QPTD -Thứ Năm, 09/01/2025, 10:35 (GMT+7)
Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đột phá nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị hiện đại

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, những năm qua, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt xu hướng phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là tác động của các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra trên thế giới để tham mưu, đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng định hướng nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật cho Quân đội. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác khoa học, tạo ra đột phá về năng lực nghiên cứu thiết kế, công nghệ chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật. Đảng ủy Tổng cục đã ban hành nghị quyết lãnh đạo, cùng các quy chế, quy định về công tác nghiên cứu khoa học; xây dựng kế hoạch, xác định rõ nhiệm vụ, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể. Cùng với đó, Tổng cục chỉ đạo các đơn vị xây dựng, đề xuất mở mới và triển khai thực hiện nhiều đề án, chương trình cấp quốc gia, cấp Bộ Quốc phòng; thay đổi cách đề xuất đề tài, nhiệm vụ từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, mang tính tích hợp cao; từ đó, tạo ra nhiều sản phẩm có tính năng hiện đại, tích hợp hệ thống và hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Trung tướng Hồ Quang Tuấn phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác công nghiệp quốc phòng năm 2024. Ảnh: mod.gov.vn

Với quyết tâm chính trị và giải pháp khoa học, phù hợp, đến nay, công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật của Tổng cục có bước phát triển vượt bậc. Đã nghiên cứu, phát triển và sản xuất được nhiều chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới hiện đại, có tính năng chiến thuật, kỹ thuật cao, tương đương với sản phẩm của các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển trên thế giới, như: vũ khí bộ binh thế hệ mới (súng và đạn chống tăng chống giáp phản ứng nổ, đạn nhiệt áp, đạn nhiễu, đạn cối mẫu mới, đạn bộ binh xuyên giáp, đạn pháo phản lực tăng tầm,...); một số loại vũ khí hỏa lực mạnh có điều khiển, trang bị công nghệ cao, xe thiết giáp, thiết bị không người lái; đóng mới các loại tàu quân sự hiện đại. Trong đó, đã làm chủ một số công nghệ nền, công nghệ lõi, sản xuất được một số mác hợp kim đặc biệt, nhiều chủng loại vật tư thiết yếu và tự chủ hoàn toàn sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ để sản xuất các loại đạn bộ binh, đáp ứng cơ bản nhu cầu cho lực lượng lục quân và góp phần quan trọng vào hiện đại hóa lực lượng hải quân, phòng không, không quân, v.v. Từ đó, nâng cao tính chủ động, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí, vật tư, linh kiện từ nước ngoài, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật do ngành Công nghiệp quốc phòng thiết kế, chế tạo, sản xuất ngày càng được nâng cao, phù hợp với yêu cầu tác chiến; bảo đảm an toàn trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, tạo được niềm tin của bộ đội.

Những năm tới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu sắc đến khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, đặt ra những yêu cầu mới, cấp thiết về quốc phòng cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; tập trung nghiên cứu, làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, tạo nền tảng vững chắc để tự chủ thiết kế chế tạo, sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, hiện đại trang bị cho Quân đội.

Thực hiện mục tiêu đó, trước hết, Tổng cục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác khoa học, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào nghiên cứu, phát triển các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, phù hợp với nhu cầu xây dựng Quân đội hiện đại. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, bảo đảm hoạt động nghiên cứu khoa học đúng hướng, huy động cao nhất trí tuệ tập thể đội ngũ kỹ sư, cán bộ, nhân viên kỹ thuật tham gia. Theo đó, toàn Tổng cục, nòng cốt là các viện nghiên cứu tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 1652-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác khoa học quân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị; trên cơ sở đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác quan trọng này. Trước mắt, tập trung xây dựng, bổ sung nội dung, biện pháp triển khai toàn diện các mặt công tác nghiên cứu khoa học phù hợp thực tiễn. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình, xu thế phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật trên thế giới, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được xác định trong chương trình hành động của Chính phủ; kế hoạch của Bộ Quốc phòng triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW, cùng các đề án nghiên cứu phát triển các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược để đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng. Nâng cao chất lượng đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ (xuất phát từ nhu cầu của Quân đội), tạo bước đột phá nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lục quân; tàu quân sự và vũ khí dưới nước; tên lửa và hàng không vũ trụ quân sự; khí tài quân sự; vật tư kỹ thuật.

Hai là, chú trọng đầu tư, xây dựng tiềm lực khoa học, công nghệ theo hướng đồng bộ, có chiều sâu, lấy xây dựng, phát triển nguồn lực con người làm trung tâm. Thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư những ngành đặc thù cho công nghiệp quốc phòng. Theo đó, cùng với quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, cơ cấu hợp lý, đồng bộ về chuyên ngành, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn theo từng lĩnh vực, có năng lực, trí tuệ, tâm huyết, đam mê nghiên cứu khoa học, các cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu bám sát định hướng, mục tiêu các đề án, chương trình xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng để đề xuất tổ chức đào tạo các ngành nghề, đối tượng cần thiết. Xây dựng cơ chế, chính sách và có kế hoạch thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ điều kiện ngoài xã hội vào phục vụ trong ngành Công nghiệp quốc phòng. Phối hợp, huy động các cơ sở khoa học công nghệ, sản xuất dân sinh tham gia đào tạo, nghiên cứu phục vụ công nghiệp quốc phòng. Mặt khác, Tổng cục tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các chế độ, chính sách, bảo đảm quyền lợi vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động trong các cơ sở công nghiệp quốc phòng; có chế độ đãi ngộ, trọng dụng thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, kỹ sư trưởng, tổng công trình sư, chuyên viên kỹ thuật giỏi và lực lượng tham gia các dự án, công trình, nhiệm vụ đặc biệt, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cùng với xây dựng nguồn nhân lực, Tổng cục tích cực huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đo lường và thử nghiệm theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo nền tảng kỹ thuật để nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế thử, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật. Trước mắt, tập trung nghiên cứu mở và triển khai một số dự án quan trọng về xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, thử nghiệm vũ khí, v.v. Qua đó, tạo sự đột phá về hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu khoa học, thử nghiệm sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật của các đề tài cũng như nhiệm vụ đảm bảo sản xuất quốc phòng và các nhiệm vụ khác.

Ba là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy chế và mô hình, tổ chức đơn vị nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp quốc phòng tự lực, tự cường, tiên tiến, hiện đại, lưỡng dụng. Theo đó, cùng với đẩy mạnh rà soát, nghiên cứu soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp theo quy định, Tổng cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù, áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ, cấp bằng sáng chế cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ quân sự, tạo đột phá trong thủ tục triển khai hoạt động khoa học, công nghệ. Xây dựng, trình ban hành các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi.

Về  tổ chức, lực lượng, trên cơ sở quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, Tổng cục đẩy mạnh cơ cấu, tổ chức lại các đơn vị theo chuyên ngành sản phẩm, bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại; xây dựng các cụm công nghiệp quốc phòng phù hợp thế bố trí chiến lược cho cả ba miền: Bắc, Trung, Nam; xây dựng một số doanh nghiệp mạnh làm nòng cốt thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu, đề xuất thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ nền, công nghệ lõi; thiết lập các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu ứng dụng tại các nhà máy để có thể ứng dụng ngay và phát triển các công nghệ mới từ nghiên cứu. Cùng với đó, Tổng cục khuyến khích, động viên công tác nghiên cứu, thiết kế vũ khí, trang bị kỹ thuật tại các nhà máy sản xuất; gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị nghiên cứu, đơn vị sản xuất và đơn vị sử dụng để chế tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm. Để đạt hiệu quả cao, Tổng cục tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý, điều hành doanh nghiệp và quản lý chất lượng sản phẩm. Tiếp tục chuyển đổi hoạt động của các viện nghiên cứu sang mô hình đơn vị tự chủ về tài chính, v.v.

Bốn là, mở rộng hợp tác quốc tế, triển khai hiệu quả các hình thức hợp tác, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ để phát triển các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại. Vũ khí được coi là một trong những yếu tố quan trọng tạo ra sức mạnh và vị thế quân sự mà mỗi quốc gia đều muốn giữ bí mật cho riêng mình, thậm chí được xếp vào hàng tuyệt mật, khó tiếp cận, nhất là vũ khí, trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược. Trong khi đó, nền công nghệ vật liệu của nước ta chưa phát triển; trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, đo lường, thử nghiệm và hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất vũ khí thế hệ mới, công nghệ cao còn thiếu, v.v. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Tổng cục tích cực xây dựng, hoàn thiện Đề án “Đẩy mạnh hợp tác, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp quốc phòng” để làm cơ sở đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng trong thời gian tới. Đồng thời, tích cực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tăng cường liên doanh, liên kết với các tập đoàn, công ty trong nước và nước ngoài nghiên cứu phát triển các sản phẩm có tính lưỡng dụng cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức các cuộc triển lãm quốc phòng quốc tế,… để tiếp tục quảng bá, nâng cao hình ảnh Công nghiệp quốc phòng Việt Nam với thế giới.

Quán triệt sâu sắc mục tiêu, quan điểm, chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, phát huy truyền thống, bản lĩnh, trí tuệ khoa học, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tiếp tục đột phá nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, từng bước làm chủ công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo, phát triển các loại vũ khí thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng HỒ QUANG TUẤN, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.