QPTD -Thứ Hai, 24/07/2023, 07:27 (GMT+7)
Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đẩy mạnh hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” trong tình hình mới

Thấm nhuần truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả; qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tình thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta; là truyền thống, đạo lý của dân tộc. Đó cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và mọi người, cả thế hệ hôm nay và mai sau. Thấm nhuần quan điểm đó, những năm qua, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác chính sách; trong đó, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút nhiều cán bộ, công nhân viên, người lao động tích cực, tự nguyện tham gia, đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị định của Chính phủ, hướng dẫn về công tác chính sách, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, nhất là Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; chính sách đối với người bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh,… các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục đã hiện thực hóa hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, hiệu quả, phù hợp với tính chất hoạt động của Ngành. Với 36 đầu mối đơn vị trực thuộc, đóng quân trải dài từ Bắc vào Nam, một số đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn,... nhưng hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được toàn Ngành coi trọng, triển khai thực hiện với tất cả tấm lòng, tình cảm, sự trân trọng, biết ơn với nhiều ý nghĩa sâu sắc. Điểm nổi bật là, cùng với thực hiện các chương trình chung của Bộ Quốc phòng, Tổng cục và các đơn vị thành viên luôn tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân và các cơ quan, đơn vị liên quan, tham gia có trách nhiệm, hiệu quả các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo ra phong trào và dấu ấn đậm nét trong nhân dân và xã hội.

Trong 5 năm (2018 - 2023), cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và người lao động trong Tổng cục đã tự nguyện đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền trên 20,3 tỉ đồng1. Ngoài ra, các đơn vị tích cực tham gia ủng hộ trực tiếp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tại các địa phương trên địa bàn đóng quân hơn 03 tỉ đồng. Từ nguồn quỹ trên, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức sử dụng công khai, minh bạch, khoa học, thiết thực. Trong đó, trích hơn 07 tỉ đồng hỗ trợ xây mới và sửa chữa 106 “Nhà Tình nghĩa”, “Nhà Đồng đội”, “Nhà Mái ấm công đoàn, nghĩa tình đồng đội” (gồm 86 nhà xây mới); tặng 172 sổ tiết kiệm với số tiền trên 1,3 tỉ đồng cho các gia đình chính sách. Vào các dịp lễ, Tết, ngày truyền thống, Tổng cục và các đơn vị đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 05 tỉ đồng. Cùng với đó, các đơn vị, nhà máy của Tổng cục đã phát huy tốt hệ thống quân y, phối hợp chặt chẽ với địa phương tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn lượt người, góp phần nâng cao sức khỏe cho các đối tượng chính sách và nhân dân, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa; tham gia hỗ trợ địa phương tu sửa, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ với số tiền trên 2,4 tỉ đồng.

Thủ trưởng Tổng cục trao tặng Nhà tình nghĩa tại Phổ Yên, Thái Nguyên

Một trong những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục tổ chức triển khai chặt chẽ, hiệu quả là nhận và thực hiện tốt việc chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời 89 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện nay 07 mẹ còn sống); quan tâm chăm lo thế hệ trẻ, nhất là đối với con em các gia đình chính sách. Các doanh nghiệp trong Tổng cục đã hỗ trợ cho 97 cháu là con thương binh, liệt sĩ học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; khi ra trường được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp trong Tổng cục. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Tổng cục đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, như: phát động Phong trào thi đua cao điểm với chủ đề: “Uống nước nhớ nguồn, tri ân người có công với cách mạng”; tổ chức đoàn dâng hương, dâng hoa tri ân tại nhiều nghĩa trang liệt sĩ; thăm, tặng quà các trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục, v.v.

Thời gian tới, để hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục lan tỏa và phát triển sâu rộng hơn nữa, Tổng cục xác định tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, tổ chức quần chúng và cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động về hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong tình hình mới. Để thực hiện tốt nội dung quan trọng này, cùng với kế thừa phát huy kết quả, kinh nghiệm đã đạt được về giáo dục, tuyên truyền thời gian qua, Tổng cục tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chế độ, chính sách đối với các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Trọng tâm là Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Chỉ thị số 169-CT/QUTW, ngày 29/12/2020 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội giai đoạn 2021 – 2025. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, người lao động luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, Quân đội và ngành Quân giới; trân trọng sự hy sinh anh dũng, những cống hiến và đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng biết ơn các thế hệ cha anh, góp phần bồi đắp lý tưởng cách mạng, thúc đẩy tinh thần học tập, nâng cao trình độ chuyên môn của tuổi trẻ, xây dựng và phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng vững mạnh. Đồng thời, nêu cao nhận thức, ý thức, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái; tự giác, tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn Tổng cục.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. “Đền ơn đáp nghĩa” là hoạt động thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; là truyền thống, đạo lý của dân tộc Việt Nam, mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề tác động lớn đến tâm tư, tình cảm và niềm tin của các đối tượng chính sách đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội. Do vậy, các cơ quan, đơn vị phải xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” bảo đảm khoa học, thiết thực, hiệu quả. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng tổ chức phô trương, hình thức, không sát địa bàn, đối tượng; gây phản cảm trong nhân dân. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp, tác phong trọng dân, gần dân của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách ở các cấp. Quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và nguồn ngân sách được cấp đúng tiêu chuẩn, chế độ quy định; không để thất thoát, lãng phí, sử dụng sai mục đích. Cùng với đó, kết hợp chặt chẽ hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” với các cuộc vận động, phong trào thi đua, nhất là Phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công”; Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách của cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích đóng góp trong các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”.

Ba là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo nội dung, phương pháp, hình thức thực hiện hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Hiện nay, “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, muốn hoạt động này đạt được hiệu quả và ý nghĩa thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng,... Tổng cục cần bám sát tình hình thực tiễn, nhất là về đời sống, tâm tư, tình cảm,... của các đối tượng thụ hưởng để tổ chức những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ đặc thù của Ngành. Song, dù ở quy mô, cấp độ nào; là vật chất hay tinh thần đều phải được tổ chức chặt chẽ và tình cảm chân thành, lòng biết ơn, trân quý đối với những cống hiến, hy sinh của thế hệ đi trước. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền địa phương nơi đóng quân, quan tâm, chăm lo bảo đảm tốt đời sống cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, nhất là những nơi còn nhiều khó khăn, gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa, căn cứ địa cách mạng, v.v. Sự tri ân tốt nhất với các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng chính là phải góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chăm lo xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở đó, các đơn vị tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo cơ sở quan trọng để có điều kiện vật chất, ủng hộ kinh phí hỗ trợ xây tặng “Nhà Tình nghĩa”, “Nhà Đồng đội”; tặng công cụ sản xuất, giống, vốn, sổ tiết kiệm,… cho các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; hỗ trợ tu sửa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ, gia đình có người bị thương, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, v.v. Chủ động rà soát, kịp thời phát hiện những nội dung vướng mắc, khó khăn, bất cập; những hình thức không còn phù hợp hoặc hiệu quả thấp để điều chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”.

Với trách nhiệm chính trị cao của cấp ủy, chỉ huy các cấp, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, người lao động, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, bảo đảm chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng, góp phần xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG, Chính ủy Tổng cục
__________________     

1 - Trong đó trích nộp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” về Bộ Quốc phòng trên 10,2 tỉ đồng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.