QPTD -Thứ Ba, 10/05/2011, 01:45 (GMT+7)
Tổng cục Biển và Hải đảo với nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Phát triển kinh tế ven biển, biển và hải đảo theo định hướng Chiến lược biển đến năm 2020. Xây dựng hợp lý hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị ven biển... Phát triển mạnh kinh tế đảo, khai thác hải sản xa bờ gắn với tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và giữ vững chủ quyền vùng biển quốc gia...”1. Với tinh thần đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã và đang nỗ lực phấn đấu cùng với cả nước thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này. 


Kỳ họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo Nhà nước về
Điều tra cơ bản
Tài nguyên-Môi trường biển (năm 2010)

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo, thực hiện các dịch vụ công theo quy định của pháp luật. Tổng cục có nhiệm vụ: xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về biển, hải đảo...; tham gia xây dựng chiến lược, chính sách về quốc phòng-an ninh (QP-AN), ngoại giao liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển và hải đảo; tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ tài nguyên và môi trường các vùng biển, ven biển và hải đảo;... Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, cùng với việc ổn định tổ chức bộ máy, Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.      


PGS, TSKH Nguyễn Văn Cư, Tổng cục trưởng trả lời phỏng vấn báo, đài tại Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, tổ chức tại Quảng Bình (năm 2010)
Việt Nam là một quốc gia biển ở khu vực Đông Nam Á, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển và có vị trí chiến lược về QP-AN. Song, công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của nước ta còn nhiều bất cập; các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về biển, hải đảo chưa đầy đủ; cơ chế điều phối, phối hợp trong khai thác và quản lý tài nguyên, môi trường biển chưa chặt chẽ, đồng bộ; nhận thức cộng đồng về biển, hải đảo còn hạn chế;... Xuất phát từ tình hình trên, Tổng cục Biển và Hải đảo đã triển khai toàn diện các mặt công tác; trong đó, tập trung trước hết vào việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về biển và hải đảo, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ cấp cơ sở đến trung ương. Đây là công tác trọng tâm, xuyên suốt mọi hoạt động của Tổng cục trong quá trình xây dựng và phát triển. Với nhận thức đó, ngay sau ngày thành lập (27-8-2008), Tổng cục Biển và Hải đảo đã cụ thể hóa các chức năng, nhiệm vụ của mình, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 ”của Chính phủ và Chương trình công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến nay, Tổng cục đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật, đang xây dựng 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, phù hợp với thực tiễn và đúng với quan điểm, đường lối của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) và phù hợp với luật pháp quốc tế. Thông qua đó, nhằm tạo động lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo; tăng cường tiềm lực QP-AN, ngoại giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển và hải đảo. Bên cạnh đó, Tổng cục còn tập trung rà soát gần 300 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển, đảo; tham gia góp ý cho các bộ, ngành và các địa phương xây dựng nhiều văn bản về quy hoạch, khai thác, sử dụng biển, đảo; nghiên cứu pháp luật quốc tế, pháp luật trong nước liên quan đến quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, làm cơ sở xây dựng Dự thảo "Luật Tài nguyên và Môi trường biển, hải đảo"; tham gia hoàn thiện Dự thảo "Luật Biển Việt Nam" để Chính phủ trình Quốc hội trong thời gian tới.

Quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) đã xác định: "Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giầu từ biển...”2 vào chức năng, nhiệm vụ của mình, Tổng cục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên-môi trường biển. Qua đó,nhằm phục vụ tốt công tác nghiên cứu, quy hoạch, phát triển các ngành kinh tế biển mũi nhọn (cảng biển, giao thông hàng hải; khai thác khoáng sản; đánh bắt, nuôi trồng thủy sản...) và tăng cường QP-AN. Ngay từ năm 2008, Tổng cục đã chỉ đạo việc rà soát tổng thể các dự án của Đề án “Điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên-môi trường biển đến năm 2020”; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điều tra cơ bản, như: Đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển thuộc Dự án Thành lập hệ thống bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1/50.000 vùng lãnh hải và tỷ lệ 1/10.000 các khu vực cửa sông, cảng biển quan trọng, phục vụ nhiệm vụ quản lý biển, phát triển kinh tế ven biển của các bộ, ngành, địa phương ven biển; dự án Tăng cường năng lực Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên-môi trường biển; Điều tra địa chất-khoáng sản vùng biển nông ven bờ; Điều tra, đánh giá triển vọng tìm kiếm băng cháy (hydrat metan) ở vùng biển Việt Nam… 


Đoàn cán bộ Bộ TN và MT và các ban,ngành Trung ương thăm và làm việc tại Thành phố Hải Phòng

Về công tác hợp tác quốc tế. Với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý tổng hợp các dự án thuộc Đề án “Hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020”, Tổng cục đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành hữu quan, hoàn thiện, chỉnh sửa 5 đề án nhánh do Tổng cục chủ trì; đồng thời, ký kết các bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác quản lý biển và hải đảo với các đối tác quốc tế, như: Cơ quan quốc tế Nhật Bản (JICA); Viện Hải dương học Thái Bình Dương thuộc Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Liên bang Nga; Cơ quan Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc; Cơ quan Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ; Tổ chức Điều phối các nước biển Đông Á (COBSEA); Chương trình đối tác quản lý môi trường các biển Đông Á.... Ngoài ra, Tổng cục còn tích cực tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực về biển; phối hợp với các tổ chức quốc tế và bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn tại Việt Nam, như: Hội thảo góp ý hoàn thiện “Hướng dẫn quốc tế về quy hoạch không gian biển” với IOC-UNESCO; Hội thảo “Quản lý biển và vấn đề biến đổi khí hậu” với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam… Đặc biệt, với tư cách là nước chủ nhà, Tổng cục đã tham mưu giúp Bộ phối hợp với các ngành chức năng, Văn phòng Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức thành công Cuộc họp liên Chính phủ lần thứ 20 của COBSEA... Thông qua các hoạt động đó, công tác đối ngoại của Tổng cục được mở rộng, bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, cung cấp kịp thời, chính xác thông tin cơ bản về các sự kiện liên quan đến biên giới, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển cho các đối tác quốc tế; làm sáng rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta, phản bác các luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần tích cực vào việc ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên các địa bàn ven biển, biển và hải đảo của Tổ quốc.

Công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục, nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho toàn dân bảo vệ chủ quyền quốc gia và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên-môi trường biển, chấp hành pháp luật Việt Nam và quốc tế về biển và hải đảo. Hiện nay, Tổng cục đang triển khai thực hiện Chiến lược tuyên truyền về biển, đảo. Trong đó, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức cuộc thi Tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam; hỗ trợ Hội sinh viên Việt Nam tổ chức cuộc thi “Sinh viên với biển Việt Nam”, biên soạn tài liệu “Hỏi đáp về biển, đảo Việt Nam”; thiết kế và in ấn, phát hành tài liệu tuyên truyền về biển và hải đảo; phối hợp với các cơ quan báo chí, nhất là Báo Tài nguyên và Môi trường, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Đài Tiếng nói Việt Nam..., tuyên truyền thường xuyên về biển, đảo. Hằng năm, kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới (ngày 8 tháng 6), Tổng cục đã chủ động phối hợp với các địa phương và ban, ngành liên quan tổ chức thành công các hoạt động tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam bằng nhiều hình thức, như: tổ chức các cuộc hội thảo, tổ chức toạ đàm theo chủ đề; diễn đàn thương hiệu biển, đảo Việt Nam; Festival biển, đảo Việt Nam... Điều đáng nói, từ năm 2009, vấn đề quản lý nhà nước về biển và hải đảo đã được đưa vào chương trình giảng dạy cho chuyên viên cao cấp của Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Cùng với đó, Tổng cục Biển và Hải đảo luôn coi trọng việc dịch và xuất bản các tài liệu về quản lý biển và đại dương của các nước và tổ chức quốc tế, phục vụ công tác chuyên ngành. Tổng cục đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quản lý và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam” và đã hoàn thành thẩm định 6 dự án thuộc đề án này.

Công tác quốc phòng, quân sự (QP, QS) luôn được Tổng cục coi trọng, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của Bộ Quốc phòng về QP-AN, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị định số 119/2004/NĐ-CP và Chỉ thị số 36/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục đã thường xuyên xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn toàn Ngành thực hiện nhiệm vụ QP, QS. Trong đó, tập trung củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Quân sự các cấp; đẩy mạnh xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng dự bị động viên, triển khai công tác giáo dục QP-AN theo đúng quy định và hướng dẫn của cơ quan quân sự địa phương và phù hợp với đặc điểm của Tổng cục... Nhờ đó, nhận thức và ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên trong Tổng cục về công tác này được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các đơn vị và địa bàn.

Phát huy thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, trong thời gian tới, Tổng cục tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

1- Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức về đường lối của Đảng, chính sách Nhà nước về phát triển kinh tế biển, đảo bền vững, gắn với tăng cường QP-AN, đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; tổ chức kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo của cơ quan Tổng cục, các đơn vị thành viên, xây dựng Đảng bộ Tổng cục trong sạch vững mạnh, Tổng cục vững mạnh toàn diện.

2- Bám sát nhiệm vụ, thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp Bộ về công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo; triển khai toàn diện công tác, về biển và hải đảo; triển khai toàn diện công tác, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển và hải đảo theo hướng xác lập cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về tài nguyên và môi trường biển, đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trước mắt, tập trung xây dựng và trình Chính phủ Luật Tài nguyên và Môi trường biển và hải đảo; xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ; xây dựng, bổ sung, sửa chữa và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đấu giá, cho thuê quyền sử dụng không gian biển, hải đảo; cơ chế thu phí cấp phép xả thải ra biển; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về biển, hải đảo...

3- Đẩy mạnh tiến độ thực hiện và bảo đảm chất lượng các đề án, dự án, chương trình, đề tài khoa học-công nghệ trọng điểm; tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoa học-công nghệ biển, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực, nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và đào tạo cán bộ khoa học-công nghệ và quản lý biển, đảo, góp phần tích cực phát triển kinh tế biển, đảo tăng cường tiềm lực QP-AN.

4- Tập trung kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy Quân sự các cấp; xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng dự bị động viên bảo đảm số lượng, chất lượng theo đúng luật và pháp lệnh; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan, đặc biệt là với Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng kiểm tra, giám sát tài nguyên-môi trường biển; điều tra, quy hoạch, quản lý gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

NGUYỄN ĐĂNG ĐẠO

Phó Tổng cục trưởng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS Tổng cục

         

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 203.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCH TƯ  khóa X, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 76.

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.