sự đi học phải được chuẩn bị tốt kiến thức cơ sở, ngoại ngữ và ràng buộc trách nhiệm, có chế tài xử lý phù hợp các trường hợp vi phạm cam kết. 

Các cơ quan quốc gia về thực hiện các định ước quốc tế, cơ quan thường trực về phòng thủ dân sự cần tích cực tham dự các hội nghị thường niên, tiếp xúc song phương, nhằm thu thập, khai thác thông tin, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực thể chế, trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp của đội ngũ chuyên gia tư vấn, nâng cao hiệu quả tham mưu cho Chính phủ quản lý, điều hành việc thực hiện các định ước quốc tế. Đồng thời, chủ động tổ chức tại Việt Nam các hội thảo khoa học, các khóa tập huấn chuyên môn; mời các chuyên gia có uy tín của các tổ chức quốc tế giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm các vấn đề chuyên sâu về phòng, chống VKHDL. Các cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm phòng, chống VKHDL của Quân đội và một số ngành cần tích cực, chủ động thông qua cơ quan quốc gia để nắm thông tin, đăng ký tham gia các kỳ thi sát hạch chuyên môn do các tổ chức công ước, hiệp ước quốc tế triển khai.

3 - Khai thác các yếu tố thuận lợi trong mở rộng hội nhập quốc tế để từng bước đáp ứng nhu cầu bảo đảm phương tiện, vật chất phòng, chống VKHDL. Trong quy hoạch phát triển các dự án kinh tế (nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài) cần gắn kết với nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quy định trong Nghị định 117/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Ở một số ngành công nghiệp, cần đầu tư nhập ngoại một số dây chuyền, thiết bị công nghệ sản xuất các sản phẩm phòng hóa lưỡng dụng, phục vụ dân sinh và nhiệm vụ quốc phòng khi cần thiết. Trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, các công trình ngầm, nửa ngầm có thể là nơi trú ẩn cho nhân dân, cơ quan, tổ chức, phòng tránh được các tác nhân CBRN khi có nguy cơ xảy ra thảm họa hoặc chiến tranh. Kết quả nghiên cứu, thử nghiệm cho thấy, các tầng hầm, tầng trệt các tòa nhà cho phép giảm mức phóng xạ 100 lần, còn các công trình phòng tránh hoàn thiện của phòng thủ dân sự sẽ giảm được 500 lần. Đây là những điều cần tính đến trong quá trình xây dựng hạ tầng, kể cả các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Trong phát triển công nghiệp quốc phòng, sản xuất các khí tài, phương tiện, vật liệu phòng hóa, việc khảo sát công nghệ cần ưu tiên lựa chọn trong các đối tác chiến lược có công nghệ hiện đại; đồng thời, mở rộng sang các khu vực khác để tăng tính chọn lựa, cạnh tranh. Tranh thủ sự hợp tác của các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ để thu hút, khai thác nguồn đầu tư các phòng thí nghiệm, các trang thiết bị phòng hóa hiện đại để khai thác, nghiên cứu bằng năng lực trong nước. Tuy nhiên, không thể thu hút, tiếp nhận đầu tư, kể cả viện trợ từ nước ngoài bằng mọi giá, xem nhẹ hoặc bỏ qua những quy định về an ninh, nhất là những yếu tố đặc biệt nhạy cảm về CBRN. Các hoạt động hóa chất phải nắm vững và thực hiện nghiêm quy định về hóa chất mà Chương 2 của Nghị định số 100/2005/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học đã đề ra.

Khi tiếp thu chuyển giao các công nghệ sản xuất khí tài phòng hóa nhập ngoại, không thể thụ động, tiếp nhận đơn thuần (kể cả những nguồn tài trợ, viện trợ), mà phải chọn lọc công nghệ, có điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính độc lập, tự chủ. Cần chuẩn bị kỹ lực lượng tiếp nhận, huấn luyện chuyển giao công nghệ, cả về trình độ ngoại ngữ và kiến thức “nền” để không chỉ tiếp thu hết các nội dung “bí quyết” công nghệ được chuyển giao, mà còn khai thác được thêm những cái đang “cần”, chứ không chỉ dừng lại ở cái đối tác đang “có”; tránh tình trạng khi chuyên gia của các đối tác rút về thì sản phẩm làm ra không đạt tiêu chuẩn. Trong các hoạt động kinh tế, thương mại có yếu tố nước ngoài, cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất, nghiên cứu, tàng trữ, kinh doanh các hóa chất, nguồn phóng xạ nhạy cảm, thuộc diện kiểm soát chặt chẽ của các tổ chức quốc tế. Mặt khác, phải thận trọng trong khâu tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, tránh tạo những nghi vấn, có thể tạo cớ cho thanh sát, kiểm tra.

4 - Tranh thủ hội nhập quốc tế để phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn việc sử dụng VKHDL; trước mắt là trong thực hiện chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Hiện nay, trên đất nước ta có hơn 4 triệu nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin do đế quốc Mỹ gây ra trong chiến tranh cần được giúp đỡ. Các vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam vừa qua tuy chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhưng đã đạt được ý nghĩa quan trọng về xã hội và nhân văn, tạo bước chuyển biến về nhận thức, làm thức tỉnh lương tri nhân dân Mỹ và hành động của Chính quyền Mỹ, hình thành phong trào quốc tế ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Thời gian tới, chúng ta cần kiên trì tranh thủ nhiều nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin; tiếp tục củng cố, duy tu các bảo tàng, các khu chứng tích chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam và thu hút các tổ chức chính trị, xã hội, khách du lịch quốc tế tới thăm, để họ thấy rõ hơn hậu quả thảm khốc mà con người và môi trường sinh thái Việt Nam đã phải gánh chịu. Chúng ta cũng phải tranh thủ sự hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu áp dụng các công nghệ tiên tiến để xử lý các “điểm nóng” về chất độc hóa học/đi-ô-xin; chú trọng vận động các cựu chiến binh Mỹ và đồng minh đã từng tham chiến tại Việt Nam tiếp tục cung cấp các thông tin liên quan để giúp cho quá trình điều tra, đánh giá, xử lý bớt khó khăn hơn.

Tranh thủ thời cơ hội nhập quốc tế để xây dựng tiềm lực phòng, chống VKHDL là vấn đề cấp thiết hiện nay. Để nâng cao hiệu quả, các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan chức năng trực tiếp tham gia các vấn đề liên quan cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, nhạy bén nắm bắt thời cơ, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo, tăng cường hợp tác mua sắm trang bị, khí tài, vật chất..., góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, phòng, chống có hiệu quả VKHDL và các thảm họa CBRN, xây dựng một hành tinh an toàn hơn.

Thiếu tướng, TS. PHẠM QUỐC TRUNG

Tư lệnh Binh chủng Hóa học

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.